Trường vùng cao gỡ khó với Chương trình mới lớp 10
Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10 có nhiều điểm mới và khó. Đây cũng là trở ngại với học sinh vùng cao huyện Mường Tè (Lai Châu).
Học sinh vùng cao Mường Tè gặp khó với Chương trình GDPT mới.
Học sinh gặp khó
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở bậc THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Năm học 2022 – 2023, Chương trình GDPT mới áp dụng đối với lớp 10 và cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11, 12.
Theo đó, học sinh sẽ có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
5 môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học. Cụ thể, nhóm môn Khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn Khoa học tự nhiên, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật gồm: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Chương trình GDPT lớp 10 được đánh giá là mới cả về nội dung lẫn hình thức học. Việc học thế nào cho phù hợp với chương trình mới luôn là nỗi băn khoăn của không ít học sinh lớp 10 và phụ huynh.
Năm học này, trường THPT huyện Mường Tè có 13 lớp với 519 học sinh. Trong đó, có 231 học sinh lớp 10. Để chủ động bắt nhịp với chương trình GDPT mới, ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và thông báo đến toàn thể học sinh, đăng ký nguyện vọng vào các lớp. Cùng với đó, toàn bộ giáo viên nhà trường đã được tập huấn về chương trình, SGK và phương pháp giảng dạy mới.
Tiết học của cô trò lớp 10A1, trường THPT huyện Mường Tè.
Sau hơn 2 tháng triển khai với phương pháp giảng dạy mới, nhiều học sinh nhà trường cho rằng lượng kiến thức của chương trình mới nặng và khó.
Em Vũ Hà Anh, học sinh lớp 10A1 chia sẻ: “Em cảm thấy khó khi học theo chương trình mới. Nhất là với việc học sinh tự tìm hiểu kiến thức ở nhà, lên lớp giáo viên chỉ cần chốt lại kiến thức trọng tâm. Nhiều kiến thức bọn em chưa được tìm hiểu nên rất khó khăn trong việc xác định đâu là trọng tâm của bài”.
“Em thấy chương trình mới khó so với bản thân và các bạn ở đây vì lượng kiến thức mới tương đối nhiều. Trong khi đó, đa số học lực của các bạn trong lớp đều ở mức trung bình. Em cũng cảm thấy lo lắng cho việc thi đại học sau này khi mà mình phải đổi mới phương pháp tiếp cận kiến thức” – em Ngô Ngọc Diệp, học sinh lớp 10A1 nói.
Video đang HOT
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Bính, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Qua khảo sát ý kiến của học sinh, đa số các em đều cho rằng lượng kiến thức khó so với trình độ của bản thân. Điều đó là do các em bị hổng kiến thức ở lớp dưới. Cùng với đó, học sinh vẫn có thói quen nắm bắt kiến thức theo phương pháp truyền thụ. Chính vì vậy, khi thay đổi phương pháp mới, các em phải chủ động nắm bắt kiến thức nên việc thay đổi đang gặp khó”.
Theo thầy Bính, đối với chương trình cũ có phân ra đối tượng vùng miền, lựa chọn các kiến thức phù hợp để giảng dạy cho từng học sinh. Tuy nhiên, chương trình mới đang truyền tải lượng kiến thức lớn nên nhiều em chưa bắt nhịp được với
Tập trung gỡ khó
Trước những khó khăn gặp phải, trường THPT huyện Mường Tè đã tập trung các giải pháp gỡ khó. Theo thầy Nguyễn Xuân Bính, để đạt được hiệu quả, nhà trường vẫn kết hợp giữa 2 phương pháp giảng dạy cũ và mới. Kết hợp giữa việc học sinh tự tìm hiểu kiến thức với thầy cô giảng dạy để các em nắm được kiến thức trọng tâm của chương trình.
“Đối với đội ngũ, nhà trường tăng cường bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ. Khuyến khích phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, công tác. Bên cạnh đó, đa dạng các hình thức tập huấn, quan tâm đến giao lưu học tập kinh nghiệm, tổ chức hội thảo chuyên đề để truyền đạt ý tưởng, tạo động lực để giáo viên thổi hồn vào bài giảng một cách thiết thực và hiệu quả hơn” – thầy Bính cho biết.
Cũng theo thầy Bính, hiện nhà trường còn thiếu 8 giáo viên. Trong đó, nhà trường chỉ có 1 giáo viên thể dục dạy 13 lớp.
“Mỗi tuần giáo viên thể dục dạy thừa 9 tiết. Tuy nhiên, chúng tôi đã phân phối để giáo viên giảng dạy không quá 30 tiết mỗi tháng. Đồng thời, tham mưu bổ sung biên chế đối với những môn học còn thiếu. Đặc biệt là các môn học theo Chương trình GDPT mới” – thầy Bính nói.
Trường phổ thông DTNT huyện Mường Tè hiện có 85 học sinh lớp 10 và chia làm 2 lớp. Theo đó, lớp 10A1 lựa chọn tổ hợp Hóa, Lý, Tin, Sinh; lớp 10A2 chọn tổ hợp Giáo dục kinh tế và pháp luật, Địa, Công nghệ, Tin.
Học sinh trường phổ thông DTNT huyện Mường Tè tham gia hoạt động trải nghiệm.
Thầy Tống Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bên cạnh việc cho các em chọn lớp theo sở trường, nguyện vọng, nhà trường đã chú trọng tổ chức hoạt động giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh. Thông qua hoạt động này, giáo viên sẽ giúp học sinh hình thành được những phẩm chất và năng lực, chuẩn bị tâm thế để bước vào cuộc sống sau này”.
Theo thầy Đức, việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp sẽ giúp học sinh có hiểu biết, chọn đúng nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh các hoạt động học tập, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí… Mục đích nhằm giúp học sinh sảng khoái tinh thần, minh mẫn học tập, mở mang trí tuệ, phát triển thể chất, giáo dục thẩm mĩ, phát triển nhân cách.
Trao đổi về phương pháp học hiệu quả cùng chương trình mới, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Toán của trường phổ thông DTNT huyện Mường Tè chia sẻ: “Chương trình GDPT mới theo hướng khuyến khích học sinh tự học, tự trải nghiệm. Những phần mở rộng, gắn với thực tiễn để học sinh tự tìm hiểu. Thông qua cách học mới, học sinh sẽ ứng dụng những kiến đã tìm hiểu vào thực tiễn nên sẽ giúp các em cuốn hút vào bài học”.
“Thời gian tới, nhà trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung Chương trình, SGK mới và việc lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực, thực tế của trường. Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp quản lý giáo dục, sự đồng hành của phụ huynh thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, tích cực” – thầy Tống Minh Đức chia sẻ.
Thầy chủ động, trò hào hứng với Chương trình mới
Chương trình GD phổ thông mới giúp học sinh hoàn thành môn học vượt trội, đồng thời giúp các em phát triển các năng lực, phẩm chất và tự tin hơn...
Giờ học tại Trường TH Giấy Bãi Bằng
Phát huy kinh nghiệm
Năm học 2022-2023 toàn tỉnh Phú Thọ 892 cơ sở giáo dục với hơn 383.300 học sinh. Cùng với cả nước, Chương trình GDPT mới 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ áp dụng cho bậc tiểu học từ năm học 2019 - 2020, áp dụng cho bậc THCS từ năm học 2020 - 2021 và bậc THPT từ năm học này.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Phú Thọ, từ kinh nghiệm thực hiện Chương trình GDPT mới ở 2 năm học trước nên ở năm học này, các thầy cô giáo đã linh hoạt, chủ động hơn trong việc khai thác, sử dụng thông tin, ngữ liệu từ sách giáo khoa và các tài liệu khác để phù hợp với bài học.
Giờ học của cô và trò Trường THCS Chu Hóa (TP Việt Trì, Phú Thọ).
Tại Trường THCS Chu Hóa (TP Việt Trì, Phú Thọ), cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để chuẩn bị tốt cho việc dạy và học theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã tổ chức cho 100% giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT.
Đồng thời, rà soát lại các thiết bị dạy theo danh mục, cho mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, mua sách giáo khoa lớp 6,7 theo Chương trình GDPT 2018, sửa chữa bảo dưỡng những thiết bị hỏng, xuống cấp. Phân công chuyên môn, giáo viên dạy CT GDPT 2018 với lớp 6,7 phải là những giáo viên đã được tập huấn về Chương trình GDPT mới.
"Kinh nghiệm của nhà trường trong thực hiện Chương trình GDPT mới là tăng cường lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; các hoạt động vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên môn; tăng cường sinh hoạt chuyên môn lấy học sinh làm trung tâm và tổ chức chuyên đề, hội thảo chuyên môn cấp thành phố, trường, cụm trường; Triển khai thực hiện, tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, chú trọng giáo dục STEM"- Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết thêm.
Cùng với sự chủ động của Ban giám hiệu nhà trường và thầy cô, học sinh tại Trường THCS Chu Hóa cũng sẵn sàng và hào hứng đối với Chương trình GDPT mới. Em Hà Thảo Vân - Học sinh lớp 7A1, chia sẻ: Em rất hào hứng với phương pháp học tập mới, từ sự hướng dẫn, gợi mở của thầy cô giáo qua những câu hỏi thú vị.
Sách giáo khoa mới có nhiều kiến thức, chủ đề mới để em học hỏi; tuy nhiên, em đã được học và làm quen với Chương trình GDPT mới 2018 từ năm lớp 6, nên lên lớp 7 em có sự nối tiếp, không bỡ ngỡ với phương pháp dạy học mới, em đã bắt nhịp với chương trình mới. Để chủ động trong việc nắm bắt kiến thức mới, tăng cường sự tương tác với các thầy cô giáo và các bạn, em thường đọc và tìm hiểu kỹ những bài học mới trước khi đến lớp, nên hiệu quả học tập của em được cải thiện hơn.
Bảo đảm các điều kiện để triển khai chương trình
Nhằm thực hiện tốt Chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã cụ thể hóa các hướng dẫn chuyên môn để phù hợp với điều kiện của địa phương và chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Với cách làm trên, các nhà trường đã được chủ động, linh hoạt và thuận lợi trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học từng môn học phù hợp với các giai đoạn phòng, chống dịch.
Em Hà Thảo Vân - Học sinh lớp 7A1 Trường THCS Chu Hóa chia sẻ về CT GDPT mới.
Trước khi bước vào năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên hiện có; xây dựng kế hoạch phân công giáo viên dạy lớp 3, 7, 10; ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực, nhiệt tình, năng động và có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin để giảng dạy Chương trình GDPT 2018.
Sau khi tổ chức rà soát, thống kê, UBND các huyện, thành phố tuyển dụng, điều động, biệt phái cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo đủ số lượng và chủng loại để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đến nay, về cơ bản đã bố trí đủ đội ngũ để dạy các môn học thuộc Chương trình GDPT 2018. Việc phân công giáo viên cũng tính đến mục tiêu dài hạn những năm tiếp theo.
Cùng với chuẩn bị đội ngũ, các nhà trường rà soát, thống kê, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học; đầu tư sửa chữa và xây mới phòng học, phòng bộ môn. Huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục, đề nghị hỗ trợ để đảm bảo mỗi trường và điểm trường có một phòng máy, qua đó tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là phụ huynh học sinh trong thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh việc mua sắm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, các đơn vị đã chú trọng thực hiện phong trào tự làm đồ dùng thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Hoạt động giáo dục của Trường TH Giấy Bãi Bằng (huyện Phù Ninh, Phú Thọ).
Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình GDPT mới trong năm học này và những năm tiếp theo, lãnh đạo Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, Sở đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cho phép tuyển dụng số giáo viên còn thiếu, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên môn học mới của các cấp học.
Đồng thời, cùng với UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo phù hợp, cân đối giữa các trường; tranh thủ nguồn lực từ đề án, kế hoạch, chương trình mục tiêu... của Trung ương, địa phương và tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất trường học, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT mới.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) Nguyễn Thị Kim Liên cho biết: Thời gian đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, giáo viên nhà trường có những bỡ ngỡ, cha mẹ học sinh cũng có đôi chút lo lắng, song sau đó giáo viên và học sinh đã nhanh chóng bắt nhịp.
Sau 2 năm học, mặt bằng chất lượng học sinh lớp 1, 2 năm nay của nhà trường nâng lên so với những năm trước. Đáng chú ý, học sinh tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Nội dung các bài học trong sách giáo khoa mới đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa, bài tập thực hành.
Giữ 'lửa nghề' Chọn nghề giáo và quyết tâm ở lại nơi vùng cao biên giới, hải đảo mỗi giáo viên đều mang trong mình nhiệt huyết, cống hiến. Cô Bùi Thị Minh Khuyên trải qua hầu hết các điểm trường lẻ khó khăn của Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NVCC Nỗ lực của họ đã giúp con chữ nảy...