Trường vùng cao giữ hơi ấm trong những ngày “siêu” rét
Đối với các trường vùng cao, khi không khí lạnh tăng cường, trời chuyển rét đậm rét hại cũng là lúc công tác phòng, chống rét, chăm lo đời sống, sinh hoạt, học tập cho học sinh (HS) được quan tâm đặc biệt.
Tăng cường giữ nhiệt những bữa cơm HS bán trú.
Nỗ lực vượt khó
Thầy Đỗ Văn Long – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Xín Cái (huyện Mèo Vạc – Hà Giang) cho biết: Trường cách trung tâm xã Xín Cái 16km, không thuộc vùng có khí hậu lạnh nhất huyện Mèo Vạc song mùa đông năm nào GV, HS cũng chịu ảnh hưởng hàng chục đợt rét đậm dưới 10 độ.
Ngày 30/12, nhiệt độ ban ngày ghi nhận 10-12 độ. Vào 31/12, ngày cuối cùng trong năm 2020 được dự báo nhiệt độ xuống sâu thêm 3-5 độ. Do đó, dù khó khăn về cơ sở vật chất song nhà trường xác định phải làm tốt công tác phòng chống rét để duy trì sĩ số và ổn định chất lượng giáo dục.
Nhà trường đã yêu cầu GV tuyệt đối không triển khai các hoạt động giáo dục ngoài trời, buổi tối HS được mang sách vở về phòng học ôn thay vì học tập trung tại phòng học tập thể. Đặc biệt, nhà trường đã phát tăng cường quần áo rét của các đoàn tài trợ ủng hộ HS đảm bảo mặc ấm.
Thầy Đỗ Văn Long thông tin: Bắt đầu bước vào mùa đông, BGH đã yêu cầu bộ phận nấu bếp tăng cường giữ nhiệt bữa ăn bán trú. Khi HS ngồi vào bàn ăn mới bắt đầu chia cơm canh, thức ăn ra bát HS. Trong các phòng bán trú, giường HS đã kê sát gần nhau để HS nằm sát nhau, đảm bảo đảm giữ nhiệt.
HS trường PTDTBT TH Xín Cái (huyện Mèo Vạc – Hà Giang) học tập trong các lớp học kín gió.
Tuy vậy, thầy Đỗ Văn Long còn trăn trở khi toàn trường có 809 HS (96% dân tộc Mông), hơn 300 HS bán trú nhưng chỉ có 2 bình nóng lạnh để đảm bảo nước ấm cho các hoạt động vệ sinh hàng ngày. Mặt khác, chăn đệm giữ ấm dù hiện tại còn đủ nhưng chất lượng đã xuống cấp chỉ có thể dùng hết vụ rét năm nay. Để sắm mới cho HS, nhà trường chủ yếu trông chờ vào hỗ trợ của các đoàn từ thiện.
Cô Hoàng Thị Chinh – Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt Chu – xã Thống Nhất (huyện Hạ Lang – Cao Bằng) cũng chia sẻ: Thời tiết ngày 30/12 tại Hạ Lang đã xuống dưới 10 độ nhưng HS duy trì ở mức 98%. Các cô giáo đang triển khai mọi biện pháp giữ ấm cho trẻ như: Lùi thời gian đưa đón trẻ từ 15-30 phút hàng ngày. Có nước ấm đảm bảo vệ sinh cho trẻ khi cần. Tiếp tục khảo sát, đóng và che kín các khe cửa lớp học để tránh cho trẻ khỏi bị gió lùa…
“Dự báo thời tiết rong vài ngày tới nhiệt độ giảm mạnh, Hạ Lang về đêm có thể còn 1-2 độ, sáng tăng 5-6 độ và cao nhất 8-9 độ. Như vậy với trẻ MN sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ, trong khi đó 107 HS từ 3-5 tuổi nếu tới trường vẫn sinh hoạt trong các phòng học chưa có lò sưởi, ngủ trên nền xốp, đắp chăn, không có đệm. 100% lớp phòng lớp học không có nhà vệ sinh khép kín…”- Cô Chinh cho biết.
Nhiều trường học tại các huyện vùng cao Lào Cai đã đảm bảo được nước nóng trong sinh hoạt cho HS
Tăng cường cơ sở vật chất phòng chống rét
Thầy Vi Hoài Thanh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH &THCS A Mú Sung huyện Bát Xát – Lào Cai cho biết: Để đối phó với những đợt rét đậm từ đầu mùa lạnh, nhà trường đã chuẩn bị chu đáo từ khâu tuyên truyền PHHS chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn mũ ấm cho HS khi đến trường.
Đối với các bữa ăn bán trú, nhà bếp sẽ tính toán để tăng dinh dưỡng hợp lý nhất theo từng bữa trong ngày. Ngoài nguồn rau xanh tự trồng nhà trường tăng cường nguồn tài trợ vào các bữa ăn cho HS để đảm bảo đầy đủ cả lượng và chất, các món ăn đa dạng hợp khẩu vị.
Video đang HOT
Thầy Vi Hoài Thanh chia sẻ: Trường vừa đầu tư gần 2 triệu để mua mới 40 âu đựng cơm canh giữ nhiệt cho HS. Hệ thống ủ nước nóng 5 khối có kinh phí đầu tư ban đầu hơn 20 triệu cũng chính thức đưa vào sử dụng để đảm bảo cho HS bán trú có nước nóng để tắm, đánh răng, rửa mặt 24/24h hàng ngày.
HS được học tập buổi tối ngay tại phòng ở
“Công tác phòng chống rét cho gần 300 HS bán trú (từ lớp 3-9)/553 HS toàn trường tại điểm trường chính và 8 điểm trưởng lẻ đã cơ bản hoàn tất và có sự yên tâm nhất định. Các lớp học đều đóng, che kín gió, bên trong đảm bảo ánh sáng học tập. Với HS ở điểm lẻ, nếu không về trưa nhà trường cũng đảm bảo được chăn đệm cho các em ngủ trưa tại lớp…” – Thầy Vi Hoài Thanh thông tin.
Ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà (Lào Cai) cũng cho biết: Các biện pháp tăng cường phòng chống rét đảm bảo sức khỏe HS, tỉ lệ chuyên cần hàng ngày… đã được phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học.
Hàng loạt giải pháp được đưa ra như: Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung HS ngoài trời. Tích cực tuyên truyền cho PH, HS phòng chống rét, biết giữ ấm cơ thể, đảm bảo vệ sinh cá nhân…
Phòng GD&ĐT vừa đầu tư kinh phí mua thiết bị giữ nhiệt bữa ăn cho hầu hết các trường trong huyện.
Phòng cũng chỉ đạo các nhà trường theo dõi và căn cứ tình hình thực tế khi có rét đậm, rét hại trên địa bàn sẽ nhanh chóng thông báo tới PHS và cho HS nghỉ học theo quy định. Sau khi thời tiết ấm trở lại sẽ tổ chức dạy, học đúng kế hoạch…
Thầy Dương Xuân Chính – Hiệu trưởng Trường TH Sa Pa (huyện Sa Pa – Lào Cai) nơi có nhiệt độ lạnh nhất Lào Cai cho biết: Trường có 1229 HS (trong đó 98 HS bán trú). Ở đợt lạnh tuần trước, nhà trường phải cho HS nghỉ học một hôm vì dưới 6 độ.
Ngành giáo dục Bắc Hà (Lào Cai) đã đầu tư mua sắm bình ủ giữ nhiệt cơm cho các trường học.
Ngày 30/12, sáng và chiều có mưa phùn, nhiệt độ ở mức 8-9 độ nhưng tỉ lệ chuyên cần của HS vẫn duy trì 98%. Trong lớp GV phải tổ chức nhiều hoạt động khởi động để giữ ấm cho HS. Ngoài ra các lớp học đều có lò sưởi điện.
Nhà trường đang theo dõi sát diễn biến thời tiết các ngày tiếp theo, nếu nhiệt độ tiếp tục giảm trước khi đợt rét kỷ lục tràn về công tác phòng, chống rét đã được các trường triển khai sớm, chủ động, có sự đầu tư tăng cường về cơ sở vật chất… để hạn chế tối đa ảnh hưởng của giá rét tới sức khỏe và việc học tập của GV và HS.
Chuyện ghi ở lớp học giữa đỉnh trời gió hú
Vào mùa gió, tiếng rít của gió liên hồi, đập vào vách gỗ, xé toang bạt... Mỗi năm nhà trường, thầy cô phải thay bạt một lần để có lớp học kín gió
Tiếng gió rít những ngày cuối năm, điểm trường Sín Chải B chìm trong sương trắng. Giữa trưa tầm nhìn của thầy trò chúng tôi gần như chỉ chưa đầy 3m.
Nằm ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, thầy và trò các điểm trường ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè (Lai Châu) đang nỗ lực bám trường, bám lớp với mong ước vươn tới một tương lai tươi sáng hơn. Bản Sín Chải B có 100% đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống
Bản Sín Chải B có gần 40 hộ với gần 220 nhân khẩu. Cũng giống như người La Hủ ở những nơi khác của Lai Châu, bà con La Hủ ở đây từng được biết đến là dân tộc "lá vàng" với phận đời lang thang "du mục".
Họ đã từng có một quá khứ dài lay lắt cùng cái đói. Họ sống rải rác thành từng nhóm nhỏ giữa đại ngàn, cuộc sống quanh năm chỉ biết săn bắn, hái lượm.
Bà con tuy có làm nương, rẫy, nhưng do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên nên cái đói luôn đeo bám như một nỗi ám ảnh.
Có một thời họ bị coi là bộ tộc "lá vàng" sống lang thang nay đây mai đó trên khắp các triền núi.
Cuộc sống lay lắt với cái đói triền miên, trẻ em không biết đến sự học hành... Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, người La Hủ đã rời bỏ rừng sâu về đỉnh Sín Chải để lập bản, ổn định cuộc sống.
Người dân cũng bắt đầu biết trồng màu, lúa nước và thảo quả để thay đổi cuộc sống... Trường lớp cũng được dựng lên.
Điểm trường Sín Chải B trong sương mù cuối năm, gió giật liên hồi những ngày cuối năm khiến biển trường cũng tan nát dù thay nhiều lần.
Từ ngôi trường mới, các thầy cô giáo cũng chẳng quản ngại đường xa, vượt núi, trèo non mang cái chữ về cho các em nơi đỉnh trời Sín Chải này.
Dẫn chúng tôi dạo quanh điểm trường Sín Chải B, thầy Nguyễn Văn Tình, Hiệu phó trường Phổ thông dân tộc bán trú Pa Vệ Sử giới thiệu: "Điểm trường Sín Chải B của nhà trường được xây dựng từ những năm 1999 - 2000. Với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên Phòng. Đến nay đã bị xuống cấp".
Từ ngày có trường, bà con La Hủ cũng đã ổn định hơn, đời sống khấm khá hơn. Nhưng trường thì chưa có điều kiện nâng cấp.
Thầy Nguyễn Văn Tình giới thiệu về lớp học ken bạt, mỗi năm trường phải thay bạt một lần để lớp học được kín gió.
Chỉ vào vách tường ghép bạt, thầy Tình bảo: "Mỗi năm trường lại phải thay bạt một lần. Gió luồn qua kẽ vách, rít liên hồi. Nếu không có bạt vách ngăn các cháu không thể học được. Ở Sín Chải vào mùa lạnh, những ngày băng giá phủ trắng cả quả đồi không hiếm".
Ngồi trong lớp họp, tiếng gió rít qua kẽ gỗ, giật liên hồi vào tấm bạt phủ lên bức tường gỗ đóng tạm.
Phụ trách điểm trường là 2 thầy giáo, thầy Mào Văn Nội và thầy giáo Lường Văn Biên, 2 thầy giáo người dân tộc Thái.
Thầy Mào Văn Nội mới chuyển từ bản Chà Gá sang còn thầy Mào Văn Nội có thâm niên 5 năm tại Sín Chải B.
Nhà các thầy đều ở xã Bum Nưa của huyện Mường Tè. Hàng tuần các thầy vẫn đi đi về về để mang lương thực từ phía xã lên để sinh hoạt hàng ngày.
Trên đường, chúng tôi gặp thầy Lường Văn Biên đang hỏi cậu học trò nhỏ không áo lạnh, lang thang giữa trưa mù sương.
Thầy Biên kể, em đó là Pờ Phà Chi, mồ côi cha, đang ở với bố mẹ nuôi, năm trước bị sốt, gia đình đưa đi bệnh viện muộn nên khi khỏi ốm, em bị mất hết trí nhớ, cứ lang thang.
Học hành sa sút, sức khỏe của Chi ngày một kém đi. Các thầy cũng hết sức cố gắng, động viên nhưng không biết làm sao cả. Các thầy ở Sín Chải B đang cố gắng xin thêm chế độ cho em.
Trên Sín Chải mù sương, có những lúc giữa giờ học, có nắng, các thầy phải tranh thủ cho học sinh ra sưởi nắng, trước khi vào lớp học tiếp.
Kể ra khó khăn của những năm trước thì nhiều lắm, vô vàn. Nhưng điều các thầy lo lắng nhất vẫn là sức khỏe của học sinh. Mùa lạnh, các em rất dễ bị ốm trên đường đi học và đi học về.
Thầy Biên bảo, những năm gần đây mọi thứ cũng đã tốt hơn nhưng thầy trò ở Sín Chải B vẫn mong có một lớp học kín gió để các em học đỡ lạnh. Trên đường đến lớp, về nhà mà các em không bị lạnh, bị ốm, đến lớp đầy đủ là các thầy vui rồi.
Đất trời Pa Vệ Sử nhìn từ điểm Sín Chải B.
Lớp học của thầy giáo Lường Văn Biên.
Lớp của thầy giáo Mào Văn Nội.
Một góc thư viện ở Sín Chải B.
Góc sân nhìn ra từ Sín Chải B.
Thầy Lường Văn Biên dẫn Pờ Phà Chi về nhà. Sau một tuần gió lạnh về, Pờ Phà Chi đã không đứng được dậy.
Một ngày băng giá ở Sín Chải B.
Khi có nắng các thầy tranh thủ cho học sinh sang chơi ké mầm non.
Nhiều khó khăn trong xây dựng trường chuẩn ở các huyện miền núi Mục tiêu của xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong chất lượng giáo dục. Chính vì thế, nhiều năm qua, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế địa phương cũng như công tác huy động các nguồn lực còn hạn chế... khiến...