Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội giải trình vụ ghép lớp, hứa sẽ chấn chỉnh
Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội nghiêm túc nhận trách nhiệm và xin rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, tư vấn tuyển sinh và chương trình đào tạo.
Trong thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết: Điều tra lò ấp giáo viên “siêu tốc” tại trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội.
Nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ liên quan đến vấn đề mua bán bằng cấp mà còn làm méo mó, biến dạng ngành sư phạm vốn được Nhà nước và xã hội quan tâm đầu tư, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận và phản ánh những thông tin khách quan, đa chiều đem đến cái nhìn tương đối rõ ràng cho độc giả.
Ngày 9/9/2020, Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội có văn bản số 57/TCTH-TCHC: Giải trình về công tác đào tạo giáo viên mầm non năm học 2019-2020.
Văn bản số 57/TCTH-TCHC nêu rõ: Thông qua sự việc này, nhà trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý và hợp tác với các trung tâm,quán triệt đến các cán bộ, cộng tác viên và giáo viên toàn trường về cách phát ngôn, tư vấn tuyển sinh đảm bảo đúng quy chế tuyển sinh và pháp luật hiện hành.
Nội dung công văn giải trình của Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội:
Ngày 7,8,9/9/2020 Báo Giáo dục Việt Nam có đăng loạt bài về vấn đề học nhanh, học ghép lớp để có bằng trung cấp mầm non tại trường trung cấp Tổng hợp Hà Nội. Về nội dung trên nhà trường xin được làm sáng rõ một số nội dung về công tác đào tạo của nhà trường đối với ngành học này như sau :
Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 4206/QĐ-UB ngày 11/10/1999 của UBND TP. Hà Nội.
Địa chỉ Trụ sở chính: Phố Ngọc Trì, tổ 9, P Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội
Địa điểm đào tạo: tầng 2 tòa nhà HH03E, Khu đô thị Thanh Hà, Hà Đông, HN
Trường được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào tạo ngành Sư phạm Mầm non trình độ trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy từ năm 2010 (Tại công văn số 8201/BGDĐT- GDCN ngày 06/12/2010 của Bộ giáo dục và đào tạo).
Ngày 03/04/2014 tại công văn số 4995/SGD&ĐT-GDCN, Sở giáo dục & đào tạo cho phép trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội được đào tạo cấp văn bằng 2 TCCN ngành Sư phạm Mầm non hệ chính quy cho học sinh đã tốt nghiệp trung cấp trở lên của các ngành đào tạo khác (đào tạo 01 năm cấp bằng trung cấp chính quy).
Như vậy, về mặt pháp lý trường trung cấp Tổng hợp Hà Nội đào tạo trung cấp sư phạm mầm non hệ chính quy văn bằng 1 và văn bằng 2 là đúng theo quy định của Bộ và Sở giáo dục đào tạo TP. Hà Nội;
Về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với Bộ giáo dục và đào tạo: tính đến tháng 06 năm 2018, nhà trường có 83 giáo viên cơ hữu đào tạo ngành sư phạm mầm non (trong dó có 36 giáo viên cơ hữu môn chung và 47 giáo viên cơ hữu chuyên ngành); cơ sở vật chất của nhà trường tại 02 địa điểm khang trang, sạch sẽ đảm bảo cảnh quan môi trường sư phạm đáp ứng cho lưu lượng học sinh 500 đến 700 học sinh mỗi năm.
Từ năm 2017 công tác tuyển sinh của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, không tuyển đủ chỉ tiêu; do vậy sang năm 2018, nhà trường đã quyết định thành lập thêm trung tâm hợp tác tuyển sinh, đào tạo Hà Nội 2 do bà Ngô Thị Hồng Nhung làm giám đốc. Văn phòng làm việc đặt tại Trường đào tạo cán bộ Hội nông dân Việt Nam – địa chỉ: phố Dương Khuê – Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội (Quyết định số 02/QĐ – HT ngày 18/08/2018); ông Quyến (còn được gọi là Quân) được bà Nhung mời về làm cộng tác viên tuyển sinh với trung tâm, nhà trường không có quyết định bổ nhiệm. Trung tâm hoạt động độc lập và tự chủ hoàn toàn về tài chính, giám đốc và cộng tác viên không được hưởng lương từ nhà trường.
Từ ngày thành lập trung tâm, công tác tuyển sinh của nhà trường có nhiều thuận lợi; cán bộ trung tâm luôn nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy chế tuyển sinh và đào tạo của nhà trường.
Đầu năm 2019 trung tâm chuyển trụ sở làm việc về địa chỉ nhà B tầng 2 – Học Viện Múa Việt Nam, địa chỉ: Khu văn hóa nghệ thuật, đường Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đến cuối năm 2019 đầu năm 2020 việc tuyển sinh trung cấp sư phạm mầm non tại trường trung cấp Tổng hợp Hà Nội đã dừng lại do trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ngành sư phạm mầm non.
Công văn giải trình của trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội (Ảnh:V.N)
Tuy nhiên trên thực tế nhu cầu học trung cấp sư phạm mầm non của học viên vẫn còn vì đây là năm cuối các trường trung cấp có mã ngành đào tạo giáo mầm non được phép đào tạo (từ tháng 7 năm 2020 theo quy định của Luật giáo dục để đạt chuẩn giáo viên mầm non phải có bằng từ Cao đẳng trở lên).
Vì vậy, để tránh việc cán bộ, cộng tác viên trung tâm và cán bộ giáo viên nhà trường tiếp tục đăng tải thông tin tuyển sinh ngành học này, ngày 15/01/2020 hiệu trưởng nhà trường đã ra thông báo số 03/TB-HĐTS về việc dừng tuyển sinh trung cấp Sư phạm mầm non khóa học 2019-2020 (có thông báo kèm theo).
Tuy nhiên, cộng tác viên có tên Quân (tên thật là Quyến) và người tên N.L (Báo đăng) vẫn tiếp tục tư vấn tuyển sinh trung cấp mầm non của trường trung cấp Tổng hợp Hà Nội là chưa đúng với thông báo nêu trên. Việc thông tin đến học viên về những gói hỗ trợ lấy bằng sớm chỉ trong một vài tuần hoặc một vài tháng là hoàn toàn không đúng quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp kể cả đối với hệ đào tạo văn bằng 2 của nhà trường.
Thực tế, do ảnh hưởng của Covid19 theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và đào tạo các trường có thể ứng dụng công nghệ thông tin để dậy online cho học sinh nên lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo cho phép giáo viên kết hợp giữa dạy truyền thống và dạy trực tuyến để vừa đảm bảo chống dịch Covid19 vừa đảm bảo kiến thức và tính linh hoạt cho học viên.Vì vậy, đối với lớp học này thời gian lên lớp của học viên sẽ ít hơn so với các lớp đã tốt nghiệp các năm trước, song vẫn phải đảm bảo cho học viên được học đủ các môn theo chương trình khung đã được phê duyệt và việc thi hết môn và thi tốt nghiệp phải là trực tiếp.
Hơn nữa, cộng tác viên tên Quyến còn tư vấn cho người học rằng: học sinh của trường lên đến vài chục vạn (tức hàng trăm nghìn học sinh) là không có cơ sở. Bởi trên thực tế năm 2010 trường mới được phép tuyển sinh trung cấp sư phạm mầm non và đến nay số học sinh tốt nghiệp tại trường ngành này ước tính trên 5000 học sinh.
Ông Quyến còn khẳng định sẽ có lớp tốt nghiệp vào tháng 9 năm 2020 là tư vấn chưa đúng, bởi do dịch Covid19 học viên phải nghỉ dịch dài nên thời gian tốt nghiệp của học sinh khóa học 2019 – 2020 sẽ phải lùi lại dự kiến cuối năm 2020.
Về phía nhà trường, sau khi nhận được phản ánh của Quý Báo, lãnh đạo nhà trường đã cử cán bộ đến làm việc trực tiếp với Trung tâm hợp tác đào tạo tuyển sinh Hà Nội 2 và ông Quyến (tên thường gọi Quân) để kịp thời chấn chỉnh về công tác tư vấn tuyển sinh và phát ngôn của nhân viên trung tâm. Tuy nhiên, trung tâm đã đóng cửa, giám đốc và cộng tác viên không đến làm việc. Nhà trường đã cử cán bộ gọi điện và có thông báo chính thức đến trung tâm về việc giải thể và chấm dứt mọi hoạt động tuyển sinh và đào tạo của trung tâm trong thời gian sớm nhất khi giám đốc trung tâm và cộng tác viên trở lại làm việc.
Có một vấn đề bất cập hiện nay trong công tác tuyển sinh trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề là: Nếu như các trường Đại Học chỉ tuyển sinh trong thời gian từ 15 đến 30 ngày là kết thúc mùa tuyển sinh thì các trường trung cấp được phép tuyển sinh liên tục 12/12 tháng và việc báo cáo tuyển sinh năm học phải hoàn thành chậm nhất ngày 31/12 hàng năm.
Đây cũng là khâu dễ để xảy ra tiêu cực như sự vụ báo đã nêu. Bởi thực tế việc tuyển sinh tại các trường trung cấp rất khó khăn, để tuyển sinh một lớp 30 học sinh có khi nhà trường phải mất thời gian chạy quảng cáo, tư vấn…từ 2 tháng đến 4 tháng, học sinh vào sau phải học bổ sung những môn chưa được học và hoàn thành bài thi còn thiếu; đây chính là kẽ hở để cán bộ lợi dụng đưa thêm học sinh mới vào lớp thay cho những học sinh đã bỏ học.
Ban tuyển sinh và phòng đào tạo nhà trường cũng nhận trách nhiệm trong việc quản lý chưa tốt lớp trung cấp sư phạm mầm non do trung tâm và cộng tác viên trực tiếp tuyển sinh, để tình trạng cán bộ trung tâm lợi dụng đưa thêm học viên vào học bổ sung trong mùa Covid19, cung cấp tài liệu để học sinh chép bài gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà trường. Thực tế lãnh đạo nhà trường không biết những sự việc như trên chỉ khi quý Báo phản ánh nhà trường mới nắm bắt được.
Hiện tại nhà trường đang tích cực kết hợp với trung tâm và giáo viên chủ nhiệm lớp rà soát lại những học sinh thuộc diện Báo đã nêu để thu hồi lại văn bằng đã cấp và tổ chức cho học sinh học bổ sung những môn còn thiếu để đảm bảo kiến thức cho người học, đảm bảo quy chế tuyển sinh và đào tạo. Số học sinh thuộc diện này theo rà soát của Ban tuyển sinh và Phòng đào tạo khoảng trên 10 học sinh tập trung chủ yếu tại lớp HN09, đây là lớp bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid19 có nhiều học sinh bỏ học nhất, phải học Online nhiều nên mới để xảy ra tình trạng như Báo đã nêu.
Qua sự việc này, lãnh đạo nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý trung tâm và hợp tác với cộng tác viên tuyển sinh; quán triệt đến các cán bộ, cộng tác viên và giáo viên toàn trường về cách phát ngôn, tư vấn tuyển sinh đảm bảo đúng quy chế tuyển sinh và pháp luật hiện hành.
Nhà trường xin trân trọng cảm ơn Quý Báo đã kịp thời thông tin để nhà trường có biệt pháp khắc phục kịp thời những sai sót đã xảy ra trong công tác giáo dục đào tạo đối với ngành học nêu trên.
VIDEO: Điều tra lò ấp giáo viên "siêu tốc" tại trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội
Chỉ cần bỏ ra số từ tiền từ 13-17 triệu đồng, trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội có thể "hô biến" bất cứ ai cũng có thể trở thành giáo viên với bằng cấp đầy đủ.
Ảnh minh họa
VIDEO: Công nghệ ghép lớp siêu tốc lấy bằng trung cấp mầm non sau 1 tháng (Đức Minh - Vũ Ninh)
Nắm bắt được nhu cầu của người học cần có bằng trung cấp chính quy đặc biệt đối với ngành sư phạm mầm non, trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội tung ra những gói "hỗ trợ" cho người học với cam kết: Không cần học, chỉ đến đi thi, thời gian lấy bằng từ vài tuần cho đến vài tháng.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi lại những hình ảnh chân thực về cái gọi là "công nghệ ghép lớp lấy bằng sớm".
Qua những lời chia sẻ của người tự xưng là nhân viên trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội, quý độc giả có thể hình dung được quy trình phù phép trong lò ấp giáo viên siêu tốc này.
Đây là hồi chuông cảnh báo cho những nhà quản lý giáo dục về tình trạng mua bán bằng cấp đang biến tướng một cách tinh vi và có sự tiếp tay của chính những đơn vị cấp bằng.
Sẽ như thế nào, nếu một người chỉ học hết lớp 12, bỏ ra một số tiền hơn 10 triệu đồng, học 1-2 tháng nghiễm nhiên có bằng trung cấp mầm non (để đi dạy, hoặc học liên thông lên Cao đẳng, Đại học)?
Ngoài ra thủ đoạn ghép lớp thực chất là hành vi mua bán bằng cấp, người tự xưng là nhân viên của trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội còn tiết lộ những mánh khóe hỗ trợ thí sinh chép tài liệu, lấy bằng sớm.
VIDEO: Tiết lộ "động trời", học trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội 3 tuần có bằng Để lấy bằng trung cấp mầm non đơn giản lắm! Người học chỉ cần đóng tiền, đi thi có tài liệu để chép, sau vài tuần hoặc vài tháng nghiễm nhiên có bằng trung cấp. (Tiếp theo phần 1) Ảnh minh họa VIDEO: Học viên chia sẻ về công nghệ ghép lớp, lấy bằng sau 1 tháng (Đức Minh- Vũ Ninh) Tại nơi...