Trường Tiểu học bán trú “A” Long Thạnh – đơn vị có truyền thống dạy và học
Trường Tiểu học bán trú “A” Long Thạnh là đơn vị có truyền thống trong giảng dạy và học tập ở TX. Tân Châu (An Giang). Những năm qua, nhờ học tập và làm theo Bác, chi bộ nhà trường đã đạt được nhiều thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Trường Tiểu học bán trú “A” Long Thạnh được thành lập vào năm 1965, đạt chuẩn quốc gia vào năm 2005; chi bộ nhà trường có 21 đảng viên. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chi bộ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Trường hiện là lá cờ đầu trong thi đua dạy tốt, học tốt của TX. Tân Châu.
Năm học 2020-2021, trường có 21 lớp, với 770 em học sinh. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo 56 khóa học. Chia sẻ về những thành tích nhà trường đạt được trong năm học qua, cô Đặng Kim Loan (Phó Bí thư Chi bộ nhà trường) cho biết, năm qua, trường có 28 giáo viên dạy giỏi, 20 giáo viên chủ nhiệm giỏi, trong đó có 9 giáo viên viết chữ đẹp cấp trường. Trường tự hào có đến 10 giáo viên đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi và 16 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thị xã; 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…
Năm 2019-2020, có 99,6% học sinh hoàn thành chương trình lớp học, hiệu quả đào tạo sau 5 năm đạt 100% và nhà trường không có học sinh bỏ học
Ngoài thành tích trong giảng dạy, học sinh nơi đây còn tham gia nhiều cuộc thi do tỉnh và địa phương tổ chức, đạt nhiều thành tích cao, như: tham gia thi Tin học trẻ đạt 2 giải cấp tỉnh; Hội thi tài năng tiếng Anh đạt 2 giải A cấp thị xã; Hội thi thiếu nhi kể chuyện sách cấp trường đạt 24 giải; Hội khỏe Phù Đổng cấp thị xã đạt 7 giải; cuộc thi Góc sách tôi yêu đạt 4 giải cấp tỉnh; chất lượng giáo dục năm học 2019-2020: học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,6%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, hiệu quả đào tạo sau 5 năm đạt 100% (không có học sinh bỏ học).
Hiện, nhà trường đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng (đạt mức 3) và được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Tập thể nhà trường đạt Lao động xuất sắc và nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của tỉnh; cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh; được chọn là đơn vị điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 của thị xã, Sở Giáo dục và Đào tạo và Liên đoàn Lao động tỉnh.
“Nhà trường đã phát động phong trào thi đua gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các cuộc vận động của ngành: “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Hai không”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
Chính từ chỗ gắn việc học tập và làm theo Bác với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nên nhà trường đã giữ vững được thành tích trong nhiều năm liền” – cô Đặng Kim Loan chia sẻ.
Video đang HOT
Cô Loan cho biết thêm, việc tổ chức nghiên cứu, học tập các chuyên đề, chi bộ nhà trường còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia học tập và làm theo gương Bác. Hàng tháng, chi bộ đều phân công đảng viên trong chi bộ kể những mẫu chuyện về tấm gương, đạo đức của Bác, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân, tập thể.
Phong trào học tập và làm theo Bác ở Trường Tiểu học bán trú “A” Long Thạnh đã có sức lan tỏa mạnh, trở thành một phong trào mang tính thiết thực cho tất cả thầy, cô giáo, các em học sinh và phụ huynh nhà trường, qua đó làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội hiện nay.
Chuyện về người thầy ngồi xe lăn, viết chữ đẹp bằng miệng
Lớp học của anh Phùng Văn Trường như ngôi nhà thứ hai của các em, bởi ngoài việc học kiến thức, các em còn được thầy truyền đạt các bài học về nghị lực, khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Anh Phùng Văn Trường viết chữ bằng miệng. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Bị mắc căn bệnh thoái hóa cơ quái ác phải ngồi xe lăn từ nhỏ nhưng anh Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn hằng ngày miệt mài dạy học, dạy viết chữ đẹp miễn phí cho trẻ em. Mọi người luôn trân quý và nhắc đến anh với cái tên "Người thầy viết chữ đẹp bằng miệng."
Những nỗ lực không ngừng nghỉ
Lớp học của anh Trường chủ yếu dạy kiến thức cơ bản của tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi ngày có hơn 20 em được phụ huynh gửi nhờ anh kèm học và luyện chữ, chia làm 2 tốp sáng chiều. Dù phải di chuyển trên chiếc xe lăn và đôi bàn tay thì ngày càng yếu dần, anh Trường vẫn miệt mài chỉ tận tình từng em một.
Đặc biệt, lớp học này đã nhiều lần đón các em không may có trí tuệ không tốt, các em mắc chứng tự kỷ... Đến nay, nhiều em đã có thể làm được các phép tính đơn giản.
"Trước tôi đi học thì cầm bút kẹp tay vào các ngón quặp lại, giữ bút được một chút. Đến năm lớp 8 thì tự kẹp bút vào miệng để viết, tuy xấu nhưng mình viết để nhớ. Cứ thế một tháng mình kiên trì tập luyện thì viết được," anh Trường chia sẻ.
Những nét chữ được viết bằng miệng của anh Trường. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Sau thời gian dài luyện tập, anh học được cách dùng hàm là điểm tựa, dùng răng cửa là ngón tay, dùng cổ để đưa những nét bút lên xuống. Nhìn những nét chữ bay bổng, điêu luyện của anh, không ai nghĩ những dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng. Tuy nhiên, để viết được chữ đẹp như ngày hôm nay là cả quá trình cố gắng không ngừng nghỉ.
"Để viết đẹp được như bây giờ là mình phải viết nhiều lắm. Ngày nào cũng ngồi soạn các mẫu chữ, các phép toán, cứ thế mỗi ngày cứ lên tay dần dần. Viết bằng miệng phải cúi nhiều, sức khỏe cũng yếu dần đi, mình còn ngồi xe lăn nữa. Ngày trước ngẩng 5cm cách mặt bàn thì trang giấy trắng quá chói mắt, do vậy mình đã cố gắng làm sao ngồi chéo sang một bên để không hại mắt, đến giờ thì đã quen rồi," anh Trường tâm sự.
Hành trình 10 năm ngậm bút dạy chữ
Người thầy giáo kiên cường đã nhiều lần bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình sợ anh vất vả, vẫn hàng ngày kiên trì dạy học, nhắc nhở các em đọc sách để mở mang kiến thức. Đối với anh, tri thức vô cùng quan trọng. Sách, Phật pháp, báo đài là những phương tiện giúp anh giữ đầu óc tỉnh táo, cố gắng kiên trì sống tốt hơn mỗi ngày.
Lớp học của anh Trường như ngôi nhà thứ hai của các em, bởi ngoài việc học kiến thức, các em còn được thầy truyền đạt các bài học về nghị lực, khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Đôi tay mân mê chiếc bút chì đã cũ, anh Trường tâm sự: "Tuy mình không đưa tay các cháu theo từng nét một nhưng mình viết mẫu các nét rồi các cháu sao theo mình, đẹp nhất có thể thì các cháu viết theo. Tôi cố gắng làm gương cho các cháu, cố gắng để viết đẹp hơn mỗi ngày. Tôi cũng không muốn phụ lòng các cháu và bố mẹ gửi các cháu đến đây. 10 năm rồi, các cháu để mình nhớ mãi, có cháu nói còn không rõ mà mình dạy cháu rồi cháu nói được và làm được vài phép tính toán, bản thân vô cùng xúc động."
Lớp học Toán, viết chữ đẹp của anh Trường đã được 10 năm. Những người dân thôn Nhân Lý đều tin tưởng và trân trọng giao con cái của mình cho anh dạy dỗ. (Ảnh: PV/Vietnam )
Em Nguyễn Thùy Anh, đã học ở lớp học của thầy Trường hơn hai năm, bẽn lẽn: "Ở đây vui lắm ạ, chúng con vừa được ôn lại kiến thức ở trường, vừa được rèn viết chữ đẹp, còn có bạn bè rất vui. Thầy luôn dịu dàng, kiên nhẫn với bọn con, bọn con muốn đến đây học mỗi ngày."
Lớp học toán, viết chữ đẹp của anh Trường đã được 10 năm, những người dân thôn Nhân Lý đều tin tưởng và trân trọng giao con cái của mình cho anh dạy dỗ.
May mắn sinh ra trong gia đình được ông bà bố mẹ yêu thương, anh Trường luôn tự nhủ phải sống thật có ích cho gia đình, cho xã hội. Giờ đây, khi đồng hành cùng anh là người vợ và đứa con trai nhỏ bé, anh càng thêm kiên cường.
"Các cháu đến tíu tít cả ngày, nhoằng cái hết một buổi, có khi mình quên là bị bệnh tật, sống lạc quan hơn. Tuy mình kém may mắn nhưng hằng ngày các cháu đến học, đến mượn sách thì thấy hạnh phúc lắm, không tự ti nữa mà lạc quan sống. Số phận mình bất hạnh mà các cháu vẫn đến để học tức là mình đã sống không vô nghĩa, đã sống có ích cho cuộc đời," anh Trường chia sẻ.
Mỗi năm, anh Trường đều tổ chức các hoạt động thiện nguyện 'Tết ấm yêu thương' vận động mọi người khuyên góp, tặng bánh trưng cho học sinh nghèo đón Tết. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Không chỉ dạy học miễn phí cho học sinh nghèo, anh cùng một số người bạn đã mở thư viện Hallo Word, vận động các nguồn sách từ thiện, tạo không gian đọc sách lành mạnh cho các em đồng thời tổ chức các hoạt động thiện nguyện "Tết ấm yêu thương," mở lớp học tiếng Anh, kêu gọi ủng hộ gói bánh, trao quà cho các em nhân các dịp lễ tết của thiếu nhi...
Hằng ngày, căn nhà nhỏ của anh Trường không ngớt tiếng đọc bài, làm toán, tiếng ríu rít nói cười. Với anh, niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là sống lạc quan, vui vẻ mỗi ngày bên gia đình, bên các em nhỏ nơi đây./.
Đắk Lắk: 177 giáo viên tiểu học đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh Sau 10 ngày tranh tài, chiều 20/3, Hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi tỉnh Đắk Lắk năm học 2020-2021 đã khép lại Giám đốc sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa trao Cờ toàn đoàn cho các tập thể xuất sắc. Hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi tỉnh Đắk Lắknăm học 2020 - 2021 diễn ra từ ngày 10/3 đến 20/3,...