Trường THPT tự chủ: Làm sao bảo đảm công bằng cho người học?
Trường THPT chất lượng cao được tự chủ đang trở thành xu hướng và thêm cơ hội lựa chọn cho người học.
Nhưng, dư luận xã hội băn khoăn là làm sao để hiệu trưởng không lạm quyền, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học khi mức học phí rất cao?
Nhà trường chủ động nâng cao chất lượng đào tạo
UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế giai đoạn 2020 – 2023 cho trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa). Như vậy, sau 12 năm thực hiện tự chủ tài chính, giờ đây, trường THPT Phan Huy Chú được phép thành lập hội đồng trường, chủ động lên kế hoạch tuyển dụng lao động làm việc tại trường. Khi biết thông tin này, các chuyên gia giáo dục và nhiều phụ huynh đồng tình bởi đây là xu hướng được các nước thực hiện nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT.
Trao đổi về câu chuyện tự chủ ở trường phổ thông, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ rất ủng hộ, nên theo hướng 2/3 cơ sở giáo dục là của tư nhân, 1/3 còn lại do Nhà nước đầu tư. Tự chủ bằng con đường xã hội hóa là tốt nhất, TP Hà Nội nên khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường công lập để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Giờ học của cô và trò trường THPT Phan Huy Chú. Ảnh: Công Hùng
Nhiều năm làm công tác quản lý, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Kim Hoãn nêu rõ quan điểm: Đối với những trường THPT công lập có tín nhiệm cao, TP Hà Nội nên cho phép tự chủ. Khi được tự chủ mặc dù có thể được thu mức học phí cao hơn trường công lập nhưng như thế mới có cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.
“Hiện nay, rất nhiều học sinh sau khi học ở trường lại tất tả đến các chỗ học thêm bên ngoài. Nếu trường tự chủ cân đối được thời gian, tổ chức cho học sinh được học những môn tự chọn phù hợp với khối thi là rất tốt. Như thế đỡ tốn kém hơn cho gia đình và học sinh không phải mất công đi học thêm chỗ này chỗ khác. Tôi cũng ủng hộ Sở GD&ĐT Hà Nội có chủ trương chuyển 3 trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) trở thành trường chất lượng cao, thực hiện tự chủ; rồi sau đó mở rộng ra”- ông Nguyễn Kim Hoãn nói.
Học sinh giỏi, hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội
Theo quyết định của HĐND TP Hà Nội, từ năm học 2020 – 2021, mức trần học phí của trường THPT công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô không quá 5,7 triệu đồng/tháng. Biết rằng mức học phí được tính theo nguyên tắc bảo đảm thu đủ chi nhưng không ít người băn khoăn về những trường hợp học sinh nghèo khó có cơ hội được vào học trường chất lượng cao.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến đề nghị, trường công lập tự chủ vẫn phải thực hiện các chính sách trong giáo dục như trường công được Nhà nước đầu tư.Theo nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Kim Hoãn: Nên khuyến khích trường công lập tự chủ có chính sách giảm 1/3, 1/2 hoặc miễn học phí, thậm chí tặng học bổng cho những học sinh giỏi thi vào trường có điểm cao nhưng hoàn cảnh khó khăn. Như thế, sẽ thực hiện được công bằng xã hội và học sinh nghèo có cơ hội được vào học ở ngôi trường tốt.
Video đang HOT
Phản hồi về mức học phí của trường chất lượng cao được tự chủ, ông Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú thông tin: Mức học phí của trường THPT Phan Huy Chú từ 45 – 48 triệu đồng/năm (tùy theo từng khối lớp). Hiện nay, chính sách miễn giảm học phí được thực hiện theo quy định trường công được Nhà nước cấp ngân sách.
Như thế, nếu miễn 100% học phí, tương ứng với 217.000 đồng/tháng thì số tiền không nhiều. Vì thế, hàng năm, trường THPT Phan Huy Chú đều thực hiện cấp học bổng cho học sinh xuất sắc, mức cao nhất lên tới 40 triệu đồng, gần đủ để đóng học phí. Điều này không chỉ động viên được học sinh học tốt mà những em có hoàn cảnh khó khăn không bị mất cơ hội vào trường Phan Huy Chú.
Một vấn đề mà không ít người băn khoăn khi trường công lập chất lượng cao được tự chủ, đó là hiệu trưởng có nhiều quyền có thể dẫn đến “lạm quyền”. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia giáo dục khi thực hiện tự chủ, nhà trường phải có hội đồng trường gồm nhiều thành viên ở bên trong và ngoài.
Hiệu trưởng chỉ là một thành viên của hội đồng trường, được thuê làm. Nếu hiệu trưởng làm tốt vai trò thì hội đồng trường để, trường hợp làm không tốt thì bị phế truất. Để giữ được chức vụ này, hiệu trưởng phải thực hiện theo đúng quy định mà hội đồng trường đã đề ra và phải công khai, minh bạch trong mọi việc.
Trường phổ thông tự chủ là xu thế trong tương lai. Tuy nhiên mô hình này cần được thực hiện ở nơi có điều kiện và có đánh giá trước khi nhân rộng. Khi tự chủ, học sinh phải đóng mức học phí cao đồng nghĩa với chất lượng giáo dục phải tương xứng với mức đóng góp. Điều quan trọng, trường tự chủ là tạo thêm lựa chọn cho người học nhưng vẫn phải có những chính sách để mọi học sinh có cơ hội tạo sự công bằng trong giáo dục nhưng không cào bằng.
Trường THPT công lập thu học phí cao: Liệu có gây bất công trong giáo dục?
Các nhà giáo dục cho rằng, nên cho một số trường THPT công lập ở Hà Nội được tự chủ và nên có quy định học phí không quá con số nào đó, vừa giảm bớt áp lực kinh tế cho nhà nước, vừa đảm bảo phần lớn các gia đình theo được.
Thông tin một số trường THPT tốp đầu của Hà Nội là Chu Văn An, Kim Liên và Phan Đình Phùng sẽ chuyển sang mô hình trường chất lượng cao (CLC) , thu học phí cao vừa qua khiến không ít phụ huynh, các nhà giáo dục thấy băn khoăn và có ý kiến trái chiều.
Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, đã đề xuất với UBND TP.Hà Nội về việc chuyển các trường này theo hướng mô hình trường CLC và giao cho chính các trường xây dựng đề án để trình. Hiện nay UBND TP.Hà Nội chưa phê duyệt các đề án này.
Trả lời báo chí, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này đang trình UBND TP.Hà Nội ban hành nghị quyết theo hướng không làm CLC toàn bộ mà chỉ thực hiện CLC một phần. Có nghĩa, khi thực hiện, năm đầu tiên tuyển sinh, HS lớp 10 sẽ thực hiện mô hình CLC, thu học phí theo mô hình này. Những lớp trên như lớp 11, 12 đang học theo chương trình đại trà, nếu phụ huynh không đồng tình vẫn tiếp tục học và thu học phí theo Nghị định 86 như hiện nay.
Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đồng thời là thành viên Ban Soạn thảo luật Giáo dục 2019, cho rằng, cơ sở công lập mà cho phép cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, thu tiền cao là vô lý ở chỗ: đã được nhà nước cấp đất, xây trường, đầu tư trang thiết bị giáo dục đầy đủ, hiện đại, trả lương cho đội ngũ... mà lại thu học phí cao của dân là không ổn. Như vậy là dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh.
Nếu các trường THPT tốp đầu của Hà Nội là Chu Văn An, Kim Liên và Phan Đình Phùng chuyển sang mô hình trường chất lượng cao, thu học phí cao thành hiện thực thì sao?
Dưới đây là ý kiến của các nhà giáo, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục về vấn đề này:
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM: "Việc này dễ gây hiểu nhầm"
Mô hình tự chủ cũng có cái hay là các trường tự hoạch toán tài chính cho mình. Chủ động trong nguồn thu và chi điều này cho phép các trường chủ động hơn trong các kế hoạch và chương trình hoạt động giáo dục. Đây là xu thế tất yếu để các trường đầu tư và phát triển. Cơ chế xin cho, chờ đợi ngân sách cũng có những hạn chế đó là chờ đợi.
Thời gian lâu mà phải chờ đợi thủ tục, duyệt chi cũng đẩy các trường ở thế bị động và khó khăn cho hoạt động của trường.
Tuy nhiên, việc này dễ gây hiểu nhầm nếu để các trường tự thu và nâng học phí quá cao khiến cho một số gia đình khó khăn trong việc đảm bảo tài chính cho con, em. Thật ra, thu học phí cũng đều phải được sự chấp thuận và định mức khung cho phép của Ủy Ban nhân dân. Nên vấn đề này đảm bảo việc thu học phí và tự chủ của các trường đảm bảo trong khung cho phép. Nên tôi không phản đối chủ trương này.
Vấn đề là cần có sự giám sát, thanh kiểm tra để trành tình trạng lạm thu. Đảm bảo chủ trương đúng đắn của chính sách.
Thầy Đào Tuấn Đạt- Hiệu trưởng trường THPT Anxtanh, Hà Nội: Còn nhiều băn khoăn?
Theo luật giáo dục thì chỉ tồn tại 2 khu vực là trường công và trường tư. Loại hình công lập tự chủ tài chính được hiểu đúng bản chất là gì?
Khu vực công phải tiến tới không thu học phí. Khu vực tư thu học phí có hỗ trợ của nhà nước. Còn tỷ lệ công - tư do nhà nước ấn định. Bố mẹ học sinh đều đóng thuế cho nhà nước. Giờ đi học trường công vẫn nộp học phí cao thì có gì đó vẫn băn khoăn?
Thầy Nguyễn Quốc Bình - nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội: Việc nên làm
Tôi ủng hộ với chủ trương một số trường THPT top trên của Hà Nội sẽ chuyển sang mô hình trường chất lượng cao, thu học phí cao.
Việc chuyển sang mô hình này sẽ đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh: "Ở đây cha mẹ học sinh phải đóng tiền học phí cao hơn cho con em mình để được học ở môi trường tốt hơn so với ở mức học phí hiện nay.
Hiện các trường công lập được nhà nước đầu tư trang thiết bị giáo dục đầy đủ, hiện đại, trả lương cho đội ngũ giáo viên nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó. Còn việc nếu chuyển sang mô hình chất lượng cao thì có thêm nguồn tiền để chi cho các hoạt động khá đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng nâng cao của học sinh.
Tuy nhiên, theo tôi, nếu có sự chuyển đổi mô hình sẽ nảy sinh những bất cập mà xã hội sẽ quan tâm, đó là có một bộ phận học sinh học giỏi nhưng sẽ không được học ở trường mà trước đây lẽ ra các em có thể được học vì học phí như hiện nay.
Theo tôi những em học giỏi nhưng điều kiện gia đình không có tài chính học thì ngành giáo dục, thành phố Hà Nội phải có cơ chế về học bổng, hỗ trợ cho các em học giỏi có thể vẫn có thể thực hiện quyền học tập của mình, không sợ có sự bất công.
Khi đã thu học phí cao thì tăng chất lượng giáo dục cũng phải tăng theo. Không có chuyện đóng học phí cao không tương xứng với chất lượng.
TS Vũ Thu Hương: Sẽ giúp các trường top dưới nếu muốn cạnh tranh
Tôi ủng hộ việc chuyển đổi mô hình trường như thế sẽ giảm áp lực kinh phí cho nhà nước. Đây là điều nên làm. Không nên lúc nào cũng trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước. Người dân Việt Nam ở các vùng thành phố lớn thì không phải là quá nghèo.
Quan điểm của tôi, các gia đình cho con học ở các trường THPT top cao chủ yếu tìm cách vào trường vì danh tiếng của trường chứ không phải vì nghèo, không có khả năng đóng học phí.
Hơn nữa, điều này cũng sẽ giúp các trường top dưới nếu muốn cạnh tranh thì vươn canh tranh dễ dàng hơn về chất lượng.
Theo tôi, nên cho một số trường THPT công lập được tự chủ và nên có quy định học phí không quá con số nào đó, vừa giảm bớt áp lực kinh tế cho nhà nước, vừa đảm bảo phần lớn các gia đình theo được.
Bà Hương cho rằng, khi đã thu học phí, các trường sẽ không thể lạm thu. Ngoài ra, khi thu học phí rồi, chất lượng giảng dạy sẽ được chú trọng hơn để khỏi bị mất uy tín.
Tại sao không cho phép 1 số trường chuyển đổi mô hình mà cứ chỉ vì 1 vài gia đình khó khăn không thể đóng học phí mà cứ giữ nguyên mọi thứ như thời mới giải phóng? Tư tưởng bao cấp sẽ gây ra nhiều tiêu cực chứ không phải là việc thu phí gây ra tiêu cực...
Trường THPT tốp đầu Hà Nội sẽ tự chủ tài chính, thu học phí cao? Nhiều phụ huynh Hà Nội lo lắng về thông tin các trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) sắp tới sẽ chuyển sang mô hình chất lượng cao tự chủ tài chính, kèm theo mức thu học phí tăng cao. Chia sẻ với VietNamNet , lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, thông tin này...