Trường THPT ngoài công lập: Nỗ lực tìm chỗ đứng
Năm nay, TPHCM sẽ có khoảng 13.000 trong tổng số hơn 83.000 thí sinh đăng ký dự thi không trúng tuyển lớp 10 công lập. Trước tình hình đó, hệ thống các trường ngoài công lập đã có nhiều hình thức quảng bá để “chiêu dụ” thí sinh. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh liệu có như mong đợi?
“Tung chiêu” thu hút học sinh
Là một trong những đơn vị tư thục có tuổi đời hoạt động còn non trẻ, năm học 2019-2020, Trường TH-THCS-THPT Vạn Hạnh (quận 10) áp dụng chính sách giảm 100% học phí cho tất cả học sinh giỏi cấp thành phố. Bên cạnh đó, trường cũng giảm 50% học phí cho con cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại trường và giảm 10% học phí cho học sinh đã có anh, chị ruột học cùng trường.
Riêng với đối tượng con thương binh, liệt sĩ sẽ được hưởng mức ưu đãi 5% học phí. Ngoài ra, tất cả học sinh khi đăng ký nhập học sẽ nhận được phần quà là một ba lô xinh xắn.
Tương tự, Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Tân Phú) cũng áp dụng chính sách giảm 30% học phí cho đối tượng học sinh giỏi và 20% học phí cho học sinh học lực năm lớp 9 xếp loại khá. Ngoài ra, học sinh có anh, chị ruột học cùng trường sẽ được giảm 50% học phí cả năm học.
Đặc biệt, Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (quận Gò Vấp) không chỉ có các gói ưu đãi học phí dành cho đối tượng học sinh giỏi, học sinh có anh/chị/em ruột học cùng trường, con thương binh, liệt sĩ mà còn giảm học phí cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú tại địa bàn phường trường trú đóng. Ngoài ra, đơn vị này cũng áp dụng nhiều mức chiết khấu học phí khác nhau khi học sinh đóng học phí liên tục trong 3 tháng, 6 tháng và cả năm học.
Tại Trường THPT Đăng Khoa (quận 1), tất cả học sinh có điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM đạt bình quân 3 môn thi từ 6.0 điểm trở lên, hoặc học sinh các tỉnh đạt danh hiệu học sinh giỏi 4 năm liền, đều được giảm 50% học phí học kỳ 1 năm lớp 10. Ngoài ra, học sinh có giấy xác nhận hộ nghèo và học sinh là con cán bộ chiến sĩ đang công tác tại biển đảo cũng được xem xét giảm học phí.
Một hình thức hấp dẫn khác đang được Trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp) áp dụng trong năm học này là khi đăng ký nhập học, học sinh có nguyện vọng du học Nhật Bản sẽ được nhà trường hướng dẫn, tạo điều kiện học tiếng Nhật tại Việt Nam đến khi đủ điều kiện theo học tại các trường trung học có liên kết ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, học sinh còn được giáo viên hỗ trợ tìm hiểu cuộc sống, văn hóa Nhật Bản để nhanh chóng hòa nhập cuộc sống tại đất nước mặt trời mọc.
Chật vật giữ học sinh
Video đang HOT
Thành viên ban quản trị một trường THPT tư thục ở quận 10 cho biết, sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, các trường tiếp tục chạy đua bài toán giữ chân người học. Nguyên nhân là do số lượng học sinh thường “trồi”, “sụt” không ổn định trong suốt năm học. “Nhiều trường hợp học sinh chỉ đăng ký cho có chỗ học sau khi rớt nguyện vọng lớp 10 công lập, nhưng học được 1-2 tháng rồi bỏ do có hình thức học tập khác hoặc rẽ hướng qua học nghề”, vị này bày tỏ.
Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 vừa qua, không ít phụ huynh đã phàn nàn vì phải trở thành “khách hàng bất đắc dĩ” cho các trường THPT tư thục khai thác và quảng bá hình ảnh trước cổng trường.
Anh Nguyễn Nam, phụ huynh có con thi tại điểm Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp) than thở: “Trong vòng chưa đầy 15 phút đậu xe chờ con trước cổng trường, tôi đã nhận được vô số tờ rơi giới thiệu về chương trình học, ưu đãi học phí và nhiều vật phẩm đi kèm nhằm quảng bá hình ảnh của các trường tư thục như tập trắng, quạt giấy, bút bi… Đưa con đi thi với mong muốn tìm suất học ở trường công, không phụ huynh nào có tâm trạng nghe giới thiệu về trường tư nhưng cứ liên tục bị làm phiền”.
Trường THCS-THPT Nam Việt (quận 12) vừa bị đình chỉ hoạt động do tranh chấp về đất đai
Hiện nay, các trường tư thục đang mở rộng thị trường, chuyển hướng quảng bá hình ảnh để thu hút học sinh ở các tỉnh, thành phố lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long… Cán bộ phụ trách tuyển sinh một trường THCS-THPT ở quận Gò Vấp chia sẻ, 5 năm trở về trước, các trường THPT tư thục chủ yếu đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh tại TPHCM thông qua nhiều hình thức như tư vấn hướng nghiệp, tài trợ học bổng, tổ chức hội thảo, tham quan, tìm hiểu trường.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, song song với công tác phân luồng ngày càng đẩy mạnh ở các trường THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 rẽ hướng qua học nghề tăng, cùng với việc phát triển của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp khiến trường tư thục trở nên chật vật trong công tác tuyển sinh. Thực tế đó làm nảy sinh nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị khiến bài toán tuyển sinh “khó lại càng khó”.
Để khắc phục tình trạng đó, đại diện các trường tư thục kiến nghị TP có thêm nhiều chính sách ưu đãi về vay vốn đầu tư, nới rộng quy định về diện tích, mặt bằng cũng như đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục trong cấp phép thành lập, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu như hiện nay.
THU TÂM
Theo SGGP
Thi vào lớp 10 quá căng vì phân biệt công - tư
Mỗi địa phương phải huy động hàng ngàn giám thị, trước đó là quá trình tập huấn, hướng dẫn, khâu ra đề và bảo mật đề thi... thậm chí còn căng thẳng hơn thi ĐH
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong 2 ngày 2, 3-6 vừa kết thúc tại nhiều địa phương. Điều đọng lại sau kỳ thi ngoài tâm lý thấp thỏm chờ đợi kết quả điểm là hình ảnh phụ huynh và thí sinh (TS) ôm nhau khóc sau buổi thi ở Hà Nội, hay hình ảnh dãi nắng dầm mưa của phụ huynh TP HCM đưa đón con. Một áp lực kinh khủng đè nặng lên học sinh (HS) và cả phụ huynh!
Hàng chục ngàn thí sinh bị loại mỗi năm
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019, riêng tại TP HCM đã huy động 10.251 giám thị coi thi, còn Hà Nội lên tới gần 11.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ. Cũng tại TP HCM, căn cứ vào tổng chỉ tiêu của các trường công lập, kỳ thi năm nay sẽ loại hơn 13.000 TS trong tổng số 80.326 TS đăng ký dự thi. Tại Hà Nội, trong tổng số hơn 85.000 TS dự tuyển vào lớp 10, chỉ có khoảng 64.000 chỉ tiêu vào các trường công lập. Vậy, sẽ có khoảng 21.000 TS buộc phải chọn các hình thức học tập khác ngoài công lập.
Năm nay, tại Hà Nội, ngoài 3 môn thi chính là văn, toán, ngoại ngữ, TS còn phải thi môn lịch sử nữa. Lý giải điều này, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho rằng để tránh tình trạng HS học tủ, học lệch. Nhưng theo nhiều giáo viên, việc bố trí 2 môn thi cùng buổi đã là quá áp lực với lứa tuổi HS THCS, chưa kể thời gian ôn tập căng thẳng trước kỳ thi. Sau buổi thi môn toán, nhiều phụ huynh và HS tại đây ôm nhau khóc vì đề thi khó.
Trong khi đó, tại TP HCM, trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được ví như cuộc chiến cân não chọn nguyện vọng. Các trường THCS phải có nhiệm vụ tư vấn, ôn tập cho HS, phụ huynh dựa trên năng lực học tập của các em. Tiếp đó là quá trình điều chỉnh nguyện vọng dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn mỗi năm ở từng trường. Nhiều TS phải trải qua quá trình ôn luyện gắt gao cả trong và ngoài nhà trường mới hy vọng được vào trường ưng ý.
Học sinh và phụ huynh tại TP HCM lo lắng sau một môn thi vào lớp 10 tại TP HCM
Chưa có phương án thi thay thế
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng vì sao một kỳ thi tuyển sinh từ lớp 9 lên lớp 10 nhưng mỗi năm lại tăng dần độ căng thẳng? Tính áp lực của kỳ thi đã thể hiện qua mỗi năm, con số TS bị loại ngày càng lớn dần. Nhiều TS còn thấp thỏm về những đổi mới của kỳ thi bao gồm cả đề thi và quy chế tính điểm xét tuyển. Đơn cử như tại Hà Nội, việc đưa thêm môn lịch sử trước kỳ thi không bao lâu khiến phụ huynh ngỡ ngàng.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhìn nhận có thể thấy rõ sự căng thẳng, áp lực của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong khi xu hướng của giáo dục hiện nay là giảm áp lực cho HS, giáo viên. Trước đây, TP HCM từng có giai đoạn tính đến phương án chỉ xét tuyển HS lớp 9 lên lớp 10 dựa trên căn cứ trường, lớp ở quận, huyện đó đáp ứng đủ 80% số HS có chỗ học lớp 10. Thực tế, TP đã tổ chức xét với HS lớp 9 ở các quận, huyện như Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9. Tuy nhiên sau đó, hình thức này buộc phải bỏ, trở lại thi tuyển hoàn toàn vì chất lượng HS ở khu vực xét tuyển rất kém, các em không nỗ lực học tập.
Theo ông Ngai, giảm áp lực là cần thiết nhưng thật sự rất khó vì đến nay, hệ thống các trường công lập không thể nhận hết HS tốt nghiệp lớp 9. Đó là chưa kể các địa phương, trong đó có TP HCM, phải làm tốt theo Nghị quyết 05 của Chính phủ về phân luồng HS sau THCS, tức là mỗi năm chỉ khoảng 60% HS vào các trường THPT công lập. Vào thời điểm khi nghị quyết ban hành, ở Hà Nội đã giảm tỉ lệ vào lớp 10 công lập xuống 60% nhưng lúc đó HS còn ít. Sau này, số HS mỗi năm một tăng, áp lực dân số, nhất là ở các trường nội đô cũng là lý do khiến kỳ thi ở địa phương này căng thẳng gay gắt. Trong khi đó, tại TP HCM, mỗi năm giảm 3% chỉ tiêu công lập để phân luồng cũng là con số hợp lý, là sự cố gắng của ngành GD-ĐT.
Thầy Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh (quận 6), cho rằng sở dĩ kỳ thi có nhiều áp lực là vì tâm lý lâu nay của nhiều phụ huynh vẫn muốn con vào trường công lập. Hơn nữa mỗi năm, TP lại giảm dần chỉ tiêu để phân luồng vào các hệ thống trường, lớp khác nên tỉ lệ cạnh tranh càng gay gắt hơn. Chừng nào HS học trường tư không bị nhìn nhận là kém cỏi, phụ huynh xem trường tư cũng như trường công và nhà nước tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển thì áp lực kỳ thi mới giảm...
Không thi thì không chịu học
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3, TP HCM cho rằng dù là áp lực nhưng cho đến nay chưa thể tìm ra phương án nào tối ưu để thay thế kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Minh chứng là nếu không thi thì dựa vào đâu để nhận 60% HS vào các trường công lập? Vị này cũng cho rằng nếu chỉ dựa vào kết quả lớp 9 và nhận xét của nhà trường thì rõ ràng không công bằng vì các trường sẽ nhận xét không "đều tay". Còn dựa vào thông tư đánh giá HS theo quy định của bộ thì chỉ là mặt bằng chung, không khách quan. "Thi thì áp lực nhưng không thi thì HS không học" - vị này nhận định.
Bài và ảnh: ĐẶNG TRINH
Theo nguoilaodong
Thi THPT quốc gia 2019: Ráo riết ôn thi đến cận "giờ G" Chỉ còn vài ngày nữa, học sinh lớp 12 trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia quan trọng. Tại TPHCM, các trường THPT tư vẫn đang "chạy nước rút" ôn tập để có thể đạt kết quả tốt nhất ở kỳ thi này. Trong khi các trường THPT công lập vừa kết thúc việc ôn tập cách đây vài...