Trường ta năm nay đứng nhất
Cuối năm học, thời tiết oi nồng, thầy hiệu trưởng “hạ nhiệt” bằng tin vui: “Trường ta năm nay chắc chắn thi đua đứng nhất. Trường không có học sinh bị đuổi học, không có học sinh bị đuối nước, không có thầy cô giáo vi phạm đạo đức nghề giáo.
Trường có học sinh đạt giải cấp huyện, tỉnh cao hơn các trường khác dù số giải ít hơn năm ngoái. Trường có tỉ lệ phần trăm học sinh yếu chỉ một con số, tức dưới 10%, học sinh có học lực khá giỏi trên 65%, học sinh có hạnh kiểm khá tốt đạt 100%. Đó là nỗ lực chung của toàn thể thầy trò trường ta”. Vỗ tay.
Tin vui nhưng nghe không hứng khởi. Nếu không vô cảm nghe thì cũng âm thầm chợt buồn trong tiếng ve sầu râm ran gọi hè, rồi không khỏi băn khoăn cho chất lượng giáo dục của nhà trường trong những năm học tới.
***
Trường có học sinh đánh nhau bị đuổi học nhưng đã dùng “chiêu” khuyên em xin nghỉ học trước khi ra hội đồng kỷ luật để năm sau học lại nếu còn muốn đi học. Trường có học sinh bị tai nạn giao thông, có học sinh bị đuối nước nhưng may mắn báo chí không hay biết nên giấu nhẹm được. Rồi ai mà đo, mà phát hiện thầy cô không vi phạm đạo đức nghề nghiệp?
Học lực học sinh ngày càng yếu đi, đó là nhận xét khách quan của giáo viên, nhưng điểm số tăng vọt là bởi được ban giám hiệu quán triệt ngay từ đầu năm học: “Điểm số trong (tầm) tay thầy cô, mắc gì để học sinh trường mình thi đua thua các trường khác vì lý do phải đánh giá đúng thực chất kia chứ. Còn cần học sinh đạt giải cấp huyện, tỉnh ta lập đội tuyển rồi bồi dưỡng sau, cũng là trách nhiệm của thầy cô”. Vậy là thầy cô cứ cho điểm ngút ngàn, “lạm phát” danh hiệu học sinh giỏi.
Hệ quả là: không phải tất cả nhưng sẽ có rất nhiều học sinh cho rằng đâu cần phải học nhiều mà điểm vẫn cao, vẫn mang về khoe cha mẹ giấy khen học sinh tiên tiến, học sinh xuất sắc. Chăm chỉ, siêng năng chi nữa khi bạn nọ bạn kia chơi suốt nhưng kết quả không thua mình?
Cái lo lắng đáng yêu của tuổi học trò phải làm bài tập, phải học bài trước khi đến lớp sứt mẻ đi nhiều. Kết hợp việc “dạy thêm, học thêm” vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng nên tính tự học, còn gọi là bản chất của sự học, sẽ là con số không. “Mất khả năng học tập”, điều mà thầy cô rất muốn phê vô học bạ cho nhiều học sinh nhưng… chưa nỡ, chưa dám.
Hệ quả còn là: không phải tất cả nhưng sẽ có rất nhiều học sinh vô tư vi phạm nội quy nhà trường. Sẽ trơ trơ khi bị thầy cô nhắc nhở sai phạm, bởi mức hạnh kiểm thấp nhất là loại khá, không có trung bình và yếu. Sẽ không có kỷ luật học sinh vì nhà trường sợ kỷ luật chứ không phải học sinh sai phạm sợ kỷ luật. Khẩu hiệu “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” đã vì thi đua nên thực hiện tốt được vế giữa và vế sau, vế đầu “kỷ cương” coi như tạm cho qua đến khi nào hết thi đua, đến khi nào cải cách toàn diện nền giáo dục… thì thực hiện.
***
Thi đua và bệnh thành tích trong giáo dục có mối quan hệ tương đương, có A thì có B và ngược lại, tức thi đua kéo theo bệnh thành tích, chạy theo (bệnh) thành tích để đạt được thi đua. Mối quan hệ đó đã kéo dài quá lâu, không lâu sau thời kỳ mà ta gọi là có một nền giáo dục cách mạng. Thế không thi đua nữa có được không? Trả lời: không thi đua thì sao có phấn đấu, sàn sàn như nhau giữa các trường, giữa các thầy cô với nhau đâu có được!
Vấn đề rất lớn đặt ra cho ngành giáo dục bây giờ là xây dựng tiêu chí thi đua mới. Thử nghĩ thêm một hướng: giáo viên đạt tiêu chí sẽ không có thưởng, ngược lại không đạt được thì phạt. Đó mới là đích thực thi đua và cái gọi là bệnh thành tích ấy sẽ chạy mất dép. Với giáo dục, trong chừng mực, xin đừng chỉ vì một khía cạnh năng lực nào đó của người học, người dạy mà xếp hạng thi đua.
Theo TTO