Trường sư phạm sẽ tập huấn chương trình mới cho giáo viên
Cách làm này sẽ thay thế mô hình bồi dưỡng giáo viên các cấp do vụ chuyên môn của Bộ GD&ĐT thực hiện.
Chất lượng đội ngũ giáo viên giữ vai trò quyết định trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh hoạ
Đây là lần đầu tiên trường sư phạm tham gia, chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác này. Sự thay đổi này và cơ chế kết hợp giữa trường sư phạm với Sở GDĐT, dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, nhằm tạo ra sự thống nhất, bài bản trong đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Theo đó, Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên của từng địa phương do trường đại học sư phạm phụ trách phối hợp Sở GD&ĐT thống nhất xây dựng, báo cáo Bộ và triển khai thực hiện phù hợp. Bộ GD&ĐT sẽ thành lập ban điều hành, giám sát việc bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương để nắm bắt, giám sát thực tế công tác tổ chức thực hiện.
“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là giao cho các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục trực tiếp tham gia bồi dưỡng dưới sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở GD&ĐT, các nhà trường phổ thông và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết việc bồi dưỡng giáo viên trước đây chủ yếu theo cách truyền thụ kiến thức với một số nội dung có sẵn và giáo viên cũng muốn được mang cái có sẵn đó về giảng dạy cho học sinh. Kiểu cầm tay chỉ việc như thế rất dễ dàng cho giáo viên và người đi bồi dưỡng. Nhưng ở chương trình GDPT mới, nhận thức và cách thức bồi dưỡng đã thay đổi.
“Phải biến nhận thức và cách thức được bồi dưỡng trở thành tự bồi dưỡng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Theo đó, giáo viên phải chủ động, năng động tìm hiểu, nắm bắt nội dung, yêu cầu, mục tiêu cần đạt… của chương trình GDPT mới, chương trình các môn học. Chương trình mới được thiết kế theo hướng mở để giáo viên được chủ động, sáng tạo trong cách giảng dạy của mình.
Với các video trao đổi gốc, học liệu gốc về chương trình tổng thể, chương trình môn học, nguyên lý, mục tiêu, yêu cầu cần đạt… của chương trình giáo dục phổ thông mới, được đưa lên mạng, tất cả các giáo viên đều có thể tiếp cận để nghiên cứu, học tập.
Video đang HOT
Trước khi tham dự bồi dưỡng trực tiếp, các giáo viên đều phải nghiên cứu trước các tài liệu này để nắm được các vấn cơ bản của chương trình GDPT mới. Những học liệu trên sẽ tồn tại trên hệ thống online, giúp giáo viên đọc, học, nghiên cứu nhiều lần.
Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến cũng có diễn đàn để giáo viên khi thấy khúc mắc, khó khăn có thể trao đổi ngay với giảng viên chủ chốt, giáo viên cốt cán.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ phải đảm bảo tiến độ về thời gian để đáp ứng lộ trình triển khai của chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2020-2021 tới sẽ áp dụng chương trình mới cho tất cả học sinh lớp 1, năm học 2021-2022 sẽ áp dụng cho lớp 2, lớp 6, năm học 2022-2023 cho lớp 3,7,10 và cuốn chiếu đến năm học 2024-2025 tất cả các cấp học, lớp học sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
MK
Theo baochinhphu
Bồi dưỡng qua mạng - thách thức cho trường Sư phạm
Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, một trong những vấn đề gây nhiều băn khoăn là năng lực và sự đáp ứng của đội ngũ giáo viên.
Để chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện thành công thì vai trò của các trường sư phạm trong việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng giúp giáo viên đóng vai trò quan trọng.
Ảnh minh họa -nguồn internet
Phát huy vai trò của công nghệ thông tin
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trưởng khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với giáo dục nói chung và đào tạo giáo viên nói riêng, việc phát huy vai trò của công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học là rất quan trọng.
Đối với vấn đề hỗ trợ hoạt động tự học, tự nghiên cứu, các hệ thống học tập trực tuyến e-Learning và những trang mạng hỗ trợ học tập khác sẽ giúp giảm bớt chi phí, thời gian, công sức của chúng ta trong khâu tổ chức lớp, đồng thời giúp người học học tập chủ động mọi lúc, mọi nơi.
Nhiều trang mạng và ứng dụng công nghệ hỗ trợ người dạy lưu trữ học liệu cũng như chia sẻ, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá kết quả học tập, giúp hoạt động dạy học đạt hiệu quả cao hơn.
Tránh khỏi tình trạng "biết một, dạy một"
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Thực tế ở Việt Nam những năm qua cho thấy, công tác tập huấn,bồi dưỡng GV chủ yếu được thực hiện theo hình thức trực tiếp, tập trung.
Trong đó, Bộ GD&ĐT tổ chức các đợt tập huấn cho GV cốt cán làm báo cáo viên cho các khóa tập huấn mở rộng tại các địa phương. Cách làm này đã góp phần nâng cao được nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lí và GV nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng, duy trì và hỗ trợ thường xuyên cho GV trong quá trình triển khai thực hiện.
Bồi dưỡng GV- yếu tố quan trọng trong quá trình đổi mới (ảnh internet)
Bên cạnh đó, do điều kiện tập huấn tập trung thường ngắn ngày nên thường chưa đủ thời gian để GV suy nghĩ, trao đổi và thảo luận sâu sắc về nội dung học tập. Các khóa tập huấn mở rộng tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế vì không tránh khỏi tình trạng "biết một, dạy một" của báo cáo viên - những GV cốt cán tập huấn lại những điều họ vừa được học...
Hơn nữa, chu trình đổi mới, cập nhật của chương trình và sách giáo khoa cũng ngày càng được rút ngắn. Theo đó, nhu cầu được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của GV các cấp ngày càng lớn, điều này cũng đòi hỏi cần có một nguồn tài liệu đa dạng và có tính cập nhật thường xuyên.
Như vậy, bồi dưỡng GV theo hình thức qua mạng sẽ là một lựa chọn hợp lí. Tập huấn GV theo e-learning với hình thức học kết hợp, học đảo chiều chính là đảm bảo các tiêu chí học tập: vừa đủ, kịp thời, cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên, liên tục, tiết kiệm chi phí.
Học qua mạng còn khắc phục được hiện tượng suy giảm chất lượng đào tạo qua các bậc của mô hình "đào tạo cán bộ đào tạo" (Training of Trainers). Bởi GV sẽ được học chủ động với những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan. Đặc biệt, sử dụng mạng trong học tập còn có tác động tức thì tới hình thành cộng đồng học tập và tác động lâu dài tới văn hóa chia sẻ, nền tảng của một xã hội học tập.
Lựa chọn chiến lược sư phạm phù hợp
Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng GV qua mạng, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền cho rằng: Việc xây dựng kịch bản dạy học, lựa chọn chiến lược sư phạm phù hợp cho một khóa bồi dưỡng e-learning có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của khóa học, bởi có một sự khác biệt rất lớn đối với bài giảng trực tiếp và bài hướng dẫn học qua mạng. Trong quá trình hướng dẫn học, các báo cáo viên cần phải đánh giá hết sức khách quan, biết cách kích thích sự nhiệt tình của học viên qua những nhận xét, bình luận.
Sự kết hợp giữa Bộ GD&ĐT với các trường ĐHSP, các Sở GD&ĐT cùng hệ thống báo cáo viên cấp Bộ, các GV cốt cán cần được tổ chức nhịp nhàng, theo kế hoạch và lộ trình thống nhất. Người học trong quá trình học qua mạng luôn cần được quản lý, đánh giá thường xuyên; sự trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục giữa các thành phần tham gia và tổ chức khóa bồi dưỡng là hết sức cần thiết.
Nền tảng công nghệ là quan trọng trong việc tổ chức bồi dưỡng qua mạng. Hệ thống mạng, máy chủ phải ổn định và tối ưu hóa kỹ thuật làm nội dung sẽ đảm bảo chất lượng đa phương tiện được truyền tải tốt. Hệ thống cần phải quản lý và giám sát được người học, lưu trữ kết quả học tập và tự động thông báo cho người học khi cần thiết.
"Chất lượng giáo viên đa dạng, thời gian giáo viên phổ thông có thể dành cho việc bồi dưỡng không nhiều, trong khi đó nội dung bồi dưỡng hoặc đào tạo lại có thể rất cần sự hệ thống và bài bản. Chính vì thế một thách thức cho trường sư phạm là xây dựng được các chương trình bồi dưỡng đảm bảo yêu cầu chất lượng đầu ra nhưng với thời lượng và cách thực hiện linh hoạt để phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thời gian hạn hẹp của người học", PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Trường sư phạm cùng giáo viên phổ thông bàn cách thức bồi dưỡng GV đáp ứng CTGDPT mới Sáng nay (21/4), Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên phối hợp với Sở GD&ĐT Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học Chương trình GDPT mới và định hướng chương trình bồi dưỡng giáo viên. Quang cảnh Hội thảo. Ảnh Việt Hà Dự hội thảo có bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT); PGS.TS...