Trưởng phòng GD quận Tân Bình giải thích lý do tuyển giáo viên trên cả nước
Tuyển giáo viên có hộ khẩu tại các địa phương trong cả nước sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các ứng viên.
Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông báo kế hoạch cho bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn quận cho năm học sắp tới (2022-2023). Theo đó, trong năm học này, ngành giáo dục quận Tân Bình có kế hoạch tuyển 324 viên chức, gồm 241 giáo viên và 85 nhân viên.
Trong đó, giáo viên bậc trung học cơ sở tuyển nhiều nhất (87 vị trí), kế đến là giáo viên tiểu học (82 người), giáo viên mầm non (72 người), kế toán (20 người). Những vị trí còn lại cần tuyển là Văn thư, Thư viện, Thiết bị – thí nghiệm, công nghệ thông tin, y tế, Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Tuyển dụng giáo viên quy mô cả nước sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các ứng viên (ảnh minh họa: Phan Nga)
Hội đồng tuyển dụng viên chức thông báo các ứng viên cần hội đủ các điều kiện như: Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam, có phiếu đăng ký dự tuyển, có văn bằng hay chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm dự tuyển, không phân biệt giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tôn giáo…
Quận Tân Bình cũng áp dụng các chính sách tính điểm ưu tiên khi tuyển dụng nếu ứng viên là Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, thương binh loại B được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh, con của người được hưởng các chính sách như thương binh, con thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động sẽ được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Kỳ thi viên chức ngành giáo dục của quận sẽ diễn ra trong 2 vòng.
Video đang HOT
Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại phiếu đăng ký dự tuyển. Nếu đáp ứng đủ thì ứng viên được tham gia vòng 2.
Vòng 2: Kiểm tra, sát hạch bằng hình thức phỏng vấn trong vòng 30 phút trên mỗi ứng viên. Nội dung phỏng vấn sẽ là các kiến thức chung, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo nhiệm vụ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc tuyển dụng viên chức của ngành giáo dục quận Tân Bình, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình cho hay, việc tuyển dụng giáo viên – nhân viên cho ngành giáo dục của quận với quy mô cả nước đã được thực hiện từ nhiều năm nay.
Theo ông Trần Khắc Huy, trong tổng số các ứng viên ứng tuyển của đợt thi hàng năm, các ứng viên có hộ khẩu của các tỉnh chiếm khoảng 10% so với các ứng viên của Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm nay, ngành giáo dục quận Tân Bình tuyển viên chức hai lần. Lần đầu, quận đã tuyển được 24/80 giáo viên – nhân viên có hộ khẩu là ở tỉnh.
Nói về lý do tuyển dụng quy mô như vậy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, việc tuyển dụng xét theo hộ khẩu nơi cư trú thành phố cũng đã bỏ từ lâu.
Ngoài ra, ông Trần Khắc Huy còn nói rằng, việc tuyển giáo viên – nhân viên quy mô cả nước sẽ có thể thu hút được nguồn nhân lực giỏi từ các tỉnh, nếu muốn lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhất là ở quận Tân Bình thì có thể đăng ký tham gia dự tuyển.
Song song đó, việc này còn nhằm làm tăng tính cạnh tranh giữa các ứng viên với nhau.
Thầy giáo tiếng Việt "bén duyên" trên đất nước triệu voi
Thấm thoắt hơn 10 năm công tác trên đất nước Lào với những vui, buồn, khó khăn và cả hạnh phúc, thầy giáo Phương vẫn luôn tự hào khi hằng ngày cùng đồng nghiệp miệt mài cống hiến cho sứ mệnh quốc tế.
Thầy Phương cùng học trò. Ảnh: NVCC
Khó khăn và nỗ lực của thầy giáo trẻ
Nói về cơ duyên trở thành thầy giáo dạy tiếng Việt cho học sinh Lào và con em Việt kiều, thầy giáo Trương Văn Phương (sinh năm 1987), quê tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết: Năm 2011, tốt nghiệp đại học và biết Quảng Bình đang tuyển giáo viên tham gia dạy tiếng Việt tại Lào, anh đã đăng ký tham gia và trúng tuyển.
Chia sẻ về những khó khăn ngày đầu khi mới đặt chân đến Lào, thầy Phương tâm sự: Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý cho chuyến đi công tác, thế nhưng những khó khăn khi đặt chân đến một đất nước xa lạ, nơi khác biệt về tập quán, lối sống... đã khiến thầy đôi khi chán nản và có suy nghĩ sẽ trở về Việt Nam.
"Những ngày đầu khi được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Thống Nhất, thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào) khó khăn bắt đầu đến với mình, do chưa thông thạo tiếng Lào để giao tiếp, cùng với văn hóa, đời sống và sinh hoạt nơi đây gần như khác biệt với Việt Nam... Rồi những đêm nhớ gia đình và quê hương đã khiến bản thân lung lay tư tưởng.
Nhưng vì nhiệm vụ và vì tình cảm những đứa trẻ nơi đây, tôi đã quyết tâm thích nghi với cuộc sống để công tác thật tốt. Từ đó, tôi dành thời gian rảnh rỗi theo chân học sinh về các gia đình Việt kiều để học tiếng Lào và tìm hiểu văn hóa của cư dân bản địa. Nhờ đó mình đã hiểu được và dần thích nghi với cuộc sống trên nước bạn và cảm thấy yêu mến, gắn bó hơn", thầy Phương bộc bạch.
Học trò của thầy Phương chủ yếu ở bậc tiểu học gồm con em người Lào và Việt kiều. Những học sinh này theo thầy Phương rất ham học tiếng Việt, gần gũi và yêu mến thầy cô giáo từ Việt Nam sang. Sự hiếu học và tình cảm các trò dành cho chính là động lực giúp thầy Phương gắn bó lâu dài tại Lào.
Không chỉ dạy tiếng Việt cho Việt kiều và người dân ở đây, thầy Phương còn tham gia nhiều hoạt động xã hội của Hội người Việt Nam tại tỉnh Khăm Muộn. Thầy còn hướng bà con người Việt về quê hương đất nước bằng nhiều hoạt động như: Vận động quyên góp các khoản tiền cho quỹ người nghèo và ủng hộ cho các địa phương bị ảnh hưởng lũ lụt tại Việt Nam.
Cùng với đó, thầy Phương cũng tích cực hỗ trợ và tham gia cùng bà con Việt kiều trong việc tổ chức các lễ hội như Tết cổ truyền Việt Nam; Tết thiếu nhi cho học sinh Trường Tiểu học Thống Nhất; Dạy học ngoài giờ miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn...
Thầy cô giáo dạy tiếng Việt tại Lào luôn được đồng nghiệp dành tình cảm yêu mến. Ảnh: NVCC
Giúp trò hiểu tiếng Việt, yêu quê hương
Chia sẻ về thầy giáo của mình, em Denouphab Outhen ở thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn cho hay: "Thầy Phương rất tận tình chỉ dạy, giúp chúng em hiểu ý nghĩa và yêu tiếng Việt hơn. Thông qua tiếng Việt em và các bạn có thể hiểu nhiều hơn về con người và văn hoá Việt Nam. Không chỉ dạy tiếng Việt, thầy Phương còn chỉ bảo cho em và các bạn nhiều bài học hay trong cuộc sống".
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông với khả năng nói tiếng Việt rất giỏi, Denouphab Outhen đã nhờ thầy Phương hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục để sang Việt Nam học tập. Outhen trở thành sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Quảng Bình với mong ước tiếp bước thầy Phương trong việc dạy tiếng Việt trên quê hương mình.
Cũng giống những thầy cô giáo khác, niềm vui của thầy Phương chính là, sau những tháng ngày dài cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ "gieo" tiếng Việt trên đất nước bạn Lào, nhiều học trò của thầy đã nghe và nói tiếng Việt rất tốt và dành một tình cảm đặc biệt cho đất nước Việt Nam. Các em và phụ huynh dù còn khó khăn về vật chất nhưng vẫn luôn dành tình cảm chân thành và giúp đỡ thầy cô rất nhiều.
Với hơn 10 năm sinh sống và làm việc, thầy Trương Văn Phương coi Lào như là quê hương thứ 2, yêu quý đất nước này như tình yêu đối với đất nước Việt Nam. Cũng trong thời gian công tác tại đây, thầy Phương đã quen biết, tìm hiểu với một đồng nghiệp rồi tiến đến hôn nhân và có một gia đình nhỏ hạnh phúc với sự chào đời của một cô công chúa nhỏ.
Thầy Phương cho hay: Mỗi dịp cuối năm, gia đình lại tất bật chuẩn bị hành lý để trở về Việt Nam đón Tết Nguyên đán cùng người thân. Và mỗi lần trở về với bản thân thầy là một cảm xúc khó tả, bởi quê hương Việt Nam và đất nước Lào đều là những nơi gắn bó nhất.
"Mỗi lần gia đình chuẩn bị về Việt Nam đón Tết là vợ chồng tôi không dám chào tạm biệt bà con nơi đây. Bởi bà con sẽ đến chúc Tết và gửi quà. Không nhận thì sợ bà con buồn lòng, nhận thì mình không nỡ bởi bà con còn khó khăn, vất vả", thầy Phương kể.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, thầy Phương cho biết: Hai vợ chồng tiếp tục công việc dạy tiếng Việt trên đất nước Lào cho bà con Việt kiều và người dân có nhu cầu ở đây. Hiện con gái của thầy Phương cũng theo học tại Trường Mầm non Thống nhất tại Thà Khẹt. Nhưng đến khi cháu lớn và chuẩn bị bước vào lớp 1, hai vợ chồng cũng sẽ sắp xếp và gửi cháu về Việt Nam nhờ bà nội chăm sóc để theo học tại quê nhà.
Với thầy Phương, dạy học trên đất bạn Lào không những thực hiện nghĩa vụ quốc tế mà còn có ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy tiếng và văn hóa Việt trên đất nước triệu voi cho các thế hệ con em Việt kiều. "Bà con và học sinh Lào thật thà và giàu tình cảm. Là người con xa xứ, mình giúp mọi người về ngôn ngữ thì bà con lại giúp mình trong cuộc sống. Hạnh phúc của những người dạy tiếng Việt trên đất nước Lào của bọn mình là như thế", thầy Phương tâm sự.
TP.HCM: Nỗ lực tuyển giáo viên, mở lớp bán trú đón học sinh Nhiều cơ sở giáo dục mầm non tại TP.HCM đồng loạt tuyển giáo viên, nhân viên để kịp mở cửa đón trẻ trở lại từ ngày 14-2. Chỉ còn vài ngày nữa (14-2), tất cả trường học khối mầm non, tiểu học tại TP.HCM bắt đầu đón trẻ đi học lại. Tuy nhiên, sau thời gian dài phải đóng cửa vì dịch COVID-19,...