Trường nghề liên kết dạy văn hóa phổ thông đang tốt, thay đổi sẽ làm rối ren
Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn kiến nghị được tự dạy văn hóa trong trường, điều đó có thực sự cần thiết?
Tỉ lệ tốt nghiệp tốt, sao phải thay đổi?
Vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo nội dung của dự thảo, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trung cấp nghề phải đào tạo 4 môn (2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn; 2 môn tự chọn trong số 5 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý). Nếu muốn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh sẽ phải học chương trình giáo dục thường xuyên gồm 7 môn.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế chương trình học văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 7 môn học (nếu người học có nhu cầu). Một số trường nghề cho rằng, họ có đủ khả năng đào tạo 7 môn chứ không phải liên kết với trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Thầy cô trường nghề nên tập trung đào tạo chuyên môn kỹ năng nghề. (Ảnh: Ngân Chi).
Tuy nhiên, điều này có thực sự cần thiết?
Để hình dung rõ hơn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để lắng nghe tiếng nói “người trong cuộc”.
Đề cập đến vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Văn Huy (Phó Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều năm qua, nhà trường thực hiện liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo văn hóa, hiệu quả vẫn rất tốt. Sự phối hợp giữa nhà trường với trung tâm cũng rất thuận lợi, không gặp khó khăn gì. Ở các địa phương khác thế nào thì tôi không dám chắc, chứ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội, vẫn liên kết với các trung tâm để dạy văn hóa, và hoàn toàn chưa phát sinh vấn đề gì”.
Theo vị này nhìn nhận, chủ trương liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo các môn văn hóa là rất cần thiết, bởi, các trung tâm đó sẽ có chuyên môn đối với các môn học văn hóa, còn trường trung cấp, cao đẳng chỉ chú trọng đào tạo nghề.
Thạc sĩ Nguyễn Công Cát (Hiệu trưởng trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội) cũng cho biết: “Mấy năm qua, nhà trường vẫn đang liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa cho học sinh. Và số học sinh mà nhà trường tuyển sinh vẫn tăng qua từng năm. Thời điểm này, việc chủ động giảng dạy các môn văn hóa ngay trong nhà trường là rất khó khăn”.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội cũng phân tích thêm: “Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo vốn đang quản lý học sinh theo phần mềm, cố định từ đầu vào đến hết lớp 12 nên sự thay đổi là rất khó. Bên cạnh đó, các giảng viên trong nhà trường thường chắc hơn về chuyên môn đào tạo nghề, đặc biệt với lĩnh vực kỹ thuật.
Mặc dù một số thầy cô vẫn có thể dạy được một số môn văn hóa, theo chương trình phổ thông, nhưng không thể chuyên sâu. Bởi, trình độ thì có thể dạy được, nhưng phương pháp chưa thực sự phù hợp với các kiến thức phổ thông.
Nếu triển khai dạy văn hóa tại trường, nhà trường sẽ phải tuyển thêm đội ngũ giáo viên tốt nghiệp các trường sư phạm, có chuyên môn giáo dục phổ thông. Vì vậy, tốt nhất là nên liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên”.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Phú Việt (Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ ra: “Trước hết, cần nhìn vào chất lượng học sinh “gửi” của các trường cao đẳng trong các năm qua. Như đối với các trường cao đẳng liên kết tại trung tâm, những năm qua, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông khá ổn định, luôn ngang bằng hoặc nhỉnh hơn so với mặt bằng chung của thành phố (khoảng 95%).
Kết quả đó nhờ vào sự quản lý chặt chẽ của trung tâm, dưới sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện theo đúng khung chương trình của ngành cho hệ giáo dục thường xuyên, thực hiện các chuyên đề làm sao cho phù hợp với từng giai đoạn.
Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ từ đội ngũ chất lượng giáo viên, cho đến chương trình, nội dung, đảm bảo tiến độ và chất lượng cho học sinh”.
Ông Đỗ Phú Việt cho biết, tỉ lệ học sinh mà các trường nghề “gửi” học văn hóa đỗ tốt nghiệp qua các năm luôn ổn định. (Ảnh: Ngân Chi).
“Tuy nhiên, nếu muốn tách riêng, để các trường nghề quản lý luôn dạy mảng văn hóa thì cũng rất khó! Đối với các trường đó, không trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, không có ai quản lý chương trình giáo dục văn hóa, sẽ rất khó trong việc cập nhật kiến thức, phương pháp thường xuyên.
Khi đó, ai chịu trách nhiệm quản lý vấn đề chuyên môn? Ai quản lý cập nhật kiến thức, cập nhật phương pháp? Khi tung ra, ai chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng dạy văn hóa? Trong khi đó đang là chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vậy có cần thiết phải thay đổi?
Tất nhiên, với tâm lý “ai cũng cho mình là giỏi, ai cũng cho rằng mình sẵn sàng làm được những điều mà người khác làm được”, trường nào cũng cho rằng mình có thể tự dạy văn hóa được, nhưng thứ nhất là luật không cho phép; thứ hai, thực tế triển khai đã cho thấy, mong muốn đó là không khả thi”, ông Đỗ Phú Việt bày tỏ.
Các trường muốn dạy văn hóa, vì lợi ích khác?
Trước kiến nghị của một số trường cao đẳng muốn tự dạy văn hóa để học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông và có cơ sở liên thông đại học, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (Tổng giám đốc Innedu, người đã được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định: “Như vậy là quá ôm đồm!”.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên chỉ ra bí quyết nâng chất lượng đào tạo nghề. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cô Tô Thụy Diễm Quyên lý giải: “Tôi lấy ví dụ, trong 1.000 học sinh học nghề, khi các em có bằng nghề, đã có thể đi làm kiếm tiền rồi, chỉ có khoảng 10% trong số đó sẽ học lên tiếp. Vậy, chúng ta không thể nào lo hết “chặng đường” vào đại học cho tất cả. Nếu các em đó muốn lên đại học, thì bản thân phải tự cố gắng, nỗ lực và tìm con đường phù hợp.
Học sinh vào trường nghề đa phần đã là học sinh năng lực học tập vừa phải nếu đào tạo rút ngắn và ôm đồm như vậy thì sẽ không hiệu quả!
Ngày trước, tôi đã từng được mời đi dạy kỹ năng cho học sinh trường nghề, bản thân những em đó lựa chọn môi trường này chủ yếu do không thi đỗ vào lớp 10, nên tâm lý học sinh cũng không phù hợp và không hứng thú với các môn văn hóa. Nên việc trường nghề nghĩ đến chuyện kiêm luôn đào tạo các môn văn hóa là hoàn toàn không cần thiết”.
“Trước khi trường nghề muốn dạy văn hóa, phải đặt câu hỏi, mục tiêu của các trường này là gì? Là đào tạo nghề! Vậy phải xoáy mạnh vào chuyện đào tạo nghề, và những kiến thức văn hóa mà học sinh học là để phục vụ cho phát triển nghề.
Còn nếu chỉ để hợp thức hóa tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để cho các em liên thông lên đại học, thì trường nghề hoàn toàn không cần làm nhiệm vụ đó. Làm như vậy, không còn gọi là trường nghề nữa.
Đừng nói là không muốn học sinh phải ra ngoài học kiến thức, tôi nói thật, các trường nghề đang muốn mở thêm kênh dạy văn hóa là nhằm phục vụ lợi ích khác, chứ không phải là để việc đào tạo hiệu quả hơn”, vị chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.
Giải đáp thắc mắc về cách để các trường nghề thu hút học sinh và đào tạo hiệu quả hơn, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên góp ý: “Chúng ta không thể có kết quả mới từ cách làm cũ!
Trường nghề muốn đào tạo văn hóa, phải chứng minh được rằng, họ xây dựng được một chương trình văn hóa mà làm cho công việc đào tạo nghề của họ khả thi hơn, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, trường nghề có dạy kèm văn hóa nhưng kiến thức văn hóa đó không phải chỉ phục vụ tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bình thường. Học sinh học theo ngành nghề gì thì nên dạy thêm nội dung kiến thức văn hóa phục vụ đúng theo ngành nghề đó.
Tôi cho rằng hiệp hội tất cả các trường nghề phải ngồi lại với nhau, phải xây dựng lại một chương trình phổ thông dành riêng cho học sinh trường nghề, phải xác định rõ, “đo ni đóng giày” cho các ngành nghề học hiện tại.
Trường nghề đang đào tạo chuyên sâu các kỹ năng nghề, nên kiến thức phải phục vụ cho ngành nghề đó trong tương lai, tức là phải dạy cái mình cần chứ không dạy cái mà chương trình có, những cái đại trà, kiến thức dạy trong trường nghề thì phải phục vụ nghề. Như vậy thì sẽ thu hút được học sinh”.
Học sinh giáo dục thường xuyên được lấy bằng trung cấp nghề miễn phí
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, cho biết: Từ năm học 2021-2022, học sinh được dạy thêm một nghề (có bằng) miễn phí.
Trong kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022, Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Chu Văn An (quận 5) sẽ đào tạo trung cấp nghề miễn phí song song quá trình học văn hoá cho học sinh.
Ông Đỗ Minh Hoàng cho hay: "Để khi tốt nghiệp THPT, nếu các em không đủ khả năng học tiếp lên đại học ngay thì cũng có cái nghề để nuôi thân và tự lập được. Quan trọng hơn, rất nhiều học sinh kể cả khi đã học đến lớp 12 vẫn chưa thể xác định được mình phù hợp với nghề nào, muốn làm ngành nghề gì. Việc cho các em tiếp xúc với học nghề ngay từ bậc phổ thông sẽ giúp các em xác định được sở thích nghề nghiệp sớm, tránh vết xe cũ phải vào đại học rồi mới biết mình không phù hợp với ngành học đã chọn...".
Học sinh TTGDTX Chu Văn An được học thực tế
Theo thông báo tuyển sinh, TTGDTX Chu Văn An tuyển 450 học sinh đã tốt nghiệp THCS có năm sinh 2006, 2005 có phiếu điểm tuyển sinh lớp 10. Nếu không tham gia kỳ thi tuyển thì cuối năm lớp 9, học lực và hạnh kiểm phải đạt từ loại trung bình trở lên.
Thay vì học 13 môn như học sinh hệ THPT, học sinh GDTX sẽ học chương trình văn hoá 10 môn (gồm Văn - Toán - Lý - Hóa - Sinh - Sử - Địa - Giáo dục công dân - Tin học - Ngoại ngữ (Tiếng Anh hoặc Tiếng Nhật)).
Học sinh được dạy giáo dục công dân bằng những hành động có trách nhiệm
Trong đó, tiếng Anh học theo giáo trình Smart Time, 4 kỹ năng học với giáo viên bản ngữ nước ngoài, trình độ sau khi hoàn thành chương trình phổ thông đạt A2 (theo khung năng lực tiếng Anh quốc gia)
Tiếng Nhật học theo giáo trình chuẩn, trình độ sau khi hoàn thành chương trình phổ thông đạt N5 (theo khung năng lực tiếng Nhật).
Tin học học theo chương trình ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản do Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành.
TTGDTX Chu Văn An vốn nổi tiếng dạy chương trình môn Giáo dục công dân với giáo trình thực tiễn riêng biệt bằng việc dạy học sinh sống có trách nhiệm, phát huy lòng nhân ái bằng hành động thiết thực như: Tham gia làm công ích ở các quán cơm từ thiện, chăm sóc và hướng dẫn trẻ mồ côi- khuyết tật đọc sách; sẻ chia khó khăn với người cơ nhỡ, làm việc nhà...
Và học thể dục các môn chuyên nghiệp
Đối với môn thể dục, học sinh được hướng dẫn tập luyện các môn thể thao chuyên nghiệp như: võ judo, cầu lông, bóng rỗ.
Học sinh được tham gia học trung cấp nghề (miễn học phí) các nghề: chế biến thực phẩm, điện công nghiệp, công nghệ thông tin, thiết kế website, truyền thông đa phương tiện, điện lạnh, logistic, hướng dẫn viên du lịch, quản lý & bán hàng siêu thị; điều dưỡng.
Cơ cấu lớp tuyển sinh gồm:
Lớp Phổ thông - Trung cấp điều dưỡng - Tiếng Nhật (1 lớp)
Lớp Phổ thông - Trung cấp Nghề - Tiếng Anh học với giáo viên nước ngoài (3 lớp)
Lớp Phổ thông - Trung cấp Nghề (6 lớp).
Việc các TTGDTX ngày càng năng động thu hút người học, trở thành hướng đi thành công của nhiều học sinh đã góp phần thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS, giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh đầu cấp.
Kế hoạch và dự báo phát triển nguồn nhân lực là điểm yếu và thiếu của Việt Nam Việc tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại mạng lưới không phải là điều quá khó, một khi đã đánh giá được nhu cầu người học và doanh nghiệp. Ông Trần Đức Cảnh - chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc phát triển nguồn Nhân lực Bang Massachusetts (Mỹ) đã có cuộc trao đổi với Tạp...