Trường nghề khan nguồn tuyển: Năng động để gỡ khó
Sau khi Bộ GDĐT công bố quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) 2020, các trường trên cả nước đã điều chỉnh lại đề án tuyển sinh và bắt đầu công bố đề án tuyển sinh mới. Các trường nghề cũng tìm cách gỡ khó để thu hút thí sinh.
Ảnh minh họa
Trong năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên cả nước phấn đấu tuyển sinh gần 2,3 triệu người học. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này chưa đạt được như mong đợi, thậm chí là còn xa. Phân tích từ các chuyên gia tuyển sinh cho thấy, bắt đầu từ năm 2017, gần 2.000 trường nghề công lập được quyền tự quyết về hình thức tuyển sinh. Thế nhưng, các trường nghề đang đứng trước thách thức cạnh tranh không nhỏ, giữa các trường nghề với nhau, cạnh tranh giữa trường nghề và trường ĐH. Trong cuộc cạnh tranh với các trường ĐH, khối trường nghề luôn yếu thế, bởi tâm lý chuộng bằng cấp của nhiều phụ huynh và học sinh còn khá phổ biến.
Tại một Hội nghị về triển khai nhiệm vụ, giải pháp tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2019 đại diện Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH) đã cho biết, tuyển sinh GDNN nhìn chung còn gặp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng của tuyển sinh ĐH. Cụ thể, phương thức tuyển sinh ĐH có nhiều sự thay đổi (nhiều trường chỉ xét học bạ, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài) đã tạo điều kiện thu hút học sinh vào học, gây áp lực cho các trường nghề trong công tác tuyển sinh. Hệ quả là nhiều trường nghề tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được rất ít.
Khi các trường ĐH đa dạng phương thức tuyển sinh, rõ ràng người học sẽ dễ dàng hơn trong việc có được tấm vé vào giảng đường ĐH. Theo như chuyên gia Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế phân tích, ở đây có sự cạnh tranh giữa hai hệ thống đào tạo. Hệ thống GDĐH Việt Nam, cũng như hệ thống GDNN chưa “tương hỗ” cho nhau trong suốt thời gian qua, dẫn đến tình trạng bên này tuyển sinh ổn, thì bên kia thiếu hụt nguồn tuyển.
Video đang HOT
Dẫu vậy, theo TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN- Bộ LĐTB-XH), bản thân trường nghề cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là các trường chưa thực sự năng động, tích cực trong việc đổi mới, tìm kiếm nguồn tuyển sinh cũng như chưa tạo được sức hút với người học. Nếu xã hội chờ mong trường nghề là “vườn ươm” lao động có tay nghề, kỹ năng cho doanh nghiệp (DN) và được DN quan tâm, đón nhận sau tốt nghiệp, thì xét về góc độ này, tính kết nối giữa trường nghề và DN chưa cao.
Thực tế, trong bối cảnh trường nghề đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các loại hình đào tạo khác để thu hút người học, yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề đang được đặt ra bức thiết. Việc đổi mới này không chỉ giải quyết khó khăn trong công tác tuyển sinh mà còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tạo sức hút cho trường nghề
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, mùa tuyển sinh 2019 dần khép lại với nhiều kết quả khả quan ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Đây là nền tảng khẳng định sức hút của trường nghề với thí sinh bằng niềm tin chất lượng đào tạo.
Giờ học tiếng Anh của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ.
Lê Quốc Dũng, tân sinh viên ngành Quản trị nhà hàng, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết: "Tôi chọn trường, ngành này vì yêu thích, lại phù hợp với năng lực. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cao hơn". Năm 2014, Quốc Dũng trúng tuyển vào đại học ngành Quản lý đất đai. Sau hơn 2 năm học đại học, Dũng nhận thấy không phù hợp nên chuyển sang học ngành Quản trị nhà hàng. Vừa làm, vừa học, tuy vất vả nhưng Quốc Dũng hài lòng với ngành học hiện nay. Dũng thông tin thêm: Tôi đã làm thêm công việc phục vụ nhà hàng khi còn đi học nên những trải nghiệm thực tế bổ sung hữu ích vào kiến thức lý thuyết học được trên ghế nhà trường.
Trường hợp của Quốc Dũng không hiếm thấy tại các trường cao đẳng trên địa bàn thành phố. Ghi nhận từ Trường Cao đẳng Cần Thơ, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ... đều có trường hợp thí sinh trúng tuyển đại học, đang học và đã tốt nghiệp đại học nhưng chuyển sang học nghề. Theo thống kê Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, đến nay, 4 ngành cao đẳng của trường đã tuyển đạt tổng chỉ tiêu 2019.
Ông Đặng Đại Cuộc, Trưởng phòng Đào tạo của trường, nói: "Điều đáng mừng có nhiều thí sinh học đại học hoặc trúng tuyển cùng lúc đại học và cao đẳng, song chọn học tại trường". Thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết: "Cơ sở vật chất của trường khang trang ổn định, đội ngũ giảng dạy vững vàng về chuyên môn. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt trên 95%, đã tạo thêm niềm tin với thí sinh, phụ huynh về chất lượng đào tạo của trường". Sắp tới, trường tiếp tục đầu tư thêm một phòng thực hành nhà hàng khách sạn, ký túc xá 500 chỗ.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong giờ học thực hành. ảnh: B.NG
Sau 3 năm, khối cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, 2019 được xem là năm có nhiều khởi sắc rõ nét trong công tác tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Cần Thơ. Tính đến ngày 23-10, tuyển sinh của 10 trường cao đẳng (trong đó có 3 phân hiệu cao đẳng) ở Cần Thơ đều đạt kế hoạch tuyển sinh năm 2019.
Trong số 7 trường cao đẳng, có 4 trường đạt 100% như: Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Theo đánh giá của cán bộ quản lý các trường, nhận thức về học nghề của học sinh gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, chọn học theo năng lực, điều kiện gia đình.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đầu tư nguồn lực để phát triển chất lượng đào tạo; kết nối hiệu quả với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Thạc sĩ Phan Thị Thùy Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết: "Hầu hết các ngành đào tạo của trường đều tuyển được thí sinh. Nhất là ngành Công nghệ ô tô chiếm tỷ lệ cao, đã có trường hợp thí sinh tốt nghiệp đại học đăng ký học ngành này. Hay như ngành Hàn vốn tuyển sinh khó khăn thì nay đã tuyển được thí sinh vào học". Trường hiện có quy mô đào tạo hơn 4.100 học sinh, sinh viên theo học 14 ngành cao đẳng, 11 ngành trung cấp.
Thực tế, công tác tuyển sinh ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa hết khó khăn, đến nay, 14 trường trung cấp chưa tuyển được 50% tổng chỉ tiêu. Theo ông Đào Minh Lợi, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ, so với các năm trước, tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cụ thể là các trường trung cấp tuyển sinh vẫn còn khó khăn. "Sắp tới ngành tiếp tục chỉ đạo, rà soát lại chỉ tiêu tuyển từ nay đến cuối năm, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh ở các trường phổ thông, trong đó chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa 3 bên "doanh nghiệp - nhà trường - gia đình" để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả", ông Đào Minh Lợi nhấn mạnh.
Bài, ảnh: B.Kiên
Theo baocantho
Thí sinh cần lưu ý gì khi chọn, đăng ký vào ngành học đặc thù PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng: Ngành học đặc thù có những đòi hỏi rất cao về nghề nghiệp. Do đó, nếu không thực sự yêu thích và đam mê, các em không thể nào theo học được. - Ông có thể cho biết cụ thể hơn, so với những ngành học khác, thí sinh cần...