Trường mầm non dạy ‘chui’ với học phí quốc tế
Chưa được phép hoạt động đã chiêu sinh, quảng cáo giáo viên quốc tế nhưng đăng ký 100% “nội địa”, chi hơn 10 triệu/tháng – trẻ được học trong khu mua sắm nhạc xập xình… là chuyện mới biết ở trường Maple Bear TP.HCM.
Chỉ được phép tuyển sinh học sinh nước ngoài, con em Việt kiều nhưng tại trường mầm non Maple Bear TP.HCM có cả trẻ Việt 100 %.
Quảng cáo giáo viên quốc tế, đăng ký giáo viên “nội địa”
Phụ huynh tại trường mầm non quốc tế Maple Bear tại Hà Nội chưa hết bàng hoàng vì trường cho học sinh “ăn bẩn”, mới đây, các bậc cha mẹ tại TPHCM lại “vỡ mộng” vì ngôi trường quốc tế mà con mình đang theo học gần năm nay đang hoạt động khi chưa được cấp phép.
Tại TPHCM, trường Maple Bear dạy trẻ mầm non ở 2 cơ sở: tầng 2 Trung tâm Thương mại Lotte Mart (số 469 Nguyễn Hữu Thọ, quận 7) và tầng 2 tòa nhà Flemington (số 182 Lê Đại Hành, quận 11).
Được quảng cáo rầm rộ với chương trình Toàn cầu sử dụng bản quyền của tổ chức giáo dục Maple Bear Canada thiết kế riêng cho chương trình giáo dục mầm non, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh, giáo viên bản ngữ dạy kèm theo giáo viên Việt Nam trợ giảng.
Ngoài ra, phụ huynh có thể lựa chọn chương trình Hội nhập được giảng dạy bằng song ngữ Anh – Việt. Theo đó, trẻ có nửa ngày học chương trình thiết kế riêng của Maple Bear bằng tiếng Anh do giáo viên người Canada hướng dẫn, còn lại thì học chương trình và tài liệu của Bộ GD-ĐT Việt Nam.
Với những lời quảng cáo “có cánh”, mức học phí của trường cũng “xứng tầm quốc tế”. Nếu học khóa hè 9 tuần theo chương trình Toàn cầu là 28.430.000 đồng/khóa (cả ngày) và 21.850.000 đồng/khóa (nửa ngày), còn chương trình Hội nhập là 22.190.000 đồng/khóa (cả ngày) và 19.750.000 đồng/khóa (nửa ngày).
Thực tế, học kỳ hè có mức phí dễ thở nhất tại đây. 3 học kỳ còn lại có giá từ 30.590.000 đồng (nửa ngày) đến 45.070.000 đồng (cả ngày), tính cho một học kỳ 14 tuần.
Ngoài ra, phụ huynh muốn cho con vào học tại ngôi trường quốc tế này phải đóng nhiều khoản phí không nhỏ khác: phí nhập học là 6.300.000 đồng phí xây dựng 8.400.000 đồng (đóng 1 lần cho suốt quá trình học) phí bảo hiểm tai nạn 950.000 đồng/năm (nếu chưa có), đồ dùng học tập 950.000 đồng nếu đón trẻ muộn thì phí trông là 100.000 đồng/giờ …
Dù học phí cao chót vót nhưng cả 2 cơ sở trên đặt ở những trung tâm mua sắm, thiếu mảng xanh, ánh nắng cho trẻ hoạt động. Phía ngoài cổng trường là cảnh mua sắm, người qua lại đông đúc ồn ào, các cửa hàng mở nhiều loại nhạc. Khi bước vào trường, không gian kín mít của các lớp học khiến nhiều liên tưởng đến văn phòng làm việc hơn là trường học. Sân chơi chính của trẻ là căn phòng rộng chừng 15m2 với một vài thiết bị đơn giản…
Chưa hết, nhân viên của trường không ngừng quảng cáo chương trình quốc tế, giáo viên Canada trực tiếp giảng dạy trong cả chương trình Toàn cầu, Hội nhập… nhưng cả 8 giáo viên mà trường đăng ký với cơ quan chức năng đều là giáo viên người Việt, không hề có tên quốc tế nào!
Video đang HOT
Quảng cáo là giáo viên Canada giảng dạy nhưng trong danh sách đăng ký với cơ quan chức năng lại không hề có tên một người nước ngoài mà chỉ có 8 giáo viên người Việt.
Hoạt động trước khi được cấp giấy phép
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Công ty TNHH CitySmart Việt Nam chỉ mới xin Sở GD-ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho trường mầm non quốc tế Maple Bear Canada tại tầng 2 tòa nhà Flemington (số 182 Lê Đại Hành, phường 15, quận 11), được chấp thuận vào ngày 29/5/2012.
Sắp tới, công ty này tiếp tục xin mở một chi nhánh dạy mầm non ở tầng 2, cao ốc Horizon (214, Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận1). Maple Bear Canada hoàn toàn chưa có cơ sở pháp lý để hoạt động giáo dục mầm non tại địa điểm ở quận 7.
Mặc dù cơ sở tại quận 7 chưa đăng ký hoạt động, cơ sở tại quận 11 vừa được cấp phép nhưng cả 2 nơi đều nhận nuôi dạy trẻ từ tháng 8/2011. Ông Văn Công Sang, Trưởng Phòng Tổ chức – Cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Chúng tôi chỉ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở tại địa chỉ trên nên các địa điểm hoạt động khác là không đúng, chúng tôi sẽ nhanh chóng thanh tra”.
Không những tự hoạt động “chui”, Maple Bear tại TP.HCM còn đảm đương cả chương trình trong nước do Bộ GD-ĐT ban hành, đồng thời nhận luôn học sinh người Việt… là những chức năng mà giấy cho phép hoạt động không cho phép. Trong khi, theo quy định, đối tượng tuyển sinh của Maple Bear chỉ là người nước ngoài và con em Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam theo chương trình quốc tế của Canada.
Mặc dù cuộc thanh tra chưa được thực hiện, nhưng theo kinh nghiệm của các chuyên viên Sở GD – ĐT TP.HCM, đối với các vi phạm này, Maple Bear sẽ bị phạt hành chính.
“Không ai đi bỏ tù vì một lỗi như vậy”, chuyên viên này cho biết. Về các em học sinh người Việt đã đóng tiền theo học tại đây thì sẽ được… học tiếp cho hết tiền đã đóng, dù trường không có chức năng nhận học sinh người Việt!
Được biết, hiện các thủ tục xin phép để thanh tra cơ sở đào tạo này đang được Sở GD – ĐT TP.HCM gấp rút thực hiện. Có thể nói rằng trường mầm non này sẽ bị xử phạt vì việc dạy chui của mình. Thế nhưng, bởi vì không ai bị bỏ tù khi trường này dạy học chui, mức phạt hành chính của Việt Nam thông thường còn… ít tiền hơn học phí của một học sinh học tại Maple Bear phải đóng, thì hình thức xử lý này không biết có đủ sức răn đe?
MINH NGUYỆT
Theo Infonet
'Người đầu tiên tôi muốn chất vấn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục'
ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết trong kỳ họp này người đầu tiên ông muốn chất vấn là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Câu hỏi sẽ là "đã đến lúc cần có một cuộc cải cách nền giáo dục chưa".
- Thưa ông, cá nhân ông muốn được chất vấn Bộ trưởng nào trong kỳ họp này?
- Bộ trưởng đầu tiên mà tôi muốn chất vấn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi vì tôi theo dõi mảng giáo dục. Thứ hai là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thứ ba là Bộ trưởng Bộ Y tế và cuối cùng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề đất đai.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
- Nếu được chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông sẽ chất vấn về vấn đề gì?
- Nếu chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT, tôi quan tâm nhiều đến cơ chế. Nghề nghiệp khiến tôi luôn luôn nhìn trong một chặng đường dài. Nhìn vào những hiện tượng thì có rất nhiều chuyện để nói, nhưng làm sao phải có được cái nhìn lâu dài và có bước chuyển đổi. Câu hỏi mà tôi đặt ra là đã cần phải có một cuộc cải cách nền giáo dục hay chưa.
- Lâu nay, người ta vẫn nói là cải cách đấy thôi, thưa ông?
- Đó không phải là cải cách mà đúng hơn, đó chỉ là chỉnh sửa, một sự chỉnh sửa không có hệ thống. Nếu sâu xa hơn thì có thể nói, sự chỉnh sửa này không có một triết lý, mà khi đã không có cái đó (triết lý - pv) thì sẽ không thể chỉnh sửa được. Chỉnh sửa rồi sẽ nảy sinh ra những cái phức tạp, mà cuộc sống thì không những ngày càng có quy mô lớn, mà nó còn đứng trước nhu cầu phát triển và hội nhập nữa. Tôi nghĩ cần phải có cái nhìn căn bản.
- Vậy có phải do mình cứ chỉnh sửa mãi mà nền giáo dục thành ra như hiện nay không?
- Có lẽ tôi cho là như vậy.
- Nếu bây giờ mà cải cách, theo ông sẽ phải làm điều gì trước, hay làm tất cả một lúc?
- Đầu tiên, những người có trách nhiệm cao nhất phải coi đấy là một nhu cầu, và phải có một lộ trình thật là bài bản, không thể vội vã được. Nhưng phải có ý thức ngay từ bây giờ. Còn nếu chỉ tập trung vào chỉnh sửa, và cứ 6 tháng một lần ra báo cáo Quốc hội hoặc đứng trước Quốc hội trả lời chất vấn thì không giải quyết được vấn đề gì. Cho nên, cần có cái nhìn vĩ mô vào lúc này. Cho dù là có rất nhiều cái ta phải ứng phó, nhưng trong cái ứng phó đó ta phải nghĩ và thiết kế những cái lâu dài.
- Người ta phải làm cả cái dài và ngắn chứ, thưa ông?
- Nhưng bây giờ người ta chỉ làm toàn cái ngắn, chứ đâu có làm cái gì dài...
- Nhưng từng cái ngắn đó có vẻ không hiệu quả?
- Không hiệu quả chính là vì không có định hướng.
- Như chuyện chống thành tích trong giáo dục?
- Đúng, như cái "hai không" chẳng hạn. Nó là một giải pháp nhất thời. Lúc đầu nó cũng có hiệu quả, đáp ứng phần nào nhu cầu của xã hội. Nhưng vì không giải quyết có hệ thống nên cuối cùng lại trở lại như cũ.
- Rất nhiều người nói rằng, mọi vướng mắc là do cơ chế. Ngay cả các Bộ trưởng cũng vậy?
- Đúng vậy. Như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chẳng hạn. Ông ấy chỉ lo phần hạ tầng thôi, còn những vấn đề liên quan đến giao thông thì đâu chỉ có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải? Còn "ông" xây dựng, "ông" quy hoạch như thế nào, ông Bộ Công an giải quyết vấn đề trật tự an toàn ra sao?
Tôi nghĩ rằng, ngay cả cơ chế cũng phải làm sao để cả người dân cũng phải tham gia vào, không chỉ tham gia ở tinh thần tự giác mà phải tham gia cả về phương diện bắt buộc. Đổi mới không có nghĩa là chỉ Chính phủ đổi mới, mà cả người dân cũng phải đổi mới, phải chia sẻ chứ không phải chỉ một chiều, như lý tưởng được.
- Gần như chắc chắn là 3 trong số 4 Bộ trưởng mà ông mong muốn được chất vấn sẽ không được phân công trả lời đợt này (Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, và Bộ trưởng Bộ Y tế), ông có thất vọng không?
- Tôi đành phải chấp nhận quyết định của Quốc hội thôi.
- Liên quan đến việc ông mong muốn được chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, xin hỏi thêm một câu, ông có bằng lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dũng không?
- Tôi cho rằng, tất cả các cơ quan có liên quan phải trả lời thì câu hỏi cuối cùng của Bộ trưởng Đinh La Thăng mới trả lời được. Ví dụ như về Đảng như thế nào, Bộ Nội vụ như thế nào... Tất cả những cái đó phải được đặt lên bàn thì mới biết ông Đinh La Thăng có thực thi đúng tất cả những nguyên tắc đó hay không, cơ chế có quy định hay không.
- Tâm lý của ông về chuyện này như thế nào?
- Tôi không dùng tâm lý. Chuyện này thể dùng tâm lý được. Bức xúc thì mình phải lắng nghe, nhưng khi đã trở thành quan điểm của mình thì nó phải là của mình. Việc chất vấn thì còn rất nhiều cơ hội. Còn việc chất vấn tại hội trường chỉ diễn ra trong nửa buổi thì chỉ tạo ra một mối quan tâm chung của toàn xã hội thôi. Điều đó là quan trọng, nhưng tôi không nghĩ rằng tại một cuộc chất vấn ở đây mà mọi cái sẽ giải quyết được. Ngay cả lời hứa cũng vậy, lời hứa là ý chí, còn muốn thực hiện thì cần rất nhiều điều kiện. Ví dụ như vấn đề tai nạn giao thông, không chỉ có mình ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Theo Vnmedia
Làm toán bằng cách 'múa' ngón tay Chỉ với chiếc bàn tính hạt gỗ treo trên bảng, các bé ngồi dưới lớp học thực hiện động tác "múa" ngón tay, tưởng tượng sắp xếp các hạt gỗ để tính được những phép toán trong thời gian ngắn. Đó là những hình ảnh trong lớp học làm toán trí tuệ vừa được mở ra nhân dịp hè tại Nhà Thiếu nhi...