Trường lớp khang trang, sẵn sàng năm học mới
Hàng trăm tỷ đồng được huy động từ ngân sách các địa phương và nguồn dự án, xã hội hóa… đã khoác lên màu áo mới cho những ngôi trường trên vùng đất Hà Tĩnh. Tất cả đã sẵn sàng chào đón năm học mới 2020-2021.
Giáo viên Trường Mầm non Thạch Trị chuẩn bị trang trí trường lớp…
Năm học 2020-2021, huyện Thạch Hà đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để bổ sung 2 phòng học và hệ thống bếp ăn bán trú khang trang tại Trường Mầm non xã Thạch Trị (Thạch Hà). Cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Trị cho biết: “Sự quan tâm này là nguồn động viên lớn đối với tập thể giáo viên nhà trường, giúp chúng tôi có động lực hơn trong việc khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ”.
Và vệ sinh, sắp xếp lại bếp ăn bán trú để đón năm học mới
Ở vùng bãi ngang Thạch Trị, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa không thể đáp ứng được yêu cầu tu sửa, xây dựng mới cơ sở vật chất trường học, chính vì thế, sự quan tâm kịp thời của huyện đã mang đến niềm vui trọn vẹn không chỉ của giáo viên mà còn là của phụ huynh trong năm học mới 2020 – 2021.
Chị Nguyễn Thị Lan, một phụ huynh Trường Mầm non Thạch Trị chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng, vì con em mình đã có chỗ học hành, ăn nghỉ khang trang, rộng rãi… Việc bổ sung 2 phòng học và hệ thống bếp ăn bán trú thực sự làm phụ huynh rất yên tâm khi gửi con mình vào trường”.
Giáo viên Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên vệ sinh phong quang trường lớp…
Tại Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc), năm học mới này đã trở thành dấu mốc quan trọng khi lần thứ 2 trường được sáp nhập trên tinh thần sáp nhập xã.
Để có một lễ khai giảng đầy ấn tượng đánh dấu việc sáp nhập trường từ 3 xã cũ (Khánh Lộc, Vĩnh Lộc và Yên Lộc), ngoài những nỗ lực của giáo viên trong các hoạt động lao động phong quang trường lớp, thì sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất của huyện và chính quyền địa phương cũng đã giúp các điểm trường khắc phục khó khăn trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn.
Video đang HOT
Trang trí chuẩn bị cho ngày tựu trường
Cô Hoàng Thị Ái Khanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Ngoài niềm vui về sự đồng thuận của cán bộ giáo viên, Nhân dân dân khi nhập trường, điều đáng mừng nhất của chúng tôi là năm nay điểm trường tại xã Vĩnh Lộc sẽ đưa vào sử dụng dãy nhà học 2 tầng 8 phòng.
Tình trạng ngập úng trong mỗi mùa mưa tại đây đã được giải quyết khi khuôn viên, sân trường được nâng cấp, nhà đa chức năng, công trình vệ sinh, nhà ăn bán trú đang gấp rút được hoàn thiện. Tổng nguồn đầu tư công trình hơn 11 tỷ đồng”.
Điểm Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên tại xã Vĩnh Lộc cũ được đầu tư 11 tỷ đồng đề nâng cấp sân trường, xây mới nhiều hạng mục.
Không riêng ở Khánh Vĩnh Yên, tất cả các trường học thuộc các bậc học ở Can Lộc cũng đã được khoác màu áo mới bằng những công trình mới hay việc tu sửa nhỏ, quét vôi ve trường lớp.
Ông Phạm Quốc Đạt – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết: “Năm học 2020 – 2021, huyện đã đầu tư nguồn lực hơn 25 tỷ đồng cho việc củng cố cơ sở vật chất trường lớp. Cơ sở vật chất trường lớp của huyện càng ngày càng được củng cố đáp ứng nhu cầu dạy học”.
Năm nay, Trường TH&THCS Quang Thọ, Vũ Quang sẽ đưa vào sử dụng dãy nhà học mới 2 tầng 6 phòng
Năm nay, thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Quang Thọ (Vũ Quang) cũng không còn nỗi lo thấp thỏm trong những ngày mưa bão khi giáo viên, học sinh phải sử dụng những phòng học cấp 4 xuống cấp, hư hỏng như trước đây. Dãy nhà học 2 tầng 6 phòng cùng với khuôn viên sân chơi với tổng đầu tư gần 5 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đưa vào sử dụng trước ngày khai trường.
Ở huyện miền núi Hương Sơn, việc vận dụng linh động các nguồn lực hàng chục tỷ đồng cũng đã giúp 25 trường học được bổ sung hoàn thiện các công trình phòng học, các phòng bộ môn, nhà đa chức năng, sân chơi bãi tập…
Đến thời điểm này, hàng trăm ngôi trường trên vùng đất học Hà Tĩnh đã tươm tất, sẵn sàng cho mùa tựu trường 2020-2021.
“ Từ các nguồn lực huy động mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, đến nay, cơ sở vật chất trường lớp ở Hà Tĩnh đã được củng cố vững chắc. Số phòng học kiên cố ở bậc mầm non chiếm tỷ lệ 94%, bậc tiểu học 93%, THCS 94%, THPT 98%“
Phụ huynh nông thôn Hà Tĩnh làm đủ nghề cùng con "nuôi chữ"
Không ngại gian nan, vất vả để lo cho con cái học hành là chuyện bao đời của nông dân Hà Tĩnh. Ngày nay, người nông dân có thêm nhiều lựa chọn công việc hơn, nhờ đó, con cái của họ cũng được học hành bài bản hơn...
Niềm vui có sách áo mới của trẻ em nông thôn Hà Tĩnh trước năm học mới.
Kỳ nghỉ hè sắp kết thúc cũng là lúc vợ chồng chị Bùi Thị Thanh (47 tuổi, ở thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) phải lo lắng, suy nghĩ nhiều hơn. Bởi, với một hộ nông dân đông con như gia đình chị, việc lo cho các con bước vào năm học mới thật sự là một gánh nặng.
Chị Thanh chia sẻ: "Vợ chồng tôi có 4 đứa con, đứa đầu vừa học xong đại học, đứa thứ 2 năm nay học đại học năm thứ 3 còn 2 đứa nhỏ đang học THCS và tiểu học. Vào đầu mỗi năm học mới, ngoài chuẩn bị số tiền khá lớn đóng các khoản theo quy định, chúng tôi còn phải sắm sửa áo quần, sách vở... cho các con. Vì vậy, cuối hè, vợ chồng tôi cùng ngồi lại tính toán rồi đi đến thống nhất, dành một nguồn cố định để tạo quỹ cho việc học của con và quỹ này được bổ sung liên tục trong suốt cả năm".
Nuôi 4 đứa con ăn học, vào năm học mới vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh lại phải lo lắng, suy nghĩ nhiều hơn...
Để trang trải cho việc học của con, ngoài trồng 4 sào ruộng (mỗi năm 2 vụ) thì vợ chồng chị Thanh còn kiếm việc làm thêm lúc nông nhàn. Anh Hồ Minh - chồng chị Thanh làm thêm nghề phụ như hàn xì các mái che, cổng sắt...; còn chị, làm thêm 3 sào chè trên đồi và chăm chỉ đi chợ bán. Khoản thu nhập này dành hơn phân nửa bỏ "ống" để phục vụ đèn sách cho các con.
Để có tiền trang trải việc học hành cho các con, ngoài việc đồng áng , vợ chồng chị Thanh không ngại khó, ngại khổ, nhận làm thêm nhiều việc khác.
Luôn dành nhiều kỳ vọng "đổi đời" cho 4 đứa con bằng việc học, ông Nguyễn Đình Huy (61 tuổi, thôn Nam Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) cũng bôn ba đủ việc. Ông Huy cho biết: "Những năm trước, mỗi khi kỳ nghỉ hè kết thúc là vợ chồng tôi "toát mồ hôi" nhìn trước ngó sau để làm thế nào đủ tiền cho con đóng học phí, sắm sửa áo quần... Năm nay, việc chuẩn bị vào năm học mới cho 2 đứa con đang học đại học có phần nhẹ nhàng hơn. Bởi, 2 đứa con đầu đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, phụ giúp cha mẹ nuôi 2 em".
Những chuyến chạy chợ đã giúp vợ chồng ông Nguyễn Đình Huy (Thạch Trung, Tp Hà Tĩnh) nuôi 4 đứa con ăn học
Tuy có con hỗ trợ nhưng ông Huy cũng không dựa hẳn vào đó. Vợ chồng ông vẫn phải là trụ cột để lo việc học cho 2 đứa sau. Làm 3 sào ruộng chỉ đủ gạo ăn nên ông Huy chọn nghề buôn bán để mưu sinh. Hằng ngày, ông chạy xe máy hàng chục cây số từ Thạch Trung lên Hương Khê hoặc ra Hồng Lộc (Lộc Hà) mua chè về bán ở chợ TP Hà Tĩnh và vùng lân cận. Mỗi chuyến ông lãi từ 150 - 200 ngàn đồng. Số tiền đó, vợ chồng ông dành để nuôi con ăn học. Ông Huy dự tính, khi các con học xong, vợ chồng ông sẽ nghỉ chạy chợ và tìm việc khác nhẹ nhàng hơn.
Trong khi đối với nhiều gia đình có điều kiện khá giả, việc chuẩn bị cho con cái bước vào năm học mới khá nhẹ nhàng thì đa phần các gia đình nông thôn việc đó luôn là một áp lực. Tại một cơ sở thu mua phế liệu ở gần Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh, chúng tôi gặp một nhóm chị em chuyên đi gom phế liệu về bán. Nhóm gồm 6 người, độ tuổi từ 40 - 50, người nào cũng có ít nhất từ 1 - 3 đứa con đang cắp sách tới trường.
Dù vất vả, Chị Trương Thị Hoa (giữa xã Đồng Môn, Thạch Hà) và nhóm chị em làm nghề thu mua phế liệu vẫn vui khi con được học hành đàng hoàng.
Chị Trương Thị Hoa (46 tuổi, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: "Mấy chị em trong nhóm chúng tôi đều làm nghề nông. Ai cũng có con đang tuổi đi học. Người ít như tôi thì 1 đứa, người nhiều như chị Kiều (xã Thạch Khê, Thạch Hà) thì 3 đứa. Dù vất vả, nhưng chúng tôi cũng luôn cố gắng chắt chiu, dành dụm để con cái được tới trường như bạn bè cùng trang lứa. Vả lại, chúng tôi cũng mong muốn con cái được học hành để sau này có nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định hơn".
Thu nhập từ nghề thu gom phế liệu không cao nhưng khá ổn định. Ngày nhiều được 100 - 150 ngàn đồng, ngày ít được 50 ngàn đồng. Dù vậy, để chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, các chị cũng cố gắng đi thường xuyên hơn, xa hơn để có thu nhập khá hơn...
Sự tảo tần của các bậc cha mẹ là để nâng đỡ cho con bước vào tương lai.
Năm học mới cận kề, chứng kiến những giọt mồ hôi rơi trên gương mặt của các bậc làm cha, làm mẹ là các gia đình nông dân Hà Tĩnh, chúng tôi không khỏi xúc động và nể phục. Họ không quản ngại vất vả, hy sinh để cùng con "nuôi con chữ", nuôi giấc mộng khoa bảng. Và, không phụ lòng cha mẹ, rất nhiều học sinh nông thôn đã vượt lên khó khăn, ghi tên mình tại những ngôi trường đại học danh tiếng, trên những bảng vàng của giáo dục Việt Nam...
Trường Đại học Tây Đô tặng xe gắn máy cho gia đình học sinh nghèo vượt khó Trường Đại học Tây Đô vừa trao tặng xe gắn máy 50cc trị giá 16 triệu đồng cùng một số nhu yếu phẩm cho gia đình em Trần Vũ Xuân Mai, học sinh nghèo vượt khó tại quận Cái Răng (ảnh). Sự giúp đỡ này của Trường Đại học Tây Đô đã giúp em Xuân Mai vượt qua khó khăn, an tâm bước...