Trường học vùng khó: Tạo tâm thế tốt nhất cho năm học mới
Những ngày cuối tháng 8, hầu hết các trường học vùng khó tại huyện Quản Bạ – Hà Giang, công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất đón học sinh trở lại học tập đã sẵn sàng.
Trong bộn bề khó khăn thách thức, thầy cô giáo nơi đây đã không ngừng nỗ lực khắc phục, sửa chữa trường lớp, tự tạo đồ dùng dạy học… tạo tiền đề tốt nhất cho năm học mới.
Đảm bảo sức khỏe và an toàn thực phẩm cho HS đầu năm học. Ảnh: TG
Nhà trường, giáo viên nỗ lực vượt khó
Trong ngôi trường khang trang, thầy giáo Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Lùng Tám (xã Lùng Tám – huyện Quản Bạ – Hà Giang) hồ hởi cho biết: Ngay từ khi kết thúc năm học, nhà trường tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường lớp; sau đó xây dựng kế hoạch và tham mưu UBND xã hỗ trợ nguồn kinh phí sửa chữa hạng mục cần thiết nằm ngoài khả năng của trường. Vì vậy, công tác tu bổ, nâng cấp lớn tại điểm trường chính và 3 điểm lẻ (Lùng Tám thấp; Mỏ Nhà thấp; Tùng Lùn) cơ bản hoàn thành trong hè. Ngày 5/8, sau khi trả phép, CBGVNV tập trung lau chùi lại bàn ghế, quét dọn bụi bẩn trường lớp, vệ sinh giường nằm, chăn màn… cho HS bán trú.
Năm học 2019 – 2020, trường sẽ đón 111 HS lớp 1 trên tổng số 541 HS toàn trường. 87% HS đã trở lại trong ngày đầu tựu trường (19/8) và sau 1 tuần đã đạt 100%. 2 tuần đầu tựu trường, GV tập trung tăng cường tiếng Việt cho HS khối lớp 1; ôn tập cho HS khối lớp từ 2 – 5; củng cố tổ chức lớp học, kiểm tra lại SGK, đồ dùng học tập sẽ sử dụng cho HS trong năm học.
Tại Trường PTDTBT TH Cán Tỷ, thầy Phạm Thanh Tuyên – Hiệu trưởng cũng khẳng định công tác chuẩn bị trường lớp đã cơ bản hoàn thành để đón HS trở lại học tập. Để bảo đảm 100% HS ra lớp, đội ngũ GV của trường đã đến hầu hết các thôn bản vận động. Mặt khác, nhà trường còn chủ động kết hợp cùng chính quyền thôn bản từ sớm để làm tốt công tác tuyên truyền đến từng PHHS, HS về thời gian nhập học; nắm bắt cụ thể HS có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ giúp đỡ, tránh xảy ra tình trạng HS phải bỏ học…
Đã có 90% trẻ ra lớp và dự kiến sẽ đạt 100% vào ngày khai giảng – đó là chia sẻ của cô Vũ Thị Tám – Hiệu trưởng Trường MN Cán Tỷ (xã Cán Tỷ – huyện Quản Bạ – Hà Giang).
Cô Tám cho biết: Với đặc thù của ngành học MN cũng như địa bàn vùng núi nên chưa thể sáp nhập các điểm trường xa thì việc bảo đảm cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học tốt nhất cho điểm trường chính và 9 trường lẻ từ đầu năm học mới luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường khi bước vào năm học mới. Từ 5/8 nhà trường huy động 100% GV tại các điểm trường cùng dọn dẹp, vệ sinh lại khuôn viên trường lớp; tự tạo thêm đồ chơi đồ dùng dạy học trong lớp và ngoài trời…
Tăng cường điều kiện CSVC để bảo đảm giáo dục toàn diện. Ảnh: TG
Đáp ứng tối đa điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa; ngành GD-ĐT Quản Bạ sẽ hòa chung vào ngày khai giảng của cả nước. Ông Cao Xuân Nghì – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ cho biết: Phòng đã thành lập 4 tổ kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới 2019 – 2020 tại các trường học trực thuộc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục chuẩn bị cho năm học mới từng bước được quan tâm, đầu tư, cải thiện, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ dạy học. Cùng đó, trước khi bước vào năm học mới các trường đã chủ động trong việc huy động, mua mới SGK cho HS (SGK: hơn 11.000 bộ; vở viết: hơn 123.300 quyển) đáp ứng tương đối số lượng sách phục vụ giảng dạy và học của GV và HS.
Tuy nhiên, ông Nghì cũng cho biết: Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu so với nhu cầu và thực tiễn của từng đơn vị, đặc biệt thiếu phòng làm việc, phòng học tại các điểm trường MN, TH. Thiếu nhà lưu trú HS, nhà công vụ GV, nhà ăn, nhà bếp cho HS bán trú, thiếu bàn ghế đúng quy cách, nhà vệ sinh hợp vệ sinh, các loại thiết bị, đồ dùng, đồi chơi. Thiết bị dạy học như máy chiếu, máy tính, đồ dùng dạy học không đồng bộ, sử dụng phải chắp ghép…
Để chuẩn bị và đáp ứng tốt nhất các điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác vệ sinh trường lớp, trang trí lớp học; vệ sinh khu nhà lưu trú GV, HS, nhà bếp, phòng ăn của HS bán trú. Khơi thông cống rãnh, chăm sóc và bảo vệ cây xanh… tạo môi trường, cảnh quan sạch đẹp, thoáng mát.
Đặc biệt, Phòng GD&ĐT Quản Bạ chỉ đạo các trường phối hợp với trạm y tế xã, thôn bản thực hiện tốt việc khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS. Đối với trường phổ thông DTBT, nội trú, các trường phổ thông, mầm non có tổ chức nấu ăn cho HS ngay khi HS tựu trường thực hiện bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu mẫu thức ăn theo quy định. Tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Hàng nghìn học sinh lo lắng ngồi học trong "nhà kho cũ"
Năm học mới 2019 - 2020 cận kề, bên cạnh niềm vui đón chào năm học mới, Trường THCS Lương Thế Vinh còn đang gánh nỗi lo thường trực về cơ sở vật chất đã xuống cấp nặng, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Năm học mới 2019 - 2020, bên cạnh niềm vui đón chào năm học mới với hơn 1.400 em học sinh đang học tập tại Trường THCS Lương Thế Vinh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nhà trường đang thường trực nỗi lo về cơ sở vật chất xây dựng từ nhiều năm nay đã xuống cấp nặng, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Vách tường mục nát. Những cánh cửa chỉ còn trơ khung. Mái tôn thủng thành từng mảng lớn. La phông thấm dột.
Nhìn khung cảnh hoang phế của dãy nhà này, có lẽ khó ai có thể hình dung đây lại là nơi để thầy và trò ngày ngày dạy và học.
Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của dãy phòng học cũ, Trường THCS Lương Thế Vinh đã kiến nghị Phòng Giáo dục huyện Ninh Hải và xã Nhơn Hải xem xét đề nghị cấp trên đầu tư xây dựng dãy phòng học mới để đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, đến nay vẫn nằm trong danh sách chờ được đầu tư.
Năm học 2019 - 2020, nhà trường có tổng số 1.400 học sinh chia làm 35 lớp được bố trí ngồi học trong 19 phòng học, gồm 3 dãy nhà được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau. Trong đó, có 1 dãy gồm 7 phòng xuống cấp nghiêm trọng có nguồn gốc là nhà kho của Công ty Thương nghiệp cũ được xây dựng từ trước năm 1975.
Sau giải phóng, dãy phòng này được cải tạo làm phòng học. Trải qua nửa thế kỷ, dãy phòng đã hư hại nghiêm trọng. Nhà trường đã đóng cửa 1 phòng hư hại nặng, còn lại 5 phòng vẫn phải tạm sử dụng làm phòng học 2 buổi trên ngày cho 1.400 học sinh.Tuy nhiên, những phòng học này có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Hiện trạng xuống cấp của Trường THCS Lương Thế Vinh.
Thầy giáo Nguyễn Quy Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, Ninh Hải chia sẻ với VietNamNet: "Trường này lâu rồi, mái tôn mục hết, về lâu về dài có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cho học sinh. Địa phương rồi phòng giáo dục, hội đồng nhân dân huyện, tỉnh đã xuống khảo sát để xây trường, xây thêm 8 phòng học cho các em nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì".
Như vậy trong lúc chờ được cấp kinh phí để xây dựng, 1.400 em học sinh của Trường THCS Lương Thế Vinh vẫn phải liều mình ngồi trong những phòng học với nguy hiểm rình rập này.
Vũ Túc
Theo vietnamnet
Quảng Ninh sẵn sàng các điều kiện khai giảng năm học mới Ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh tích cực đầu tư xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và chuẩn bị mọi điều kiện để khai giảng năm học mới. Chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học Những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tăng cường...