Trường học Trung Quốc dạy bé trai thành anh hùng, bé gái thành thục nữ
Một trường học ở phía tây nam Trung Quốc mới đây đã hứng chịu chỉ trích vì quan điểm dạy học phân biệt giới tính, dạy các bé trai thành “anh hùng”, bé gái thành “thục nữ”.
Trường tiểu học Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã đưa vào chương trình giảng dạy một môn học gây tranh cãi.
Ngoài những môn học chính như toán, ngoại ngữ và nghệ thuật, các bé trai sẽ được dạy làm mô hình tên lửa, còn các bé gái sẽ học đan len để bổ sung kiến thức về giới tính.
Khóa học có tên “ Nam giới và nữ giới có nhiều khác biệt” đã được giảng dạy trong học kỳ trước.
Trường tiểu học Trung Quốc gây tranh cãi vì dạy bé trai làm anh hùng, bé gái thành thục nữ. Ảnh: South China Morning Post.
Hiệu trưởng của trường, bà Fu Jin, nói với tờ báo địa phương hôm 9/9 rằng việc giáo dục các bé trai và bé gái theo cùng một cách là phản khoa học.
Điều đó sẽ dẫn đến việc các bé trai không thể trở thành “người hùng”, còn các bé gái thiếu tố chất “yểu điệu thục nữ”. Vì vậy, một số em sẽ bị phát triển giới tính theo cách lệch lạc, theo bà Fu Jin.
Cũng trong học kỳ trước, các em học sinh còn được học về những điểm khác nhau giữa cơ thể nam giới và nữ giới. Học kỳ này, các em học sinh nam được học cách làm mô hình máy bay, tên lửa và ôtô, trong khi các em gái sẽ được các cô giáo dạy đan lát.
Quan điểm và chương trình học này nhận về sự chỉ trích dữ dội từ dư luận. Nhiều người đã chỉ trích nhà trường vì phân biệt giới tính và ép các em theo khuôn mẫu.
Video đang HOT
Nhiều người chỉ trích nhà trường vì phân biệt giới tính và ép các em theo khuôn mẫu. Ảnh: South China Morning Post.
“Họ (nhà trường) đang trói tay các em gái từ khi chúng còn bé. Và sau này, khi lớn lên, người ta sẽ lại nói rằng chỉ có một vài nhà khoa học nữ vì nữ giới sinh ra không phải để làm khoa học”, một người dùng Weibo bày tỏ.
“Đó là một dạng phân biệt đối xử giới tính điển hình”, tài khoản khác nhận xét. “Tại sao các em trai không thể đan hay các em gái không được làm mô hình?”.
Trước đó, các nhà chức trách Trung Quốc từng bỏ các lớp học giảng dạy sự phân biệt giới tính cực đoan cho các em học sinh.
Theo Zing
Cần thiết tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng sống vào chương trình môn học
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là 1 trong 9 nhiệm vụ sẽ tập trung thực hiện trong năm học mới. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, cần tích hợp giáo dục (GD) kỹ năng sống cho HS vào chương trình môn học.
Ảnh minh họa/nguồn internet
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống
Cho rằng vấn đề GD đạo đức cho HS đang trở nên hết sức nóng hổi, thầy giáo Lê Minh Thiêm, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Khánh Hòa) cho biết: Chỉ cần gõ "học sinh đánh nhau" trên google để tìm kiếm sẽ thấy hiện lên hàng loạt bài báo về các vụ bạo lực học đường trong cả nước.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy không chỉ các em HS nam đánh nhau mà cả các em HS nữ cũng giải quyết vấn đề bằng vũ khí. Thậm chí HS đánh cả thầy, cô giáo dạy của mình.
Bên cạnh những giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập, những cái tiêu cực đang xâm nhập vào đạo đức, lối sống của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là HS, SV. Hiện tượng suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng của một số HS,SV làm ảnh hưởng đến chất lượng GD nhà trường.
Truyền thống "tôn sư trọng đạo" hay tình yêu thương giữa con người với con người ngày càng trở nên mờ nhạt. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do HS thiếu đi sự rèn luyện tính kiên nhẫn và thiếu lòng yêu thương đối với những người xung quanh, với các cá nhân trong xã hội.
ThS Đặng Văn Nâu, giáo viên, Chi hội trưởng Chi hội Tâm lý - Giáo dục, Trường THPT Phạm Thành Trung (Tiền Giang) cho biết: Trong đời sống xã hội đã có những hiện tượng xem nhẹ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chạy theo những thị hiếu không lành mạnh. Cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa lối sống lành mạnh trung thực, có lý tưởng với lối sống ích kỷ thực dụng...đang diễn ra hàng ngày.
HS học kỹ năng sống trong nhà trường (ảnh nguồn internet)
Tích hợp vào chương trình môn học
Từ kinh nghiệm GD đạo đức cho HS trong nhà trường, Ths. Đặng Văn Nâu cho rằng, để tăng cường GD đạo đức cho HS, trước hết, phải thường xuyên GD đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho HS đồng thời đẩy mạnh công tác GD truyền thống đạo đức HS trong trường.
Đây là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng và hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho thanh niên, vì đạo đức là "gốc của người cách mạng". Chú trọng Gd làm cho HS nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thứ hai, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội trong việc GD rèn luyện đạo đức cho HS. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo GD, rèn luyện đạo đức, lối sống cho HS, SV hình thành phẩm chất cao đẹp của con người mới XHCN.
Gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là môi trường đầu tiên hình thành nhân cách HS. Nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà còn là nơi dạy người. GD đạo đức, lý tưởng làm người là nội dung GD hàng đầu trong các nhà trường hiện nay. Các tổ chức đoàn thể, chính quyền...cần quan tâm định hướng tạo môi trường thuận lợi để HS, SV phấn đấu rèn luyện.
Thứ ba, phát huy vai trò tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức, lối sống cho HS. Phát huy vai trò của HS trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức lối sống là biện pháp quan trọng giúp các em nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành. Đó còn là điều kiện quyết định kết quả rèn luyện của mỗi cá nhân.
Thứ tư, tích hợp GD kỹ năng sống cho HS vào chương trình môn học phổ thông. Xã hội cần nhìn nhận GD đạo đức HS trong nhà trường hiện nay với một tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tránh tư tưởng "đem con bỏ chợ".
Bản thân GD đã mang tính xã hội hóa, Nhà nước cần tạo điều kiện để toàn dân tham gia vào công tác GD đạo đức cho HS. Điều quan trọng là cần có một môi trường lành mạnh, mọi người sống tuân thủ pháp luật và tôn trọng những giá trị đạo đức xã hội.
Một môi trường xã hội tốt sẽ tác động vào nhận thức của HS và các em cũng phải tuân thủ những nguyên tắc ứng xử đã được học trong nhà trường mà cả xã hội đang áp dụng.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cấp ủy Đảng và chính quyền của 63 tỉnh/thành phải cùng ngành GD - ĐT từ năm học tới tạo ra sự chuyển biến căn bản về GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trong đó nhà trường giữ vai trò chủ công. HS, SV được cảm nhận bài học đạo đức từ chính tình cảm, gương sáng của thầy cô, thấm nhuần lối sống văn minh, tuân thủ pháp luật từ bố, mẹ, người thân trong gia đình, ngoài xã hội.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Trường mẫu giáo gây tranh cãi khi để các bé gái mặc bikini biểu diễn Nhiều phụ huynh sốc khi tận mắt thấy màn biểu diễn không khác nào trình diễn nội y phiên bản nhí ở trường mẫu giáo. Các bé gái biểu diễn trên sân khấu trong trang phục bikini Phụ huynh tham dự một sự kiện tuyển sinh ở một trường mẫu giáo tại Hà Nam, Trung Quốc, hôm 21/8 bị sốc khi chứng kiến...