Trường học thành… ao làng
Chung cảnh ngộ với thầy trò trường THCS Tân Hòa, thầy trò trường THCS Cộng Hòa cũng ba năm liền ôm “trường hoang”, với đám cỏ dại mọc cao lút trên sân trường lầy lội, nước đọng thành từng vũng.
Ám ảnh…trường hoang
Trường THCS Cộng Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) nằm ngay chân đê (đường 70 đi Chúc Sơn). Quay lưng ra mặt đê là chiếc cổng mới hoàn thiện ở phần… đổ bê tông; chiếc cổng bảo vệ cũng mới chỉ “đúc” ở dạng hình hài, và hai dãy nhà hai tầng kiên cố sắp hoàn thành từ… ba năm về trước.
Trường THCS Cộng Hòa “chung sống” với trường hoang.
Hai dãy nhà ấy, một là khu nhà hiệu bộ; một là khu phòng học với gần chục phòng. Khoảng sân chừng vài trăm mét được đổ vội bằng vữa “ba-banh”, quá nửa còn lại vẫn là nền đất, cỏ gà mọc xanh um, và những vũng đọng nước như ao tù.
Lễ khai giảng năm học 2013-2014, trời mưa to, ban giám hiệu nhà trường thuê lều bạt của một người chuyên cho thuê phông màn đám cưới trong làng, dựng bạt trên khoảng sân toen hoẻn đó để đánh trống khai trường.
Vì không có nhà hiệu bộ nên ban giám hiệu phải “mượn” mấy phòng đã hoàn thiện (ở mức độ đã trát tường nhưng chưa quét ve) để làm phòng hiệu trưởng. Căn phòng ấy ở trên tầng 2, được thuê thợ hàn xì mang tôn đến quây kín lan can khu vực hành lang để… làm nhà kho đựng bàn ghế, loa đài… Những tài sản quý giá như đàn organ, các bằng khen, kỷ niệm chương, cờ lưu niệm… được chồng đống trong phòng tạm của thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Phúc.
Khu nhà hai tầng đã bàn giao nhìn từ cửa sổ của khu trường chậm tiến độ.
Thầy Phúc mang hình dáng kham khổ của một thầy giáo làng mẫn cán và trách nhiệm, nhưng dường như, những âu lo, phiền muộn vì “trường hoang” ám ảnh mấy năm rồi khiến thầy càng thêm già trước tuổi.
Video đang HOT
Chậm tiến độ không biết kêu ai
“Tháng 8/2010 là thời điểm chặt cây để lấy mặt bằng thi công trường mới. Thời hạn bàn giao công trình tròn trịa 270 ngày (tương đương 9 tháng).
Thế nhưng, hơn 2 năm trôi qua, dự án vẫn nguyên vẹn như thế, không suy chuyển. Thầy trò chúng tôi là đơn vị thụ hưởng, nên việc nhanh hay chậm tiến độ, nhà trường không có quyền hành gì để ý kiến cả!”, thầy Nguyễn Hữu Thuần, hiệu phó nhà trường cho biết.
Một phần của dự án đã được bàn giao cho nhà trường sử dụng để làm phòng học, trong đó có 12 phòng học, 6 phòng khác làm Thư viện, Hành chính, Nhà chức năng…, đấy là vì sự hối thúc cấp bách phải có phòng cho thầy trò dạy – học. Sử dụng được một thời gian ngắn, chúng tôi đã phải kiến nghị xin sửa chữa, kinh phí mất 600 triệu vì công trình xuống cấp.
Nhìn bề ngoài, công trình kiên cố này chắc chắn sẽ làm yên lòng nhiều bậc phụ huynh.
Đấy là những phòng học đã được “nghiệm thu”. Hai khu nhà cao tầng đang dang dở, chưa hoàn thành nhưng cũng đã nhanh chóng… xuống cấp.
Bác bảo vệ của trường THCS Cộng Hòa trỏ tay lên mái tầng 2 của khu nhà Hiệu bộ đang xây dở, bảo: “Trong thiết kế, không có cái mái tôn “chống nóng” kia đâu. Đơn vị thi công đổ bê tông tầng 2, cứ hôm trời mưa nước lại rỏ xuống ròng ròng từ cái xà ngang ở giữa nhà. Họ mới “lợp” thêm cái mái tôn hình chữ “V” trùm kín cái mái tầng 2 ấy, nhưng nước vẫn cứ chảy lênh láng trong phòng, lênh láng hành lang.
Còn đây là… cổng trường, phòng bảo vệ.
Đồ đạc ngổn ngang, bàn ghế, cánh cửa… được đơn vị thi công dồn vào căn phòng tầng 1 của khu nhà hai tầng xây dựng làm phòng học. Để bảo quản, họ lấy gỗ ván bưng kín cửa sổ, cửa ra vào. Sự lộn xộn, hỗn loạn ấy khiến không ai nghĩ, một môi trường giáo dục đang “sống chung” với công trường ngổn ngang kéo dài nhiều năm này.
“Không biết họ lấy gỗ lạt, vật liệu ở đâu về để làm bàn ghế, cánh cửa nhưng lấy tay cũng bấu được từng mảnh gỗ. Nó mủn, xốp như gỗ mục! Ngay như chục phòng học đã bàn giao, cánh cửa họ”đặt” lên bản lề chứ không phải là goòng. Tôi phải lấy đinh vít bắt vào từng cái bản lề một mới giữ được cánh cửa khỏi rơi ra khỏi tường”, bảo vệ trường THCS Cộng Hòa cho hay.
5 năm không xây xong 4 phòng tiểu học
Không phải “chung sống” với trường hoang, trường tiểu học thôn Hoàng Xá (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất) lại có một “nỗi buồn” khác – 5 năm liền không xây xong bốn phòng tiểu học.
5 năm liền, 4 phòng học Tiểu học chưa được xây xong tại thôn Hoàng Xá, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Vì sự chậm trễ ấy, trẻ con làng Hoàng Xá phải đi học xa nhà vài cây số. Chị Kim Thị Thanh (thôn Hoàng Xá) kể: “Nhà làm nông nghiệp, nhưng ngày hai buổi đưa đón con đi học, thành ra 7-8h mới ra đến đồng, làm chưa rịn mồ hôi đã phải về đón con, cơ cực lắm”.
Làng nằm ven con sông Đáy nên bờ đê cao vút, hai bên rệ cỏ xanh rì. Nhiều hộ trong làng Hoàng Xá, trong xã Lại Thượng chăn nuôi trâu bò. Tiếc cái trường hai tầng bỏ phí, một dạo, người dân trong xóm lấy tre pheo “rào” cái hàng lang của khu nhà hai tầng để… nhốt trâu bò.
Khi báo chí phản ánh, hình như chính quyền sở tại đã vội vàng xuống cấm không cho bà con thả trâu bò ở đó nữa.
Mặt trước của ngôi nhà hai tầng bỏ hoang mà một thời gian dài, người dân trong xóm tận dụng để… nhốt bò.
Khi phóng viên xuống hiện trường, khu trường bỏ hoang này đã được tiếp tục xây dựng. “Sân trường” trước đó cỏ mọc cao lút được đổ cát nâng cốt; khu nhà vệ sinh, cổng trường… cũng đã được xây, vẫn còn nguyên giàn giáo bắc chưa kịp dỡ.
Không có chỗ nhốt bò, nhưng bà con làng Hoàng Xá vẫn còn “ao” để cho trâu bò tắm. Phía sau lưng ngôi trường hai tầng 5 năm liền không xây xong ấy là vùng trũng, nước mưa đọng lại thành ao, nhìn mênh mông rộng. Chiều về, trâu bò lũ lượt rủ nhau ra đây để tắm.
“Chúng tôi không biết hỏi ai, vì ngay như con đường xóm ngày nào cũng phải bước lên nó, 5 năm liền xã làm cũng không xong. Khi chúng tôi làm đơn lên huyện, lãnh đạo xã xuống giảng hòa nói rằng không khiếu kiện, ý kiến gì nữa, nay mai xã sẽ làm tiếp”, ông Vương Văn Hiển, người dân Hoàng Xá buồn rầu kể.
Theo Thanhnien
Ô Long Viện (90): Mộc Lan "ăn vụng" lúc nửa đêm
Sống với một lũ toàn là đàn ông, Mộc Lan không thể chịu được nữa, nàng bèn...
"Nam nữ thọ thọ, cứ thân"
Ô Long Viện (89): Đội quân lập dị "Hy sinh đời gái củng cố đời trai" đã là nghĩa cử cao đẹp rồi nhưng "đời trai" này có đáng để cho Mộc Lan hy sinh? Thấy đồ đệ yêu quý của mình đã bị bắt đi tòng quân, sư phụ hốt hoảng... Lúc ấy, trong quân đội... Bà huấn luyện thứ hai. Có những "cái" đàn ông không thể giống đàn...