Trường học sập tường, bung cửa vì lũ lụt
Công tác lâu năm ở vùng thường xuyên bị ngập lụt, thầy Nguyễn Hữu Sơn (Lệ Thủy, Quảng Bình) không ngờ thiên tai năm nay lại tàn phá trường đến thế.
Ngày 24/10, dù nước lũ chưa rút hết, giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã đến trường để dọn dẹp. Một số phụ huynh, thanh niên tình nguyện cũng giúp sức để đẩy bùi non, cọ rửa phòng học, bàn ghế, sân trường sau thiên tai.
Trường học ngâm trong nước lũ hơn 4 ngày khiến cơ sở vật chất hỏng nặng. Ảnh: Thầy Nguyễn Hữu Sơn.
Chia sẻ với Zing, thầy Nguyễn Hữu Sơn, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cho biết đợt lũ vừa qua, sân trường ngập đến hơn 4 m. Tại nhà hiệu bộ và phòng học, nước chỉ cách tầng 2 khoảng 90 cm.
“Khi tiếp cận được trường, tôi cảm giác hết sức nặng nề. Lần đầu tiên, nhà trường bị tàn phá ghê gớm đến thế. Mọi thứ nằm ngoài sức tưởng tượng”, thầy Sơn cho hay.
Thầy nói thêm năm nào, Lệ Thủy cũng gặp lũ lụt. Song họ không ngờ năm nay, nước lũ dâng cao đến thế. Hơn nữa, trường nằm ở khu vực chịu sóng to, gió lớn nên thiệt hại càng nặng.
Sóng đánh sập tường, bung cửa trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thầy Nguyễn Hữu Sơn.
Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết lũ lên nhanh, giáo viên chỉ kịp dọn tài liệu, máy tính lên tầng 2. Do đó, sau khi bị ngâm nước 4 ngày, TV phục vụ giảng dạy ở tầng 1 bị hỏng hết. Bàn ghế cũng hư hại nhiều, đặc biệt, các bàn ghế từ gỗ ép bị nhũn ra, không còn sử dụng được.
Sóng đánh mạnh khiến 40 m tường rào sập, khung cửa ở dãy nhà hiệu bộ, phòng học tầng một bị đập vỡ, cánh cửa bung ra. Thậm chí, tủ sắt mà trường buộc dây vào cửa sổ để chống trôi cùng bị đánh tan.
Video đang HOT
Theo thầy Sơn, sau lũ, tổng thiệt hại tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh ước tính lên đến một tỷ đồng, chưa tính hầu hết sách vở, đồ dùng học tập của học sinh cũng mất hết do phần lớn nhà các em ngập trong lũ.
Dù thiếu thốn vì thiên tai, thầy trò trường Nguyễn Chí Thanh vẫn cố gắng dọn dẹp để sớm khôi phục hoạt động dạy học. Thầy Sơn cho biết phải tranh thủ nước rút đến đâu, trường dọn đến đấy mới có nước để dội bùn non dày khoảng 20 cm.
Giáo viên và học sinh mất khoảng 3 ngày mới cơ bản vệ sinh xong trường học sau lũ. Chiều 26/10, trường thuê máy đến dọn để kịp đón học sinh đi học trở lại. Đến sáng 27/10, trước giờ vào học, các em vẫn phải dọn dẹp.
Các phòng học bị ngập 4 ngày nhưng phải đến ngày thứ 6, nước mới rút khỏi sân trường. Giáo viên tranh thủ khi nước lũ chưa rút hết để chùi rửa bàn ghế. Ảnh: Thầy Nguyễn Hữu Sơn.
Sau lũ, trường phát sách vở từ các đoàn thiện nguyện tặng cho học sinh để phục vụ việc học trước mắt. Các em vẫn cần số lượng lớn sách vở.
Ngoài ra, học sinh chủ yếu là con em gia đình nghèo khó, mất gần hết tài sản vì thiên tai. Do đó, thầy hy vọng các em nhận được hỗ trợ để khôi phục nhịp sống như trước lũ.
Bên cạnh đó, thầy Sơn hy vọng trường được hỗ trợ để mua lại TV phục vụ việc giảng dạy, mua bổ sung bàn ghế, xây lại tường rào, nhà gửi xe, công trình vệ sinh, sửa chữa cửa bị sóng đánh bung.
May mắn, dù còn nhiều khó khăn, thầy trò trường Nguyễn Chí Thanh nhận sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Ngoài sách vở, trường còn nhận 20 suất quà, mỗi suất trị giá một triệu đồng, cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Để giúp học trò tìm kiếm sự giúp đỡ, thầy Sơn còn đăng bài lên mạng xã hội. Nhiều người, có cả học trò cũ và giáo viên từ trường khác, tỏ ý hỗ trợ trường.
“Đọc những bình luận đó, tôi thấy rất yên tâm vì nhiều người sẵn sàng giúp đỡ để trường tổ chức dạy học bình thường. Học trò cũ tốt nghiệp, trưởng thành cũng quan tâm nhiều đến trường”, thầy chia sẻ.
Dọn dẹp trường lớp, cung cấp sách giáo khoa cho học sinh vùng lũ
Ngành giáo dục các tỉnh miền trung cùng chính quyền địa phương và các lực lượng đang tích cực dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để sớm đón học sinh trở lại trường. Nhiều nơi đang tính đến phương án "dạy chay" do sách giáo khoa đã hỏng hết hoặc trôi theo dòng nước lũ.
Dọn dẹp bùn đất tại Trường tiểu học Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chuẩn bị dạy học trở lại.
Nước rút đến đâu, trường lớp sạch đến đó
Sau hơn mười ngày chịu tác động của mưa lũ, Trường tiểu học Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn ngổn ngang rác thải, nhiều khu vực ngập trong bùn đất. Từng tốp giáo viên, phụ huynh học sinh, bộ đội tích cực dọn, rửa vệ sinh khuôn viên trường. Cô giáo Hiệu trưởng Dương Thị Hồng Hải cho biết, hai đợt lũ liên tiếp trong hơn hai tuần qua đã làm cho cơ sở vật chất trường lớp bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề.
Mực nước 2,5 đến 3 m đã làm hư hỏng toàn bộ hệ thống bơm lọc nước, hư hỏng nhiều cơ sở vật chất khác, cuốn trôi hàng trăm bộ thiết bị dạy học, sách vở... Tuy vậy, với phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh sạch sẽ đến đó, Trường tiểu học Hàm Ninh tích cực tổ chức dọn dẹp bùn đất, chỉnh sửa các thiết bị dạy học có thể tái sử dụng sau lũ.
Cô giáo Hà Thị Tơ, dạy lớp 2 chia sẻ, những ngày lũ, nhà của cô bị ngập sâu, hỏng nhiều đồ đạc. Mặc dù ở nhà còn ba con, trong đó có một cháu bị bệnh và chưa dọn dẹp xong nhưng cô vẫn đến trường tham gia đẩy bùn, thau rửa trường lớp để kịp chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại.
Ở khu vực khác, cô giáo Bùi Thị Kim Phượng vừa gạt bùn đất vừa cho biết thêm, do trường ít bị ảnh hưởng của mưa lũ nên các giáo viên đã tỏa đi các trường bạn để giúp dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Sau khi hỗ trợ dọn dẹp tại Trường tiểu học Võ Ninh, các cô giáo chuyển sang Trường tiểu học Hàm Ninh dọn dẹp bùn đất, sách vở, giáo án...
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Quảng Bình Đinh Quý Nhân, nhiều trường học bị ngập sâu. Mặc dù các trường và thầy giáo, cô giáo đã có phương án di chuyển đồ dùng, thiết bị... lên tầng hai phòng tránh mưa lũ nhưng nước lũ lên quá cao, có trường ngập tới 8 m. Toàn tỉnh có khoảng 30% số cơ sở giáo dục với hơn 3.000 phòng học bị ngập nước, ảnh hưởng nặng nề.
Sơ bộ đánh giá thiệt hại cơ sở vật chất ban đầu do mưa lũ khoảng hơn 300 tỷ đồng. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo và thành lập các đoàn đi kiểm tra nắm tình hình, động viên, nhắc nhở các trường làm tốt công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ; huy động giáo viên các trường không bị ngập lụt đến giúp các trường bị ngập lụt; học sinh THPT đến giúp các trường tiểu học, mầm non. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội, công an, đoàn thể đã đến giúp các trường, nhất là trường tiểu học và trường mầm non.
Thầy giáo Nguyễn Trần Quảng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, do nước lũ dâng cao, trường bị ngập sâu gần 1m gây thiệt hại cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc trị giá khoảng 600 triệu đồng. Nhiều học sinh bị trôi hết sách vở, quần áo. Ngay sau khi nước rút, các thầy giáo, cô giáo với sự hỗ trợ của các lực lượng đã cơ bản dọn dẹp xong rác thải, bùn đất để sớm đón học sinh trở lại.
Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh, trong đợt lũ vừa qua có 150 trong số 667 trường bị ngập lụt, trong đó 69 trường bị ngập sâu. Các trường học đang tập trung khắc phục trên tinh thần nước rút đến đâu, vệ sinh trường lớp, tiêu độc khử trùng đến đó.
Quá trình khắc phục mưa lũ tại mỗi trường có hàng trăm lượt giáo viên, quân đội, công an, đoàn thanh niên, phụ huynh học sinh tham gia quét dọn, vệ sinh. Đồng thời ngành giáo dục phối hợp ngành y tế tổ chức tiêu độc khử trùng tất cả các nhà trường. Dự kiến ngày 26-10, học sinh tất cả các cơ sở giáo dục ở Hà Tĩnh sẽ đi học trở lại.
Huy động sách giáo khoa, bảo đảm chương trình
Một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với ngành giáo dục địa bàn vùng lũ chính là việc sách, vở, thiết bị dạy học của học sinh, trường học bị hỏng hoặc bị cuốn trôi khá nhiều. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh, bên cạnh thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị trường lớp học, có khoảng 20 nghìn học sinh của tỉnh bị thiệt hại sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập, quần áo.
Tỉnh đã chỉ đạo huy động tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập. Ngành giáo dục Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu khảo sát tình trạng thiếu sách giáo khoa của từng trường, từng học sinh để trước mắt vận động trong nội bộ ngành giáo dục quan tâm hỗ trợ các học sinh.
Hoạt động tổ chức dạy học sẽ triển khai theo ba vấn đề: Thứ nhất, căn cứ vào thời lượng học sinh nghỉ học để xây dựng lại kế hoạch giáo dục của trường phù hợp tình hình thực tế; thứ hai, rà soát, tinh giản nội dung dạy học phù hợp, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng; thứ ba, bố trí dạy bù cho học sinh.
Giám đốc Sở GD và ĐT Quảng Bình Đinh Quý Nhân cho biết đã kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm, nhất là giáo viên, học sinh vùng không bị ngập lụt ủng hộ quần áo, sách vở, các điều kiện vật chất cho học sinh vùng bị ngập lụt; đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí để các trường trở lại dạy học bình thường.
Sở GD và ĐT Quảng Bình cũng có phương án dạy bù cho học sinh. Do thiệt hại về sách, vở, thiết bị dạy học khá lớn cho nên trước mắt phải tính đến phương án "dạy chay" cho học sinh rồi từng bước khắc phục. Dự kiến, đến ngày 28-10, một số trường bị ngập lụt của tỉnh Quảng Bình mới xem xét cho học sinh đi học trở lại.
Trong chuyến khảo sát tại các trường học vùng lũ, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi các nhà xuất bản và các đơn vị cung cấp sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học để học sinh có điều kiện tối thiểu phục vụ học tập. Trong kế hoạch năm học đã có thời gian dự phòng để các trường dạy bù cho học sinh.
Tuy nhiên, quá trình dạy học không dồn ép mà bảo đảm học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản; có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ. Khi đến trường, các thầy giáo, cô giáo quan tâm đến những học sinh khó khăn để giúp đỡ nhiều hơn, không để học sinh nào phải bỏ học. Bộ GD và ĐT sẽ đồng hành, chung tay cùng các địa phương nhằm khắc phục những khó khăn sau mưa, lũ bảo đảm tốt nhất chất lượng giáo dục.
Giáo viên Thừa Thiên Huế dọn dẹp bùn đất đón học sinh trở lại trường Đối với những trường nằm trong vùng khô ráo như các huyện Nam Đông, A Lưới, TP Huế... tổ chức cho học sinh đi học trở lại từ ngày 15/10. Ngày 15/10, trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở trường...