Trường học ở TP.HCM chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi
Hiện tại, các trường tiểu học ở TP.HCM vẫn ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh không đồng ý tiêm vaccine Covid-19 cho con. Ngược lại, phụ huynh bậc THCS đa phần đều đồng ý.
Vừa qua, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức về tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi. Theo đó, công tác triển khai tiêm chủng sẽ được tiến hành ngay từ tuần thứ 2 của tháng 4. Các cơ sở giáo dục tại TP.HCM đang nhập thông tin của học sinh 5-11 tuổi lên hệ thống tiêm chủng Covid-19.
Sau nhóm 12-17 tuổi, trẻ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine Covid-19 từ tuần thứ 2 của tháng 4. Ảnh: Duy Hiệu.
Nhiều phụ huynh có con bị bệnh nền, đã khỏi Covid-19 chưa đồng ý tiêm
Ở trường Tiểu học Bàu Sen (quận 5, TP.HCM), tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con tiêm vaccine Covid-19 được ghi nhận là dưới 60%. Ông Nguyễn Trung Hải – Hiệu trưởng nhà trường, thông tin những phụ huynh còn lại không đồng ý do trẻ mắc bệnh nền hoặc là F0 đã điều trị khỏi bệnh.
“Nhà trường thực hiện tiêm vaccine Covid-19 theo nguyên tắc tự nguyện. Tuy nhiên, các giáo viên vẫn đang thuyết phục những phụ huynh chưa đồng ý tiêm chủng cho con. Chúng tôi hy vọng phụ huynh sẽ đồng ý hết. Đối với những trẻ không tiêm vaccine, trường vẫn cho phép đi học bình thường”, ông Hải nói.
Trong công tác lấy ý kiến phụ huynh, trường Tiểu học Tuệ Đức thu được kết quả trên 50% không đồng ý cho trẻ tiêm vaccine Covid-19. Nguyên nhân chủ yếu là lo sợ tác dụng phụ của vaccine đối với trẻ em.
“ Trường học là nơi trung gian thực hiện việc đăng ký tiêm chủng Covid-19 của trẻ 5-11 tuổi. Vì vậy, với những thắc mắc về tác dụng phụ khi trẻ tiêm vaccine, nhà trường không có thẩm quyền và năng lực chuyên môn y tế để trả lời”, bà Anh Thư – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức nói.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, bà Thư cũng cho biết trường cập nhật thông tin học sinh tiêm vaccine chậm trễ hơn dự kiến vì nhiều phụ huynh không có thời gian đi nhận mã định danh cho con.
Theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP, mã số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, mã số định danh gồm 12 được in sẵn trên giấy khai sinh. Trường hợp, phụ huynh muốn nhận thông tin mã định danh cho con thì liên hệ công an cấp xã, phường nơi đăng ký địa chỉ thường trú.
Nhiều phụ huynh ở trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM) cũng thắc mắc, tìm mã định danh của trẻ. Nhà trường đã tìm hiểu và giải thích để bố, mẹ đăng ký tiêm chủng cho con. Hiện tại, trường vẫn đang cập nhật thông tin học sinh đăng ký tiêm vaccine Covid-19. Số lượng học sinh được phụ huynh đồng ý tiêm chủng là 1.700/2.100 em.
Khác với bậc tiểu học, trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có gần 100% phụ huynh đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Họ an tâm vì trường đã có kinh nghiệm tiêm vaccine Covid-19 ở các khối lớp 7, 8, 9.
Nhà trường dự định sắp xếp khu tiêm riêng biệt cho học sinh lớp 6. Trong quá trình tiêm chủng, phụ huynh sẽ được đồng hành cùng con.
“Việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 ở trường có thể được thực hiện với sự hợp tác của trạm y tế phường như đợt tiêm cho học sinh lớp 7, 8, 9. Số lượng học sinh lớp 6 không nhiều nên trường sẽ cho phép phụ huynh vào địa điểm tiêm để đồng hành cùng con. Nếu có thắc mắc, phụ huynh có thể hỏi trực tiếp bác sĩ. Học sinh cũng thoải mái, an tâm khi có bố, mẹ bên cạnh”, bà Hứa Thị Diễm Trâm – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Học sinh ở xã đảo Thạnh An, TP.HCM trong ngày trở lại trường. Ảnh minh họa: Chí Hùng.
Kiên trì vận động, giải đáp thắc mắc của phụ huynh
Trong công tác lấy ý kiến phụ huynh, một cán bộ quản lý trường Tiểu học Kỳ Đồng khuyên giáo viên kiên trì vận động, dù việc tiêm chủng Covid-19 cho trẻ là tự nguyện.
“Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là để trẻ em đến trường phát triển toàn diện. Vì vậy, việc tiêm vaccine Covid-19 là giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho trẻ ở trường học. Chúng ta cần thuyết phục phụ huynh, tăng số lượng đồng ý tiêm chủng để đạt được mục tiêu này”, cán bộ này nói.
Cũng theo cán bộ quản lý trường Tiểu học Kỳ Đồng, quá trình vận động và thuyết phục phụ huynh không tốn nhiều thời gian. Ban giám hiệu các trường cần liên tục cập nhật thông tin tiêm chủng Covid-19 ở nhóm tuổi 5-11 đến các giáo viên.
“Thầy, cô giáo không phải là bác sĩ, vì vậy, có những thông tin họ cần được cung cấp cụ thể để tự tin giải đáp thắc mắc, phân tích cho phụ huynh”, cán bộ này nói.
Bà Trâm – Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng có chuyên môn y tế sẽ cung cấp thêm thông tin về liều lượng tiêm, loại vaccine, tác dụng phụ của vaccine… đến các trường. Theo bà, đây là giải pháp giúp tăng tỷ lệ phụ huynh đồng ý tiêm chủng Covid-19 cho trẻ ở bậc tiểu học.
“Hiện tại thông tin về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 rất nhiều, phụ huynh đang tìm hiểu và chưa biết tin nguồn nào. Con của họ càng nhỏ tuổi, họ càng lo lắng hơn. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng có chuyên môn y tế cung cấp thông tin cụ thể cho thầy, cô giáo thì họ sẽ giải thích và thuyết phục được phụ huynh. Từ đó, phụ huynh có lòng tin hơn và giảm bớt lo lắng, đồng ý đưa trẻ đi tiêm chủng”, bà Trâm nhấn mạnh.
Đối với công tác tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ ở độ tuổi 5-11, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý những phản ứng sau tiêm của đối tượng nhạy cảm này.
Cụ thể, theo ông Dũng, phản ứng sau tiêm nguy hiểm nhất ở trẻ là phản vệ. Nhà trường cần quan tâm đặc biệt đến việc nhận biết và xử trí nhanh khi hồi sức, cấp cứu cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ em cũng có những phản ứng sau tiêm khác với người lớn như ngất đi vì đau hoặc đói nên cần được quan tâm nhiều hơn.
Ngày 1/3, Bộ Y tế đã thông tin về việc trẻ em ở độ tuổi 5-11 sẽ được tiêm Pfizer với liều lượng là 0,2 ml với 10 mcg vaccine mRNA Covid-19, bằng 1/3 so với liều của người lớn. Nhóm tuổi này chỉ tiêm vaccine dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm. Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi này cũng được sử dụng kim tiêm có đầu nhỏ hơn.
Nghiên cứu cơ chế dẫn vaccine sử dụng phương pháp sinh học tổng hợp
Phương pháp sinh học tổng hợp hứa hẹn tạo cơ chế mới đưa vaccine vào cơ thể người trong phòng chống các bệnh như COVID-19.
Phương pháp này đã được công bố trên tạp chí PLOS ONE, được coi là cách tiếp cận độc đáo trong cung cấp vaccine cho cơ thể.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phương pháp sinh học tổng hợp có nghĩa là các tế bào máu được thiết kế lại và tái cấu trúc để hoạt động giống như một robot cực nhỏ bên trong cơ thể giúp phát hiện bệnh và chiến đấu với chúng. Theo Tiến sĩ Vishal Rao, Viện trưởng Viện ung thư HCF và thành viên nhóm công tác chống COVID-19 của Ấn Độ, đây có thể là phương tiện mới đầy hứa hẹn để đưa vaccine vào cơ thể người. Tiến sĩ cho biết có thể điều chỉnh tế bào hồng cầu để vận chuyển các chất virus, giúp kích thích một cách an toàn hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể trước virus SARS-CoV-2.
Các tác giả nghiên cứu phát hiện ra rằng các phương pháp cung cấp vaccine hiện này gây phản ứng miễn dịch mạnh nhưng diễn ra trong thời gian không dài. Thực tế này là nền tảng để nghiên cứu thêm về các khả năng sử dụng vaccine và điều trị.
Trong nghiên cứu mới đây, màng nhày tế bào hồng cầu được gắn với protein gai của SARS-CoV-2, từ đó hình thành vật chất giống như virus. Theo giải thích của Tiến sĩ Vishal Rao, phương pháp tương tự hiện đã được sử dụng điều trị ung thư, trong đó tế bào máu được tái cấu trúc, tế bào được "huấn luyện" trong phòng thí nghiệm sinh học để phát hiện tốt hơn các vi sinh vật cũng như tăng gấp đôi khả năng nhận diện và chiến đấu với sinh vật ngoại lai. Tiến sĩ Vishal đánh giá phương pháp này cho phép tế bào mang lượng lớn protein của virus nhưng gây ra rất ít tác dụng phụ.
Kỹ thuật này được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2020, khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh tế bào hồng cầu để dẫn thuốc vào cơ thể, điều trị các bệnh truyền nhiễm hoặc ung thư, hoặc bệnh Alzheimer.
Tiến sĩ Vishal cho biết Ấn Độ hiện đang tìm cách đầu tư nhiều hơn vào các nghiên cứu liên quan đến phương pháp sinh học tổng hợp, không chỉ nhằm đối phó với SARS-CoV-2 mà cả các căn bệnh mãn tính khác.
COVID-19 tới 6h sáng 6/3: Thế giới vượt 445 triệu ca mắc; Ca tử vong mới giảm 10% toàn cầu Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,3 triệu ca mắc COVID-19 và trên 5.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 445 triệu ca, trong đó trên 6,01 triệu ca tử vong. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc,...