Trường học ngoài sân
Mưa bão đã khiến cho điểm Trường Tiểu học Trà Lâm tại thôn Trà Khương ( xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) bị sạt lở nghiêm trọng. Phía sau trường đã hình thành một “vực sâu” nguy hiểm.
Toàn cảnh điểm sạt lở tại Trường Tiểu học Trà Lâm, trường thôn Trà Khương
Hàng trăm khối đất tụt xuống hố sâu, chỉ còn 0,5m là kéo sập trường học. Điểm trường này chỉ có 3 phòng học, 1 thư viện, nằm chênh vênh bên bờ vực thẳm, toàn bộ phòng học bị tốc mái, hư hỏng.
Lo sợ cho sự an toàn của hơn 60 học sinh, các thầy cô đã mượn nhà dân gần đó để tiếp tục dạy học. Thầy Đặng Thanh Khiết, giáo viên trường, cho biết: “Điểm trường thôn Trà Khương có 4 giáo viên và 2 giáo viên lưu động từ điểm trường chính, do chỉ có 1 chỗ học tạm tại nhà dân nên các em học chia ca”. Bàn ghế, dụng cụ học tập được chuyển từ trường về sân nhà của già làng Hồ Nhất Hương (65 tuổi, điểm định canh định cư Nà Tà Kót, thôn Trà Khương).
Già làng Hương, nói: “Dân ở Nà Tà Kót cũng từ nơi sạt lở di cư đến ở, bây giờ trường học bị sạt lở, học sinh từ thôn làng đến học mà không có chỗ thì phải giúp đỡ các thầy cô. Già có cái sân rộng, thầy cô cứ xếp bàn ghế rồi học”.
Học ở sân già làng Hương thì thiếu thốn nhiều thứ, thầy cô dạy nhiều chương trình khác nhau vì các em học xen ghép. Cô Lê Kim Phượng (quê xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), chia sẻ: “Học ở ngoài sân nên mỗi khi trời mưa là các em bị ướt cùng sách vở. Có nhiều em chỉ mặc chiếc áo mỏng manh ngồi co ro vì lạnh. Thương các em nhiều nhưng chẳng biết phải làm sao…”.
Sau mưa lũ, nhiều em ở điểm trường Trà Khương có nhà bị tốc mái, hư hỏng, quần áo, sách vở ướt sạch. Em Hồ Văn Khiết (lớp 5D, thôn Trà Hoa, xã Trà Lâm) nhà bị tốc mái nhà chính nên sách vở không còn. Hàng ngày, em phải đi bộ 3km lên điểm trường Trà Khương. Em Khiết nói: “Nhà con hư hỏng rồi, nhưng có các anh chị từ thiện đến cho con sách vở, quần áo và thầy cô giúp đỡ, nên con phải tiếp tục đi học”. Ngoài điểm trường Trà Khương thì Trường Tiểu học Trà Lâm có 3 điểm trường lẻ khác nằm rải rác các thôn và 1 điểm trường chính.
Thầy Đỗ Ngọc Chung, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Toàn trường có 445 học sinh. Mưa bão đã gây tốc mái, hư hỏng nhà nhiều em tại các thôn, trong đó, 45 em học sinh có nhà thiệt hại nghiêm trọng, rất nhiều em bị ướt sách vở, quần áo; khó khăn, thiếu thốn đủ thứ!”.
Bão "cướp" trường, thầy trò vùng núi lở học tạm dưới hiên nhà dân
Sạt lở, ngôi trường của bọn trẻ ở Trà Khương chênh vênh bên bờ vực. Thầy cô phải mượn hiên nhà để tiếp tục những bài giảng. Nửa tháng qua, tiếng ê a đọc bài mất hút trong tiếng mưa ở lưng chừng núi...
Lớp học tạm dưới hiên của thầy trò vùng núi lở
Điểm trường Trà Khương (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) có 60 học sinh bậc tiểu học. Trong vòng 3 năm qua, 5 giáo viên ở đây đã 2 lần dời trường tránh núi lở. Lần gần nhất là nửa tháng trước, khi cơn bão số 9 ập vào Quảng Ngãi.
Sau bão, dãy phòng học mất mái, tường chi chít vết nứt. Sách vở, đồ dùng học tập hư hỏng. Giáo viên, học sinh thẫn thờ nhìn điểm trường tan hoang.
Bão đi qua, mưa kéo dài, núi lở khắp nơi. Điểm trường Trà Khương cũng bị sạt lở đe dọa. Bờ đất phía sau trượt xuống vực, phòng học chỉ còn cách mép vực vài bước chân. Mặt đất nứt sâu hoắm, ăn sát vào chân tường sẵn sàng "nuốt" ngôi trường trong tích tắc
Mất trường, giáo viên mượn tạm mái hiên nhà dân làm lớp học. Khoảng không gian chừng 15 m2 được các thầy cô "chia" nhau giảng dạy. Mỗi buổi dạy xen ghép 2 lớp, từ lớp 2 đến lớp 4. Riêng khối lớp 1 của cô Trần Thị Hà My được ưu tiên căn phòng duy nhất còn lành lặn sau bão. Phía cuối phòng, từng chồng sách giáo khoa ẩm mốc, nhăn nhúm.
"Trường tốc mái nên sách vở ướt hết. Từ hôm bão đến giờ mưa suốt, chưa có ngày nắng để phơi", cô My cho biết.
Lớp học tạm dưới mái hiên một nhà dân ở thôn Trà Khương
Mưa vùng cao dai dẳng, núi vẫn chực chờ ập xuống. Vậy mà từ khi bão đi qua, những giáo viên ở Trà Khương chưa hôm nào bỏ lớp. Như cô My, mỗi ngày đều đặn vượt hơn 20 km đến trường. Đường đèo dốc, vách núi dựng trên đỉnh đầu, đầy vết sạt lở. Mỗi ngày đến trường là một thử thách.
"Người lớn dặn đi phải để ý, thấy đá bắt đầu lăn là dấu hiệu lở núi, phải chạy ngay. Nói thế thôi chứ mấy chục cây số đèo dốc, làm sao đề phòng được. Đôi khi phải nhờ vào sự may rủi", cô giáo 25 tuổi chia sẻ "kinh nghiệm".
"May mắn từng cứu sống chúng tôi 3 năm trước", thầy Đặng Thanh Khiết - giáo viên phụ trách khối lớp 5, nối tiếp câu chuyện. "Đó là những ngày mưa tầm tã, sạt lở khắp nơi. Nhóm giáo viên đang đến trường thì dừng lại đợi đồng nghiệp nghe điện thoại.
Mọi người vừa dừng lại thì núi nứt toác, đổ ập xuống trước mặt. Cuộc điện thoại đó đã cứu anh em chúng tôi. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ. Biết là nguy hiểm nhưng mình là giáo viên, phải đến trường giữ học trò", thầy Khiết nói.
Ở vùng cao, trường lớp khang trang giữ học sinh đã khó. Bây giờ, thiếu thốn đủ bề, những đứa trẻ người Cor có thể trốn học. Thương trò, giáo viên ở Trà Khương tìm cách vận động quần áo, sách vở cho bọn trẻ nên mọi thứ đã tạm ổn. Chỉ riêng những phòng học vẫn chênh vênh bên bờ vực.
Bão "cướp" trường, những đứa trẻ người Cor phải học tạm dưới hiên nhà dân
Theo thầy Khiết, nếu có kinh phí sửa chữa thì điểm trường cũ vẫn không đảm bảo an toàn. Mưa rừng dai dẳng, đất có thể tiếp tục sạt trượt bất cứ lúc nào. Thầy trò chẳng thể yên tâm dạy, học khi bên ngoài cửa sổ là bờ vực.
"Có cố gắng mấy đi nữa mà học tạm thế này cũng rất khó để các em theo kịp chương trình. Giờ chỉ mong sớm có điểm trường mới", thầy Đặng Thanh Khiết nói.
Điểm trường Trà Khương chênh vênh giữa lưng chừng núi mờ sương
Rời Trà Khương, chúng tôi gửi lời chúc 20/11 sớm đến các thầy cô. Cùng lời cảm ơn, cô Hà My ngỏ lời xin cho bọn trẻ mấy bộ sách lớp 1: "Sách ướt hết, phơi rồi cũng không dùng được. Mỗi bộ sách hơn 300 ngàn đồng mà phụ huynh ở đây còn nghèo, chưa mua được. Các em thiếu sách học mấy tuần rồi".
Trà Khương lại mưa. Hơi đá núi như làn mây mỏng choàng xuống làng. Bên hiên nhà, những đứa trẻ người Cỏ chăm chú theo từng nhịp thước. Tiếng ê a đọc bài văng vẳng rồi tan vào tiếng mưa ầm ào nơi lưng chừng núi...
Bà Đinh Thị Thu Hương - Trưởng phòng GĐ&ĐT huyện Trà Bồng cho biết, bão số 9 làm hư hỏng, tốc mái 32 điểm trường. Huyện đã nỗ lực khắc phục hư hỏng, lợp mái các phòng học để đưa các điểm trường vào hoạt động nhằm bảo đảm tiến độ chương trình.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm trường như ở thôn Trà Khương chưa thể khắc phục được vì thiệt hại nặng. Do đó, học sinh điểm trường này phải học tạm kéo dài.
Học dưới mái trường tạm Sau bão số 9, rất nhiều trường học ở các huyện miền núi bị hư hỏng nặng, có trường bão cuốn bay cả mái. Để đảm bảo việc dạy và học các địa phương tận dụng nhà văn hóa thôn hoặc mượn nhà dân để dạy học. Dẫu có nhiều khó khăn, song thầy và trò đều nỗ lực vượt khó để đảm...