Trường học mong sớm có quyết định về tháng 3
Các trường mong sớm có quyết định để chủ động trong việc lập kế hoạch dạy học.
Sở GD&ĐT TP.HCM đã trình lên UBND TP dự thảo đề xuất điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, theo đó học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7-2020, dời kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 đến cuối tháng 7.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, cho biết trong tình hình dịch bệnh COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày nên trường có tổ chức học online như một giải pháp tình thế. Trên tinh thần là ôn tập kiến thức cũ và tạo cho học sinh thói quen giữ nề nếp học tập chứ không dạy kiến thức mới.
Trường THCS – THPT Ngôi Sao tập huấn cho giáo viên về dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Cũng theo ông Bình, hiện nay các trường THPT đang mong chờ sớm có quyết định từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng như UBND TP về việc học hay nghỉ trong tháng 3. Bởi quyết định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng kế hoạch của các trường, đặc biệt học sinh khối 12. Quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến việc các trường phải điều chỉnh toàn bộ kế hoạch của năm học.
Video đang HOT
Ông Bình lý giải nếu TP.HCM tiếp tục nghỉ học tháng 3 thì các trường sẽ học từ đầu tháng 4 và kết thúc vào tháng 7. Nhưng nếu điều chỉnh như thế sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của năm học tới. Cụ thể như học sinh sẽ nghỉ hè như thế nào, lịch tập trung ra sao, khai giảng, bên cạnh đó còn công tác tổ chức tuyển sinh lớp 10, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia sẽ như thế nào. Bởi đây là kỳ thi chung, nó cần sự thống nhất của cả nước.
“Hằng năm học sinh thường tập trung vào giữa tháng 8 để chuẩn bị cho công tác khai giảng vào tháng 9, khi mọi công tác thi cử đã hoàn thành. Do đó, chúng tôi mong sớm có quyết định để trường chủ động bố trí nhân sự cũng như lên kế hoạch” – ông Bình nói.
Liên quan đến việc ngành giáo dục đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho rằng đề xuất này có cơ sở. Bởi nó sẽ tạo một hành lang an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành khác cũng tầm soát, kiểm soát nguồn dân nhập cư vào TP để kịp thời ngăn chặn, cách ly khiến dịch không thể bùng phát.
“Tôi mong rằng đề xuất này sẽ được Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng như UBND xem xét và hồi âm sớm để các sở, ban ngành, các nhà trường có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế để không bị động. Hiện nay, trong thời gian nghỉ tránh dịch, để học sinh không lãng quên kiến thức, một số tỉnh, thành tổ chức dạy online”.
“Nhưng việc dạy học online hiện nay chỉ được thực hiện đối các tỉnh, thành có điều kiện về kinh tế, công nghệ thông tin. Mục tiêu gửi bài tập để ôn bài, để nghỉ dài ngày các em không lãng quên việc học, tuy nhiên hiệu quả không như mong đợi. Bởi học sinh không quen với cách học trên, phụ huynh còn có công việc riêng nên không có thời gian giám sát việc học, do đó nhiều em sa đà vào chơi game. Việc học này chỉ có tác dụng đối với học sinh cuối cấp.
Do đó, chung tôi mong có quyết định sớm để các trường xây dựng kế hoạch tương ứng, từ đó có lộ trình chuẩn bị không quá dài, không quá ngắn, không làm ảnh hưởng đến năm học sau” – ông Phú nói thêm.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cũng mong rằng: “Việc đưa ra quyết định sẽ được các sở, ban ngành dựa trên tình hình thực tế của dịch bệnh. Hy vọng giữa tuần sau, các đơn vị liên quan sẽ có quyết định về việc này để nhà trường chủ động. Hiện tại, trường cũng đã lên các phương án cho học sinh. Nếu học sinh đi học vào tháng 3 sẽ có kế hoạch như thế nào, học sinh tiếp tục nghỉ sẽ như thế nào. Tuy nhiên, nếu học sinh ở nhà, trường sẽ bị động nhiều hơn. Nhưng dù thế nào nhà trường cũng sẽ có kế hoạch phù hợp”.
Tại bậc THCS, bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc, quận Bình Tân, cho biết việc có quyết định sớm sẽ giúp phụ huynh chủ động công việc cũng như sắp xếp cho con cái. Bên cạnh đó, trường cũng có kế hoạch phù hợp.
“Đợt vừa rồi UBND TP đã có quyết định sớm về việc cho học sinh nghỉ học hết tháng 2, điều này khiến phụ huynh hài lòng, trường cũng có thêm quá trình chuẩn bị. Cho nên tôi mong sớm có quyết định về tháng 3 để trường lập kế hoạch, dễ dàng trong việc bố trí nhân sự, phân công giáo viên phù hợp tình hình. Vì nghỉ hết tháng 2, học sinh đi học lại trường sẽ có kế hoạch khác. Nhưng nếu nghỉ hết tháng 3, đi học lại tháng 4 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của năm học tới, do đó cần có sự thống nhất” – bà Giang nói thêm.
Theo PLO
Đồng Nai triển khai dạy và học qua truyền hình
Tỉnh Đồng Nai bắt đầu tổ chức dạy học qua sóng truyền hình. Học sinh khối 9 và 12 là đối tượng được tổ chức học theo hình thức này để ôn tập lại kiến thức.
Ảnh minh họa
Trước tình hình học sinh phải tạm nghỉ học để phòng chống Covid-19, ngày 17/2 Sở GD-ĐT Đồng Nai và Đài PTTH Đồng Nai bắt đầu sản xuất và phát sóng chương trình ôn tập kiến thức học kỳ 1 năm học 2019- 2020 dành cho học sinh lớp 9 (các môn Toàn, Ngữ văn, Tiếng anh) và học sinh lớp 12 (các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng anh Vật lý, hóa học , Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân).
Theo Sở GD-ĐT , chương trình ôn tập sẽ được phát sóng vào lúc 07h30 phút và 13h30 phút hàng ngày (bắt đầu từ ngày 17/02) trên kênh truyền hình Đồng Nai 1 và phát lại chương trình vào lúc 8 giờ 35 phút và 14 giờ trên kênh Đồng Nai 2.
Ngoài ra chương trình cũng được phát trên website của Đài PTTH ĐồngNai và Sở GD-ĐT Đồng Nai.
MẠNH THẮNG
Theo Tiền phong
Con nghỉ vì lo corona, nghỉ rồi lại sợ con... mất bài 'Học sinh nghỉ vì dịch bệnh, tôi thấy rất nhiều trường tổ chức dạy trực tuyến nhưng trường của con tôi thì không. Cháu bị hổng kiến thức so với học sinh các trường khác thì làm sao thi cuối năm?', nhiều phụ huynh lo lắng. Thầy Hoàng Thế Dương (Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang giảng bài môn hóa...