Trường học hạnh phúc là nơi thân thiện
“Không thể cứ học trò mắc lỗi là thầy cô đặt bút phê vào sổ sách, vào dịp tổng kết học kỳ, cuối năm học… Đánh giá một con người không đơn giản như thế. Đặc biệt là với lứa tuổi từ 15 – 18, các em rất cần sự tôn trọng của thầy cô và nhà trường” – Thầy Trịnh Đình Hải (Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) bày tỏ quan điểm.
Nữ sinh Trường THPT chuyên Hạ Long
Học trò nội trú cần môi trường ký túc xá hạnh phúc
Mọi ngóc ngách trong trường học, tưởng chừng có những việc rất nhỏ, nhưng đều có bóng dáng của thầy hiệu trưởng. Thầy Hải chia sẻ: “Tôi không bao giờ dám tắt điện thoại di động, kể cả buổi tối, đêm… 400 HS sống trong ký túc xá của trường, xa cha mẹ. Người đầu tiên các em cần gọi trợ giúp khẩn khi có chuyện gì không hay xảy ra chính là thầy cô giáo”.
Thầy Hải cho tất cả HS trong trường số điện thoại di động của mình để các em có thể gọi khi cần. “Bất cứ ngày hay đêm học trò có thể gọi điện thoại cho tôi. Nhiều khi thấy số điện thoại lạ gọi nhỡ, tôi lập tức phải gọi lại. Biết đâu đó là số của học trò, gọi thầy nhờ trợ giúp…” – Thầy Hải cho biết.
Vào website của Trường THPT chuyên Hạ Long có thể dễ dàng nhìn thấy số điện thoại di động và cố định của từng thầy cô trong Ban Giám hiệu. Điều này quả là đặc biệt, không phải Ban Giám hiệu trường nào cũng “dám” làm.
Với đặc thù của một trường phổ thông có ký túc xá (KTX), HS từ khắp nơi trong tỉnh về học tập trung và nội trú tại trường, đặc biệt trong mỗi phòng KTX của Trường THPT chuyên Hạ Long đều lưu trên tường các số điện thoại để HS có thể gọi khi cần.
Số điện thoại đầu tiên chính là số di động của thầy hiệu trưởng, tiếp đến là số của thầy (cô) phó hiệu trưởng, bên cạnh các số điện thoại của công an phường, số điện thoại khẩn cấp cho cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, công an; tiếp đến là số điện thoại của GV chủ nhiệm tham gia công tác trực nội trú hàng ngày của HS.
Thầy Hải cho rằng: “ Trường học hạnh phúc (THHP) cũng chính là trường học thân thiện, nhưng sẽ phải được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, ngay trong những giờ học chính khóa và những giờ ngoại khóa, từ trong ứng xử của GV với HS. THHP là phải giáo dục HS biết quan tâm tới những người xung quanh”.
“Trong nhiều khẩu hiệu ở nhà trường, tôi vẫn tâm đắc nhất khẩu hiệu: “Tôn trọng bản thân và người khác”. HS, GV có trách nhiệm với bản thân từ đó sẽ có trách nhiệm với người khác. Những cá nhân trong một nhà trường nếu thiếu đi trách nhiệm với bản thân thì khó có thể quan tâm tới người khác” – Thầy Hải nhận định đây là một trong những mục tiêu cần thực hiện vì THHP.
Thầy Trịnh Đình Hải (đứng thứ 2, từ trái sang) ra sân bay đón Trần Ngọc Khánh (đứng giữa) học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hạ Long, đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu (EuPhO) 2019 lần thứ III, tổ chức tại thủ đô Riga của Latvia. Đây là lần đầu tiên Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi EuPhO, và đã đoạt 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen.
Video đang HOT
Khi học trò mắc lỗi…
Tuy nhiên, theo thầy Hải, một điều đáng lưu ý để thực hiện THHP chính là khái niệm kỷ luật tích cực. “Cần hiểu khái niệm này một cách gần gũi nhất, đó là kỷ luật để cầu thị sự tiến bộ, kỷ luật để HS tiến bộ. Đã là học trò thì khó tránh mắc lỗi. Vấn đề là nhà trường phải nhìn nhận học trò mắc lỗi ở góc độ như thế nào.
Thực hiện kỷ luật tích cực phải rất đồng bộ, nghiêm khắc nhưng phải yêu thương. GV, Ban Giám hiệu phải luôn nhìn nhận sự cố gắng và tiến bộ của học trò. GV, nhà trường phải luôn đặt niềm hy vọng với mỗi HS” – Thầy Hải nhấn mạnh – “Không thể cứ học trò mắc lỗi là thầy cô đặt bút phê vào sổ sách, vào tổng kết học kỳ, cuối năm… Đánh giá một con người không đơn giản như thế. Đặc biệt là với lứa tuổi từ 15 – 18, các em rất cần sự tôn trọng của thầy cô và nhà trường”.
“Một HS tiến bộ từng ngày qua sự hỗ trợ, dìu dắt của thầy cô, đó chính là THHP” – Thầy Hải nhận định.
Trong tất cả mọi hoạt động của một nhà trường đều ít nhiều thấy “bóng dáng” của người hiệu trưởng. Thầy Hải cho rằng: “Việc đầu tiên ở mọi hành động của người hiệu trưởng là phải thể hiện quan điểm rõ ràng trong quản lý con người. Ngay trong xét kỷ luật HS, hiệu trưởng cũng phải nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo. Khi học trò có khuyết điểm, hiệu trưởng phải nhìn nhận trên khía cạnh nào, phải coi học trò như người thân trong gia đình để cảm nhận suy nghĩ của học trò nhiều hơn. Để THHP, tất cả mọi thành viên trong nhà trường phải thay đổi, bắt đầu từ người hiệu trưởng”.
Điều thú vị là có những lần HS trong trường mắc lỗi, thầy Hải không gọi HS lên phòng hiệu trưởng, không gọi vào phòng họp để tra xét, nhắc nhở, mà gọi HS có lỗi ra ghế đá trong sân trường nói chuyện với thầy.
Câu chuyện giữa hiệu trưởng với HS bắt đầu bằng những câu gợi mở, hỏi han: “Thầy nghe thấy cô này, thầy kia, bác quản sinh… nói câu chuyện như thế… Thầy thấy rằng chuyện đó như thế này… Theo thầy em nên thế kia…”. Thầy nhẹ nhàng phân tích, để khiến HS không cảm thấy đó là một cuộc gặp để trách phạt, mà như một cuộc trao đổi, tâm sự của người thầy, người cha để giúp học trò thay đổi.
Thanh Tuấn
Theo GDTĐ
Mô hình trường học mang lại niềm vui, hứng khởi cho học sinh
Học sinh tiếp cận kiến thức cần và thiếu; được khơi gợi để phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm say mê học tập.
Hơn 45 năm công tác trong ngành giáo dục, Tiến sĩ Huỳnh Công Minh - Nguyên giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nhấn mạnh: "Làm giáo dục không phải cứ xây xong một ngôi trường rồi chọn lấy một học trình để dạy. Mà ngược lại, làm giáo dục trước tiên phải tạo dựng được một học trình xuyên suốt, sau đó mới bắt tay vào xây dựng ngôi trường đáp ứng được các tiêu chí giáo dục của học trình đó, đó mới là ngôi trường hạnh phúc cho học sinh".
Học theo năng khiếu, say mê khám phá
Trường học hạnh phúc là môi trường chú trọng giảng dạy không những điều học sinh cần và thiếu mà còn hỗ trợ các em phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm say mê học tập.
Nhằm giúp học sinh tìm thấy niềm vui trong học tập và ngày một say mê khám phá, trường học cần hướng dẫn học sinh để các em tìm ra những môn học phù hợp cho sở thích, sở trường và năng khiếu của mình. Đồng thời thấy được môn học này, kiến thức kia có ích cho mình như thế nào.
Các em cũng được trang bị những kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, hiểu biết tâm sinh lý lứa tuổi cần thiết để sẵn sàng cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Gồm: giao tiếp, làm việc nhóm, trình bày vấn đề, phản biện, xử lý thông tin, bơi lội, sơ cứu cơ bản, phát triển tâm sinh lý cơ thể tuổi dậy thì, hiểu biết về giới tính và sinh sản...
Có như vậy, các em mới trở thành công dân toàn cầu tự tin, am hiểu, sẵn sàng hội nhập quốc tế mà không bị bất kỳ rào cản nào về ngôn ngữ, văn hóa, trình độ hay kỹ năng.
Phát triển thể chất, tinh thần tích cực
Theo Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, chương trình học tiên tiến ở các nước phát triển từ lâu đã tập trung trọng điểm vào tiếng Anh (E), Toán (M), Nghệ thuật (A), Khoa học (S) và Công nghệ thông tin (I), chương trình Giáo dục Thể chất chuyên nghiệp kết hợp cùng Hoạt động Ngoại khóa đa dạng.
Vì vậy, ngôi trường hạnh phúc là nơi mở ra cơ hội rèn luyện thể chất, trải nghiệm nhiều bộ môn thể thao và tạo nên bầu không khí tích cực, vui vẻ trong mọi hoạt động học tập, khám phá.
Để làm được điều này cần có 4 yếu tố cốt lõi. Thứ nhất là hệ thống cơ sở vật chất thể thao hiện đại cho các môn thể thao và các hoạt động rèn luyện thể chất khác, như: tường leo núi hiện đại, nhà thi đấu chuẩn quốc tế, hồ bơi nước mặn và nước ấm dài 25m, sân thể thao dành cho điền kinh và bóng đá...
Điều cần thiết tiếp theo chính là những mảng xanh cây cối, sân cỏ, vườn treo, đồi cỏ phủ xanh toàn khuôn viên và thiết kế trường học thân thiện với thiên nhiên. Đây sẽ là nhân tố quan trọng góp phần kiến tạo môi trường học đường xanh, sạch, trong lành, tốt cho sức khỏe.
Các bữa ăn trường học bổ dưỡng và an toàn, nhà ăn sạch đẹp, thoáng mát cùng không khí sinh hoạt chung vui vẻ, thân thiện sẽ tăng cường sức đề kháng cho học sinh, giúp tâm trạng các em trở nên tích cực, thoải mái hơn.
Nhân tố cuối cùng là chương trình Tư vấn học đường. Bao gồm những chương trình tư vấn sức khoẻ tâm sinh lý, tình cảm cho học sinh ở mọi khối lớp; tư vấn hướng nghiệp và đại học cho học sinh trung học. Phòng Y tế đầy đủ trang thiết bị tối tân để chăm sóc mọi vấn đề thể chất, tinh thần phát sinh trong suốt quá trình học tập tại trường.
Hình thành nhân cách tốt đẹp
Triết lý giáo dục của ngôi trường hạnh phúc tạo nên cộng đồng giáo viên và học sinh sống tử tế, tích cực, kỷ cương, có trách nhiệm với xã hội; thông qua phương pháp sư phạm tiên tiến và đội ngũ giáo viên - trợ giảng tâm huyết, yêu thương học sinh. Triết lý giáo dục giàu tính nhân văn sẽ tạo nên cộng đồng học sinh có nhân cách tốt đẹp, sống có ích và trách nhiệm với mọi người.
Trường học tôn vinh những giá trị tốt đẹp, như: yêu thương, đồng cảm; quan tâm, phục vụ; bình đẳng, công bằng; khuyến khích học sinh phát triển những thái độ tích cực, như: tích cực (tự tạo động lực); dấn thân (tự đề ra thử thách); cầu tiến (luôn phấn đấu để hoàn thiện)... Từ đó, giúp học sinh có động lực thực hiện những hành động tốt đẹp, biến sự ứng xử tử tế và giao tiếp lịch thiệp trở thành thói quen hàng ngày.
Phụ huynh cũng được mời đồng hành trong hành trình phát triển nhân cách của học sinh vì gia đình chính là trường học đầu tiên của mỗi đứa trẻ. Có như vậy, từ nhà đến trường, các em mới được học hỏi những cách hành xử tốt đẹp, động viên làm điều có ích cho mọi người.
Tại Việt Nam, bằng tâm huyết của những nhà hoạt động và các chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước và quốc tế, nền giáo dục nước ta đang dần có sự chuyển mình tích cực, bắt kịp xu thế giáo dục tiên tiến của thế giới. Hiện nay, đã có một số "mô hình trường học mang lại hạnh phúc và hứng khởi cho học sinh" được hình thành, có thể kể đến là Hệ thống trường Song ngữ Quốc tế EMASI. Trường thực hiện chương trình học tiên phong từ các nước phát triển, phương pháp sư phạm đa chiều tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại chuẩn quốc tế cùng đội ngũ giáo viên giàu chuyên môn.
Hoài Nhơn
Theo VNE
Câu chuyện "Con học dốt nên bị xa lánh" nhận sự đồng cảm của nhiều người và sự thật cha mẹ cần nhìn lại Học dốt nên bị các bạn xa lánh, không được tham gia các hoạt động của trường lớp... câu chuyện nữ sinh Hà Nội kể về 4 năm học cấp 2 khiến cha mẹ phải suy ngẫm lại. Tâm sự buồn của nữ sinh bị 2/3 lớp xa lánh Trong chương trình gala "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc", nữ sinh...