Trường Đồng Kỵ 2 cho nhiều học sinh thi lại để nâng điểm
Phụ huynh cho biết, có đến nửa lớp học sinh dưới 5 được nhà trường cho thi lại để thay điểm thi hết học kỳ 1. Đó là sự gian dối không nên có trong giáo dục.
Chị Ng.T.H (bên trái) trao đổi, làm việc với ban giám hiệu Trường tiểu học Đồng Kỵ 2 về việc trường tự cho thi lại để nâng điểm cho học sinh. Ảnh: Cắt từ clip NVCC.
Bệnh thành tích trong giáo dục đã được nói đến nhiều và không ít chuyên gia, người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà phải lắc đầu ngao ngán vì nó đã và đang ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của không ít người.
Để thay đổi suy nghĩ đó cần phải có cuộc “thay máu” triệt để. Nhưng từ khi trường học được khống chế bằng các chỉ tiêu để xếp loại trường, đánh giá giáo viên thì mọi chuyện đã đổi khác. Và để đổi được suy nghĩ hay chữa được bệnh thành tích thì càng khó.
Càng trường nào có danh hiệu trường chuẩn quốc gia, trường điểm, trường “top” đầu…càng nặng bệnh thành tích. Theo đó, các chỉ tiêu cũng vì thế cao hơn nhưng thực tế chất lượng học tập của học sinh không đổi.
Bệnh thành tích thường được đo bằng tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong các phong trào học tập, các cuộc thi đua… để khẳng định “đẳng cấp” từng trường.
Các trường đề ra chỉ tiêu thi đua quá cao, không phù hợp với khả năng thực tế có thể đạt được.
Nếu như trước đây học sinh học lực yếu, kém, điểm thi thấp đương nhiên cuối năm sẽ phải ở lại lớp. Có lớp số học sinh lưu ban đến vài em.
Đối với những học sinh hư, vô lễ, quậy phá… nhà trường cũng có nhiều biện pháp mạnh răn đe như hạ nhiều bậc hạnh kiểm, cao hơn là đuổi học.
Còn nay học sinh muốn điểm thấp cũng không được, ở lại lớp lại càng không vì ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua của trường.
Phụ huynh học sinh biết, thầy cô giáo biết, ban giám hiệu biết và cán bộ cấp Phòng, cấp Sở Giáo dục và Đào tạo cũng biết nhưng tất cả đều làm ngơ và giả vờ như không biết.
Trong số đó chỉ ít phụ huynh học sinh dám đứng lên công khai phản đối bệnh thành tích.
Như trường hợp chị Ng.T.H (sinh năm 1981) trú tại phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) có con đang học lớp 4 phản ứng trước việc nhà trường tự tổ chức cho thi lại nhằm nâng điểm.
Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Ng.T.H có con đang theo học lớp 4D Trường tiểu học Đồng Kỵ 2 (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bức xúc trước việc con gái chị được nhà trường tự tổ chức thi lại môn Sử địa nhằm nâng điểm thay thế cho điểm thi học kỳ 1.
Đáng chú ý, gần một nửa học sinh lớp 4D và hàng chục học sinh khác rơi vào các lớp cùng khối 4 có điểm học kỳ 1 dưới trung bình được nhà trường tổ chức cho thi lại để nâng điểm thay cho điểm thi học kỳ 1. Không chỉ môn Sử địa nhà trường cho thi lại mà môn Toán cũng tương tự.
Phụ huynh bức xúc trước việc ban giám hiệu Trường tiểu học Đồng Kỵ 2 tổ chức thi lại nhằm nâng điểm cho hàng loạt học sinh điểm thi dưới trung bình để thay cho điểm thi hết học kỳ 1. Ảnh: Vũ Phương.
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên, chị Ng.T.H cho biết : “Điểm thi hết học kỳ 1 năm học 2017-2018 vừa qua Trường tiểu học Đồng Kỵ 2 số học sinh đạt điểm dưới trung bình rất nhiều.
Riêng lớp 4D, lớp con gái chị đang theo học có đến gần một nửa lớp trên sĩ số 36 học sinh được nhà trường cho kiểm tra lại môn Sử địa để nâng điểm thay cho điểm thi hết học kỳ 1. Các lớp khác cùng khối như 4A, 4C, 4G cũng khá nhiều học sinh được nhà trường cho kiểm tra lại.
Chỉ rất ít học sinh được điểm 8 môn Sử địa như con gái tôi được thi lại để nâng lên điểm 9. Còn lại là học sinh đạt điểm dưới trung bình (5 điểm) kiểm tra lại để nâng lên điểm 7, điểm 8.
Có lẽ con gái tôi được thi nâng điểm vì cháu học rất tốt toàn điểm 9, 10, kỳ thi vừa rồi được điểm 8 môn Sử địa sẽ bị ảnh hưởng đến kết quả, chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc mà nhà trường đã đăng ký từ đầu năm.
Mới đây con gái tôi nói tôi mới biết việc nhà trường cho thi lại vào cuối tháng 12/2017 chứ nhà trường không hề thông báo cho phụ huynh biết việc này. Thời điểm nhà trường cho thi lại ngay sau kỳ thi hết học kỳ 1 diễn ra được một tuần”.
Chị Ng.T.H cũng cho biết thêm: “Đề thi hết học kỳ 1 là của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh ra đề, còn đề thi lại do nhà trường ra đề.
Con gái tôi nói đề thi lại của trường dễ hơn so với đề của sở. Bởi vậy, nhiều học sinh điểm dưới trung bình môn Sử địa đã được điểm 7, điểm 8, điểm 9 sau khi thi lại.
Ngay sau khi sự việc, tôi và một số phụ huynh cùng lớp đã đến gặp ban giám hiệu nhà trường để làm rõ. Chúng tôi rất bức xúc và không đồng ý với việc nhà trường tự ý cho học sinh thi lại để nâng điểm thi học kỳ 1.
Đây rõ ràng là bệnh thành tích, sự gian dối trong giáo dục, con tôi điểm như thế nào tôi đề nghị nhà trường tôn trọng và giữ nguyên. Bởi như thế để con biết con đang ở đâu chứ không phải là con số ảo”.
Ngay sau khi biết việc nhà trường “âm thầm” cho kiểm tra lại một cách bất thường, chị Ng.T.H và nhiều phụ huynh đã đến trường chất vấn ban giám hiệu nhà trường để làm rõ.
Được biết, Trường tiểu học Đồng kỵ 2 hiện cô hiệu trưởng nhà trường đang xin nghỉ phép vì lý do gia đình. Mọi công việc của trường do hai cô Phó hiệu trưởng điều hành.
Chị Ng.T.H cho hay: “Tôi và một số phụ huynh đã có buổi làm việc với cô Nguyễn Thị Thảo – Phó hiệu trưởng về việc cho lớp con tôi thi lại. Nội dung buổi làm việc giữa tôi và một số phụ huynh với cô Thảo đã được quay video và đưa lên mạng xã hội để các phụ huynh khác nắm.
Lý giải về việc cho học sinh thi lại môn Sử địa để thay điểm thi học kỳ 1, cô Thảo khẳng định, việc nhà trường tổ chức thi lại cho học sinh là đúng.
Theo Thông tư số 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trong trường hợp điểm bài thi của học sinh thi học kỳ mà không phản ánh đúng thực lực học hàng ngày của học sinh thì giáo viên chủn hiệm sẽ lập danh dánh và gửi đơn đề nghị ban giám hiệu nhà trường cho thi lại bất thường.
Hướng dẫn cũng nêu rõ, sau khi nhà trường chấm thi xong, giáo viên sẽ rà soát lại những bài thi có điểm số không phản ánh đúng thực lực của các em. Từ đó, nhà trường sẽ họp và quyết định có tổ chức thi lại để tránh thiệt thòi cho các em hay không”.
Cô Thảo cũng thừa nhận với phụ huynh, nhà trường đã cho thi lại môn Sử địa, môn Toán, trong đó chủ yếu rơi vào học sinh khối 4. Môn Sử địa có nhiều học sinh được thi lại hơn so với môn Toán. Điểm thi lại sẽ thay thế điểm thi hết học kỳ 1 vừa qua.
Đáng nói, phản ánh với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Ng.T.H chỉ ra: “Theo quy định nhà trường phải trả bài kiểm tra, bài thi cho học sinh mang về nhà. Tuy nhiên, nhà trường không trả bài cho học sinh, nhà trường giữ lại bài thi nhằm mục đích gì?”.
Nguyên nhân nhà trường tổ chức kiểm tra, thi lại vừa qua để lấy điểm thay điểm thi học kỳ 1 được các phụ huynh cho rằng, từ đầu năm trường đã đăng ký chỉ tiêu thi đua và các hình thức khen thưởng.
Rõ ràng, việc nhiều học sinh thi hết học kỳ 1 đạt dưới điểm trung bình sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của trường.
Chính vì vậy, những học sinh đó được nhà trường tổ chức cho thi lại bằng cách ra đề dễ hơn nhằm lấy điểm cao hơn nhằm thay thế điểm thi học kỳ 1.
Chị Ng.T.H phân tích: “Những trường hợp được thi lại chúng tôi nắm được thì chỉ áp dụng cho một số trường hợp như học sinh học lực rất tốt, nhưng do tâm lý nên bị điểm kém. Trường hợp học sinh gặp vấn đề về trí tuệ hay trường hợp lực học bình thường rất tốt nhưng điểm thi thấp và ngược lại.
Thực tế số học sinh được thi lại tại Trường tiểu học Đồng kỵ 2 không nằm trong các trường hợp trên. Học sinh được thi lại chủ yếu rơi vào học sinh dưới điểm trung bình lên đến 50% sĩ số lớp.
Việc làm này của ban giám hiệu nhà trường là đi ngược lại cuộc vận động chống bệnh thành tích, tiêu cực trong ngành giáo dục.
“Điểm số của các em như thế nào phải trung thực. Như thế phụ huynh mới nắm được con mình yếu môn nào sẽ có cách rèn và kèm thêm. Việc thi lại để nâng điểm không đúng với thực lực của các em là gian lận và rất đáng lo ngại.
Điều chúng tôi lo ngại ở đây là ngay từ nhỏ các con đã được nhà trường “gieo” vào tâm lý nếu học có kém, điểm thấp nhà trường sẽ cho thi lại và điểm sẽ cao. Các con sẽ không còn động lực, nỗ lực phấn đấu học nữa.
Hơn hết, môi trường giáo dục phải trung thực, phản ánh đúng thực lực của các em chứ đừng vì chỉ tiêu, vì thành tích của trường mà gian dối. Như thế nền giáo dục sẽ không phát triển được”, chị Ng.T.H nói.
Chiều 6/2, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Việt – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) xác nhận: “Việc đó cũng không có vấn đề gì lớn và chúng tôi đã giải quyết xong.
Trường tổ chức cho thi lại chúng tôi đã nắm được. Cho vài chục học sinh thi lại không phải là vấn đề lớn”.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Việt cúp máy với lý do đang lái xe và đề nghị phóng viên cần thông tin gì cứ đến.
Theo Giaoduc.net
Ở Sài Gòn chưa bao giờ có lệnh cấm học sinh chuyển trường
Sau mỗi kỳ hoặc cuối năm học đầu cấp, cha mẹ phụ huynh cũng như học sinh lớp 10 lại nghĩ đến việc chuyển trường cho con là chuyện không lạ.
Mặc dù được Hiệu trưởng trường nơi chuyển đến có ý kiến tiếp nhận nhưng học sinh vẫn chưa thể chuyển đi nếu không có ý kiến của trường đang học. (Ảnh: Đan Quỳnh)
Trong một học kỳ, nữ sinh 3 lần bị tai nạn
Ngày 18/01, phản ánh của độc giả đến Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Âu Dương Tân (sinh năm 1975) là phụ huynh của cháu Âu Trần Thu Thủy (*) (sinh năm 2002), học sinh lớp 10C Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể chuyển trường được cho con.
Anh Tân kể, sau đợt sơ kết học kỳ 1, anh có nguyện vọng chuyển cho con từ Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (quận 1) về Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 8) để gần nhà.
Năm cuối bậc Trung học cơ sở, anh Tân thấy con gái đam mê một số bộ môn thể thao nên thể theo nguyện vọng và cho con ghi danh vào trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ trong học kỳ 1, cháu Thủy tự đi xe đạp suốt quãng đường từ quận 8 sang quận 1 để học đã bị tai nạn đến 3 lần. Anh Tân cùng vợ nóng lòng nên quyết định xin cho con về gần nhà để học.
Anh Tân đã bày tỏ nguyện vọng với Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du và được tiếp nhận. Tuy nhiên, khi liên hệ lại với Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh để làm các thủ tục chuyển đi thì nơi đây không chịu ký quyết định cho con gái chuyển trường.
Anh Tân liên hệ với Ban Giám hiệu của trường con đang học và quan sát thấy tờ giấy đề nghị trả cháu Thủy về lại địa phương đang chờ trình ký. Hoảng hốt, anh tìm mọi cách liên lạc với Ban Giám hiệu nhưng nhận được sự thờ ơ của nhà trường.
Hiện tại, cháu Thủy vẫn đang học tại Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh ở những ngày đầu của học kỳ 2.
Chưa có quy định cấm học sinh chuyển trường
Sáng cùng ngày, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với cô Nguyễn Thị Mỹ Hậu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao liên quan đến vụ việc. Cô Hậu giải thích, cô đang bận việc gia đình và qua tuần sẽ xem xét trường hợp của em Âu Trần Thu Thủy.
Anh Tân tâm sự, suốt quá trình học kỳ 1 ở Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, anh rất yên tâm với cách dạy của giáo viên tại trường. Việc học của cháu càng cải thiện rõ rệt.
Đơn xin rút học bạ của phụ huynh cháu Âu Trần Thu Thủy để xin chuyển về trường mới. (Ảnh: Đan Quỳnh)
Thế nhưng, do nhà xa trường nên anh đành lòng cho cháu về trường gần nhà để an toàn và giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn giao thông.
Trường hợp chuyển trường như anh Tân không phải là hiếm trong thời gian qua. Gần đây, nhiều phụ huynh truyền miệng nhau liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng học sinh lớp 10 xin chuyển trường giữa hoặc cuối kỳ học như cháu Thủy.
Và cũng có thông tin cho rằng, nếu học sinh không thay đổi chỗ ở hoặc cha mẹ không thay đổi nơi làm việc và một số trường hợp đặc biệt khác thì không được chuyển trường.
Để làm rõ vấn đề này, ngày 17/01, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hoàng khẳng định, đến thời điểm này, Sở chưa có văn bản nào quy định như trên.
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung những ý kiến của các cá nhân rồi soạn dự thảo trình lên Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để phê duyệt kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm 2018.
Việc phụ huynh và học sinh có nhu cầu chuyển trường sau một học kỳ hoặc hết năm học là có thật. Như trường hợp của cháu Thủy, con gái anh Tân cũng đáng để suy nghĩ.
Theo Giaoduc.net
Kiểm điểm ban giám hiệu sau vụ giáo viên tố cắt khẩu phần ăn của trẻ Phòng GD&ĐT huyện Ea H'leo, Đắk Lắk, kết luận giáo viên trường Mầm non Hoa Mai tố ban giám hiệu bớt khẩu phần ăn của trẻ là không đúng. Phòng đã kiểm điểm những người liên quan. ảnh minh họa Chiều 13/12, ông Bùi Đức Chinh, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Ea H'Leo (Đắk Lắk), cho biết đơn vị đã yêu cầu Ban...