Trường ĐH Y Dược TPHCM hỗ trợ 35 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở Miền Trung
Phòng Công tác Sinh viên- Trường ĐH Y Dược TPHCM vừa trích quỹ UMP Foundation hỗ trợ 35 sinh viên có gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt bão, lũ ở Miền Trung.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh – Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học và ThS. Phạm Tuấn Hiệp – Phó Trưởng Phòng Công tác Sinh viên trao hỗ trợ cho sinh viên Khoa ĐD – KTYH (Ảnh: Tấn Lực)
Thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời đối với các sinh viên có gia đình đang phải chịu những thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung gây ra, Phòng Công tác Sinh viên đã tiến hành khảo sát sinh viên toàn trường và trình lãnh đạo Nhà trường trích quỹ UMP Foundation hỗ trợ 35 sinh viên có gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt bão, lũ vừa qua. Cụ thể mỗi sinh viên được hỗ trợ 3 triệu đồng, tổng kinh phí hỗ trợ là 105 triệu đồng.
ThS. Trương Văn Đạt – Trưởng Phòng Công tác Sinh viên phát biểu chia sẻ với các sinh viên được nhận hỗ trợ đồng thời cam kết Nhà trường sẽ luôn tìm các giải pháp hỗ trợ sinh viên gặp các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Quỹ UMP Foundation (UMPF) là quỹ hỗ trợ sinh viên do Ban Giám hiệu Đại học Y Dược TPHCM thành lập với mục đích vận động tài trợ, ủng hộ từ cán bộ giảng viên, các mạnh thường quân và cựu sinh viên của nhà trường.
Trong đó, Quỹ có hạng mục hỗ trợ sinh viên khó khăn đột xuất: dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật,…: xét chọn dựa trên đề xuất của các Khoa, Phòng và Phòng Công tác Sinh viên là đơn vị thường trực tham mưu, quản lý Quỹ, có trách nhiệm điều phối các hoạt động của Quỹ.
ThS. Trương Văn Đạt – trưởng Phòng Công tác sinh viên trao hỗ trợ cho sinh viên Khoa Dược
ThS. Nguyễn Hoài Phong – Trưởng Văn phòng Khoa Y trao hỗ trợ cho sinh viên Khoa Y
Nhà trường hi vọng rằng với nguồn hỗ trợ này sẽ góp thêm động lực giúp cho các em cũng như gia đình vượt qua khó khăn hiện tại, tiếp thêm niềm tin xây dựng lại cuộc sống sau cơn bão lũ, đồng thời giúp cho các em cũng yên tâm để cố gắng học tập tốt.
Lũ chồng lũ, tiền đâu em học tiếp?
Gia đình ở quê chịu cảnh lũ chồng lũ, sinh viên sống xa nhà nỗi lo chồng chất nỗi lo. Lo cho người thân nơi quê nhà phải chống chọi với bão lũ. Lo không có tiền để tiếp tục học hành.
Nhiều sinh viên quê ở miền Trung đang có những đêm dài thức trắng mong ngóng về quê nhà - NỮ VƯƠNG
"Khi lũ qua đi, mong ước lớn nhất của em là được tiếp tục đến trường. Em phải đi học để ra trường đi làm kiếm tiền lo cho mẹ và 2 đứa em. Em sợ phải dừng bước giữa đường", đó là lời chia sẻ của Nguyễn Ngọc Lan (quê ở Quảng Bình), sinh viên (SV) Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), khi quê em đang tan hoang vì mưa lũ.
Phận người trong những túp lều bên nghĩa địa giữa lũ lịch sử ở Quảng Bình
Đêm trắng của sinh viên miền trung
Nhiều SV đang trải qua những đêm dài thức trắng vì lo cho ba mẹ, người thân nơi quê nhà phải ăn mì gói cứu trợ suốt những ngày bão lũ. Nước lũ đã cuốn trôi hết tất cả. Bản thân các em cũng ăn mì gói qua ngày để tiết kiệm chi phí cho gia đình.
Ba mẹ ở nhà, nước cứ lên, phải gỡ mái ngói nóc nhà ngồi thức trong đêm. Giọng thông báo trong điện thoại "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không thể liên lạc được..." cứ thế đáp lại những cuộc gọi đứng ngồi không yên của SV. Những đêm miền Trung lũ lụt là những đêm dài trắng giấc của SV xa nhà.
Nguyễn Thanh Dũng (quê ở Quảng Bình), SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, vừa kể vừa rơi nước mắt: "Chỉ trong một đêm, quê em, nhà em chìm trong biển nước. Từ nhỏ đến giờ, biết bao mùa lũ rồi nhưng chưa bao giờ nhà em lại lao đao như thế này. Lúc bình thường còn gọi điện hỏi han được, còn lần này nước đã ngập nặng mà em không gọi điện về nhà được vì điện cắt mà điện thoại ba em lại hết pin. Phải đến tận 2 ngày sau em mới nói chuyện được với ba mẹ. 2 ngày đó với em dài cả thế kỷ, ruột gan như lửa đốt mà chẳng làm được gì".
SV Nguyễn Ngọc Lan tâm sự: "Em muốn về nhà ngay lúc đó để phụ mẹ, vừa không liên lạc được với gia đình vừa thấy tin lũ ngày càng lớn, rồi thấy trên mạng nhiều người dân kêu cứu mà em thương mẹ, thương 2 đứa em, thương cho người dân quê em. Miền Trung quê em năm nay chỉ có 2 mùa là mùa Covid-19 và mùa lũ...".
Nhà của Nguyễn Hữu Tứ, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, ở ngay ngoài rìa và gần sông tại H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), nước lũ dâng lên là đồng nghĩa bị cô lập giữa biển nước mà không ai có thể kịp đến ứng cứu. Nỗi lòng của Tứ giữa Sài Gòn nặng ngàn cân.
"Ở nhà chỉ còn ba mẹ và em trai 14 tuổi. Tối đó nước lên nhanh và cao quá, ba em phải gỡ mái ngói rồi đưa mẹ với em trai lên nóc nhà ngồi. 2 ngày không gọi được cho ba mẹ, em chỉ biết gọi cho bác, nhưng bác nói nước lớn quá cũng không thể nào qua được, lúc đó thật sự em chẳng biết phải làm sao", Tứ đau đáu nói.
Ảnh nhà bị nước lũ nhấn chìm từ quê gửi vào cho Nguyễn Hữu Tứ - ẢNH: NVCC
Chung nỗi niềm, Trần Thị Phương Thảo (quê ở Quảng Trị), SV Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nghẹn ngào kể: "Chiều hôm đó nước lên lớn nên em trai đi sơ tán trước, ba vì tiếc của nên ở lại kê đồ đạc lên trên rồi đi sau. Nhưng kê không kịp, nước lên cao quá nên thuyền cứu hộ cũng không vào được nữa, thế là một mình ba em bị cô lập giữa biển nước, đêm đó phải gỡ ngói để leo lên nóc nhà ngồi".
Người dân vùng lũ nói về những thứ họ cần nhất hiện nay
Đi làm thêm, ăn mì gói để tiết kiệm cho gia đình
Tứ kể ba mẹ ở nhà làm nông, gần 200 m 2 trồng rau màu, một sào trồng mía coi như mất trắng hết. Nhà có nuôi bầy gà 100 con, rồi heo, vịt cũng bị nước lũ cuốn chết hết không còn gì. Bây giờ Tứ không biết khi lũ qua đi thì gia đình mình phải sống như thế nào. Gia đình vốn đã khó khăn, giờ thiên tai chồng thiên tai, Tứ thương ba mẹ vất vả trăm bề.
Còn với Thảo: "Người dân quê em cứ làm rồi mỗi năm dành dụm mua được một món đồ, năm nay dồn mua được chiếc xe máy, năm sau mua được cái ti vi...; giờ lũ dâng, một đêm là mất trắng hết mồ hôi nước mắt bao nhiêu năm trời. Nhưng biết làm sao được, giờ ở quê, nhà em còn không có gì để ăn, lúa gạo hư hết, đồ đạc cuốn trôi, mấy ngày nay phải chờ đồ cứu hộ rồi ăn cơm chùa mang đến cho. Em cũng không biết chuyện học hành sắp tới sẽ như thế nào...".
Cùng nỗi lo lắng và trăn trở, Dũng mấy ngày này đang cố tìm kiếm việc làm thêm, với mong muốn phụ giúp phần nào để ba mẹ bớt đi gánh nặng học hành cho con.
Còn với Lan, khi người viết hỏi điều mong ước lớn nhất lúc này là gì, nữ SV không giấu được nỗi niềm: "Khi lũ qua đi, mong ước lớn nhất của em là được tiếp tục đến trường. Em phải đi học để ra trường đi làm kiếm tiền lo cho mẹ và 2 đứa em. Em sợ phải dừng bước giữa đường".
Lan cho biết từ khi ba mất, cuộc sống của gia đình thêm khó khăn, vì ba là trụ cột, mẹ lại đau bệnh liên miên. Giờ lũ lụt mất trắng hết thế này, Lan không biết cuộc sống phía trước của gia đình mình sẽ ra sao nữa. "Những ngày này, ở nhà mẹ và hai đứa em ăn mì tôm cứu trợ qua ngày. Còn em trong này cũng ăn mì tôm, rồi cố gắng đi làm thêm cùng lúc 2, 3 việc để tiết kiệm tiền cho gia đình", Lan chia sẻ.
Trường học ngổn ngang trong lũ lịch sử: Nước chưa rút đã dọn dẹp đón học sinh
Thầy cô đồng hành bên trò sau thiên tai Học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra. Nhà trường, cộng đồng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong trợ giúp tâm lý, giúp các em phục hồi hiệu quả nhất. Bảo vệ môi trường sống chính là giải pháp lâu dài cho thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: Thế Đại...