Trường ĐH Vinh bồi dưỡng hơn 600 giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh
Sáng ngày (11/10), Trường ĐH Vinh phổi hợp với Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) tổ chức khai mạc Bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2019. Khóa bồi dưỡng tập trung, trực tiếp với sự tham gia của 614 giáo viên tiểu học cốt cán của 2 địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh.
TS. Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu tại lễ khai mạc bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2019.
Các giáo viên tiểu học cốt cán sẽ được trang bị, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng, phương pháp dạy học cho giáo viên cốt cán đáp ứng chương trình phổ thông mới. Đồng thời sẽ là đội ngũ đi trước có vai trò chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn giáo viên đại trà tại trường học, địa phương sau này.
Chuẩn bị kỹ càng, chu đáo cho lớp bồi dưỡng
Dự khai mạc Bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2019 có PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền – Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP); lãnh đạo 2 Sở GD&ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đông đảo cán bộ giảng viên trường ĐH Vinh tham gia trực tiếp bồi dưỡng và học viên là giáo viên tiểu học cốt cán của 2 tỉnh.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và sách giáo khoa mới theo lộ trình sẽ bắt đầu triển khai vào năm học tới 2020 – 2021. Để chuẩn bị thực hiện có hiệu quả chương trình, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quyết định, quan trọng nhất.
Có 614 giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tham dự lớp bồi dưỡng tại Trường Đại học Vinh.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Cụ thể ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, chuẩn hiệu trưởng, quy trình lựa chọn giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán; Xây dựng và ban hành các chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông…
Trường ĐH Vinh là 1 trong 7 trường sư phạm được Bộ GD&ĐT chọn tham gia Chương trình ETEP và thực hiện tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phông thông cốt cán.
Trong đó, chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên phổ thông được thiết kế mới theo 27 modun. Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh dịp này do Trường ĐH Vinh chủ trì thực hiện sẽ tập huấn, bồi dưỡng mô-đun đầu tiên vê hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước khi tham gia bồi dưỡng tập trung, trực tiếp các giáo viên cốt cán đã được học qua mạng Internet.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết: “Nhà trường cùng với các trường sư phạm chủ chốt cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc biên soạn, phát triển chương trình tài liệu bồi dưỡng; tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt để bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, cho đến phương thức triển khai bồi dưỡng cũng được lựa chọn, cải tiến và chuẩn bị hết sức chu đáo.
“Quá trình bồi dưỡng được triển khai từ giảng viên SP chủ chốt đến GVPT cốt cán đến GVPT đại trà, trong suốt quá trình bồi dưỡng chương trình và tài liệu liên tục được phát triển; việc bồi dưỡng qua mạng được duy trì liên tục không hạn chế về thời gian và không gian. Vì vậy chúng tôi rất tin tưởng vào kết quả và sự thành công của Chương trình bồi dưỡng lần này”, TS. Nguyễn Ngọc Hiền nói.
Chương trình bồi dưỡng được thực hiện song hành với 2 phương thức: Trực tuyến qua mạng và bồi dưỡng tập trung, trực tiếp tại Trường ĐH Vinh trong thời gian 3 ngày từ 10 – 12/10.
Giảng viên ĐH Vinh trực tiếp đứng lớp trao đổi về chương trình phổ thông tổng thể cho giáo viên phổ thông.
Video đang HOT
Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Hiền: Nhà trường đã cử 98 giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông.
Đội ngũ giảng viên sư được lựa chọn để trực tiếp đứng lớp bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán của Nghệ An và Hà Tĩnh lần này là những giảng viên có năng lực chuyên môn tốt, có thực tiễn giáo dục phổ thông, và đã tham gia sâu vào quá trình nghiên cứu, phát triển chương trình, tài liệu và kịch bản bồi dưỡng giáo viên phổ thông.
Ngoài ra Nhà trường cũng đã dành những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT và chuẩn bị chu đáo nơi ăn ở cho các giáo viên cốt cán tham gia chương trình bồi dưỡng.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cũng đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của Nhà trường phối hợp với các khoa, viện lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt để triển khai đợt bồi dưỡng này.
Xây dựng mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục
Trong thời gian 3 ngày bồi dưỡng tập trung, trực tiếp, các giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ được tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; hướng dẫn thực hiện 19 chương trình môn học/hoạt động giáo dục.
Trong đó, các giáo viên sẽ được chia vào từng lớp bồi dưỡng cụ thể theo bộ môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học xã hội, Lịch sử, Địa lý, Tin học và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm Nhạc, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm…
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền – Phó GĐ Chương trình ETEP phát biểu tại lễ khai mạc.
Phát biểu tại khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền – Phó Giám đốc Chương trình ETEP ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị của Trường ĐH Vinh trong việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ giảng viên, sắp xếp lịch giảng dạy cho khóa bồi dưỡng này. Đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với 2 địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh cử giáo viên cốt cán tiểu học tham gia bồi dưỡng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, đối tượng tác động cuối cùng của chương trình ETEP là đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông, nhưng thông qua tăng cường năng lực các trường sư phạm. Một trong những mục tiêu hướng đến cơ bản để lại cho hệ thống GDVN nói chung một mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục tại chỗ.
Thực hiện mô hình này, Chương trình ETEP phối hợp với các trường sư phạm triển khai 2 hệ thống: Hệ thống hỗ trợ giáo viên học qua mạng và hệ thống quản lý giáo viên qua mạng. Đó là lý do mà các giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng này đã được cấp tài khoản và học các bài học đã được cấp phép qua mạng, trao đổi với nhau trước đó.
Các giáo viên cốt cán có 3 nhiệm vụ khi tham gia bồi dưỡng gồm nâng cao năng lực bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp, nhà trường và tham gia bồi dưỡng giáo viên đại trà.
Tham gia bồi dưỡng tập trung, trực tiếp, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền cũng nhấn mạnh với các thầy cô tiểu học cốt cán 3 nhiệm vụ:
“Thứ nhất, tự nâng cao năng lực của mình về nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học. Thứ hai, trên nền tảng đó sẽ hỗ trợ đồng nghiệp của mình tại trường, tại địa phương qua mạng Internet. Thứ ba, trong tình huống địa phương, tổ chức bồi dưỡng trực tiếp đại trà, có mặt để hỗ trợ trực tiếp, trao đổi trên cơ sở là người đi trước được bồi dưỡng, tập huấn. Vì vậy, tôi mong các thầy cô tập trung học tập với trách nhiệm bản thân và danh dự nghề nghiệp”.
Đại diện Ban quản lý Chương trình ETEP cũng đề nghị các Sở GD&ĐT phát huy chức năng đội ngũ cốt cán để tạo thành cộng đồng học tập, hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương bên cạnh việc hệ thống học tập, sử dụng đội ngũ cốt cát tốt nhất trong bồi dưỡng đại trà.
Kỳ vọng, mong muốn từ cơ sở giáo dục địa phương
Thay mặt cho lãnh đạo Sở GD&ĐT của 2 địa phương, GS.TS. Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực, tâm huyết trách nhiệm, sự nhiệt tình của đội ngũ giảng viên cốt cán Trường ĐH Vinh tham gia bồi dưỡng.
Ông Thái Văn Thành – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định vai trò quan trọng của lớp bồi dưỡng.
Riêng ngành giáo dục Nghệ An đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2019 – 2024. Trong đó, năm 2019 sẽ tập trung cho bậc Tiểu học. Sở đã bồi dưỡng cho tất cả các hiệu trưởng và cán bộ Phòng GD&ĐT phụ trách quản lý tiểu học. Và hiện nay đang phối hợp với Trường ĐH Vinh bồi dưỡng cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 1.
Theo GS.TS. Thái Văn Thành, quan điểm xây dựng chương trình phổ thông mới là đi theo hướng tiếp cận phát triển năng lực người học, hoàn toàn khác so với truyền thống trước kia theo hướng tiếp cận mục tiêu nội dung bài học.
Vì thế, cách thức thiết kế, tổ chức dạy học theo đáp ứng chuẩn đầu ra chứ không đáp ứng sách giáo khoa nữa.
Thực tế giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ khi phát triển chương trình địa phương, chương trình nhà trường và chương trình môn học. Vì vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT mong muốn các giảng viên, chuyên gia Trường ĐH Vinh trong quá trình bồi dưỡng truyền lửa, truyền cảm hứng đổi mới cho giáo viên phổ thông.
Nội dung bồi dưỡng cụ thể hóa việc soạn, giảng, thiết kế bài học trên lớp để các thầy cô áp dụng vào dạy học thực tế tại địa phương.
Ngoài những buổi học tập trung, giáo viên sẽ chia ra các lớp để được bồi dưỡng theo bộ môn phụ trách.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng chia sẻ: “Hiện chúng tôi lo lắng nhất là công tác đánh giá. Làm sao các thầy cô đánh giá đúng, thực chất năng lực người học ở cả quá trình, đó là điều mà cả xã hội mong muốn.
Vì thế, tôi mong muốn Phó Giám đốc Chương trình ETEP Nguyễn Văn Hiền tham mưu Bộ GD&ĐT nhanh chóng sửa đổi điều lệ nhà tưởng theo luật giáo dục, theo các thông tư, đặc biệt là thông tư đánh giá năng lực và thông tư hướng dẫn địa phương đánh giá năng lực năng lực người học.
Không thể thực hiện chương trình mới nếu vẫn giữ nguyên cách đánh giá truyền thống. Thực hiện chương trình mới khởi nguồn là đánh giá, đây là yếu tố vừa định hướng vừa tạo động lực dạy học cho hoạt động dạy học của giáo viên phổ thông”.
Hồ Lài
Theo GDTĐ
Nghệ An tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên
Năm học 2019 - 2020 là năm học nhiều thách thức đối với ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, đặc biệt là trong việc giải bài toán thiếu giáo viên ở các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở.
Ảnh minh họa
Giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều vai
Vừa làm giáo viên dạy các môn văn hóa, cô giáo Trần Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, còn phải kiêm nhiệm dạy các môn học khác như Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục. Hiện số tiết cô dạy đã vượt khung rất nhiều, nhưng nhà trường vẫn chưa biết sắp xếp thế nào khi không đủ giáo viên giảng dạy.
Cô giáo Trần Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Thông cho biết, do trường thiếu ba giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục, nên phải động viên giáo viên dạy tăng tiết để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, trường còn phải thêm giáo viên dạy môn Tin học để đúng với tiêu chí trường chuẩn.
Cũng ở huyện Hưng Nguyên, tại nhiều trường Trung học cơ sở, tình trạng giáo viên dạy chéo môn khá phổ biến khi bậc Trung học cơ sở thừa 23 giáo viên, nhưng lại thiếu cục bộ các môn năng khiếu.
Ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai, cô giáo Phan Thị Kim Hoàn vốn là giáo viên Tiếng Anh đã có kinh nghiệm gần 20 năm, hiện còn đảm nhiệm thêm vai trò của giáo viên môn Mỹ thuật. "Dù đã dạy Mỹ thuật được 3 năm và đã được đi bồi dưỡng chuyên môn, nhưng tôi vẫn gặp những khó khăn vì Mỹ thuật là môn đặc thù. Thế nên, có những bài cần dạy sâu, tôi không thể truyền tải hết được. Một số tiết tôi không biết "vẽ" như thế nào", cô giáo Phan Thị Kim Hoàn bày tỏ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai cho biết thêm: Trường đang thiếu giáo viên hai môn Mỹ thuật và Công nghệ. Các môn học còn lại, nhà trường đang bố trí bằng hình thức "song môn". Chẳng hạn, giáo viên học hệ Cao đẳng môn Toán - Lý sẽ dạy kiêm Toán, Lý; giáo viên Toán - Tin dạy môn Toán và Tin; giáo viên môn Văn dạy môn Giáo dục công dân.
Tại huyện Hưng Nguyên, dù mới được tuyển dụng hơn 30 giáo viên nhưng huyện vẫn còn thiếu 50 giáo viên ở hai bậc Mầm non và Tiểu học. Riêng giáo viên Tiếng Anh vì không bố trí đủ nên thay vì dạy chương trình 10 năm (1 tuần/4 tiết cho các khối từ lớp 3 trở lên), nay nhiều trường tiểu học đang lựa chọn chương trình tự chọn.
Tình trạng thiếu giáo viên cũng đang diễn ra khá trầm trọng ở các huyện miền núi, trong khi đó, theo quy định các huyện này phải được ưu tiên bố trí đủ giáo viên.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở và Tiểu học Tà Cạ, năm học này trường có 242 học sinh tiểu học, được bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, trường không có giáo viên tiểu học dạy Tiếng Anh, Tin học. Hiện trường cũng không có kinh phí, không được thu tiền dạy học 2 buổi/ngày nên việc hợp đồng giáo viên như các địa phương khác là không khả thi.
Thầy giáo Lê Văn Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở và Tiểu học Tà Cạ cho hay, theo quy định, từ lớp 3 trở lên, học sinh phải được học chương trình Tiếng Anh. Nhưng ở các huyện miền núi không biết đến bao giờ mới triển khai được, vì không những không có giáo viên mà còn không tuyển được giáo viên.
Theo ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, trong số 29 trường tiểu học chỉ có 7 giáo viên tiếng Anh ưu tiên bố trí cho trường chuẩn quốc gia và 2 giáo viên Tin học. Điều đáng nói là nhiều năm qua, huyện được cho định biên nhưng vẫn không tìm được giáo viên để dạy hai môn này.
Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Thầy Hà Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, cho hay nhiều năm qua nhà trường đã đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo xin giáo viên tiếng Anh nhưng cả huyện đều đang thiếu. Riêng môn Tin học càng khó khăn do điều kiện về cơ sở vật chất ở vùng lòng hồ Bản Vẽ đang thiếu thốn, chưa đảm bảo.
Điều hòa giáo viên giữa các bậc học và trong vùng
Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đến năm 2019, tỉnh thiếu gần 4.200 giáo viên, trong đó thiếu hơn 2.400 giáo viên tiểu học và 1.700 giáo viên mầm non. Ở bậc Mầm non, theo quy định của ngành, phải bố trí đủ giáo viên cho các nhóm nhà trẻ và mẫu giáo, song tỷ lệ này hiện ở Nghệ An không đáp ứng đủ.
Cụ thể, với bậc học Mầm non, các địa phương chỉ mới ưu tiên đủ 2 giáo viên/lớp cho trẻ 5 tuổi để thực hiện đúng chương trình phổ cập; còn trẻ 3 - 4 tuổi bố trí được 1,6 giáo viên/lớp trong khi quy định là 2 giáo viên/lớp; nhóm nhà trẻ mới đáp ứng được 2 giáo viên/lớp trong khi quy định là 2,6 giáo viên/lớp. Bậc Tiểu học, tỷ lệ này mới đạt trung bình 1,2 giáo viên/lớp, trong khi để dạy học 2 buổi/ngày cần 1,5 giáo viên/lớp.
Trước thực trạng trên, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện giải pháp điều hòa giáo viên giữa các bậc học, trong vùng; đồng thời dự báo về quy mô học sinh, mạng lưới trường lớp trong tương lai để có sự cân bằng.
Ông Lê Trung Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn cho biết, huyện Nam Đàn đang thiếu gần 150 giáo viên tiểu học và mầm non. Đối với cấp Tiểu học, trong những năm qua, huyện đã thực hiện điều hòa nội bộ bằng cách chuyển giáo viên từ Trung học cơ sở xuống Tiểu học, tổ chức dạy liên trường đối với môn năng khiếu, Tiếng Anh và Tin học. Ngoài ra, huyện vận động một số giáo viên đăng ký học thêm văn bằng hai để dạy thêm môn. Năm học này, Nam Đàn được giao thêm hơn 30 chỉ tiêu ở bậc Tiểu học nên ngành Giáo dục huyện đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng.
Riêng bậc Mầm non đang khó khăn, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi là 100%, trẻ 3 - 4 tuổi là 93%, nhưng trẻ 2 tuổi mới chỉ huy động được khoảng 25% do phải ưu tiên giáo viên cho nhóm lớp lớn. Huyện cũng tích cực vận động xã hội hóa, phát triển các nhóm lớp tư thục, nhưng chỉ hiệu quả đối với thị trấn Nam Đàn.
Ngoài số lượng giáo viên thiếu, Nghệ An cũng đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các môn như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Tình trạng này không chỉ có ở những địa phương vùng miền núi khó khăn, mà ngay cả ở các huyện đồng bằng.
Huyện Thanh Chương đang thiếu 30 giáo viên Tiếng Anh, khiến cho việc tổ chức dạy Tiếng Anh theo chương trình 10 năm gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 3 trường tiểu học hoàn toàn không có giáo viên Tiếng Anh khiến học sinh không được học, hoặc phải đưa giáo viên từ Trung học cơ sở xuống dạy kiêm nhiệm. Huyện Thanh Chương cũng đang xây dựng phương án hợp đồng giáo viên thỉnh giảng để tổ chức dạy học cho học sinh.
Đề cập đến vấn đề này, ông Thai Văn Thanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Đầu năm học, Sở đã bao cao Bô Giáo dục và Đào tạo đê tham mưu Chính phủ cho Nghệ An thêm định biên giáo viên, nhưng chưa đươc duyêt. Mặt khác, theo thống kê và dự báo quy mô học sinh, hiện nay lứa tuổi học Tiểu học của Nghệ An là đông nhất cả nước.
Nhưng sau 2 - 3 năm nữa, số học sinh này sẽ lên Trung học cơ sở, còn số học sinh mầm non lên tiểu học ổn định không tăng đột biến. Đến thời điểm đó, tinh trang thưa thiếu giao viên ơ các bậc học này không xay ra ma trơ lai trang thai cân băng. Những năm gần đây, nhiều địa phương thực hiện biệt phái giáo viên từ Trung học cơ sở xuống dạy ở bậc Tiểu học trong thời gian 2 - 3 năm. Sau khi hết hạn biệt phái, các giáo viên này được quay về trường cũ dạy học, hoặc nếu có nhu cầu tiếp tục dạy ở bậc Tiểu học cũng sẽ được giải quyết.
Thực tế thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tiến hành sáp nhập các điểm trường, sáp nhập trường hoặc buộc các trường phải tăng sĩ số ở lớp, để bố trí đủ giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, qua thực hiện cũng cho thấy nhiều bất cập bởi việc sáp nhập không thể thực hiện một cách máy móc mà phải phù hợp với từng địa phương và cần có lộ trình cụ thể.
Bích Huệ
Theo TTXVN
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: Chủ động tự bồi dưỡng Chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên ở các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh tham gia các lớp bồi dưỡng, đội ngũ nhà giáo cũng chủ động trong việc tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để tiệm cận với chương trình....