Trường ĐH Mở TP.HCM: Đổi mới cơ chế, tăng lợi ích người học
Trường ĐH Mở TP.HCM vừa được Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 – 2017, trở thành trường ĐH thứ 7 trong cả nước được giao cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24.10.2014 của Chính phủ.
Trường ĐH Mở TP.HCM – Ảnh: Sơn Hồ
Các thách thức của quá trình phát triển
Video đang HOT
Thành lập từ năm 1990, trường được biết đến dưới tên ĐH Mở bán công TP.HCM. Năm 2006, trường trở thành cơ sở đào tạo công lập với tên gọi Trường ĐH Mở TP.HCM. Trong cả hai giai đoạn, trường tự chủ hầu như hoàn toàn về chi phí hoạt động và đầu tư cơ sở vật chất.
Trong bối cảnh đó, trường đã từng bước phát triển đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo. Cuối năm 2014, trường đã có hơn 400 giảng viên, trong đó hơn 100 tiến sĩ, với 17 chương trình đào tạo bậc ĐH, 5 chương trình bậc cao học và bắt đầu đào tạo tiến sĩ từ năm 2013.
Trong cơ chế hiện nay, cũng giống như nhiều trường công lập tự chủ tài chính khác, mức học phí thấp, các ràng buộc về cơ chế khiến trường phải đối diện với nhiều khó khăn về tài chính cũng như việc phải tuân thủ những quy định không còn phù hợp. Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014 – 2017 mở ra cho trường một cơ hội lớn để vượt qua thách thức và phát triển.
Cơ chế hoạt động mới
Mục tiêu của đề án là tạo ra cơ chế để trường chủ động khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động, cung cấp các hình thức đào tạo đa dạng phục vụ xã hội học tập; phấn đấu phát triển thành trường ĐH định hướng ứng dụng, hiện đại có chất lượng trong khu vực.
Trường được quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trường cũng được quyết định về hoạt động đào tạo bảo đảm chuẩn đầu ra mà trường đã cam kết, đồng thời thực hiện kiểm định chất lượng để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Về tài chính, trường cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và kinh phí đầu tư. Mức học phí bình quân tối đa của ĐH chính quy được áp dụng lần lượt là 11 triệu, 13 triệu và 15 triệu đồng trong 3 năm học 2014 – 2015, 2015 – 2016 và 2016 – 2017. Đối với sinh viên đang theo học, mức tăng học phí không được vượt quá 30% so với năm liền kề.
Gia tăng lợi ích của người học
Trong năm học mới 2015 -2016, sinh viên được học tại các phòng học khang trang với trang – thiết bị hiện đại. Các môn học chuyên ngành được bố trí quy mô lớp hợp lý để áp dụng các phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Từ 3 năm qua, trường đã và đang tiếp tục tăng cường đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ hoặc học tập ở các nước phát triển để nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng hội nhập quốc tế.
Trường đưa vào triển khai Chương trình kết nối thực tiễn và Chương trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh đào tạo theo hướng ứng dụng, thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và gắn kết với doanh nghiệp. Sinh viên không chỉ được nghe báo cáo kinh nghiệm thực tế trong các môn học chuyên ngành mà còn được trải nghiệm thực tế qua việc tham quan, kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp và tư vấn về việc làm.
Từ nguồn học phí tăng lên và lãi tiền gửi ngân hàng, trường xây dựng chính sách học bổng với 2.000 suất mỗi năm cho sinh viên học giỏi và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực học tập.
Trường bắt đầu áp dụng mức học phí mới vào năm học 2015 – 2016. Để giảm bớt phần nào áp lực tăng học phí đối với sinh viên, trường tính toán mức học phí thấp hơn khung quy định theo đề án và chia ra nhiều mức tùy theo ngành học. Đối với sinh viên hiện tại, mức học phí tăng bình quân 17,5% so với năm trước. Mức học phí đối với sinh viên mới cao hơn năm trước từ 1,3 đến 2,3 lần tùy theo ngành; trong đó các ngành xã hội học, công tác xã hội, Đông Nam Á học và kinh tế học áp dụng mức học phí thấp hơn mang tính hỗ trợ bằng 65% mức bình quân.
Theo TNO