‘Trường dạy kiểu gì mà 42/43 em một lớp có giấy khen học sinh giỏi’
Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng, hoài nghi thành tích của con em mình, vì năng lực thực tế của các bé mâu thuẫn với điểm số và kết quả trên những tờ giấy khen.
“Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá. Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài”.
Đó là tâm sự của anh Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) sau khi họp phụ huynh cuối năm cho cháu. Người này thấy ngỡ ngàng với chính thành tích của cháu mình. Anh không tin một đứa trẻ 12 tuổi “đang có nhiều vấn đề” lại được đánh giá là học sinh giỏi.
Lớp của cháu anh Hùng có 43 học sinh nhưng có đến 42 em đạt loại giỏi. Ảnh: NVCC.
Bi kịch của đứa trẻ 12 tuổi
Chia sẻ với Zing.vn, anh Hùng cho biết vì anh trai bị bệnh, chị dâu phải theo chăm sóc, cháu trai ở với anh vài tháng nay. Anh thay bố mẹ bé đi họp phụ huynh cuối năm.
Kết quả, cháu anh có tên trong số 42 học sinh giỏi của lớp. Thế nhưng, không những không vui, người đàn ông này còn “có gì lấn cấn” giữa kết quả học tập và thực tế những gì cháu mình biểu hiện khi ở nhà.
“Tôi chưa thấy đứa trẻ nào thất bại như cháu mình, 12 tuổi nhưng không biết yêu thương, không biết tôn trọng người khác, không tự chịu trách nhiệm với bản thân, không thể chủ động sinh hoạt. Chưa bao giờ thấy cháu nói được một câu rõ nghĩa và chuẩn mực”, anh Hùng nhận xét.
Trong vài tháng chăm sóc, quan sát, người chú nhận ra cháu mình bị nghiện tivi, game, do trước đây cha mẹ ít quan tâm, để con chơi điện thoại, máy tính. 12 tuổi, bé đã cận 7 đi-ốp. Thêm vào đó, khả năng ngôn ngữ của nam sinh không được như các bạn đồng trang lứa. Cháu hay cáu gắt và khóc nếu người khác không đáp ứng yêu cầu của mình. Quan trọng hơn, cậu bé học lớp 6 nhưng không biết yêu thương người khác.
“Cháu học chính buổi chiều, buổi sáng phụ đạo ở trường. Học cả ngày trên trường, tối về nhà, tôi không thấy nó đụng vào sách vở bao giờ. Một đứa trẻ như vậy nhưng vẫn được xếp loại giỏi, hạnh kiểm tốt, khiến tôi thực sự hoài nghi cách đánh giá của thầy cô”, anh Hùng nói.
Người đàn ông này cho hay lớp 6 của một trường THCS bình thường mà đạt 98% học sinh giỏi, trong đó có cháu mình, khiến phụ huynh không thể không đặt câu hỏi: Các bé quá xuất sắc hay giáo dục nặng thành tích?
Tuy nhiên, anh Hùng không đổ hết lỗi cho thầy cô, mà thừa nhận rằng cháu mình như vậy lỗi trước hết ở cha mẹ, gia đình. Dù vậy, anh vẫn không đồng tình với cách đánh giá của nhà trường.
Video đang HOT
Tình trạng “ai cũng được giấy khen” diễn ra ở nhiều trường học.
Trường hợp của cháu anh Hùng không phải đơn lẻ, khi tình trạng “ai cũng được giấy khen” cứ “đến hẹn lại lên”, nở rộ vào cuối năm học. Người người, nhà nhà khoe giấy khen “học lực giỏi, hạnh kiểm tốt” của con lên mạng xã hội. Những con số đẹp cũng được thầy cô công bố trong buổi họp phụ huynh cuối năm, gần như 100% học sinh của lớp đạt loại giỏi.
“Đa số giáo viên vẫn chạy theo thành tích ảo, không dám cho học sinh học lực trung bình, chứ đừng nói yếu. Với tờ giấy khen hình thức, sau này, các em vào đời cùng hành trang không kỹ năng sống, không kỹ năng giao tiếp, không kỹ năng suy nghĩ, hành động theo cảm tính, lười tư duy, lao động”, tài khoản Lê Đình Quế viết.
Theo anh Hồng Công Xứng, cháu anh học lớp 9, vì không đạt loại khá, giỏi nên được nhà trường “động viên” không nên thi vào lớp 10, kẻo ảnh hưởng thành tích chung của trường.
Bảng điểm nhiều 8, 9 và xếp học lực toàn giỏi của một trường THCS tại Đồng Nai. Ảnh: NVCC.
Một trường hợp khác là lớp của cháu chị Nguyễn Thị Huyền, giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Lớp 43 học sinh, 42 em là học sinh giỏi, một bạn loại khá.
Vấn đề còn nằm ở chỗ bảng điểm nhà trường gửi đến phụ huynh gồm cả việc xếp hạng, đánh dấu thứ tự của từng bạn theo điểm số.
“Mình tưởng chuyện xếp hạng đã được đưa vào viện bảo tàng. Thông tư 58 về hướng dẫn đánh giá học sinh trung học cũng không có mục xếp hạng, vậy mà các trường vẫn dùng.
Bảng điểm, thứ hạng công khai. Một học sinh có điểm trung bình trên 7 (điểm số tương ứng năng lực) cũng rất đáng để tự hào. Nhưng khi bị công khai xếp hạng thứ 43/43, dù điểm cao, học sinh và gia đình có chạnh lòng không?”, cô Huyền đặt câu hỏi.
Nữ giáo viên đề xuất các trường không công khai điểm số, không đánh giá thứ hạng, điểm của ai, người ấy biết. Công khai điểm số, đánh giá, xếp hạng chỉ gieo vào đầu học sinh và phụ huynh suy nghĩ so bì, hơn thua, từ đó dẫn đến áp lực thành tích.
Theo Zing
'Giáo viên đi thi chưa hẳn dạy giỏi mà diễn giỏi'
Cô Hồng Lê (TP.HCM) kể giáo viên thi dạy giỏi dặn học sinh bạn nào biết thì giơ tay phải, ai không biết giơ tay trái. Cô giáo sẽ gọi bạn biết và cả lớp phải giơ tay.
Câu chuyện nhà trường chỉ chọn học sinh giỏi đến lớp, em nào yếu kém phải ở nhà để cô giáo thi dạy giỏi ở Hải Phòng một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về bệnh thành tích trong giáo dục. Theo một số giáo viên, tình trạng thi... diễn này đã tồn tại nhiều năm.
"Bạn nào biết giơ tay phải, không biết giơ tay trái"
Cô Hồng Lê (TP.HCM) có kinh nghiệm đứng lớp hơn 10 năm, nhưng chưa từng tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Dù vậy, nữ giáo viên nói từng chứng kiến không ít câu chuyện "diễn" xung quanh kỳ thi này.
Năm trước, học sinh lớp cô Lê chủ nhiệm được chọn tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Đồng nghiệp đến xin tiết để làm quen học sinh, chuẩn bị cho giờ thi. Cô Lê tò mò xem họ chuẩn bị những gì thì thấy nữ giáo viên thi dạy giỏi dặn học sinh: "Bạn nào biết giơ tay phải. Bạn nào không biết giơ tay trái. Cô giáo sẽ gọi bạn biết và cả lớp phải giơ tay".
Câu chuyện giáo viên thi dạy giỏi là diễn tồn tại nhiều năm nay. Ảnh minh họa: Quang Đức.
Cô Thùy Dung (Hải Dương) kể nữ giáo viên từng thi dạy giỏi cách đây 15 năm, khi đó còn đơn giản. Giáo viên không phải bỏ lớp nhiều để tập luyện. Còn hiện nay, giáo viên tập trung luyện dạy, thi sáng kiến, bài viết, đa số phải bỏ học sinh của mình, nhờ thầy cô khác dạy thay.
Tình trạng chọn học sinh khá, giỏi đi thi, những em yếu kém phải ở nhà đã tồn tại nhiều năm. Thông thường, mỗi lớp sẽ chọn khoảng 20 em. Tuy nhiên, việc dặn học sinh để... diễn sẽ khó khăn hơn nếu tổ chức thi thành cụm.
Giáo viên đi thi sẽ được bốc thăm bài trước 3 ngày. Lúc này, cả trường tập trung thiết kế bài thi cho cô giáo. Cô học thuộc rồi... diễn lại nhiều lần, sau mỗi lần lại có góp ý, chỉnh sửa.
Cô Thùy Dung cũng cho hay giáo viên được chọn đi thi chưa hẳn dạy giỏi, mà... diễn giỏi. Tất nhiên, không thể phủ nhận có những thầy cô có năng lực thực sự, giỏi thực chất, xứng đáng được giải thưởng.
Đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận, cô Phạm Mai (Hà Nội) kể khi thao giảng, cô từng từ chối diễn nên bị cấp trên và đồng nghiệp chỉ trích vì cho rằng... mạo hiểm. Cô Mai đánh giá quan trọng nhất của một bài giảng là sự lan tỏa, ảnh hưởng như thế nào đến học sinh. Thầy cô chỉ diễn thì khó làm được việc này.
Theo cô Mai, việc thực tập trước học sinh để tránh bỡ ngỡ cũng là điều nên làm trước kỳ thi nhưng giáo viên không nên lạm dụng. Bài học sẽ bị bó buộc trong khuôn khổ chuẩn bị sẵn, không có sự sáng tạo, cảm xúc.
" Lộ bài" trước ban giám khảo
Từng nhiều năm làm ban giám khảo chấm các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay phần lớn bài thi đều là diễn, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít mà thôi. Trong đó, bà Hương gặp không ít trường hợp hài hước.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - nói giáo viên thi dạy giỏi đều biết rõ đề bài và có sự chuẩn bị trước. Ảnh: NVCC.
"Tôi tham gia chấm thi giáo viên dạy học sinh lớp 1, trẻ phần lớn đều chư đọc thông, viết thạo. Khi cô giáo chưa kịp đọc câu hỏi của trò chơi học tập là giải câu đố, học sinh đã đứng lên đọc đáp án", bà Hương kể lại.
Trường hợp khác, cô giáo vừa bật hình từ máy chiếu, học sinh đã đọc vanh vách kiến thức.
Có em đang trong tiết học đứng lên nói: "Cô ơi, bài này hôm qua chúng ta vừa học rồi mà nay lại học lại" hay "Sao cô chỉ gọi tên vài bạn mà không gọi con".
Nhiều năm trước, sau khi kết thúc bài giảng, ban giám khảo đứng lên ra về thường thấy cảnh học sinh bên ngoài ùn ùn kéo nhau về lớp, học sinh bên trong đi sang lớp khác. Nhà trường thường chỉ chọn những em khá, giỏi tham gia.
Việc diễn ở bậc tiểu học thường bị "lộ bài" bởi chính những học sinh hồn nhiên, ngây thơ như vậy. Lên cấp hai, ba, tình trạng chọn học sinh để cô giáo đi thi dạy giỏi vẫn có nhưng ít hơn.
Cũng theo TS Vũ Thu Hương, giáo viên thi dạy giỏi đều biết rõ đề bài và có sự chuẩn bị trước. Ví dụ, cấp tiểu học sẽ có lịch tuần của cả nước học tập giống nhau (từ một đến 35). Khi có lịch của cán bộ đi chấm thi, thầy cô sẽ biết phải chuẩn bị bài gì.
Từng có thời điểm một tuần bà Hương đi chấm 5 đến 7 trường và trường nào cũng dạy duy nhất một bài. Điều này khiến ban giám khảo cũng... chán nản.
Trước câu hỏi vì sao biết thi giáo viên dạy giỏi là diễn nhưng thầy cô vẫn tham gia nhiều, nữ tiến sĩ lý giải thành tích ảnh hưởng trực tiếp việc xếp hạng, quyền lợi cá nhân và nhà trường.
Theo quy định biên chế, giáo viên đạt chiến sĩ thi liên tiếp sẽ được tăng lương trước hạn. Các tiêu chí để đạt chiến sĩ thi đua, ngoài số học sinh giỏi trong lớp, bằng tin học, tiếng Anh, sẽ còn một phần rất quan trọng là thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm.
Cô giáo Hồng Lê cho hay giáo viên thi dạy giỏi xin chuyển về thành phố dễ dàng hơn. Khi cấp trên chọn dự nguồn hiệu phó, hiệu trưởng cũng sẽ được lưu tâm hàng đầu.
Trước đó, báo chí đăng tải thông tin trong ba ngày 9-11/1, trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Chu Văn An (Ngô Quyền, Hải Phòng) diễn ra Hội thi giáo viên giỏi thành phố bậc tiểu học do sởGD&ĐT tổ chức.
Theo yêu cầu của nhà trường, chỉ học sinh chăm ngoan, học giỏi mới được tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi, học sinh lực học yếu hơn được cho nghỉ.
Tối 12/1, nguồn tin từ Bộ GD&ĐT cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo lập tổ công tác kiểm tra sự việc này.
Theo Zing
Giáo viên lên tiếng: "Cơn mưa" học sinh giỏi vì đâu? Đến khi nào phụ huynh thôi "cuồng" con qua điểm số, giáo viên thôi tạo "cơn mưa" học sinh giỏi thì khi đó giáo dục mới thực sự trở về đúng nghĩa với vai trò của giáo dục. Ảnh minh họa Hai bài viết Phụ huynh băn khoăn về cơn mưa học sinh giỏi và Phụ huynh "cuồng" con qua điểm số đã...