Trường đại học ở Nga tuyển sinh thế nào?
Thời điểm này tại Nga, học sinh trung học đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp quốc gia quan trọng nhất trong năm. Kết quả kỳ thi này cũng là căn cứ đề các trường đại học xét tuyển.
Học sinh trên toàn nước Nga sẽ làm cùng một đề thi, vào cùng một thời điểm. Điểm thi của thí sinh vừa để xét tốt nghiệp trung học, vừa là điểm tuyển sinh vào đại học.
Kỳ thi tốt nghiệp quốc gia
Bạn Nguyễn Văn Hải (cựu học sinh trường Trung học số 27, hiện là sinh viên Đại học Tài chính Moscow), cho biết, tháng 6 hàng năm, học sinh trung học tại Nga sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp quốc gia ().
Theo quy định của Bộ Giáo dục nước này, các môn thi gồm tiếng Nga, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Văn học, Lịch sử, Xã hội học, Khoa học máy tính. Trong đó, tiếng Nga và Toán là hai môn bắt buộc. Thí sinh có thể lựa chọn các môn còn lại tùy thuộc yêu cầu của trường đại học hoặc ngành mà học sinh muốn ứng tuyển. Khoảng tháng 3 hàng năm, các khoa của trường đại học bắt đầu mở hội thảo hoặc triển lãm để thu hút học sinh đăng ký.
Hình thức thi là trắc nghiệm trên giấy. Riêng phần “Nói” của môn Ngoại ngữ thi vấn đáp, sẽ được ghi âm để lưu trữ và chấm công khai trước cả hội đồng. Điểm của kỳ thi được chấm thang 100. Học sinh có giải thưởng quốc gia sẽ được cộng điểm ưu tiên.
Điểm thi này có hiệu lực tới ngày 31/12 của năm sau. Nghĩa là, nếu bạn thi vào tháng 6/2016, thì điểm thi có hiệu lực tới ngày 31/12/2017.
Học sinh trung hoc tại Nga trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Ảnh: Sides.su.
Sau kỳ thi, mỗi học sinh sẽ được nộp hồ sơ vào 5 trường đại học. Các trường công bố điểm chuẩn (mỗi trường một mức khác nhau). Ví dụ như Đại học quốc gia Moscow năm 2015, điểm chuẩn cho 3 môn là 250, trong khi để bước chân được vào Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Nga, thí sinh phải đạt 265 điểm trở lên.
Ghi danh được vào trường, sinh viên sẽ lựa chọn ngành, khoa để theo học. Hầu hết các trường đại học tại Nga đào tạo 3 ngành: Kinh tế, Xã hội, Tự nhiên.
Theo Cục thống kê Quốc gia Nga, năm 2015, số học sinh tốt nghiệp trung học tại nước này đạt 76%, trong đó có 45% đỗ vào các trường đại học.
Các trường khai giảng vào ngày 1/9. Nếu trượt kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, học sinh có thể thi lại vào năm sau, hoặc học cao đẳng, hay các trường dạy nghề. Trong trường hợp thi trượt 1 môn, thí sinh đó có thể thi lại ngay trong năm đó, các trường đại học tiếp tục tuyển sinh bổ sung.
Văn Hải đánh giá, đề thi tốt nghiệp khá dễ và đơn giản. Đề bài môn tiếng Nga và Toán chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản.
“Hầu như học sinh, sau khi thi tốt nghiệp, đều đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, hoặc học nghề, tùy vào nhu cầu và sức học của mỗi người. Các trường sẽ có những học bổng trao cho học sinh có điểm tốt nghiệp cao”, nam sinh này cho biết thêm.
Video đang HOT
Học sinh trung học tại Nga trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Văn Hải.
Thắt chặt đầu ra
Tuyển sinh vào đại học ở Nga không quá căng thẳng, nhưng để tốt nghiệp đại học không phải chuyện đơn giản. Đinh Xuân Trường, sinh viên ngành Quản lý Truyền thông, thành phố Irkutsk, kể, sinh viên phải đảm bảo được điểm số trong suốt 4 năm học, đi học chuyên cần, đủ điểm cho các bài luận, bài tập lớn, bài thực hành…Số lượng môn học nhiều, nặng lý thuyết, kỳ thi vấn đáp “khó nhằn”…
Đến năm thứ ba và thứ tư, sinh viên bắt đầu bước vào các môn chuyên ngành, với sự yêu cầu tập trung rất cao. Giảng viên tại Nga chỉ đóng vai trò hướng dẫn và truyền đạt kiến thức.
Một học kỳ, tùy ngành học, số bài luận sinh viên cần làm có thể đến hàng chục. Các thầy cô liên tục giao những bài thực hành, tiểu luận, bài tập lớn nhỏ. Sinh viên phải hoàn thành tất cả yêu cầu đó mới được thi cuối kỳ.
Các môn học tại Nga chia thành môn Điều kiện và môn Thi. Sinh viên chỉ được tham dự các môn Thi khi vượt qua tất cả các môn Điều kiện. Kỳ thi tại Nga tổ chức dưới hình thức vấn đáp, với số câu hỏi mỗi kỳ thi lên tới 150-200 câu hỏi/môn.
Sinh viên đến phòng thi, chọn đề thi và chỉ được chuẩn bị trong vòng 2-3 phút. Đề thi có 3 câu, trong đó 2 câu kiểm tra lý thuyết, và 1 câu thực hành hoặc test sự hiểu biết của sinh viên.
Điểm đại học tại Nga chấm theo thang điểm 5. Để đạt được điểm số này, giảng viên yêu cầu ở sinh viên sự chuyên cần, bài tập đầy đủ, sôi nổi trong giờ học, trả lời được toàn bộ các câu hỏi trong đề thi.
Với yêu cầu 75% điểm 5 trong các năm học để được bằng đỏ, số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở một lớp chỉ đếm được trên một bàn tay.
Theo lời Minh Trang (21 tuổi, sinh viên Đại học quốc gia Novosibirsk), số sinh viên không đủ điều kiện thi, điểm kém, nợ thi, học lại, không đạt đủ điểm chuyên cần, phải bỏ dở giữa chừng rất nhiều.
“Lớp mình năm nhất có 35 bạn, đến khi thi tốt nghiệp chỉ còn 14 người. Số còn lại đều không trụ được với lịch học nặng hoặc phải bỏ cuộc ở các kỳ thi”, Minh Trang chia sẻ.
Sinh viên Việt được thấy cô Nga đánh giá cao. Ảnh: Bùi Ngọc.
Theo một số du học sinh Việt Nam, mặc dù học đại học ở Nga khá vất vả, nhưng sinh viên Việt Nam rất tích cực và được đánh giá cao.
Xuân Trường cho biết, tỷ lệ sinh viên Việt tốt nghiệp bằng giỏi hàng năm xấp xỉ 90%, các giải Olympic toàn bang, toàn nước Nga đều có tên của sinh viên Việt. Số sinh viên tốt nghiệp với điểm trung bình 5.0 không hiếm.
Mở rộng đầu vào với sinh viên nước ngoài
Phạm An Trung, sinh viên Đại học Kinh tế và Luật Baikal, cho hay, với riêng sinh viên nước ngoài, các trường đại học tại Nga có chính sách hỗ trợ và mở rộng đầu vào. Các học sinh có bằng tốt nghiệp và học bạ trung học phổ đều trúng tuyển vào trường.
Họ sẽ có 1 năm học tại khoa dự bị của trường, chia thành các ngành xã hội, tự nhiên, kinh tế, và được trang bị vốn tiếng Nga và kiến thức cơ bản cho chuyên ngành học ở đại học.
Cuối kỳ học, sinh viên trải qua kỳ thi đánh giá để được nhận “Giấy chứng nhận hoàn thành khóa dự bị”. “Du học sinh Việt học ở Nga thường hơn bạn cùng lớp từ 2-3 tuổi, vì ở Nga chỉ học 11 lớp, trong khi ở Việt Nam là 12 lớp. Sinh viên Việt Nam còn tốn thêm 1 năm học dự bị nữa”, An Trung giải thích.
Theo Zing
Cuộc sống của du học sinh Việt ở nơi lạnh nhất thế giới
Tại thành phố Irkutsk, Nga, một năm có tới 8 tháng mùa đông, nhiệt độ luôn ở mức âm 40 độ C. Tuyết trắng phủ kín nhà cửa, trường học. Sông hồ luôn trong tình trạng đóng băng.
Thành phố Irkutsk nằm ở phía Đông Siberia. Vào các tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình âm 40 độ C và được xem là một trong những nơi lạnh nhất thế giới. Tại đây, khoảng 200 sinh viên Việt Nam đang học tập. Thời tiết lạnh giá ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của các bạn.
Trường Đinh (sinh viên Đại học Tổng hợp Irkutsk) cho biết, mùa đông thường bắt đầu vào cuối tháng 9, kéo dài đến tháng 5 năm sau. Có những năm giữa tháng 6 vẫn còn tuyết rơi. Thành phố bị phủ bởi lớp băng tuyết dày. Tất cả nhà cửa, trường học, cây cối, đường đi, xe cộ bị lấp trắng xóa bởi tuyết.
Trượt tuyết - môn thể thao ưa thích của du học sinh Việt vào mùa đông . Ảnh: Ngân Giang.
Trường Đinh kể: "Giờ học ở Nga thường bắt đầu vào 7h30, khi mặt trời còn chưa xuất hiện. Gió lạnh và tuyết vẫn rơi, đường đi học lúc nào cũng tối om và trơn trượt, không cẩn thận là ngã ngay".
Đối với các bạn nữ, con đường đến trường còn khó khăn hơn nhiều lần. Tuyết Chinh (sinh viên năm thứ nhất Đại học Tổng hợp Irkutsk) chia sẻ: "Mình sợ nhất phải đi chợ mua thực phẩm vào mùa đông. Đường xa, thời tiết lạnh, con gái lại không đủ sức khuân vác đồ. Chúng mình thường phải mua nhiều thức ăn để dự trữ trong nhà".
Mỗi lần đi chợ, các bạn du học sinh chia thành tốp 10 người. Nhóm mua rau, mua thịt, nhóm mua đồ khô, "tổng động viên" tất cả mọi người cùng đi một lần, rồi về chia nhau.
"Những lúc như thế lại nhớ bữa cơm tươi ngon ở nhà với bố mẹ hơn bao giờ hết", Tuyết Chinh kể.
Du học sinh Việt t ại thành phố Irkutsk . Ảnh: Ngân Giang.
Sức khỏe yếu hơn vì thời tiết lạnh giá
Mùa đông kéo dài cùng thời tiết khắc nghiệt, du học sinh rất dễ mắc các bệnh về ngoài da, hô hấp, xương khớp. Việc di chuyển ở đây chủ yếu bằng xe bus, tàu điện hoặc đi bộ. Nếu phải đi bộ lâu, nhiều người dễ cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, da toàn thân luôn khô, bong tróc, ửng đỏ. "Bỏng lạnh" là bệnh mà các bạn mắc nhiều nhất. Ngoài ra, bệnh lây nhiễm như sởi, phỏng dạ... cũng rất "quen mặt".
"Ai sang đây học mà bị xoang, đau khớp thì không chịu được thời tiết này đâu" - Trung Kiên (sinh viên khoa Dầu Khí, Đại học Tổng hợp Irkuts) cho biết - "Rất nhiều anh, chị khóa trên phải bỏ dở việc học về nước vì bị bệnh. Điều trị tại bệnh viện ở đây rất đắt".
Các bệnh viện ở Nga thường nằm xa trung tâm thành phố. Bệnh nhân bị cách ly hoàn toàn. Ăn uống, tiêm thuốc, chữa khám, tất cả đều được các bác sĩ, y tá chăm sóc.
"Thế nhưng khẩu phần ăn cho bệnh nhân ở Nga rất khác. Chỉ được ăn súp, cháo loãng, bánh mì đen... Người Việt không quen, không chịu được. Mùa đông năm thứ hai sang đây, mình bị sởi, sau 2 tuần nằm viện sụt 6 kg".
Nhiều môn thể thao lý thú
Thế nhưng, các du học sinh Việt ở thành phố Irkutsk lại có những niềm vui mà ít ở đâu có được. Những môn thể thao mùa đông ở đây rất phát triển, như trượt tuyết, trượt băng, leo núi.
Phạm Trung (sinh viên trường Kinh tế và Luật Baikal) khoe: "Năm nào mùa đông mình cũng đi trượt tuyết. Môn này ở Việt Nam khó kiếm được chỗ chơi lắm, trong khi ở đây thì rẻ vô cùng".
Những hoạt động như leo núi, đi bộ trên băng, câu cá trên băng, cắm trại ngoài trời tuyết... cũng rất thu hút sinh viên Việt. Là thành viên của câu lạc bộ leo núi của thành phố, Đinh Trường năm nào cũng vài lần "xách ba lô lên và leo". Vừa rồi, cậu đã chinh phục đỉnh Mnkh Saridag nằm trên đường biên giới giữa Nga và Mông Cổ.
Trường chia sẻ: "Tớ đi đợt này liên tục 8 ngày. Sáng đục băng lấy nước nấu ăn. Ngày hành quân trung bình 10 tiếng. Nắng trên đầu thì cháy lột da, băng tuyết dưới chân buốt cóng. Cuối cùng, tớ cũng đã mang được cờ đỏ sao vàng lên đỉnh quanh năm tuyết trắng này rồi".
Ngày lễ Hiển Linh (19/1 vừa qua), ngày "nhúng mình trong nước", các sinh viên Việt Nam cũng tham gia cùng người dân bản xứ. Mọi người đục một khoảng băng to để lấy nước, sau đó ngâm mình vào nước 3 lần.
Ngâm mình trong nước đá trong ngày lạnh âm 40 độ C . Ảnh: Ngân Giang.
Nguyễn Văn Hải, sinh viên năm thứ ba Đại học Tổng hợp Irkutsk, hào hứng: "Đây là dịp cực kỳ thú vị dành cho những ai muốn thử thách bản thân. Hôm đó, nhiệt độ âm 36 độ C. Cởi áo ngoài trời trong thời tiết này đã khó rồi, chạm vào nước cũng chả ai dám, còn tắm mình trong nước đá thì đúng là kinh khủng. Tuy nhiên, đây là một tục lệ rất ý nghĩa và đáng thử nếu bạn ở Nga. Đó cũng là cơ hội thử thách giới hạn của chính mình".
Theo Zing
Chốt phương án thi THPT quốc gia 2016 trước Tết Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết như vậy tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra chiều 28/12 tại Hà Nội. Theo ông Phạm Vũ Luận, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT có thể khẳng định hiệu quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015. Các ý kiến đóng góp đều cho rằng nên giữ kỳ thi...