Trường Đại học Hồng Đức kỷ niệm 25 năm thành lập
Ngày 24/9, Trường Đại học Hồng Đức ( Thanh Hóa) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trường (24/9/1997-24/9/2022) và đón nhận chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2), chứng nhận 4 sao UPM.
Dịp này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng nhà trường bức trướng mang dòng chữ: “Trường Đại học Hồng Đức đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước”.
Đại diện Viện Đổi mới sáng tạo UPM đã trao Chứng nhận 4 sao UPM cho Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: TTXVN phát
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp to lớn, những hy sinh bền bỉ, thầm lặng và những thành tích mà các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Hồng Đức đã đạt được trong suốt 25 năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2025, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để thực hiện được mục tiêu lớn lao đó, Trường Đại học Hồng Đức đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy, ngày 5/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 935-KL/TU về xây dựng và phát triển Trường Đại học Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương, định hướng lớn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nhà trường từng bước trở thành trường đại học tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp; trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh, khu vực và cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị nhà trường tập trung quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giáo dục – đào tạo, đặc biệt là Kết luận số 935-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhà trường tiếp tục đổi mới toàn diện, thực chất mô hình quản trị đại học tiên tiến, phù hợp với tình hình thực tế; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo, tiếp cận với trình độ của các trường đại học có uy tín trong nước và trên thế giới.
Nhà trường kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy, học tập với hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu có trình độ lý luận và thực tế vững vàng.
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích đạt được, nhà trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu xây dựng Trường Đại học Hồng Đức trở thành trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh, khu vực và cả nước…
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, quy mô trường, lớp, chất lượng đào tạo của nhà trường không ngừng được nâng cao, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà.
Video đang HOT
Những ngày đầu thành lập, nhà trường đào tạo 3 ngành đại học và 17 ngành cao đẳng. Đến nay, nhà trường đã được phép tự tổ chức đào tạo 5 chuyên ngành tiến sỹ, 20 chuyên ngành thạc sỹ, 1 chương trình thạc sỹ liên kết với Đại học Soongsil của Hàn Quốc, 34 ngành đào tạo kỹ sư, cử nhân bậc đại học và 18 ngành cử nhân bậc cao đẳng.
Nhờ đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, chất lượng đào tạo của nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm đạt từ 70% đến 90%. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo hơn 80 nghìn kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ… đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng với hoạt động đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học cũng được nhà trường đẩy mạnh. Trong 10 năm trở lại đây, nhà trường đã chủ trì thực hiện 2 dự án quốc tế, 18 đề tài, dự án cấp Nhà nước và tương đương; 44 đề tài, dự án cấp bộ; 68 đề tài, dự án cấp tỉnh và 437 đề tài cấp cơ sở…
Thầy giáo Khmer sáng tạo trong gian khó
22 năm gắn bó với bục giảng, mỗi ngày thầy Lý Khonh Na Ra vượt hơn 30 cây số để đến trường 'gieo chữ' cho học sinh xã nghèo.
Thầy Lý Khonh Na Ra tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa cho học sinh.
Nỗ lực vì học trò
Theo thầy Lý Khonh Na Ra, nghề dạy học đòi hỏi phải quý trẻ, yêu nghề, kiên nhẫn và biết kiềm chế cảm xúc. Trên hết, có tinh thần trách nhiệm và sự độ lượng, bao dung.
Thầy Lý Khonh Na Ra là người dân tộc Khmer. Hiện, thầy là giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Thới An 2 (Trần Đề, Sóc Trăng). Trường nằm trên vùng đặc biệt khó khăn, học sinh phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày, thầy vượt hơn 30 cây số để đến trường. Dù còn nhiều trở ngại, nhưng thầy - trò vẫn miệt mài thi đua dạy tốt, học tốt.
Sinh năm 1977, thầy Lý Khonh Na Ra có thâm niên làm giáo viên, tổng phụ trách đội. Năm 2021, thầy vinh dự được huyện Trần Đề bình chọn tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Đoàn tổ chức. Thầy là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Để có được thành công như ngày hôm nay, thầy Lý Khonh Na Ra đã trải qua những năm tháng khó khăn, vất vả. Thầy cho hay, gia đình thuộc diện khó khăn, bố mẹ phải làm việc vất vả, nuôi con ăn học.
Thầy Lý Khonh Na Ra (thứ hai từ trái qua phải) tham gia hội thi giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi tỉnh Sóc Trăng.
"Năm 1995, biết tin mình đỗ tốt nghiệp THPT, tôi vừa vui, vừa lo lắng. Gia cảnh khó khăn, nên trong tôi luôn đặt câu hỏi: liệu mình có thể đạt được ước mơ là thầy giáo? Cuối cùng, gia đình vẫn quyết tâm cho tôi đi học" - thầy thầy Lý Khonh Na Ra nhớ lại.
Vào Trường trung học Sư phạm Sóc Trăng hệ 12 2, thầy vừa đi học, vừa phải làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. "Nhiều lúc mệt, nhưng lại thấy mình may mắn, tự hào vì sự nỗ lực của bản thân. Tôi luôn cố gắng học tập để không phụ lòng cha mẹ"- thầy Lý Khonh Na Ra chia sẻ.
Nhiều lần, tưởng chừng phải dừng lại ước mơ, nhưng nghĩ đến những đứa trẻ nhem nhuốc, quẩn quanh với bếp lửa, hay lẽo đẽo theo cha mẹ đi làm rẫy... thầy Lý Khonh Na Ra lại thương và càng cố gắng nỗ lực, vươn lên, vượt lên chính mình.
Sáng tạo trong gian khó
Năm 2019, thầy tốt nghiệp sư phạm và được Sở GD&ĐT Sóc Trăng phân công về Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Xuyên (nay là huyện Trần Đề). Sau đó, phân công công tác tại Trường Tiểu học Thạnh Thới An 2. Khi đó, thầy được Ban giám hiệu phân công dạy lớp 1. "Khi ấy, tôi thấy hạnh phúc vô bờ vì chính thức được đứng trên bục giảng, đem con chữ đến với những học trò nghèo" - thầy Lý Khonh Na Ra trải lòng.
Thầy Lý Khonh Na Ra.
Năm 2001, thầy được giao làm Tổng phụ trách Đội. Với thầy, đây là thách thức không nhỏ, bởi kỹ năng và kiến thức về công tác Đội chưa có. Trường lại nằm trên địa bàn xã nghèo nên cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề.
"Hệ thống âm thanh không có, bộ trống Đội không hoàn chỉnh. Thậm chí, nơi tập luyện ngoài trời cũng hạn chế vì mùa mưa sân trường sình lầy, ngập nước. Địa hình quanh co, người dân sống dọc theo hai bên bờ sông. Giao thông đi lại không thuận tiện. Có sông nhưng ít cầu, đường đất vào mùa mưa đi lại rất khó khăn do đó các em phải đi bằng đường thủy đến trường, rất nguy hiểm" - thầy Lý Khonh Na Ra cho hay.
Học sinh phần lớn là người dân tộc, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố, mẹ các em thường đi làm ăn xa nên ít quan tâm chuyện học hành và các hoạt động ngoại khóa của con.
Để khắc phục khó khăn, với những học sinh có bố, mẹ đi làm xa, không thể đưa đón được con em mình; thầy tình nguyện đến nhà làm xe ôm để đưa đón các em. Những học sinh có bố mẹ đưa đi nhưng không kịp đón về, thầy tận tình chở các em về nhà an toàn.
Ngoài ra, thầy còn tổ chức một số hoạt động thiết thực, bổ ích. Thầy lựa chọn học sinh có sở thích, năng khiếu âm nhạc, hướng dẫn các em lấy tre làm dùi và nền đất của sân trường làm mặt trống để tập gõ. Cứ như vậy, thầy luyện cho các em nhiều bài trống khác nhau. Tập luyện nhiều rồi cũng thành thạo.
Cả trường chỉ có một bộ trống cũ, thế nhưng trong lễ chào cờ thứ 2 hàng tuần, các em đều thực hiện thành thục nhiều bài trống Đội. "Nhìn những thành viên đội nghi thức biểu diễn và nghe tiếng trống rộn rã trong lễ chào, ai cũng háo hức và như được tiếp thêm năng lượng cho tuần làm việc mới" - thầy Lý Khonh Na Ra tự hào nói.
Trong công tác Đội của trường, thầy tổ chức nhiều hoạt động cuốn hút học sinh như: Thi hái hoa dân chủ, các trò chơi, hội thi rung chuông vàng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao...
Thầy Lý Khonh Na Ra tổ chức nhiệt hoạt động giáo dục trải nghiệm, thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh tham gia.
Suốt 22 năm gắn bó với Trường Tiểu học Thạnh Thới An 2, ngoài các hoạt động dạy học, thầy Lý Khonh Na Ra cùng học trò tham gia các cuộc thi do ngành Giáo dục địa phương tổ chức, như: vẽ tranh, hội khỏe phù đổng, hội thi nghi thức Đội, Hoa phượng đỏ, viết chữ đẹp... Trong nhiều năm liên tiếp, học sinh của thầy đều đoạt giải cao như: Giải Ba cuộc thi "Khoa học kỹ thuật" cấp thị xã, giải ba môn bóng bàn Hội Khỏe Phù Đổng cấp thị xã..
"Một điều đặc biệt nhất mà thầy trò chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến và không thể nào quên đó là giành được Giải Nhất Cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng" cấp thị xã năm học 2020-2021" - thầy Lý Khonh Na Ra bộc bạch.
Trong quá trình công tác tại trường, thầy Lý Khonh Na Ra luôn tận tâm hướng dẫn, dạy bảo học trò. Trong chuyên môn, thầy luôn cố gắng học hỏi, tìm tòi những tài liệu bổ ích để bổ sung kiến thức. Thầy là giáo viên dạy giỏi của trường và là nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, sáng tạo trong dạy học.
Tuyên dương tinh thần ham học của nhà giáo tốt nghiệp cử nhân ở tuổi 70 Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp tuyên dương tinh thần ham học tập của nhà giáo về hưu Huỳnh Thị Thu, vừa nhận bằng Cử nhân ở tuổi 70. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao bảng tuyên dương cho nhà giáo Huỳnh Thị Thu (ảnh TTĐT Đồng Tháp). Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp phối hợp với UBND thành phố Cao Lãnh...