Trường đại học Đồng Nai cần thêm gần 80 tiến sĩ
Trường đại học Đồng Nai mới đây đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ tuyển dụng gần 80 tiến sĩ nhằm duy trì và mở thêm mã ngành đào tạo mới.
Cụ thể, trường cần tuyển dụng 37 giảng viên có trình độ tiến sĩ nhằm duy trì các ngành đang đào tạo; trong đó, ngành sư phạm Toán cần 3 tiến sĩ, Vật lý (2), Hóa học (3), Lịch sử (3), Tiếng Anh (3), Ngôn ngữ Anh (3) và những ngành ngoài sư phạm như: quản trị kinh doanh, kế toán, khoa học môi trường, quản lý đất đai (mỗi ngành cần tuyển dụng 5 tiến sĩ).
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đề xuất tuyển dụng thêm 40 tiến sĩ nhằm phục vụ cho việc mở 8 ngành đào tạo mới sau năm 2022, mỗi ngành tuyển dụng 5 tiến sĩ. Cụ thể, là các ngành: thương mại điện tử, luật, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ thực phẩm, Việt Nam học – văn hóa du lịch.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo hiện nay và định hướng mở mã ngành mới, Trường đại học Đồng Nai sẽ cần tuyển thêm 77 tiến sĩ. Cùng với đó, trường cần tuyển thêm 10 thạc sĩ để duy trì mã ngành đào tạo hiện có và 40 thạc sĩ để đáp ứng nhu cầu mở mã ngành mới.
Hiện nay, Trường đại học Đồng Nai có tổng cộng 35 tiến sĩ (trong đó có 3 phó giáo sư), 233 thạc sĩ (trong có có 16 nghiên cứu sinh) đang làm việc tại các phòng, khoa, trung tâm. Nhà trường hiện đang đào tạo 14 mã ngành đại học (gồm 9 ngành sư phạm và 5 ngành ngoài sư phạm).
Video đang HOT
Theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT của GD-ĐT, ban hành ngày 22-6-2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, một trong những điều kiện để duy trì mỗi mã ngành đào tạo đại học là phải có ít nhất 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy. Áp dụng theo thông tư này, hiện Trường đại học Đồng Nai đang thiếu nguồn nhân lực tiến sĩ trầm trọng. Vì vậy, việc thu hút những cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ để bổ sung đội ngũ là vấn đề cấp thiết và là vấn đề sống còn của nhà trường.
Sau đề xuất trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TBXH, Sở Tài chính cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu nội dung đề xuất của nhà trường nhằm tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai xử lý trước ngày 12-8.
Thừa hơn 7.000 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ trong hai năm qua
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hai năm qua (2020 và 2021) các trường đại học trên cả nước chỉ tuyển sinh được khoảng 1/3 tổng chỉ tiêu đào tạo bậc tiến sĩ.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính riêng năm học 2019 - 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ ở các trường đại học trên cả nước là 5.111. Tuy nhiên, các trường chỉ tuyển được gần 1.274 chỉ tiêu (chiếm 25% tổng chỉ tiêu), số thừa lên tới hơn 3.800.
Trong khi đó, tình hình tuyển sinh bậc thạc sĩ có phần khả quan hơn, tuyển được khoảng gần 70% tổng chỉ tiêu. Cao nhất là tuyển sinh bậc đại học với 83,46% tổng chỉ tiêu được giao cho các trường trên cả nước.
Tiếp đến năm học 2020 - 2021, cả nước tuyển 5.056 chỉ tiêu tiến sĩ. Tuy nhiên, số người trúng tuyển chỉ đạt gần 35% tương đương 1.735 chỉ tiêu, tức thừa 3.300.
Với bậc thạc sĩ và đại học, số lượng tuyển cũng tăng cao hơn năm học 2019 - 2022. Cụ thể, thạc sĩ tuyển được 72,48% và đại học là 89%.
Như vậy, trong 2 năm liên tiếp 2021 và 2020, tổng chỉ tiêu đào tạo bậc tiến sĩ được giao cho các trường là 10.167, nhưng các trường chỉ tuyển được 3.009 người, còn thừa 7.158 chỉ tiêu.
Bộ GD&ĐT lý giải, việc tuyển sinh trình độ tiến sĩ có phần suy giảm do yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra đối với đào tạo trình độ này cao hơn, theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm thông tư 08 năm 2017. Giai đoạn này ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và hai bài báo quốc tế đăng trên tạp chí uy tín; người hướng dẫn cũng phải có công bố quốc tế.
Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2021, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế mới với một số quy định được cho là "dễ" hơn như chấp nhận công bố khoa học trong nước bên cạnh các công bố quốc tế, cho dùng chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để chứng minh trình độ ngoại ngữ thay vì chỉ được dùng chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL.
Cùng với quy chế mới, chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ năm học 2021-2022 tăng lên thành hơn 5.500, tuy nhiên Bộ chưa thống kê số tuyển được.
Song song với công tác tuyển sinh là việc các trường mở ngành đạo tạo mới từ năm 2016 đến 2021 có nhiều biến động. Trong đó, số lượng ngành đào tạo do các trường tự chủ mở tăng lên đáng kể (tăng 1,5 lần so sánh 2016 và 2021), còn số lượng ngành đào tạo do Bộ GD&ĐT phê duyệt ngày càng giảm mạnh (giảm hơn 3 lần so sánh 2016 và 2021).
VinUni cấp học bổng toàn phần đào tạo Tiến sĩ Khoa học máy tính khóa 1 Trường Đại học VinUni vừa công bố Chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính đầu tiên, tập trung vào các ngành công nghệ tương lai có tác động lớn tới cuộc sống con người. Đặc biệt, tất cả nghiên cứu sinh sẽ được VinUni trao học bổng toàn phần và trả lương trong suốt quá trình đào tạo, với...