Trường đại học chủ trì chấm thi, sẽ hết tiêu cực?
Bộ GD-ĐT vừa công bố phân công nhiệm vụ các trường đại học (ĐH) tham gia coi thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở 63 cụm thi trên cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp này không mới và chỉ mang tính chữa cháy.
Về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên có phương án thay thế khi kỳ thi này cáo chung sau năm 2020. Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục về những giải pháp mang tính dài hơi trong cải tiến, đổi mới thi cử.
PGS-TS ĐỖ VĂN XÊ – Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM: Không có tiêu cực trong coi thi, chấm thi
Việc gian lận thi cử nằm ở khâu chấm thi và nhập điểm lên hệ thống dữ liệu. Do đó, việc phân công các trường đi coi thi sẽ không có tác động đến việc chống gian lận. Có điều khác với năm ngoái, năm 2019, Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH chấm thi trắc nghiệm sẽ ổn hơn. Nếu nhìn lại sẽ thấy, năm đầu tiên tổ chức thi lấy kết quả dùng cho xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH (năm 2015), các trường ĐH tổ chức thi theo cụm và các trường ĐH chấm thi. Năm đó chỉ có trục trặc về công bố điểm thi chứ không có tiêu cực trong coi thi, chấm thi động trời như hiện nay.
Điều này tôi đã đề nghị nhiều năm rồi mà Bộ GD-ĐT không ghi nhận. Không phải bộ không biết việc giao cho các trường ĐH chấm thi sẽ hạn chế gian lận, nhưng có vẻ như bộ bị… áp lực nên để các tỉnh, thành giành việc tổ chức thi và chấm thi, tạo nên những con số đẹp cho địa phương.
TS HOÀNG NGỌC VINH – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT): Cần đầu tư một ngân hàng đề thi
Nguyên nhân hàng đầu của việc gian lận thi cử năm 2018 là dùng kết quả thi và học lực để xét tuyển vào ĐH, cộng với việc thiết kế kỹ thuật đề thi quá dễ để gian lận.
Đã đến lúc cần tính đến giải pháp khác trên tinh thần phân cấp cho địa phương, tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH và hiện đại hóa công tác đo lường trong giáo dục. Điều ấy được hiểu là Bộ GD-ĐT nên có chỉ đạo và đầu tư làm một ngân hàng đề thi đủ lớn, thử nghiệm khoảng 3 – 5 năm đảm bảo ổn định và chuẩn hóa rồi cung cấp cho các địa phương tự tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Với các đề thi chuẩn thì việc đánh giá chất lượng giáo dục so sánh giữa các địa phương để làm chính sách giáo dục vẫn tốt. Việc tuyển vào ĐH, tùy các trường có thể lấy kết quả kỳ thi THPT nếu họ tin tưởng, hoặc sử dụng đề thi do cơ quan khảo thí của bộ cung cấp, hoặc kết hợp cả các hình thức khác…
Thực tế diễn ra trong kỳ thi THPT vài năm qua, tôi thấy ý tưởng thì tốt nhưng thiếu thực tiễn. Có ý tưởng đổi mới mà không có khả năng thực hiện được ý tưởng, là sự lãng phí ý tưởng. Thời gian để có một ngân hàng trắc nghiệm không phải ngày một ngày hai, mà phải mất vài ba năm với nguồn lực chuyên gia và tài chính đầy đủ. Đổi mới vội vã, thiếu lộ trình, kế hoạch dài hơn thì rủi ro sẽ nhiều hơn.
Th.S PHẠM THÁI SƠN – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM): Cải tiến khâu đánh giá phù hợp chương trình đào tạo
Có lẽ kỳ thi sử dụng cho nhiều mục đích là quá khó, những lợi ích lớn của kỳ thi như kỳ vọng ban đầu đã bị làm mờ bởi những tiêu cực. Thực ra, tổ chức một kỳ thi như thế này rõ ràng là hiệu quả về mặt kinh tế, giảm được chi phí xã hội khá lớn, đặc biệt các thí sinh khó khăn ở vùng xa đã bớt tốn kém. Nhưng cùng một lúc để vừa đánh giá tốt nghiệp vừa tuyển chọn học sinh, có lẽ là khó. Chưa kể đến việc bị lợi dụng để trục lợi của một số cá nhân. Về lâu dài thì phải cải tiến khâu đánh giá cho phù hợp với chương trình đào tạo, với việc tốt nghiệp thì nên giao về địa phương chủ trì và tổ chức đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình.
Video đang HOT
Trung tâm khảo thí cấp quốc gia cần nhanh chóng triển khai để khâu đánh giá được trở thành một dịch vụ, các trường có thể sử dụng. Vấn đề này vừa phù hợp chủ trương về tự chủ trong công tác tuyển sinh của các trường được quy định trong luật, vừa đảm bảo chất lượng cho công tác đánh giá, vừa giảm chi phí hao tốn cho các trường cũng như xã hội.
Rõ ràng trong kỳ thi vừa qua thì sai phạm xảy ra là với mục đích vào ĐH, chứ không phải là mục đích tốt nghiệp THPT của các thí sinh. Bộ cũng đã khuyến khích các trường đánh giá riêng, tự chủ trong tuyển sinh, nhưng đâu phải trường nào cũng đủ nguồn lực để thực hiện. Vấn đề này, lỗi Bộ GD-ĐT là 1 thì lỗi các trường là 5 và lỗi ở tỉnh là 10.
Th.S HỨA MINH TUẤN – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM: Có trung tâm đánh giá năng lực độc lập
Tạm thời, khi các bộ cùng vào cuộc xử lý nghiêm những tiêu cực thì năm 2019 có thể ổn. Dù sao, Bộ GD-ĐT đã cam kết phương án thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng sẽ thực hiện đến hết năm 2020.
Sau 2020 và tiếp nữa, chúng ta nên tính phương án xây dựng ngân hàng đề thi, có trung tâm đánh giá năng lực và tổ chức như kỳ thi SAT của Mỹ sẽ tốt hơn. Những trường nào muốn tuyển sinh riêng thì kết hợp kỳ thi đánh giá năng lực như hiện nay. Ngân hàng đề thi quốc gia nếu như phương án tôi đưa ra là phải chuẩn bị từ bây giờ và phải quyết tâm làm.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: Nên giao việc chấm thi cho các trường ĐH
Việc giao chấm thi cho địa phương làm là một sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến tiêu cực như năm 2018. Năm nay, Bộ GD-ĐT thay đổi theo cách cũ, đó là giao việc chấm thi cho các trường ĐH chủ trì. Cách này sẽ giảm chứ không thể hết hoàn toàn được (còn khâu coi thi, chấm tự luận). Chúng ta phải tính đến phương án có một trung tâm khảo thí độc lập để làm việc này. Nếu chưa có kinh nghiệm thì học nước ngoài mà làm. Người ta làm sao thì mình học theo và làm đúng là được. Chúng ta cứ loay hoay cải tiến, đổi mới thi cử, nhưng càng đổi thấy càng nhiều vấn đề, càng tệ.
THANH HÙNG
Theo SGGP
Trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm, kết quả tin cậy hơn?
Theo cán bộ quản lý của nhiều trường đại học, việc các trường đại học được giao trách nhiệm chủ trì chấm thi trắc nghiệm chính là một cách làm khác trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và sẽ giúp cho kết quả đáng tin cậy hơn.
Việc chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ do các trường đại học chủ trì - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Các trường đại học đều đã sẵn sàng
"Các địa phương cũng sẽ khó mà tác động xấu tới cán bộ các trường ĐH, do cán bộ các trường ĐH không bị lợi ích trực tiếp ở địa phương chi phối như thăng tiến hay quan hệ thân quen"
PGS Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng
Theo ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH (Trường ĐH Thủy lợi), kỳ thi năm nay trường được phân công phối hợp tổ chức thi và chủ trì việc chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Điện Biên. Vì Điện Biên ở xa Hà Nội (gần 500 km) nên đây sẽ là một thử thách đối với nhiều cán bộ, giảng viên của trường. Tuy nhiên trường luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm đối với xã hội.
"Vì đã có kinh nghiệm nhiều năm tham gia chủ trì và phối hợp với các địa phương trong công tác tổ chức thi nên việc triển khai phối hợp cho đến thời điểm này chưa gặp khó khăn gì. Trường đã phân công cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm, gồm những người đã tham gia chấm nhiều năm cho trường. Những cán bộ này cũng đã được Bộ tập huấn rất kỹ", ông Thạc cho biết.
PGS Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, nói: "Từ tháng 3, học viện đã cử 2 cán bộ đi dự cuộc tập huấn do Bộ tổ chức ở Nha Trang. Sau khi các cán bộ này đi tập huấn trở về, cũng đã cho cài đặt phần mềm chấm thi trắc nghiệm vào thiết bị hiện có để chạy thử. Đồng thời bổ sung thêm một số cán bộ nữa để tập huấn tại chỗ".
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cũng cho biết trường được phân công chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Hòa Bình, một nơi suốt thời gian qua được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông do xảy ra vụ gian lận điểm thi.
"Sắp tới, trường sẽ mời cán bộ Cục Quản lý chất lượng của Bộ tập huấn thêm để nắm rõ quy trình chấm thế nào. Trường ĐH Hà Nội cũng quen với việc chấm thi trắc nghiệm, chỉ có cách chấm thi kỳ thi năm nay mới nên nếu được Bộ hướng dẫn chi tiết thì trường sẽ an tâm hơn", tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.
Sẽ tuyển được thí sinh thực sự có chất lượng
Theo PGS Phạm Quốc Khánh, việc tham gia sâu của các trường vào kỳ thi như năm nay sẽ mang lại kết quả tích cực. "Nhờ thế mà kỳ thi sẽ đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy cao. Tôi tin là các trường đều sẵn sàng tham gia mà không ngại phiền phức, tốn kém, kể cả những trường phải đi xa. Nếu mình góp phần vào việc đảm bảo sự công bằng thì nghĩa là mình cũng sẽ tuyển được những thí sinh thực sự có chất lượng vào học tại trường", PGS Phạm Quốc Khánh nói.
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cũng bình luận: "Năm nay làm như vậy là đủ chặt. Rõ ràng việc gì mà Sở không thể làm tốt được thì cần phải giao cho các trường làm. Danh sách phân bổ trường nào phối hợp địa phương nào tôi thấy cũng hợp lý. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở Thanh Hóa, một nơi đông thí sinh nhất nhì cả nước, là phù hợp do nhân lực của Bách khoa rất dồi dào. Một số ý kiến có vẻ băn khoăn vì thấy có mấy trường địa phương chủ trì chấm thi tại địa bàn mình đóng. Nhưng tôi tin Cục Quản lý chất lượng cũng đã cân nhắc kỹ rồi, phải thấy có năng lực và có sự độc lập với địa phương thì họ mới giao. Vừa xảy ra những chuyện tày trời năm ngoái nên chắc Bộ cũng không thể chủ quan".
Theo PGS Phạm Quốc Khánh, việc trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm sẽ giúp cho dư luận xã hội cũng như các trường ĐH năm nay có thể yên tâm. Dù chấm tại địa phương nhưng cán bộ của các trường cũng có nhiều kinh nghiệm để đối phó với "kinh nghiệm" của địa phương. Trong khi đó lãnh đạo các địa phương cũng sẽ khó mà tác động xấu tới cán bộ các trường ĐH, do cán bộ các trường ĐH không bị lợi ích trực tiếp ở địa phương chi phối như thăng tiến hay quan hệ thân quen... "Trường tôi sẽ cử cán bộ rất là chì và rất là lì đi, để đảm bảo không bị tác động", PGS Khánh nói.
Vẫn chưa hiểu rõ phối hợp thế nào
Tuy nhiên, nhiều trường cho biết hiện cũng chưa rõ vai trò phối hợp của các địa phương sẽ thế nào trong khâu chấm thi trắc nghiệm. Nhân lực chấm thi trắc nghiệm sẽ hoàn toàn là người của trường ĐH hay còn có người của sở GD-ĐT? Nếu có người của Sở thì những cán bộ này sẽ tham gia đến đâu, có được vào phòng chấm hay chỉ phục vụ trước khi chấm, hay ở vòng ngoài?
PGS Nguyễn Phong Điền nói: "Theo tôi cũng cần người của Sở tham gia ở mức độ nào đó, chí ít là họ nắm cơ sở vật chất, thậm chí một số sở còn có cán bộ kỹ thuật thành thạo việc chấm thi trắc nghiệm. Có họ tham gia cùng với cán bộ trường ĐH thì cũng là một việc tốt".
Danh sách ĐH chấm thi phần nhiều là các trường lớn
Bộ GD-ĐT vừa ra quyết định về việc giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo phối hợp với các sở GD-ĐT để tổ chức thi. Theo đó, chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại 63 cụm thi (là 63 tỉnh/thành) đều là các trường ĐH. Phần lớn các trường chủ trì chấm thi trắc nghiệm đều là những trường ĐH đến từ các thành phố lớn, tuy nhiên vẫn có một số trường địa phương được giao nhiệm vụ ngay tại địa bàn mà trường mình đóng.
Hầu hết tại các tỉnh miền núi phía bắc đều do các trường ĐH ở Hà Nội chủ trì chấm thi trắc nghiệm, trừ Lai Châu là do Trường ĐH Tây Bắc và Quảng Ninh do Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh đảm nhiệm.
Chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở Sơn La là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2; ở Hòa Bình là Trường ĐH Hà Nội; ở Hà Giang là Học viện Kỹ thuật quân sự; ở Lạng Sơn là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ý KIẾN
Một phương án "sửa sai"
Việc giao các trường ĐH tham gia chấm thi trắc nghiệm là một phương án sửa sai, khắc phục những sai sót đã xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Nhìn vào danh sách các đơn vị này, có thể thấy sự điều chuyển khá nhiều giữa các đơn vị được giao chủ trì cụm thi so với các năm trước. Ví dụ, năm nay Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM được giao chủ trì cụm Đắk Lắk, năm trước đơn vị chủ trì là Trường ĐH Tây Nguyên. Chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng việc giao cho một trường ĐH không thuộc địa phương đó chấm thi đã là một giải pháp tăng cường yếu tố khách quan.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Người chấm thi có vai trò quyết định
Năm nay việc giao cho các trường ĐH coi thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm sẽ góp phần tích cực trong thực hiện tốt kỳ thi. Trường ĐH Duy Tân năm nay được phân công hỗ trợ tổ chức thi tại Bình Định, chấm thi tại Quảng Nam. Dù chấm thi là nhiệm vụ mới nhưng trường không lo lắng vì từng có kinh nghiệm trong chấm thi 3 chung và hầu hết các môn học ở trường đã triển khai theo hình thức này. Hiện trường đã có 2 cán bộ được tập huấn phần mềm chấm thi từ Bộ, sẽ tập huấn thêm 10 - 15 chuyên gia sẵn sàng cho kỳ thi. Nhưng quan trọng hơn hết cho một kỳ thi công bằng và nghiêm túc là yếu tố con người. Các trường cần chuẩn bị những cán bộ tham gia chấm thi có trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt.
Tiến sĩ VÕ THANH HẢI (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân)
Hà Ánh ghi
Theo Thanh niên
Nhiều đề xuất chấm thi trắc nghiệm và tổ chức coi thi THPT Quốc gia năm 2019 Từ năm 2019, kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, với mọi phương án thi, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo kỳ thi phải diễn ra thật nghiêm túc. Từ năm 2019, đề thi sẽ chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của...