Trường có 100% học sinh chọn tốt nghiệp môn Sử
Trong khi nhiều hội đồng thi tốt nghiệp THPT không có hoặc chỉ một, hai thí sinh thì Sử, thì tại Hội đồng thi THPT Bình Trung (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) tỷ lệ học sinh thi môn học này là 100%.
Thí sinh tại Hội đồng thi THPT Bình Trung làm thủ tục vào phòng thi môn Sử chiều ngày 2/6. Ảnh: Minh Minh.
Kết thúc thi môn Sử chiều 2/6, Mai Diễm Linh, học sinh lớp 12A THPT Bình Trung cho biết, đề Sử “không khó cũng không dễ, các bạn có học lực trung bình là có thể làm được”. Nữ sinh này cho hay, sau kỳ thi tốt nghiệp em sẽ xuống dưới xuôi để ôn thi vào đại học Luật Hà Nội. “Em cùng các bạn ở đây có thiên hướng học các môn xã hội. Vì thế chúng em đều chọn môn Sử để thi tốt nghiệp”, Linh nói.
Cho rằng đề Sử vừa sức, Ma Quốc Đạt, lớp 12A THPT Bình Trung tự tin bài thi của bản thân sẽ 8 điểm. Theo chàng trai có ước mơ trở thành sinh viên Đại học An ninh thì, sự cần cù chịu khó của học sinh vùng cao chính là lợi thế để em và các bạn chọn thi tốt nghiệp môn Sử.
Thầy Nông Văn Tuyền, Phó Chủ tịch Hội đồng thi THPT Bình Trung cho hay, Hội đồng có 93 học sinh được chia làm 5 phòng thi. Trường THPT Bình Trung là một trong những trường có cơ sở vật chất khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, nhưng chất lượng giáo dục của trường ngày càng nâng cao, thể hiện qua việc có khoảng 30% học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 (năm 2013). “Khóa lớp 12 năm nay là khóa học sinh chất lượng tốt nhất của chúng tôi”, thầy Tuyền nói.
Về con số 100% học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Sử, thầy Tuyền cho rằng do đặc thù học sinh vùng cao và cũng do các em thích học Sử. Bên cạnh đó, giáo viên dạy Sử của trường rất tâm huyết và giỏi, đã tạo đam mê cho các em.
Giáo viên dạy Sử được Phó chủ tịch Hội đồng thi THPT Bình Trung nhắc tới là thầy Nguyễn Xuân Bắc. Từ Hải Dương lên Bắc Kạn dạy học, thầy Bắc cho hay, qua mấy năm dạy Sử tại Trường THPT Bình Trung, thầy nhận thấy các học sinh đều hào hứng với môn học này và đạt kết quả rất tốt.
Video đang HOT
Cổng vào trường Bình Trung được chắn bằng một cây tre khi kỳ thi diễn ra. Ảnh: Minh Minh.
Thầy Bắc cho biết, kết quả thi thử tốt nghiệp môn Sử của trường chỉ có 4 em đạt điểm dưới trung bình, 14 em điểm 9, hơn 20 em đạt điểm 8.
Đánh giá đề thi Sử năm nay vừa sức với học sinh của mình, thầy Bắc cho hay ngay sau khi kết thúc ca thi Sử chiều ngày 2/6, một số học sinh đã gọi báo với thầy “làm tương đối tốt” bài thi. “Khi ôn thi, chúng tôi cũng nhấn mạnh với học sinh phần quan hệ quốc tế. Đề nói tới vai trò của Liên Hợp Quốc không nằm ngoài kiến thức học sinh đã được ôn tập”, thầy Bắc nói.
Theo VNE
Đổi mới Kiểm tra, đánh giá môn Văn: Nhiều nơi chỉ dám từ từ
Theo nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, dù họ rất tán thành chủ trương đổi mới cách thức ra đề thi môn Văn của Bộ GD&ĐT trong các kỳ thi tốt nghiệp nhưng nếu thực hiện ngay lập tức trong năm nay thì khó khi hiện có quá nhiều bất cập trong chương trình cũng như năng lực của giáo viên.
Học sinh lớp 12 của một trường THPT ở Hà Nội
Hết "Vợ nhặt" lại đến "Vợ chồng A Phủ"!
Theo Bộ GD&ĐT, yêu cầu đổi mới hướng tiếp cận trong việc dạy học môn Văn đã được đặt ra kể từ khi khởi động chương trình hiện hành (năm 2002) thế nhưng cho đến nay, phương pháp dạy học nhồi nhét, thầy đọc trò chép vẫn thịnh hành.
Việc trì trệ, chậm đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử... được xem là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới quá trình dạy học lạc hậu này. PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh than phiền: "Ngữ liệu được dùng trong các bài kiểm tra và bài thi để đánh giá kết quả dạy học rất nghèo nàn, chủ yếu là những văn bản đã có trong sách giáo khoa (SGK)... Các kỳ thi Ngữ văn thường cứ xoay quanh những tác giả và tác phẩm đến mức có năm người ta có thể khoanh vùng được một phạm vi rất hẹp các tác giả và tác phẩm mà người ra đề có thể ra.
Phát biểu đề dẫn tại một hội thảo gần đây, TS Nguyễn Trọng Hoàn, Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT nhận xét: "Ở trung học vẫn yêu cầu học sinh kể chuyện hoặc phân tích một tác phẩm theo chủ đề bắt buộc..., khi chấm bài, giáo viên vẫn dựa theo việc đếm ý của đáp án để cho điểm".
Giờ chúng tôi không ra A Phủ thì ra cái gì đây khi mà chương trình loanh quanh chừng ấy tác phẩm? Không "Vợ chồng A Phủ" thì "Vợ nhặt", không "Vợ nhặt" thì "Lặng lẽ Sa pa"...!".
Thầy giáo Ngô Vưu, Trường Quốc học Huế
Tuy nhiên, nhiều giáo viên dạy Văn cho rằng, họ phần nào thông cảm được với nỗi khó khăn của những người ra đề khi mà chương trình môn Ngữ văn hiện hành đã góp phần quan trọng khiến "tiết Văn như bị cầm tù trong lớp".
Cô giáo Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa nêu dẫn chứng trong chương trình học sinh chỉ được tiếp cận bài thơ "Tràng giang"của Huy Cận trong khi đó nhà thơ này còn có nhiều tác phẩm có nội dung tươi trẻ, gần gũi với tâm lý lứa tuổi học trò hơn.
"Vậy thì chương trình thay vì đưa cứng một bài có thể giới thiệu những bài khác và để học sinh tự mê, tự say có hơn chăng? Có tạng thích "Tràng giang" nhưng cũng có tâm hồn thích chất lãng mạn tình tứ. Nếu trò được chọn có phải sẽ tốt hơn không?", cô Kim Anh băn khoăn.
Thầy giáo Ngô Vưu, Trường THPT Quốc học Huế, người từng nhiều năm tham gia việc ra đề thi tốt nghiệp THPT cho rằng những người làm đề cũng muốn đổi mới nhưng trước thực trạng dạy học văn hiện nay trong các nhà trường, họ chỉ dám đổi từ từ.
Thầy Ngô Vưu đưa ra dẫn chứng, năm 2009, câu 1 đề thi tốt nghiệp THPT chỉ có một thay đổi rất nhỏ trong cách hỏi, trước thì thường hỏi về tác giả, năm đó hỏi về tác phẩm, kết quả là chỉ 20% học sinh một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt điểm từ trung bình trở lên! "Năm ngoái đề nghị luận xã hội được dư luận đánh giá cao, nhưng nghị luận văn học thì bị nhà văn Phạm Thị Hoài đánh giá "muôn thuở vợ chồng A Phủ!". Giờ chúng tôi không ra A Phủ thì ra cái gì đây khi mà chương trình loanh quanh chừng ấy tác phẩm? Không "Vợ chồng A Phủ" thì "Vợ nhặt", không "Vợ nhặt" thì "Lặng lẽ Sa pa"...!", thầy Ngô Vưu chia sẻ.
Giáo viên chưa kịp đổi mới
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Thanh, chuyên viên Sở GD&ĐT Hải Dương, Sở này đã rất tích cực trong việc chỉ đạo giáo viên đổi mới kiểm tra đánh giá môn Văn. Nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều giáo viên lúng túng.
Cô Thanh dẫn chứng: "Ngay trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, do đối tượng dự thi là học sinh giỏi nên các em có nhiều sự chủ động, sáng tạo nhưng khi chấm bản thân thầy cô giáo chưa mở, chưa phát hiện, chưa trân trọng cái mới của học trò. Các thầy cô khi chấm cứ khuôn vào cái cũ, trước sự sáng tạo của học sinh không dám ghi nhận để cho điểm cao. Khi chọn giáo viên chấm thi học sinh giỏi chúng tôi toàn chọn giáo viên giỏi, vậy mà họ vẫn chưa thể thoát khỏi tư duy cũ".
Cô Thanh nói: "Theo tôi, muốn đổi mới thì một trong những yếu tố cần phải làm ngay là thay đổi nhận thức của chính các thầy cô giáo để mà biên soạn đề kiểm tra theo hướng mở, chấm bài theo hướng mở, trân trọng những cái mới của các em".
Theo VNE
Khảo sát của Báo Thanh Niên về cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT Hơn 77% học sinh lớp 12 được hỏi chọn phương án 1 trong hai phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến. Học sinh Trường THPT Long Trường (Q.9, TP.HCM) tham gia cuộc khảo sát của Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Đây là kết quả của khảo sát do Báo Thanh Niên thực...