Trường chuyên, lớp chọn: Vì ngọn hay gốc?
Học sinh phải luyện thi, vào trường học quá nặng nhưng nhiều phụ huynh vẫn bằng mọi giá muốn con thi đỗ trường chuyên với hy vọng săn học bổng để du học nước ngoài.
Học sinh dự thi vào lớp 6, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.
Học thêm mới đỗ
Hà Nội hiện có 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên bao gồm: THPT Chu Văn An; THPT Sơn Tây; THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chuyên Nguyễn Huệ. Hằng năm, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường này rất thấp nhưng thường có lượng học sinh đăng ký lên con số hàng nghìn, tỷ lệ chọi có khối lớp lên tới 1/14.
Đặc biệt, hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (Hà Nội) và hệ THCS Trường THPT Chuyên Đại Nghĩa (TP HCM) luôn khiến phụ huynh phát sốt tìm kiếm thông tin thi cử cho con.
Mỗi năm, các trường này chỉ tuyển trên dưới 200 em với phương thức tuyển sinh xét tuyển hồ sơ, học bạ và thi tuyển 3 môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Năm ngoái, để lọt được vòng hồ sơ, điểm tổng kết các môn từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ duy nhất 1 điểm 9, các môn còn lại phải điểm 10. Vì thế, khi danh sách gần 1.000 thí sinh lọt qua vòng hồ sơ, bảng điểm “đẹp như mơ”, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng thốt lên “thần đồng”. Với nhiều phụ huynh ở Hà Nội, con được học trường danh giá này luôn là một giấc mơ nên nhiều người không ngần ngại cho con luyện thi từ sớm.
Ngoài hệ thống trường chuyên thuộc Sở, hiện nay nhiều trường ĐH cũng thành lập hệ thống trường THPT chuyên. Chị Nguyễn Ngọc Ngân, ở Nguyễn Du, Hà Nội cho biết, năm nay, con trai chị thi lớp 10. Mục tiêu vào học chuyên toán ở một trường THPT chuyên (thuộc trường ĐH) trên địa bàn Hà Nội.
Sau khi tìm hiểu chị Ngân đi đến kết luận, muốn thi vào bất kỳ trường THPT chuyên nào thuộc các trường ĐH phải tìm giáo viên của chính trường đó để ôn luyện. “Mỗi trường một kiểu đề, nếu không học thêm, học sinh có đỗ trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cũng chưa chắc đã đỗ những trường này. Các thầy dạy Toán cho con cũng khuyên như vậy”, chị Ngân khẳng định.
Nhiều khi là ước muốn của cha mẹ
Video đang HOT
Chị Thái Thị Hà Thanh, ở quận Hà Đông (Hà Nội) có con học 7 năm Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, hiện đang du học theo diện học bổng Nhà nước tại Hungary. Chị chia sẻ, ở trường chuyên, giáo viên yêu cầu học sinh tự học là chính nhưng khi kiểm tra, đánh giá lại yêu cầu mặt bằng chất lượng cao, do đó, học sinh chịu áp lực lớn phải đi học thêm ở ngoài.
Đặc biệt, những học sinh tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế phải chịu áp lực rất lớn về việc giành giải thưởng, lấy thành tích cho trường. Còn ở hệ thường, học sinh học nhẹ nhàng hơn nhưng không tránh khỏi học lệch các môn. “Với cách học ở đây, nếu học sinh không thực sự có năng lực, các em sẽ rất căng thẳng, đặc biệt là điểm số và vượt qua các kỳ kiểm tra, đánh giá”, chị Thanh nói.
Chị Thanh thừa nhận, gia đình cũng hy vọng học ở đây, con được học thầy cô giỏi, bạn giỏi để nỗ lực giành học bổng du học nước ngoài. Ban đầu, con đặt mục tiêu lấy được học bổng du học Singapore nhưng không đạt, phải đi đường vòng bằng cách thi tiếp lên ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Kết quả học tập xuất sắc, con đã được cấp học bổng với cam kết sẽ về nước dạy học.
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, xu hướng giáo dục hiện nay đào tạo con người phát triển toàn diện. Trong khi trường chuyên lớp chọn lại đi theo hướng chú trọng vào phát triển năng lực IQ.
“Thực tế cuộc sống có học sinh học chuyên Toán, từng tham gia đội tuyển Toán quốc tế nhưng không phân biệt nổi rau ngót và rau thơm. Một học sinh chuyên Văn khác thì luôn bị lừa ở ngoài đời, mua bán gì cũng hớ…”, cô Lê nói.
Cô giáo này chỉ ra thực tế, nhiều phụ huynh nhắm tới trường chuyên, lớp chọn, luyện thi để vào bằng được vì mong có môi trường, động lực học, có bệ phóng tốt để đi du học. “Chưa cần biết đứa trẻ thế nào nhưng khi nghe nói cháu học trường A trường B là có sự xuýt xoa trầm trồ. Vì vậy, cuộc chạy đua vào trường chuyên lớp chọn chưa chắc do trẻ yêu thích mà nhiều khi chỉ bởi niềm kiêu hãnh, là ước muốn, ý chí của chính cha mẹ”, cô Lê phân tích.
“Chưa cần biết đứa trẻ thế nào nhưng khi nghe nói cháu học trường A trường B là có sự xuýt xoa trầm trồ. Vì vậy, cuộc chạy đua vào trường chuyên lớp chọn chưa chắc do trẻ yêu thích mà nhiều khi chỉ bởi niềm kiêu hãnh, là ước muốn, ý chí của chính cha mẹ”, cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội) nhận định
Nhiều nhà giáo muốn giữ trường chuyên
Nhiều nhà giáo cho rằng vẫn cần hệ thống trường THPT chuyên để phát triển những học sinh tài năng, nhưng không cần thiết nhiều như hiện nay.
Ông Nguyễn Chương, nguyên Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai, nhận thấy rõ bất cập của các trường chuyên nhưng cho rằng cần giữ mô hình này và điều chỉnh nó.
Tháng 5/1993, trường THPT chuyên Hùng Vương được thành lập với tên gọi trường Phổ thông chuyên tỉnh Gia Lai. Đang là Hiệu phó trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, ông Chương được giao giữ chức Phó hiệu trưởng trường Phổ thông chuyên tỉnh, sau đó làm hiệu trưởng.
Năm 1998, trường Phổ thông chuyên tỉnh Gia Lai được đổi tên thành trường THPT Hùng Vương, đổi mô hình từ trường chuyên tỉnh thành trường THPT thường nhưng có thêm khối lớp chuyên. Sau 10 năm hoạt động, UBND tỉnh Gia Lai tái lập trường THPT chuyên trên nền tảng trường Hùng Vương, đổi tên thành THPT chuyên Hùng Vương. Năm đó cũng là năm ông Chương rời ngôi trường này sang làm hiệu trưởng một trường THPT khác của tỉnh.
15 năm làm việc ở trường THPT chuyên Hùng Vương, trải qua cả hai mô hình là trường chuyên và trường có khối chuyên, ông Chương thích mô hình trường có khối chuyên hơn. Bởi nó buộc các trường chuyên không thể cắt xén chương trình phổ thông như tình trạng phổ biến trước đây và có thể giờ vẫn tồn tại.
"Giai đoạn trước, trường chuyên cắt xén chương trình là chuyện bình thường. Chẳng hạn, lớp chuyên Toán, Lý, Hóa thì được xem nhẹ Sử, Địa, Giáo dục công dân. Các môn như Công nghệ, Thể dục thậm chí dạy cho có. Còn với trường THPT có khối chuyên, việc giảng dạy trở nên toàn diện hơn", ông giải thích.
Về đầu tư cơ sở vật chất, trường chuyên được đầu tư gấp hơn 10 lần trường thường bởi khi có trường chuyên, các tỉnh tập trung nhiều cho trường này để luyện "gà nòi", lấy thành tích. Từ năm 2010, Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 (đề án 959), các trường chuyên còn được đầu tư và ưu ái nhiều hơn, từ đội ngũ giáo viên, kinh phí, hội thảo.
"Trường chuyên không khác gì trường đại học thu nhỏ của phổ thông", ông Chương nói và cho rằng điều này khiến học sinh, giáo viên nhìn vào sẽ nhận ra ngay sự chênh lệch, đặc biệt khi so sánh với các trường vùng khó khăn.
Tuy có những bất cập như vậy, ông Chương cho rằng không được tư nhân hóa trường chuyên vì đây là nơi bồi dưỡng nhân tài, cần được nhà nước đầu tư. Cũng không nên bỏ trường chuyên trong lúc này. Điều quan trọng là phải điều chỉnh, quản lý như thế nào để trường chuyên tốt hơn.
Chương trình dạy và học của trường chuyên cần thay đổi chứ không phải theo hướng quá nặng nề môn chuyên và coi nhẹ các môn khác. "Chọn người giỏi là rất khó. Vậy nên hãy nuôi dưỡng những học sinh đó thành những người giỏi toàn diện, giỏi nhiều kỹ năng chứ không phải là học sinh chuyên Toán thì Văn mờ tịt", ông Chương nói. Với những học sinh được tập trung để thi cấp tỉnh, quốc gia, các em sẽ được học nhiều tiết ở môn đó hơn.
Để điều chỉnh trường chuyên, ông Chương cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải mời chuyên gia có thực tế nghiên cứu, phân tích chứ không thể mời những người chưa dạy chuyên bao giờ để xây dựng chương trình học trong trường chuyên, từ đó tính toán lại chương trình, đội ngũ giáo viên, xây dựng khối chuyên trong trường THPT như thế nào. "Không thể ưa khối chuyên là để còn không ưa là bỏ được", ông Chương nhấn mạnh.
Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) trong một sự kiện tại trường. Ảnh: Mạnh Tùng.
TP HCM, nơi có số lượng học sinh đông nhất nhì nước, hiện có hai trường THPT chuyên là Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa. Ngoài ra, thành phố còn có bốn trường THPT có các lớp chuyên là Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hữu Huân. Hai trường năng khiếu thuộc đại học trên địa bàn gồm Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) và Trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TP HCM).
Làm lãnh đạo ngành giáo dục TP HCM hơn 10 năm về trước, ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo), cho rằng vẫn nên duy trì trường chuyên. Học sinh thời nào cũng có em học giỏi, trung bình hoặc yếu. Có những học sinh giỏi toàn diện, nhưng có em đặc biệt xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, do đó cần môi trường chuyên để phát triển. "Tôi không muốn nói đó là những nhân tài, kiệt xuất mà là có tài năng, cần ươm mầm để sau này giúp ích cho xã hội. Ở một ngôi trường chuyên, các em sẽ có những điều kiện đó", ông nói.
Trường chuyên tất nhiên được ưu tiên phát triển về cả nhân sự, tài chính cũng như chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, nhu cầu học trường chuyên và việc duy trì, phát triển trường chuyên cần được xem lại. Nếu như 15 năm trước, thành phố phải mở hệ chuyên ở các trường THPT thường thì nay đã thu hẹp. Ba năm trước, thành phố dừng tuyển sinh các lớp chuyên tại ba trường ngoại thành là THPT Nguyễn Hữu Cầu, Củ Chi và Trung Phú do không tuyển đủ chỉ tiêu.
"Cần đánh giá tổng quan hệ thống trường chuyên để sắp xếp, quy hoạch lại quy mô, phát triển trường chuyên theo hướng chuyên sâu, chọn lọc những em xuất sắc", ông Ngai nói. Không chỉ ở TP HCM, ông Ngai cũng cho rằng các tỉnh thành không nhất thiết phải duy trì 1-2 trường chuyên.
Ở góc nhìn khác, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) cho rằng có hiện tượng "lạm phát" trường chuyên trên cả nước. Hầu hết tỉnh, thành đều có một trường chuyên, những thành phố lớn có 2-3 trường. Song hiệu quả, triết lý giáo dục trường chuyên đang đi đúng đường ray hay không là chuyện đáng bàn. Bởi thực tế ở nhiều trường chuyên hiện nay dạy học theo kiểu "luyện gà", tham gia các kỳ thi học sinh giỏi để săn thành tích về cho trường.
Theo thầy Phú, cầnrà soát tổng thể hệ thống trường chuyên và công khai cho xã hội những vấn đề về chất lượng, đào tạo và đóng góp. Thứ nhất, chưa có thống kê toàn diện nhưng theo quan sát, học sinh trường chuyên phần lớn có xuất thân từ con nhà có khá giả. Các em được tạo những điều kiện tốt nhất cho việc học từ bé, ôn tập các lớp luyện thi. "Bao nhiêu em trong trường chuyên là con nhà nghèo vượt khó học giỏi? Con số này theo tôi có ý nghĩa quan trọng. Nó nói lên một điều rằng, nếu gia cảnh các em học chuyên khá giả thì phụ huynh nên đóng góp nhiều hơn, giảm bớt các khoản đầu tư từ nhà nước", thầy Phú nói.
Thứ hai, cần thống kê tỷ lệ học sinh trường chuyên đạt thủ khoa đại học top trên, giải quốc tế so với các trường THPT thường. Hiện, đa số học sinh trường chuyên chọn con đường du học nên cần thống kê cả số lượng các em tốt nghiệp trở về nước phục vụ. Những con số này nói lên chất lượng của trường chuyên cũng như đóng góp cho cộng đồng. Nếu không quá vượt trội so với trường THPT thường thì không nên duy trì hệ thống trường chuyên dày đặc như hiện nay.
Thứ ba, chất lượng giáo viên của trường chuyên có hơn trường thường hay không cũng cần được khảo sát. "Theo tôi, giáo viên trường chuyên phải chuẩn hóa 100% thạc sĩ và có tỷ lệ lớn là tiến sĩ", thầy Phú nói và cho rằng trường chuyên phải là nơi phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có tài năng, năng khiếu đặc biệt để các em có thành công rực rỡ trong lĩnh vực đó, đóng góp cho xã hội. Theo triết lý đó, chuyên không chỉ là là Toán, Lý, Hóa, Tin như hiện nay mà phải mở rộng ra theo lĩnh vực, gồm Khoa học tự nhiên, Xã hội nhân văn, Nghệ thuật, Thể dục thể thao. Do đó, đầu vào trường chuyên phải thực sự là những em xuất sắc.
Trường chuyên không đặt nặng số lượng đầu vào mà phải đặt vấn đề chất lượng. Vì thế, ông Phú phản đối việc tuyển lớp thường trong trường chuyên cũng như mở lớp chuyên trong trường THPT thường. "Một địa phương lớn như TP HCM chỉ cần 2-3 trường chuyên là đủ. Các địa phương khác, không cần tỉnh nào cũng có mà nên đặt trường chuyên theo khu vực. Chẳng hạn Cần Thơ có một trường cho các tỉnh Tây Nam Bộ, ở Huế một trường cho các tỉnh Bắc Trung Bộ", ông Phú đề xuất.
Ngoài ra, thầy Phú cũng ủng hộ phương án xã hội hóa trường chuyên bởi đây cũng là chủ trương chung của ngành giáo dục. Nhà nước không thể đổ quá nhiều tiền của phục vụ lợi ích cho một nhóm nhỏ. Ngân sách cần thiết cho nhiều việc lớn hơn. Phụ huynh muốn con mình được học trong một môi trường tốt, chất lượng thì cần phải đầu tư nhiều hơn.
Năm học 2018-2019, cả nước có 76 trường chuyên, trong đó 71 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 5 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học, ngoài ra còn có lớp chuyên thuộc các trường. Một số tỉnh thành có nhiều hơn một trường chuyên như Hà Nội, TP HCM, An Giang, Bình Định, Bình Phước, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Nam.
Trường chuyên: chống những biến tướng hơn là xóa bỏ Các chuyên gia cho rằng mô hình trường chuyên cần thiết là để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Vì thế, không thể xóa bỏ mô hình này. Vấn đề là phải tăng cường quản lý để chống những biến tướng. (Ảnh minh họa: PM/Vietnamplus) Tranh luận về sự tồn tại của mô hình trường chuyên đang thu hút sự quan tâm...