Trường bắt phụ huynh ký giấy khất nợ
Cha mẹ học trò vùng sâu huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã làm đơn kêu cứu về việc trường cấp 2-3 thu quá nhiều khoản với học sinh, ai không có tiền phải làm đơn khất nợ.
Nhiều khoản thu vô lý
Trước đây, học sinh một số xã vùng sâu huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông phải đi học cấp 3 xa mấy chục cây số ra thị trấn hoặc thị xã Gia Nghĩa. Trường THCS và THPT Lê Duẩn được xây dựng tại xã Quảng Sơn mang lại niềm vui lớn cho người dân trên địa bàn. Vậy nhưng, vừa đi vào hoạt động, trường đã gây bức xúc cho cha mẹ học sinh bởi tự đặt ra nhiều khoản thu vô lý.
Trường THCS và THPT Lê Duẩn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (ảnh lớn); Ông Lê Đức Ánh, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Duẩn trao đổi với phóng viên (ảnh nhỏ).
Video đang HOT
Năm học 2013-2014 vừa kết thúc, nhà trường chưa họp tổng kết các khoản chi đã thông báo thu tiền năm học mới không có sự thống nhất, chấp thuận của cha mẹ học sinh. Theo đó, mỗi học sinh phải đóng đến 16 khoản, tổng số tiền phải nộp từ 2.450.000-2.670.000 đồng.
Trong đó, có những khoản thu bắt buộc nằm ngoài quy định của nhà nước như quỹ hoạt động dạy và học, điện, máy bơm nước, đồng phục, tu sửa cơ sở vật chất, nâng cấp phòng máy vi tính, bảo trì máy phô tô, ôn tập, phụ đạo, photo giấy thi…
Ông Phan Thế Huyến thôn 1B bức xúc vì bị thu tiền đầu năm học cao, việc chuyển cấp cho con từ tiểu học lên THCS cũng khó khăn, nhà trường bắt đóng tiền mua đồng phục rồi mới nhận hồ sơ.
“Mỗi học sinh phải đóng từ 410.000-670.000 đồng tiền đồng phục. Xã nghèo, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số mà nhà trường bắt phải mặc đồng phục thì có đúng với quy định của nhà nước không ?”.
Ông Ngô Anh Sáng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Sơn có 3 con đang theo học tại trường cho biết: Quảng Sơn là xã thuộc diện 135, có 13 thôn, bon thì 7 bon đồng bào tại chỗ, 3 thôn đồng bào phía Bắc di cư vào, tỷ lệ hộ nghèo 32%.
“Chưa vào học mà nhà trường thông báo phải đóng 2,45-2,67 triệu đồng/học sinh theo cấp học, tôi cũng thấy choáng váng. Nhiều khoản thu không đúng quy định như tiền đồng phục, tiền học thêm,… rất không phù hợp với xã này !
Bắt phụ huynh ký giấy khất nợ
Ông Nguyễn Anh Đức, nguyên hội trưởng Hội Cha mẹ phụ huynh trường THCS và THPT Lê Duẩn cho biết: Khoản tiền phải đóng cho mỗi học sinh đầu năm quá lớn, không ít phụ huynh đã đến trường năn nỉ giảm phí, khất nợ nhà trường để con tiếp tục được đi học.
Ông Lê Đức Ánh – Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Duẩn phủ nhận: Không có chuyện phụ huynh ký giấy khất nợ, mà chỉ có đơn xin hoãn và hẹn thời gian nộp!
Tuy nhiên, một số giáo viên dạy tại trường tiết lộ quy trình khất nợ, “phụ huynh phải viết giấy nộp lại cho thầy hiệu trưởng, thầy “ký nháy” vào góc, giáo viên mới được nhận học sinh. Khi có thanh tra về thì thầy quy trách nhiệm cho thầy cô thu tiền. Năm học 2013-2014, trường có hơn 900 học sinh thì khoảng 500-600 giấy khất nợ của cả học sinh và phụ huynh”.
Một số khoản thu khác, ông Ánh giải thích: Tiền bảo trì máy photo nhà trường thu nhưng không thực hiện chi được nên đã bàn giao lại cho Hội quản lý. Tiền photo giấy thi thì được đa số phụ huynh các lớp đồng ý. Tiền đồng phục, học thêm thực hiện trên tinh thần tự nguyện học sinh làm đơn thì bố trí lớp dạy.
“Các khoản thu năm học 2013-2014, thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã về làm việc và đã có kết luận, nhà trường đã rút kinh nghiệm. Còn năm học 2014-2015, mới họp phụ huynh lấy ý kiến làm dự thảo thu chứ chưa triển khai thu” – ông Ánh vòng vo.
Năm ngoái, tháng 9/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông từng tổ chức thanh tra về các khoản thu đầu năm học 2013-2014, việc tổ chức dạy thêm, học thêm của trường THCS và THPT Lê Duẩn, và ra Kết luận thanh tra số 1392/KL – SGDĐT.
Kết luận ghi rõ: Hiệu trưởng nhà trường không chấp hành nghiêm túc các văn bản quy định của nhà nước, thông báo thu các khoản đầu năm học không đúng thẩm quyền, chưa bàn bạc dân chủ, thống nhất với cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể, tùy tiện đề ra các mức thu quá cao, thông báo thu sai khi chưa tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh toàn trường.
Tập thể lãnh đạo nhà trường chưa quán triệt đầy đủ các văn bản quy định trong dạy thêm, học thêm, thu chi học phí chưa rõ ràng, thu phí cao, số tiền chưa chi còn nhiều nhưng lại chưa có phương án sử dụng. Các khoản chi của ban đại diện cha mẹ học sinh chưa quyết toán cuối năm chưa chặt chẽ, thiếu công khai minh bạch. Yêu cầu nhà trường trả lại những khoản thu chưa thực hiện như bảo trì máy tính.
Nhiều phụ huynh đến nay vẫn bất bình vì không biết thanh tra yêu cầu nhà trường trả lại bao nhiêu tiền cho phụ huynh? Và số tiền chi chưa hết sử dụng như thế nào? Đầu năm học 2014-2015 nhà trường tiếp tục sai phạm khi vẫn bắt học sinh chuyển trường phải nộp ngay khoản tiền đồng phục mới nhận hồ sơ.
Theo Lê Hường/Báo Tiền Phong