Trước thềm năm học mới: Băn khoăn lựa chọn sách giáo khoa
.Quyết định thực hiện 1 chương trình giáo dục, nhiều sách giáo khoa nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ các địa phương. Song, đầu mối nào giữ vai trò quyết định trong việc lựa chọn sách là vấn đề được nhiều người quan tâm, bàn luận.
Quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đòi hỏi cán bộ quản lý phải đưa ra định hướng đúng đắn. Ảnh: Hữu Cường
Tăng tính tự chủ cho nhà trường
Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh ( Nghệ An) cho rằng: Nên giao cho hiệu trưởng các trường lựa chọn tài liệu giảng dạy, trên cơ sở bảo đảm các chuẩn kiến thức kỹ năng bài học theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Bởi hiệu trưởng là người hiểu rõ nhất về đặc điểm, tình hình thực tế cũng như mục tiêu tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường. Khi các trường được tự chủ xây dựng chương trình, họ cũng sẽ lựa chọn được tài liệu dạy học theo chương trình đó.
“Tại TP Vinh, địa bàn có số lượng đơn vị trường lớp nhỏ, mặt bằng kinh tế, xã hội khá đồng đều nhau, nhưng mỗi trường đã có sự khác nhau về điều kiện cơ sở vật chất, mặt bằng chất lượng HS, đội ngũ GV… Đơn cử, Trường THCS Đặng Thai Mai, trường trọng điểm, chất lượng cao của thành phố, ngoài việc bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng theo quy định của Bộ GD&ĐT, còn có các nội dung tăng cường cho HS. Như vậy, việc lựa chọn tài liệu SGK không thể giống như các trường còn lại”, bà Hoàng Phương Thảo.
Cũng theo bà Thảo, lâu nay nhiều người nghĩ SGK là cho HS, nhưng thực tế còn hỗ trợ GV trong phương pháp dạy học, và cho cả phụ huynh trong phối hợp với thầy cô, nhà trường để giáo dục các con.
Vì vậy, việc lựa chọn sách đặc biệt quan trọng, nên có sự tham gia của hiệu trưởng và cả đội ngũ GV cốt cán từng trường. Tất nhiên không phải hiệu trưởng nào cũng đủ năng lực để quyết định được mà phải có sự định hướng của phòng, sở GD&ĐT.
Video đang HOT
Thầy Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng Trường THCS Lục Dạ (huyện Con Cuông, Nghệ An) nêu ý kiến: Là trường miền núi với hầu hết HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên để hiệu trưởng chọn SGK là phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở cố vấn của Phòng GD&ĐT.
Tự chọn trên cơ sở chung
Liên quan đến việc lựa chọn SGK, có ý kiến cho rằng, nếu để từng trường lựa chọn và xây dựng chương trình địa phương dễ dẫn đến tình trạng loạn tài liệu dạy học và gây hoang mang cho phụ huynh.
Theo ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò, các bộ SGK đều có đội ngũ chuyên gia biên soạn và được Bộ GD&ĐT thẩm định. Mục đích cuối cùng là đáp ứng khung chương trình và chuẩn kiến thức kỹ năng, nên các bộ sách sẽ tương đồng với nhau chứ không khác biệt quá nhiều. Các địa phương sẽ lựa chọn tài liệu dạy học nào phù hợp với thực tiễn. Dù vậy, việc chọn sách cũng phải phù hợp với cái chung của toàn tỉnh vì còn liên quan đến các kỳ thi, đánh giá HS.
Đến lúc nào đó các hiệu trưởng có thể chủ động lựa chọn SGK cho trường mình, nhưng sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để thúc đẩy, đổi mới năng lực tư duy của đội ngũ quản lý giáo dục ở cơ sở.
Ông Thái Văn Thành
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng, không phải hiệu trưởng nào cũng đủ kinh nghiệm để lựa chọn sách giáo khoa cho riêng trường mình, bởi bên cạnh người có thâm niên quản lý cũng có những hiệu trưởng mới bổ nhiệm, sẽ không tránh khỏi lúng túng trong lựa chọn, thẩm định sách. Bà Hà nhấn mạnh: Việc xác định một bộ SGK thống nhất trong phạm vi một địa phương sẽ thuận lợi hơn trong chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra, đánh giá.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hỷ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bày tỏ: SGK cần thống nhất trong địa bàn của một tỉnh, thành phố để tạo mặt bằng chung của địa phương. Còn theo bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), Sở GD&ĐT cần thành lập Ban chỉ đạo trong đó có sự tham gia của lãnh đạo sở, một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và GV nòng cốt để lựa chọn SGK dùng chung cho toàn địa phương thì sẽ tối ưu hơn.
Sớm tập huấn, bồi dưỡng
Trao đổi về việc thực hiện 1 chương trình nhiều bộ SGK, ông Thái Văn Thành – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ: Đây là điều tất yếu, thế giới đã thực hiện từ lâu. Trước đây, SGK là pháp lệnh, GV phải dạy theo đúng số tiết, số bài quy định. Nhưng bây giờ, chương trình mới là pháp lệnh, gồm có chương trình quốc gia và chương trình địa phương. SGK phải phản ánh đúng chuẩn đầu ra, kiến thức, kỹ năng, thái độ của chương trình.
Về việc lựa chọn SGK, ông Thái Văn Thành khẳng định: Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chọn bộ sách nào. Trước khi chọn, Sở sẽ lấy ý kiến của nhà trường, của các phòng GD&ĐT và có thể đến từng GV. Chương trình địa phương là do Sở GD&ĐT chủ trì xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định. Sở sẽ phải nhờ đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo và nhiều lực lượng khác.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, Sở đã lên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ chuẩn bị cho thay SGK. Cụ thể, sau khai giảng, Sở sẽ mời đại diện Học viện Quản lý giáo dục bồi dưỡng cán bộ quản lý và mời ĐH Vinh tập huấn cho toàn bộ giáo viên lớp 1. Năm sau, sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho lớp 2 và lớp 6, tuần tự qua các năm học theo lộ trình thay sách của Bộ GD&ĐT.
Hồ Lài – Hà Nguyên
Theo GDTĐ
Bến Tre lưu ý các hoạt động đầu năm học mới
Sở GD&ĐT Bến Tre vừa có văn bản gửi phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc, trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố lưu ý thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2019-2020.
Ảnh minh họa/internet
Trong đó yêu cầu các đơn vị tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp.
Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh.
Trong chương trình khai giảng năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT yêu cầu, đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức "Ngày hội đến trường của bé" một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Sau phần "Lễ", các cơ sở giáo dục tổ chức một số hoạt động để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày lhai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Các hoạt động cần đảm bảo thời gian, đảm bảo sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường.
Tùy tình hình thực tế tại đơn vị, thủ trưởng đơn vị xem xét có thể tổ chức tọa đàm giữa cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh nhà trường với lãnh đạo và đại biểu các cấp để trao đổi, chia sẻ, giúp tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, hạn chế của đơn vị. Lưu ý: Việc tổ chức tọa đàm phải chuẩn bị tốt về nội dung, hình thức để đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu cơ sở giáo dục phối hợp, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt lưu ý các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc đưa đón học sinh. Thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng "lạm thu". Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học...
Hải Bình
Theo GDTĐ
Bến Tre: Xử nghiêm người đứng đầu cơ sở GD để xảy ra sai phạm thu, chi Thực hiện Công văn 3421/BGDĐT-VP của Bộ GD&ĐT về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Bến Tre đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc. Ảnh minh họa/ INT Yêu cầu tổ chức các hoạt động đón HS đầu cấp học; tổ chức cho HS tìm hiểu về truyền thống và các...