Trước mua máy bay, Thủ tướng phải bảo lãnh, giờ tư nhân mua dễ dàng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến thực tế này như một ví dụ minh chứng cho việc thay đổi thể chế, tháo gỡ vướng mắc cho việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Theo đó, nhiều nhà đầu tư tâm huyết nhưng vì những nút thắt mà nản lòng…
Thủ tướng nói về vấn đề này tại cuộc họp ngày 16/3 với Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Thủ tướng nhấn mạnh, GTVT là lĩnh vực quan trọng, những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực này đang là nút thắt trong phát triển kinh tế- xã hội.
Đánh giá cao Bộ GTVT đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao và hoan nghênh tinh thần chống tiêu cực, tham nhũng, tiết kiệm trong phát triển GTVT, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập đối với ngành, trước hết là thể chế, cơ chế, chính sách còn tồn tại nhiều vướng mắc. Còn một bộ phận cán bộ chưa năng động, chưa bám việc, sáng tạo nên có một số việc chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển.
Thủ tướng tại cuộc làm việc với Bộ GTVT.
Một bất cập nữa của ngành là thiếu vốn nghiêm trọng. Nhu cầu vốn đầu tư trong 5 năm 2016-2020 gần 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành chưa giải ngân hết vốn xây dựng cơ bản 2016, trong chuẩn bị đầu tư còn có nhiều vấn đề, nhất là các dự án BOT.
Theo Thủ tướng, còn nhiều tồn tại trong thực tiễn mà chưa giải quyết được như quy trình hợp tác công-tư (PPP), phát triển đồng bộ GTVT. “Thể chế còn vướng mắc nhiều thứ nên chúng ta chưa huy động vốn xã hội được. Tôi biết có nhà đầu tư tâm huyết, rất muốn làm, nhưng vì thể chế của chúng ta nên họ nản lòng”, Thủ tướng bày tỏ.
Về yêu cầu, định hướng cho Bộ GTVT phát triển thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là tìm mọi biện pháp phát triển ngành GTVT để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Không vì khó khăn về kinh phí mà để đây tiếp tục là nút thắt.
Thứ hai, phải dựa vào dân, nguồn lực xã hội để phát triển GTVT. Vì vậy, cần xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể cung cấp vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở hạ tầng GTVT thành công .
Video đang HOT
“Hồi trước mua máy bay, Thủ tướng phải bảo lãnh. Bây giờ tư nhân mua máy bay có ai bảo lãnh mà đội bay thêm được bao nhiêu”, Thủ tướng nêu ví dụ về xã hội hóa, dựa vào nguồn lực từ người dân để phát triển. Đó là lối ra khi mà nguồn vốn Nhà nước bố trí được để phát triển GTVT chỉ mới đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu.
Thứ ba, phải tháo gỡ mọi thể chế, sửa sớm, bãi bỏ các thể chế cản trở, là rào cản để tiến hành PPP và các giải pháp thu hút nguồn vốn khác. Bộ GTVT phải chủ động đề xuất cơ chế, tìm nguồn và hướng xử lý.
Yêu cầu biện pháp mạnh mẽ hơn chống “cát tặc”
Thủ tướng: “Không vì khó khăn về kinh phí mà để giao thông tiếp tục là nút thắt”.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ban hành năm 2013, Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó quan tâm thúc đẩy vận tải đa phương thức.
Chú trọng bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng công trình giao thông, không để tình trạng “một trận mưa mà công trình đã xuống cấp”, để làm sao với định mức, đơn giá đó thì chất lượng giao thông phải tốt hơn.
Thứ năm là sử dụng vốn Nhà nước. Thủ tướng cho rằng, với nguồn vốn ít ỏi thì nhà nước làm vốn mồi là chính và phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để tăng hiệu quả sử dụng. Các cấp, các ngành, địa phương phải tìm nguồn bổ sung trong quá trình điều hành, kể cả hình thức như cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng. Đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn.
Thứ sáu, phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng GTVT, trưởng các đơn vị trong việc quyết định những chủ trương phát triển giao thông.
Thứ bảy, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong GTVT, trong điều hành bay, trạm thu phí không dừng, vật liệu mới, phương pháp thi công cầu lớn…
Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GTVT.
Thứ chín, Bộ GTVT chủ trì, chủ động xây dựng, trình Thủ tướng một số cơ chế đặc thù trong phát triển đường cao tốc, đẩy mạnh hợp tác PPP và một số công việc có liên quan.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý gấp một số vấn đề nóng. Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia phải trực tiếp bàn với Bộ Tài chính xung quanh vấn đề phạt vi phạm giao thông, có biện pháp mạnh mẽ hơn trong chống “cát tặc”, xử lý vấn đề đường ngang dân sinh qua đường sắt.
Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT tập trung làm 1 km đường mẫu, từ đó có thể tính được cụ thể chi phí đầu tư, để xem “định mức làm sao, bao nhiêu cát, bao nhiêu xi măng, nếu làm đường nhựa thì như thế nào”…
Yêu cầu các bộ, ngành liên quan chung tay, chung sức tháo gỡ nút thắt về giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành hoàn thành việc sửa một số Nghị định trong tháng 4/2017.
Theo Dantri
Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa
Bộ Công an được giao khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3/2017.
Bộ trưởng Giao thông có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3, về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Khai thác cát trên sông. Ảnh minh họa: Nguyễn Hưng.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành có văn bản gửi Thủ tướng; Bộ trưởng Giao thông đề nghị tiếp tục tạm dừng dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra việc "các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa" cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Thời gian qua, một số lãnh đạo cơ quan tại Bắc Ninh đã bị "khủng bố" tin nhắn, điện thoại với nội dung phải để cho dự án trên sông Cầu tiếp tục được thực hiện. Ngày 15/3, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh xác nhận gần đây ông cũng bị "đe dọa".
Các diễn biến nêu trên liên quan đến việc UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị tạm dừng một dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, vì cho rằng trong quá trình làm dự án đã xảy ra tình trạng hút cát trái phép.
Bắc Ninh lo ngại việc này dẫn đến bờ bãi sông đã bị sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, khiến phải chi hàng chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Xuân Hoa
Theo VNE
Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cầu cứu Thủ tướng vì bị đe doạ Sau khi đề nghị dừng các dự án khai thác cát, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cùng một số cán bộ đã bị gọi điện thoại, nhắn tin đe doạ. Ảnh minh hoạ: Bá Đô Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành có văn bản gửi Thủ tướng; Bộ trưởng Giao thông vận tải đề nghị tiếp...