Trung tâm học tập cộng đồng: Nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ.
Nhờ các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cắm sâu trên các địa phương cơ sở, người dân được trang bị kiến thức về mọi mặt, góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết vấn đề việc làm. Tuy nhiên để TTHTCĐ phát huy được đúng bản chất như mong muốn, có lẽ bài toán khó này sẽ còn trường kì.
TTHTCĐ là cơ sở giáo dục thường xuyên được thành lập theo nguyên tắc “vì dân, do dân và của dân” do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý và chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Với nhiệm vụ tạo điều kiện, cơ hội để người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, TTHTCĐ đã và đang là công cụ, là phương tiện để phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập.
“Trăm nghe không bằng một thấy”.
Trung tâm tập học tập cộng đồng xã Phú Hộ, Thị xã Phú Thọ (Phú Thọ).
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước có 11.019 TTHTCĐ, đạt tỷ lệ 98,71% số xã, phường, thị trấn trong cả nước có TTHTCĐ và tính đến hết năm học 2017-2018, số lượt người tham gia học tập tại các TTHTCĐ lên tới gần 19 triệu lượt người. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế ghi nhận tại một số TTHTTCĐ các địa phương, hoạt động của mô hình học tập này còn quá nhiều khó khăn, bất cập.
PV Dân trí có mặt tại TTHTCĐ xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đúng vào ngày trung tâm không có lịch học nào nên nơi đây vô cùng vắng vẻ. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chủ tịch (PCT) Hội khuyến học kiêm Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Kim Bình, một cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm. Chả thế mà 13 năm kể từ ngày về hưu tới nay, ông Trực vẫn gắn bó với công tác khuyến học của xã.
Ông Trực phấn khởi kể cho chúng tôi những nỗ lực của Ban giám đốc (BGĐ) trung tâm về phát triển hoạt động của TTHTCĐ xã. Theo đó, hình thức tổ chức của trung tâm được duy trì theo quý hoặc theo từng chuyên đề cụ thể về trồng chọt, chăn nuôi, sửa chữa điện, xe máy…, các lớp học được người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia.
Lớp học sửa chữa cơ khí, điện máy cho thanh niên.
Dẫu lòng nhiệt tình là thế nhưng những khó khăn trước mắt để duy trì hoạt động của TTHTCĐ xã là điều mà ông Trực luôn trăn trở, gọi là TTHTCĐ nhưng trung tâm không có trụ sở làm việc riêng nên phải tận dụng các nhà văn hóa để làm nơi học tập.
Bên cạnh đó, theo quy định, mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động của TTHTCĐ quá ít ỏi, để tổ chức các hoạt động của trung tâm, BGĐ phải tìm nhiều cách để huy động các nguồn xã hội hóa từ tổ chức, doanh nghiệp…
Một ví dụ khác tại tỉnh Hà Giang, một tỉnh chủ yếu là người dân tộc thiểu số Mông, Tày, Dao nên còn gặp khó trong công tác vận động người dân tới TTHTCĐ học tập. Trao đổi với PV, ông Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 195/195 TTHTCĐ tại các xã, nhưng chỉ 14 trung tâm có trụ sở riêng.
Lớp học xóa mù chữ cho đối tượng từ 15 đến 60 tuổi tại điểm trường thôn Cốc Méo, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang).
Video đang HOT
Để góp phần giúp các TTHTCĐ lựa chọn nội dung học tập theo đúng phương châm “cần gì học nấy”, tỉnh đã soạn thảo 6 quyển tài liệu về các chương trình học, mỗi quyển 15 chuyên đề phù hợp với điều kiện các địa bàn để các TTHTCĐ vận dụng vào việc giảng dạy. Tuy nhiên, do đặc thù tỉnh miền núi sát biên giới nên nhận thức về việc học của người dân còn hạn chế. BGĐ các TTHTCĐ phải rất khéo léo mới vận động họ đến học chữ, học nghề, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”, ông De băn khoăn.
Hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các tỉnh đều chỉ đạo xây dựng phát triển TTHTCĐ theo cách: Cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành chỉ thị, nghị quyết; Hội Khuyến học cùng ngành GD&ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn thực hiện; chỉ đạo làm thí điểm, tổ chức tập huấn; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sau đó triển khai mở rộng thực hiện từ điểm ra diện rộng.
Đồng thời, cơ cấu bộ máy quản lý các TTHTCĐ tương đối gọn nhẹ, thường gồm 3 người: giám đốc là Phó Chủ tịch (PCT) UBND cấp xã, 2 Phó giám đốc là hiệu trưởng trường tiểu học hoặc THCS trên địa bàn và Chủ tịch hoặc PCT Hội khuyến học cấp xã.
Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đây là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc phát triển hoạt động của các TTHTCĐ. Bởi bộ máy quản lý này chưa thực sự phát huy tác dụng vì cán bộ đều làm việc kiêm nhiệm, hay thay đổi vị trí công tác và chưa được trang bị kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để quản lý điều hành mô hình TTHTCĐ.
Thời gian qua, để tận dụng nguồn lực về cơ sở vật chất và huy động sự tham gia của các thiết chế văn hóa cấp xã, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương thí điểm mô hình phối kết hợp TTHTCĐ với các nhà văn hóa, trung tâm thể thao cấp xã thành mô hình trung tâm văn hóa thể thao – học tập cộng đồng (TTVHTT-HTCĐ), GD Dong cung cấp thêm thông tin.
Lớp học về kĩ thuật chăn nuôi cho bà con nhân dân tại Thị xã Phú Thọ (Phú Thọ).
Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện có khoảng 4.286 TTHTCĐ kết hợp theo mô hình này, chiếm tỷ lệ 38,67%. Nhìn chung, mô hình kết hợp này khá hiệu quả và có một số ưu điểm như tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà văn hóa xã, trung tâm thể thao xã để triển khai các hoạt động dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ông Hinh nhìn nhận, hiện nay chưa có quy chế tổ chức và hoạt động cho mô hình TTVHTT-HTCĐ nên các địa phương còn lúng túng trong quản lý và điều hành. Cá biệt, có nơi không có nhân sự của ngành giáo dục và hội khuyến học nên không thực hiện chức năng, nhiệm vụ của TTHTCĐ theo quy định như: Quảng Ninh, Bình Định…
Khác với trường học chính quy, TTHTCĐ là hình thức học tập mới được tổ chức tại Việt Nam nhưng chưa nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, nên chưa có danh mục để đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là trở ngại rất lớn trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp tài liệu và trang thiết bị học tập. Nguồn lực để tổ chức và duy trì hoạt động của TTHTCĐ chủ yếu dựa vào tinh thần trách nhiệm của ngành GD&ĐT, của hội khuyến học và chính quyền địa phương cùng lòng nhiệt thành của người dạy và người học, ông Hinh cho biết thêm. (Còn tiếp…)
Hiện nay, theo Thông tư số 96/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các TTHTCĐ tối thiểu là 20 triệu đồng/năm/trung tâm đối với các TTHTCĐ thuộc các xã khu vực I và 25 triệu đồng/năm/trung tâm đối với các TTHTCĐ thuộc các xã khu vực II và III.
Hà Cường.
Theo Dân trí
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Trường Đại học hãy là hình mẫu đầu tiên của học tập suốt đời"
"Trường ĐH hãy là hình mẫu đầu tiên của học tập suốt đời. Chúng ta đã có nhiều đổi mới, nhưng để trở thành đơn vị học tập mẫu mực thì nhiều trường phải chú ý nhiều hơn".
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Vai trò của trường Đại học với việc học tập suốt đời của người lớn" tổ chức sáng ngày 16/10.
Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Xây dựng xã hội học tập cần sự tham gia của cả hệ thống
Nhắc lại sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 29 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập mang tính hệ thống từ nhiều năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới mang tính kế thừa nhưng phải vượt qua nhiều trở ngại. Các vấn đề xã hội nói chung, đặc biệt là giáo dục, đã tồn tại, tích tụ từ rất lâu và thường không thể giải quyết được ngay, mà phải có quá trình, có bước trung gian, không bao giờ hoàn hảo.
Theo Phó Thủ tướng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục xác định có nhiều việc phải làm, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính. Trước hết là đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhưng khi chưa biên soạn xong chương trình, sách giáo khoa từng môn học thì dù có cố gắng mới thì các vấn đề như giảm tải chưa được khắc phục. Nhưng ngành giáo dục cũng tăng cường hơn việc dạy làm người, khôi phục lại nếp hát quốc ca trong lễ chào cờ, vệ sinh trường học, tập thể dục giữa giờ...
Tiếp đó là triển khai lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia trong 6 năm (2015-2020) để quy từ 3 kỳ thi căng thẳng, tốn kém xuống còn 1 kỳ thi gọn nhẹ, không gây căng thẳng, áp lực cho học sinh, xã hội. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã được giao phải xây dựng và công bố phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 vào năm 2019 theo hướng tiếp cận với giáo dục thế giới.
Đổi mới giáo dục đại học (ĐH) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện thí điểm tự chủ, thay đổi phương thức quản trị với 23 trường ĐH và trường nghề được tự chủ và tinh thần này đã được đưa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sắp tới. Cùng với đó là những đổi mới trong tuyển sinh, tự chủ học thuật, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học...
"Tuy nhiên, phần giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập dù đã bắt đầu nhưng chưa được chú ý", Phó Thủ tướng nhận xét và cho rằng "hội thảo hôm nay chỉ là bước khởi đầu và phải dấy lên thành một mũi đổi mới không kém giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH". Bởi, để đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì một yếu tố rất quan trọng là sự sẵn sàng của nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh đó, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng giúp người lao động thích ứng nhanh hơn với yêu cầu của các nghề nghiệp mới, cũng như tự tạo ra cơ hội, việc làm cho chính mình, không chỉ đối với những người đang nằm trong hệ thống lao động mà cả những người cao tuổi, đã nghỉ hưu. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, chúng ta mới chú ý nhiều đến giáo dục ở trong nhà trường, cung cấp văn bằng chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc gia thay vì những chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, phổ biến tri thức.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc xây dựng xã hội học tập cần sự tham gia của cả hệ thống. Bên cạnh việc ban hành khung khổ pháp lý, định hướng của Nhà nước thì doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng và phải vào cuộc, để sử dụng tốt nhất nguồn lực gồm khoa học, quản trị, nguồn nhân lực...
Còn nhà trường là nhân tố then chốt, đi đầu trong học tập suốt đời. "Chúng ta đang nói đến việc chưa giảm tải chương trình, sách giáo khoa bên cạnh việc chưa ban hành chương trình, sách giáo khoa mới thì giáo viên rất quan trọng. Vì để học sinh cảm thấy bớt áp lực, hứng thú với môn học, bản thân giáo viên phải tìm tòi, sáng tạo, tự nâng cao trình độ chuyên môn", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Các trường đại học cần gắn sát với nhu cầu cộng đồng, người dân
Đối với người học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vẫn còn có tình trạng chương trình học tập người lớn được biên soạn, giảng dạy để đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của các cơ quan, thay vì nguyện vọng thực sự của người học. Chỉ khi giá trị của cá nhân được đánh giá dựa trên năng lực, tri thức thực sự thì mới tạo ra động lực học tập suốt đời mới bền vững.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người học không nhất thiết phải đến trường hay có văn bằng chính thức mà qua nhiều phương tiện khác nhau nhất là thiết bị di động để học mọi nơi, mọi lúc.
Lúc này vai trò của các trường ĐH, theo Phó Thủ tướng, không chỉ mở các lớp học, khoá học cho người lớn, mà còn phải phát triển các học liệu mở, chia sẻ rộng rãi trong đội ngũ giảng viên, sinh viên, và toàn xã hội. Đây là cơ sở để những người khác sửa đổi, cải tiến phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền.
Các trường ĐH cần gắn sát với địa phương, với nhu cầu khác nhau của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp để vừa phục vụ cho đào tạo chính quy, vừa có những giải pháp hỗ trợ, giúp hệ thống học tập cộng đồng tham gia vào phổ biến tri thức. Hiện nay chưa có sự hỗ trợ mang tính hướng dẫn, trợ giúp của trường ĐH cho các trung tâm học tập cộng đồng ở bên dưới.
"Trường ĐH hãy là hình mẫu đầu tiên của học tập suốt đời. Chúng ta đã có nhiều đổi mới, nhưng để trở thành đơn vị học tập mẫu mực thì nhiều trường phải chú ý nhiều hơn", Phó Thủ tướng nói.
Đối với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng yêu cầu cùng với xây dựng khung khổ pháp lý, các chủ trương, chính sách của Bộ phải khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần tự giác, trách nhiệm học tập của cả giáo viên lẫn học sinh, "bớt hướng dẫn cầm tay chỉ việc".
"Cùng với xã hội, trước hết ngành giáo dục, phải xoá bằng được tất cả những căn bệnh hình thức, gian lận trong môi trường giáo dục. Người thầy phải đi đầu gương mẫu trong tự học và xoá bỏ tiêu cực trong giáo dục. Chúng ta sẵn sàng đưa ra khỏi hệ thống những nhà giáo vi phạm đạo đức", Phó Thủ tướng lưu ý.
Về phía các địa phương cần quan tâm hơn đến cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ hội khuyến học các cấp, hệ thống trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cho tốt. Bởi nhiều trung tâm học tập cộng đồng còn hình thức, thậm chí gần như không hoạt động, thì cần xem lại cơ chế, tạo điều kiện, chứ không phải là dẹp bỏ, sáp nhập...
Các trường đại học phải thực hiện mô hình đào tạo mở
Chia sẻ với các đại biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường ĐH không nên coi vấn đề giáo dục ở người lớn là trách nhiệm mà đây quyền lợi được giáo dục suốt đời cho nhiều đối tượng; là động lực để chính bản thân các trường sáng tạo và truyền bá kiến thức đồng thời phải học tập không ngừng để trau dồi thêm nhiều hiểu biết mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Cùng với đó, sinh viên là đối tượng tài nguyên quý giá cho các trường ĐH; vì sau khi ra trường 5 - 7 năm thì họ chính là những người cần cập nhật khoa học công nghệ mới từ chính các trường.
Theo Bộ trưởng Nhạ, các trường ĐH có mạng lưới các nghiên cứu quốc tế lớn, các liên kết đào tạo, các chương trình tiên tiến... là nơi rất tốt giúp người học tiếp cận nhiều kiến thức đạt chuẩn lao động trình độ cao. Khi các học viên thấy có lợi trong việc khai thác chương trình học thì họ sẽ tự động liên kết chặt chẽ với nhà trường, điều này vừa có lợi cho cả trường và người học.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nhạ đưa ra các giải pháp về mặt pháp lý cho công tác giáo dục người lớn tại các trường ĐH; các trường phải tạo được môi trường thuận lợi cho mọi người được gia nhâp và nghiên cứu học mọi lúc, mọi nơi; hệ thống các chương trình phải "mở" hơn, liên thông nhiều cấp học, nhiều ngành học, tạo tối đa điều kiện cho người học lựa chọn môn học, cách học phù hợp với khả năng trong mỗi thời điểm khác nhau.
Ngoài ra, việc tổ chức các trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ, văn hóa...thì các trường phải là cơ sở cung cấp mọi dịch vụ đào tạo chuẩn, đồng thời, phải kiểm định chất lượng nghiêm ngặt.
"Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho các trường được thực hiện một cách tốt nhất và luôn khuyến khích các trường hình thành nhiều mô hình học liệu mở cho các đối tượng người lớn trong xã hội có mong muốn được đến trường tìm hiểu" - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Nhật Hồng - Hà Cường
Theo Dân trí
Thành phố Hồ Chí Minh trao học bổng khuyến tài cho hơn 500 sinh viên Ngày 28/10, Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày hội truyền thống khuyến học và lễ trao học bổng khuyến tài năm học 2018-2019. Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao học bổng cho sinh viên. Ảnh: TTXVN phát Hội khuyến học thành phố đã vinh danh 16 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và 162 sinh...