Trung Quốc tung cơ chế trừng phạt công ty nước ngoài
Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra một cơ chế cho phép nước này trừng phạt các công ty nước ngoài nằm trong danh sách “không đáng tin cậy”.
Hệ thống mới sẽ cân nhắc biện pháp trừng phạt với những thực thể có hoạt động “gây nguy hại đến an ninh, chủ quyền quốc gia và lợi ích phát triển của Trung Quốc”, hoặc vi phạm “các quy tắc thương mại và kinh tế được quốc tế chấp nhận”, Bộ Thương mại nước này cho biết trong một thông cáo hôm nay.
Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm cấm công ty nước ngoài đó tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư ở Trung Quốc và cấm các cá nhân hay trang thiết bị nhập cảnh nước này. Các công ty nước ngoài có thể được gỡ khỏi danh sách nếu chỉnh sửa hành vi của mình và thực hiện các bước xoá bỏ hậu quả mà hành động của họ gây ra.
Quốc kỳ Trung Quốc bên ngoài một khách sạn ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Danh sách cụ thể “các thực thể không đáng tin cậy” chưa được công bố, nhưng sẽ bao gồm các công ty và các cá nhân nước ngoài vi phạm các giao dịch thị trường thông thường ở Trung Quốc, gây gián đoạn các thoả thuận với công ty Trung Quốc hoặc áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử với công ty Trung Quốc.
Video đang HOT
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, danh sách trên sẽ giúp “duy trì một trật tự kinh tế và thương mại quốc tế tự do và công bằng, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp của Trung Quốc, cũng như các tổ chức và cá nhân khác”.
Giới chức sẽ thiết lập một cơ chế làm việc và một văn phòng để hỗ trợ thực thi các công việc liên quan đến danh sách này.
Sau khi chính quyền Donald Trump áp thêm thuế với hàng hoá Trung Quốc và cấm tập đoàn viễn thông Huawei hồi năm ngoái, Trung Quốc đã thề sẽ lập ra một danh sách nhằm trừng phạt những công ty nước ngoài gây tổn hại lợi ích của Bắc Kinh.
Danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” trên được xem như một vũ khí để Trung Quốc trả đũa Mỹ, sau khi Washington cũng dùng “danh sách thực thể” riêng để đẩy Huawei ra khỏi thị trường, đồng thời tiến tới ngăn chặn các ứng dụng mạng xã hội TikTok và WeChat.
Hồi tháng 5, tờ Global Times đưa tin rằng các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào những công ty Mỹ như Apple, Cisco, Qualcomm, trong khi Trung Quốc đình chỉ mua các máy bay của Boeing.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 18/9 đã ra lệnh cấm người dùng tại nước này tải ứng dụng WeChat và TikTok kể từ ngày 20/9 với lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Cơ quan này sẽ yêu cầu gỡ hai ứng dụng Trung Quốc và “cấm cửa” chúng trên AppStore, Google Play hay bất cứ nhà cung cấp ứng dụng nào trên các nền tảng “có thể tiếp cận từ Mỹ”.
Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo chỉ trích và kêu gọi Mỹ “ngừng bắt nạt”.
“Nếu Mỹ quyết làm theo cách của mình, Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty trong nước”, thông cáo cảnh báo.
Trung Quốc dọa đáp trả Mỹ vì lệnh cấm TikTok, WeChat
Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích quyết định cấm TikTok và WeChat của Mỹ, cảnh báo sẵn sàng đáp trả để bảo vệ các công ty trong nước.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng bắt nạt, chấm dứt hành động sai trái, duy trì luật lệ và trật tự quốc tế một cách công bằng và minh bạch. Nếu Mỹ quyết làm theo cách của mình, Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích của các công ty trong nước", Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo cho biết hôm 19/9.
Phản ứng được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Washington có kế hoạch cấm người dùng ở Mỹ tải ứng dụng WeChat và TikTok từ ngày 20/9. Bộ Thương mại Mỹ sẽ yêu cầu gỡ hai ứng dụng Trung Quốc ở Mỹ và "cấm cửa" chúng trên AppStore, Google Play hay bất cứ nhà cung cấp ứng dụng nào trên các nền tảng "có thể tiếp cận từ Mỹ".
Ứng dụng TikTok và WeChat trên điện thoại trưng bày ở Bắc Kinh hồi tháng 8. Ảnh: AP.
Các nguồn thạo tin cho biết lệnh cấm tải TikTok của Mỹ có thể vẫn được Tổng thống Donald Trump hủy trước khi có hiệu lực vào cuối tuần, với điều kiện chủ sở hữu ByteDance phải đạt được thỏa thuận về các hoạt động tại Mỹ.
Lệnh cấm từ Bộ Thương mại Mỹ dường như nhằm thực hiện yêu cầu được Trump đưa ra hôm 6/8, trong đó ông cho cơ quan này 45 ngày để xác định cần chặn những ứng dụng nào được cho là "mối đe dọa an ninh quốc gia". Thời hạn 45 ngày sẽ kết thúc ngày 20/9.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross trước đó cho biết đã thực hiện động thái quan trọng để chống lại việc Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, đồng thời tích cực thực thi các quy định và điều luật Mỹ.
Chính quyền Trump gần đây tăng nỗ lực để loại các ứng dụng "không đáng tin cậy" của Trung Quốc, đồng thời gọi TikTok cùng WeChat là "những mối đe dọa đáng kể". TikTok có khoảng 100 triệu người dùng ở Mỹ, đặc biệt phổ biến ở người trẻ tuổi. WeChat cũng có 19 triệu tài khoản hoạt động hàng ngày ở nước này, chủ yếu là du học sinh Trung Quốc và những người Mỹ có quan hệ cá nhân hay kinh doanh ở Trung Quốc.
Trump tháng trước ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền tài phán của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Ông chủ Nhà Trắng cũng đặt thời hạn 20/9 cho ByteDance phải đạt thỏa thuận bán hoạt động tại Mỹ hoặc bị đóng cửa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân trước đó khẳng định cơ sở an ninh quốc gia mà Mỹ sử dụng để "đàn áp các công ty Trung Quốc" là "không có căn cứ", nhấn mạnh doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.
TikTok hôm qua cũng ra tuyên bố chỉ trích quyết định cấm tải ứng dụng này ở Mỹ và tuyên bố sẽ chống lại "hành vi đàn áp" của chính quyền Trump.
Trung Quốc - Ấn Độ đồng ý rút quân: Tình hình thực tế ở biên giới tranh chấp ra sao? Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc đã "bắt tay" nhau tại thủ đô Moscow (Nga) trong một kế hoạch nhằm chấm dứt tranh chấp biên giới từ lâu giữa hai bên nhưng dường như quân đội 2 nước chưa có dấu hiệu "lùi bước". Binh sĩ PLA mang theo quốc kỳ Trung Quốc khi huấn luyện trong một hoạt động trên núi...