Trung Quốc tin vào triển vọng tươi sáng của thanh toán qua nhận dạng khuôn mặt
Mặc cho những quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu, các hệ thống thanh toán thông qua nhận dạng khuôn mặt vẫn sẽ được mở rộng nhanh chóng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cố vấn công nghệ hàng đầu Trung Quốc trên lĩnh vực tài chính vừa qua cho biết ông thấy những triển vọng đầy tươi sáng đang chờ đón các hệ thống thanh toán thông qua nhận dạng khuôn mặt, dù cho vẫn còn những quan ngại xoay quanh tính riêng tư và bảo mật dữ liệu.
Phương thức thanh toán bằng trí tuệ nhân tạo này được kỳ vọng sẽ xuất hiện rộng rãi trên toàn Trung Quốc bởi những tiện lợi và hiệu quả mà nó mang lại – theo lời Chen Jing, một thành viên của Ủy ban Cố vấn Thông tin nhà nước và là cựu giám đốc mảng công nghệ thuộc ngân hàng trung ương.
Dù vậy, các quy định pháp lý cần phải song hành với công nghệ, có nghĩa là chỉ những nhà cung cấp dịch vụ có uy tín, đã được chứng nhận, mới có thể triển khai các hệ thống này, và lượng tiền giao dịch được phép cũng phải có giới hạn nhất định – ông Chen nói tiếp.
“ Quan trọng hơn là phải phát triển công nghệ, bởi nguyên nhân lớn nhất gây nên sự quan ngại chính là tụt hậu công nghệ. Thông qua những nỗ lực và khai phá, thanh toán bằng quét khuôn mặt sẽ được xã hội đón nhận“
Những nhận định của ông Chen được đưa ra trong bối cảnh nhận dạng khuôn mặt – ứng dụng phổ biến nhất của AI – đang nhanh chóng trở nên phổ biến tại Trung Quốc, quốc gia đặt mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trên lĩnh vực AI vào năm 2030. Nước này cũng là nhà của hơn một nửa số startup về AI trên thế giới, với tổng giá trị ước tính khoảng 1 tỷ USD hoặc hơn.
Dù quét khuôn mặt đang được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc nhằm phục vụ các mục đích như mở khóa điện thoại, ngăn trộm cắp giấy vệ sinh, và tạo avatar cá nhân, ứng dụng của nó trong lĩnh vực tài chính đòi hỏi những tiêu chuẩn an ninh và chất lượng cao nhất.
Công ty UnionPay của Trung Quốc hiện đang hợp tác với hơn 20 ngân hàng để cùng nhau tung ra các hệ thống thanh toán thông qua quét khuôn mặt. Những hệ thống như vậy được xem là sự bổ sung hợp lý đối với các dịch vụ tài chính – theo nhận định của ông Chen.
“ Với việc liên tục sàng lọc và tăng cường bảo vệ an ninh , đó là một ứng dụng rất hứa hẹn, mang lại hiệu quả cao hơn và một cuộc sống tiện nghi hơn” – ông nói.
Video đang HOT
Năm 2019 cũng được kỳ vọng là năm đầu tiên triển khai rộng rãi hình thức thanh toán thông qua nhận dạng khuôn mặt, với ước tính khoảng 118 triệu người dùng Trung Quốc chọn sử dụng, so với 61 triệu người dùng trong năm 2018.
Đến năm 2022, các chuyên gia dự đoán số lượng người dùng thanh toán thông qua nhận dạng khuôn mặt sẽ vượt quá 760 triệu, tức khoảng một nửa dân số Trung Quốc.
Dù vậy, những quan ngại liên quan bảo mật dữ liệu và tính riêng tư của người tiêu dùng vẫn là vấn đề chưa có hồi kết.
Hồi đầu tháng này, một giáo sư luật tại miền Đông Trung Quốc đã kiện một công viên động vật hoang dã vì phá vỡ hợp đồng và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng sau khi thay thế hệ thống vào cổng bằng vân tay với hệ thống sử dụng nhận dạng khuôn mặt.
Tại các nơi khác trên thế giới, sự phát triển thần tốc của công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã buộc các nhà làm luật phải thực hiện những thay đổi trong luật quyền riêng tư dữ liệu. Hồi tháng 5, San Francisco trở thành công ty Mỹ đầu tiên cấm cảnh sát và các cơ quan chính phủ khác sử dụng nhận dạng khuôn mặt.
Hồi đầu tháng này, Nhóm tiêu chuẩn hóa quốc gia về công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được thành lập ở Trung Quốc, với gã khổng lồ AI Trung Quốc là SenseTime được bầu là lãnh đạo của nhóm.
Tổ chức này, bao gồm đại diện từ các công ty công nghệ như Ant Financial của Alibaba, Tencent, Xiaomi, PingAn và iFlyTek, được thành lập với mục tiêu phát triển các tiêu chuẩn công nghiệp và đảm bảo phát triển công nghệ một cách vững mạnh.
Theo VN Review
Tiền di động có thể giúp ngành Viễn thông tạo cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực tài chính
Sau khi phổ cập dịch vụ viễn thông di động, các doanh nghiệp viễn thông có thể tạo nên cột mốc mới trong lĩnh vực tài chính bằng tiền di động.
Tại Hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" diễn ra sáng 11/6, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, nhiều năm trước đây các doanh nghiệp viễn thông đã có công biến viễn thông di động từ xa xỉ thành bình dân. Sắp tới, nếu các doanh nghiệp này được triển khai tiền di động thì sẽ bình dân hóa các dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt.
Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) đang trình bày tại hội thảo
Trình bày tại hội thảo, ông Trung cho biết tiền di động (mobile money) chỉ mới nhắc đến ở Việt Nam trong 3-4 tháng gần đây nhưng đối với thế giới thì không mới. Cách đây 12 năm, nước đầu tiên triển khai tiền di động là Kenya (châu Phi) và hiện nay trên thế giới có trên 90 nước triển khai.
Hiện nay hầu hết các giao dịch không dùng tiền mặt trên thị trường được thực hiện qua tài khoản ngân hàng. Một số dịch vụ có thực hiện thanh toán qua tin nhắn di động nhưng bản chất vẫn dựa trên tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, tiền di động đúng nghĩa sẽ dùng một tài khoản liên kết với số điện thoại di động.
Ngoài ra, khách hàng có thể dùng tiền di động để thanh toán dịch vụ và chuyển tiền, chuyển khoản như các tài khoản ngân hàng.
Số liệu năm 2018 cho thấy trên thế giới có 92 nước triển khai tiền di động, với 272 doanh nghiệp tham gia, số lượng người dân đang sử dụng tài khoản tiền di động là 866 triệu (tăng 20% so với năm 2017).
Trong đó, trung bình một khách hàng thường xuyên thanh toán qua tài khoản điện thoại sử dụng 200 USD/tháng, giao dịch hàng ngày trên thế giới khoảng 1,3 tỷ USD. Tại châu Á, trong năm 2018 có 60 triệu người đăng ký mới.
Ông Trung cho rằng, nếu để các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh tiền di động sẽ có nhiều ưu thế.
Thứ nhất, các doanh nghiệp viễn thông có lợi thế về kênh phân phối. Hiện nay Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao di động, số lượng cao hơn gấp đôi so với tài khoản ngân hàng. Nếu cho phép các đại lý của nhà mạng di động được cung cấp dịch vụ mobile money thì mạng lưới phân phối họ rất lớn, đặc biệt là đến các vùng sâu vùng xa, những nơi người dân không có điều kiện mở tài khoản ngân hàng.
"Nhiều năm trước đây, ngành viễn thông đã bình dân hóa cước di động và điện thoại. Nếu hiện nay làm được mobile money thì viễn thông cũng sẽ bình dân hóa các dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt", Cục trưởng Cục viễn thông nhấn mạnh.
Thứ hai, các nhà mạng di động có thể cài ứng dụng ngay trên thẻ SIM của điện thoại, do đó điện thoại không cần phải là smartphone. Người dùng chỉ cần thao tác bằng tin nhắn để thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển khoản,...
Bên cạnh đó, các nhà mạng di động hiện nay đều có thương hiệu và uy tín, phủ rộng khắp các tỉnh thành, mọi người dân đều biết. Do đó đạt được lòng tin của người dùng khi triển khai dịch vụ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp di động có một động cơ để triển khai dịch vụ mobile money nhằm giữ chân khách hàng.
Đối với việc ứng dụng dịch vụ công, việc không dùng tiền mặt đối với thanh toán viện phí, học phí, chi trả vệ sinh môi trường,... ở mức thông thường như ngân hàng vẫn đang thực hiện thì hoàn toàn có thể dùng mobile money để thanh toán các dịch vụ này.
Trên thế giới hiện nay có hai mô hình triển khai tiền di động, ông Trung trình bày. Khoảng một nửa các quốc gia chọn triển khai dịch vụ mobile money sau khi có khung pháp lý rõ ràng, nửa còn lại của thế giới thực hiện trên các quản lý rủi ro - là phương pháp hiện được đề xuất thực hiện tại Việt Nam.
"Trước khi thực hiện theo luật thì chúng ta hoàn toàn có thể đề xuất để triển khai trên cơ sở quản lý rủi ro, để cho các nhà mạng di động triển khai trước, với một hạn mức tiền nhất định trong tài khoản", ông Trung nói.
Về kế hoạch triển khai, tháng 9/2018 Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và bộ đã có đề xuất triển khai mobile money. Tháng 1/2019 Nghị quyết 02 của Chính phủ thể hiện vấn đề thanh toán không thông qua tài khoản ngân hàng, trong đó có mobile money. Tháng 4/2019 Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ TT&TT trình chính phủ cho triển khai mobile money thí điểm, và hiện nay cơ quan nhà nước đang phối hợp với các bộ ngành để cho ý kiến về đề án này.
Trước mắt, ông Trung cho rằng nên để doanh nghiệp triển khai thí điểm với các dịch vụ hạn chế nhất định, như thanh toán với số tiền giới hạn, chỉ dựa vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp viễn thông, giới hạn các nhà mạng di động lớn triển khai. Ngoài ra, phải đảm bảo vấn đề định danh trên từng tài khoản di động và các vấn đề bảo mật khi triển khai.
Các doanh nghiệp khi triển khai phải bảo đảm tài chính và chi trả cho khách hàng, thực hiện giám sát hệ thống và thực hiện giám sát chống gian lận tài chính, chống tài trợ khủng bố. Ông Trung cho biết những yêu cầu này đã có tài liệu chi tiết từ Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) để triển khai.
Với những yêu cầu như trên, nhà mạng di động phải làm tốt công tác định danh khách hàng bằng cách thu hồi các SIM có sẵn trên kênh phân phối. Và phải có chế độ chính sách để quản lý đại lý của mình, đồng thời phải tuân thủ các quy định của ngân hàng.
Hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh Toán (NHNN) tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Thông tin và truyền thông. Ngoài ra còn có sự tham gia phối hợp tổ chức của Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VeCom).
Theo ICTNews
Người Trung Quốc bắt đầu sợ nhận dạng khuôn mặt Một giáo sư luật ở Trung Quốc kiện vườn thú vì đổi hình thức vào cổng từ quét dấu vân tay sang nhận dạng khuôn mặt. Nhiều người bày tỏ sự lo ngại về quyền riêng tư. Lược dịch bài viết trên South China Morning Post nói về thực trạng sử dụng camera giám sát và mối lo ngại của người dùng tại...