Trung Quốc thử nguyên mẫu tiêm kích tàng hình mới
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc thử nghiệm tiêm kích tàng hình mới, có thể là biến thể cải tiến đáng kể của mẫu FC-31.
Ảnh chụp một tiêm kích, có thể là nguyên mẫu biến thể FC-31 mới, đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong ảnh, chiếc máy bay đang lấy độ cao, trên cánh đuôi sơn biểu tượng của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), hãng sở hữu công ty chế tạo tiêm kích FC-31.
Nguyên mẫu FC-31 mới dường như không còn thiết bị đo tốc độ ở mũi máy bay giống các mẫu trước. Thiết bị này có thể được thay thế bởi hệ thống điện tử hàng không khác như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) giúp tăng khả năng bám bắt mục tiêu và chống gây nhiễu.
Nguyên mẫu được cho là biến thể mới của tiêm kích tàng hình FC-31 bay thử. Ảnh: SCMP.
Kính buồng lái của nguyên mẫu F-31C này dường như được đổi sang thiết kế giống tiêm kích tàng hình J-20. Nguyên mẫu mới có thể được sửa đổi về ngoại hình để giảm sức cản khi bay.
Tuy nhiên, mẫu FC-31 này dường như vẫn sử dụng động cơ nội địa WS-13 giống đời trước. WS-13 được chế tạo dựa trên thiết kế của Liên Xô vào những năm 1970, bị đánh giá là hạn chế về chức năng và giảm khả năng tàng hình của máy bay.
Video đang HOT
Shenyang FC-31 “Cốt ưng” là mẫu tiêm kích tàng hình thứ hai do Trung Quốc phát triển, sau mẫu J-20. Tiêm kích FC-31 cất cánh lần đầu năm 2012 và gây chú ý khi xuất hiện tại một số triển lãm hàng không của Trung Quốc.
AVIC hy vọng FC-31 đủ sức cạnh tranh với F-35 Mỹ, song mẫu tiêm kích này không đạt được ủng hộ như kỳ vọng. Không quân Trung Quốc đã từ chối đặt hàng FC-31 dù tiêm kích được thiết kế chủ yếu dành cho lực lượng này.
Giới chuyên gia nhận định các cải tiến gần đây của FC-31 cho thấy AVIC có thể muốn cải tạo nó thành một loại tiêm kích hạm. FC-31 có kích thước nhỏ và trọng lượng nhẹ hơn J-20 nên được cho là phù hợp hơn với tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
Trung Quốc có thể hồi sinh tiêm kích tàng hình bị 'ruồng rẫy'
Trung Quốc có thể đang điều chỉnh và nâng cấp dòng FC-31, vốn không tìm được khách hàng, để phục vụ lực lượng không quân hải quân.
Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hàng không Trung Quốc cuối tháng 6 cho biết đang phát triển dự án tiêm kích mới, đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào năm sau. Dự án còn có sự tham gia của các đơn vị gồm Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thẩm Dương, Viện Nghiên cứu 29 có trụ sở tại Thành Đô, trực thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC).
Thông báo không nêu chi tiết về tiêm kích mới, nhưng Viện nghiên cứu Thẩm Dương là nơi phát triển J-15, tiêm kích hạm đầu tiên của Trung Quốc, cùng nguyên mẫu tiêm kích tàng hình FC-31. Giới chuyên gia nhận định mẫu tiêm kích mới có thể được gọi là J-35, mẫu hoàn chỉnh của FC-31 và được coi là "tiêm kích F-35 phiên bản Trung Quốc".
Nguyễn mẫu FC-31 bay biểu diễn năm 2014. Ảnh: Wikipedia.
Nguyên mẫu FC-31 có hình dạng tương đồng siêu tiêm kích F-35 Mỹ, được Viện nghiên cứu Thẩm Dương ra mắt từ năm 2012 với tham vọng cạnh tranh với J-20 để trở thành mẫu tiêm kích tàng hình đầu tiên của không quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, không quân Trung Quốc sau đó đã lựa chọn biên chế J-20, khiến FC-31 trở thành mẫu tiêm kích tàng hình bị "ruồng rẫy" và không được sản xuất đại trà.
Một trong những lý do FC-31 không được ưa chuộng có thể do màn ra mắt đáng thất vọng tại China Airshow 2014, khi chiếc máy bay trình diễn với động cơ xả khói đen mù mịt. FC-31 ban đầu trang bị động cơ RD-33 của Nga, tương tự động cơ trên tiêm kích MiG-29. Dù đạt tiến bộ lớn trong sản xuất máy bay, Trung Quốc vẫn chật vật trong thiết kế động cơ phản lực hiệu suất cao, đặc biệt vì những hạn chế trong lĩnh vực luyện kim.
Với mục đích phục vụ xuất khẩu, FC-31 đã tham gia nhiều triển lãm hàng không từ sau chuyến bay đầu tiên năm 2012 nhưng vẫn không thể thu hút được khách hàng. Không quân Trung Quốc cũng quyết định không đặt mua mẫu tiêm kích này và tập trung vào dòng J-20.
Nguyên mẫu FC-31 sau đó trải qua một số lần thay đổi thiết kế lớn nhằm thử nghiệm công nghệ chế tạo tiêm kích hạm.
Chuyên gia quân sự Shi Lao tại Thượng Hải nhận định mẫu tiêm kích mới có thể là bản nâng cấp của FC-31, được tối ưu cho hải quân với thiết kế hỗ trợ máy phóng trên tàu sân bay.
Trung Quốc đang vận hành hai tàu sân bay với thiết kế cầu nhảy. Tuy nhiên, những tàu sân bay tiếp theo có thể sử dụng hệ thống máy phóng điện từ, khiến dòng FC-31 cạnh tranh với chiến đấu cơ J-20 để trở thành tiêm kích hạm trên tàu sân bay.
FC-31 có khối lượng cất cánh tối đa khoảng 28 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 37 tấn của J-20. Nó cũng ngắn hơn 3 m so với đối thủ cạnh trạnh. Các yếu tố này giúp FC-31 dễ tương thích với hoạt động trên tàu sân bay. Tuy nhiên, nó mới chỉ dừng ở giai đoạn nguyên mẫu bay thử, chưa được biên chế và khó chứng tỏ năng lực so với dòng J-20.
Nguyên mẫu FC-31 cải tiến được tăng cường bay thử gần đây cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh dự án phát triển tiêm kích mới. Tuy nhiên, ngay cả khi nó được thử nghiệm trong năm tới, Bắc Kinh vẫn cần thêm nhiều thời gian để tích hợp mẫu máy bay mới lên tàu sân bay cũng như cải thiện động cơ, vấn đề nan giải với các chiến đấu cơ Trung Quốc.
"Giống các tiêm kích trước đây, động cơ sẽ là vấn đề then chốt với mẫu chiến đấu cơ mới", chuyên gia Shi Lao đánh giá.
Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất động cơ phản lực hiện đại. Tiêm kích J-20 vẫn phải dùng động cơ Nga do phiên bản WS-15 chưa đủ tin cậy. Nguyên mẫu FC-31 trang bị động cơ WS-13, biến thể của động cơ Klimov RD-93 đang sử dụng trên tiêm kích JF-17. Động cơ này sử dụng công nghệ thập niên 1970 và 1980, giới hạn đáng kể hiệu suất và khả năng tàng hình của FC-31
"Nhiều khả năng J-35 sẽ bổ sung và thay thế dần tiêm kích hạm J-15, vốn bị hạn chế đáng kể về tầm bay và tải trọng vũ khí khi vận hành trên tàu sân bay. Nó sẽ được tối ưu hóa cho những tàu sân bay mới như lớp Type-003, vốn được thiết kế với máy phóng thay vì thiết kế kiểu cầu nhảy", Shi Lao nói.
Điều khiến tiêm kích J-20 Trung Quốc không thể sánh với tiêm kích tàng hình Mỹ Vẫn còn nhiều tranh luận về năng lực tác chiến của tiêm kích tàng hình J-20, nhưng có một vấn đề không thể bàn cãi ngăn tiêm kích mạnh nhất của Trung Quốc cạnh tranh với tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ. Trung Quốc hiện vẫn còn rất hạn chế trong năng lực sản xuất tiêm kích J-20. Trong bài phân tích...