Trung Quốc tăng cường leo thang trên biển
Trung Quốc sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh Hải Nam để phát triển và khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông – Ảnh: Reuters
Cam kết trên nằm trong dự thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020) được công bố tại kỳ họp quốc hội thường niên khai mạc ở Bắc Kinh ngày 5.3, theo tờSouth China Morning Post (SCMP).
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện trên biển để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” và duy trì tự do hàng hải trong “vùng biển Trung Quốc”, tăng cường khả năng “chấp pháp” trên biển và “xử lý hợp lý” những trường hợp vi phạm các quyền trên biển.
Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ soạn thảo một luật biển để khẳng định chính sách và chiến lược tổng thể của nước này về các vấn đề biển.
Theo SCMP, dự thảo kế hoạch 5 năm lần này dành cả một mục nói về việc bảo vệ cái gọi là lợi ích biển của Trung Quốc, tập trung vào an ninh và chủ quyền. Đề tài này chỉ được đề cập vắn tắt trong kế hoạch 5 năm lần trước. Mặt khác, Trung Quốc sẽ cải thiện các cơ chế hợp tác, đối thoại về vấn đề biển với các nước láng giềng và đẩy mạnh hợp tác thực tế trong lĩnh vực này, theo Tân Hoa xã.
Video đang HOT
Kế hoạch mở rộng hiện diện trên biển được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lộ rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông, làm leo thang căng thẳng ở khu vực, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Trước tình hình này, chính phủ Philippines hôm qua 6.3 tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt những “hành động hung hăng” làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, theo tờ Manila Bulletin dẫn lời Chủ nhiệm Văn phòng thông tin tổng thổng Philippines Herminio Coloma Jr.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Vương Hàn Linh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc lại ngụy biện rằng các tranh chấp ở Biển Đông và việc hải quân Mỹ tuần tra gần những bãi đá Trung Quốc bồi đắp phi pháp trong khu vực buộc chính phủ Trung Quốc phải tập trung nhiều hơn vào an ninh biển. Chưa hết, ông Vương còn kêu gọi lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) tăng cường khả năng để xử lý các tình huống khẩn cấp, theo SCMP.
Trung Quốc hiện chủ yếu sử dụng tàu hải cảnh để thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ chấp pháp” ở những vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tàu hải cảnh từng gây ra không ít vụ việc khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Bằng chứng là khi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc cắm phi pháp trong vùng biển VN từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7.2014, các tàu hải cảnh đã hung hăng đâm húc và phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Hồi tháng trước, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ Joseph Aucoin cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc ngày càng trông cậy vào các tàu hải cảnh và những tàu phi hải quân khác để củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, theo Bloomberg.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Mỹ kêu gọi Úc thách thức Trung Quốc trên Biển Đông
Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ngày 22.2 kêu gọi Úc có hành động đảm bảo tự do hàng hải như Mỹ, thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ
Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đang có chuyến thăm Úc, nơi ông thảo luận với các lãnh đạo quốc phòng Úc mối quan ngại về việc Bắc Kinh bành trướng quân sự trên Biển Đông, theo đài ABC (Úc) ngày 22.2.
Căng thẳng ở Biển Đông leo thang hồi tuần rồi sau khi Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (phiên bản phỏng theo hệ thống S-300 của Nga) đến đảo Phú Lâm. Đây là hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm đóng.
Phát biểu trong buổi họp báo tại thành phố Sydney (Úc) ngày 22.2, ông Aucoin cho hay nếu Úc và các quốc gia tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải như Mỹ thì điều này phục vụ "lợi ích tốt nhất của cả khu vực".
Ngày 27.10.2015, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh đá Xu Bi và đá Vành Khăn, hai trong số 7 bãi đá thuộc Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp, xây dựng phi pháp thành đảo nhân tạo. Hôm 30.1, tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur cũng đã áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
"Chúng tôi không thay đổi những gì chúng tôi đang làm, đã làm những chiến dịch tuần tra như thế này trong nhiều thập niên qua... Nhưng tôi thật sự mong rằng đây không phải là sự khắc họa việc Mỹ đối đầu Trung Quốc", ông Aucoin nói.
"Chúng chỉ cố gắng đảm bảo tự do hàng hải và thực hiện quyền của chúng tôi theo đúng luật pháp quốc tế. Điều này không nên được xem là hành động gây hấn", ông Aucoin cho biết thêm.
Chính phủ Úc không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng không và hàng hải tại khu vực này.
Hồi tuần rồi, người phát ngôn của đảng Lao động (đảng đối lập) Stephen Conroy cũng đã kêu gọi Hải quân Úc thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, bằng cách tuần tra áp sát những đảo nhân tạo và đảo Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Vì sao Mỹ đưa tàu tiến sát Hoàng Sa Mỹ chọn đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, làm nơi tiến hành hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các đòi hỏi phi pháp và quá đáng của Trung Quốc, nhưng đồng thời giữ ở mức tránh làm bùng lên xung đột quân sự. Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur. Ảnh: US Navy Tàu khu trục tên lửa...