Trung Quốc ra tay ngăn Biden duy trì lệnh trừng phạt của Trump
Trung Quốc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa phớt lờ các hạn chế nước ngoài nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Trump và gây sức ép để Biden thay đổi chính sách.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 9/1 ra quy định mới để bảo vệ công ty nước này trước các điều luật nước ngoài mà họ coi là “vô lý”. Họ yêu cầu công dân hoặc các tổ chức Trung Quốc gửi báo cáo cho chính quyền trong vòng 30 ngày từ khi bị nước ngoài áp đặt các hạn chế ngăn họ tham gia vào “hoạt động kinh tế, thương mại bình thường”.
Nếu Trung Quốc xác định các biện pháp trên là “vô lý”, họ có thể áp lệnh cấm thực thi đối với chúng. Các cơ quan chính phủ cũng có thể hỗ trợ người dân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc bị thiệt hại lớn do không tuân theo quy định “vô lý” của nước ngoài.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại Mỹ năm 2015. Ảnh: AP .
Mặc dù Trung Quốc không đề cập đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào, quy định mới có khả năng khiến các công ty toàn cầu mắc kẹt trong trận chiến kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh. Nó cũng có thể gửi tín hiệu đến chính quyền sắp tới của Joe Biden, người sẽ phải quyết định có nên duy trì các hạn chế từ thời Trump đối với doanh nghiệp Trung Quốc, nới lỏng chúng hay suy nghĩ lại hoàn toàn về chúng.
Video đang HOT
Dưới thời Trump, các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ. Chính quyền Trump cấm các công ty trên khắp thế giới sử dụng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ để sản xuất chip do Huawei thiết kế. Họ cũng ban hành các quy tắc trừng phạt những công ty được coi là có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc hay liên quan đến cáo buộc “lao động cưỡng bức” ở Tân Cương.
Đầu tuần này, Sở Giao dịch Chứng khoán New York, dưới áp lực của chính quyền Trump và các thành viên quốc hội, đã loại bỏ ba công ty viễn thông nhà nước lớn của Trung Quốc khỏi sàn giao dịch để tuân thủ một sắc lệnh nhằm ngăn đầu tư của Mỹ vào các công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Quy tắc mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đe dọa áp biện pháp trừng phạt bổ sung đối với những người hoặc thực thể liên quan đến vụ bắt hàng chục nhà hoạt động đối lập Hong Kong.
Trung Quốc đã tung ra các đòn trừng phạt và thuế quan để đáp trả Mỹ. Tuy nhiên, do lượng hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc cao hơn nhiều hàng xuất khẩu sang nước này, Bắc Kinh có ít lựa chọn hơn trong việc đánh thuế hàng hóa Mỹ. Họ phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm của Mỹ, bao gồm chip và phần mềm. Nền kinh tế Trung Quốc cũng phụ thuộc một phần vào các nhà máy gia công cho các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple và General Motors.
Quy định mới của Trung Quốc được đưa ra nhằm chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ , cho phép giới chức chính phủ ban hành lệnh nói rằng các công ty Trung Quốc không phải tuân thủ hạn chế của nước ngoài. “Trung Quốc gửi tín hiệu cho các công ty Trung Quốc và các công ty Mỹ ở Trung Quốc rằng chúng tôi hiện có khả năng pháp lý để chống lại ‘quyền tài phán vươn dài’ của luật Mỹ”, Sean Ding, nhà phân tích ở Plenum, công ty nghiên cứu chuyên về chính trị và kinh tế Trung Quốc, nói. Ông cho rằng ở giai đoạn này, Trung Quốc chỉ đang bắn tín hiệu, thay vì thực sự cố gắng thực hiện các nỗ lực pháp lý.
Một điểm đáng chú ý trong quy định mới là công ty Trung Quốc bị thua lỗ do một bên tuân thủ các luật nước ngoài “vô lý” có thể kiện bên đó lên tòa án Trung Quốc để đòi bồi thường. Tòa án nhiều khả năng ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn Trung Quốc.
“Giả dụ một ngân hàng châu Âu đóng băng tài sản của một quan chức Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, quy chế của Trung Quốc sẽ cho phép quan chức này kiện ngân hàng châu Âu”, Angela Zhang, giáo sư luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, nêu khả năng.
“Điều này về cơ bản khiến nhiều công ty rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, vì họ phải chọn quyết định tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ hay quy tắc của Trung Quốc. Dù chọn phương án nào, họ cũng sẽ mất một trong những thị trường lớn nhất của mình”, Henry Gao, giáo sư luật từ Đại học Quản lý Singapore chuyên về thương mại quốc tế, nói.
Quy định mới của Trung Quốc nhìn chung vẫn còn mơ hồ. Chưa rõ liệu các công ty toàn cầu có bị trừng phạt ở Trung Quốc vì tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không. Quy định mới cũng có một điều khoản “chừa đường lui” rằng các công ty có thể xin Bộ Thương mại Trung Quốc quyền miễn trừ để vẫn tuân thủ các hạn chế của nước ngoài.
Tuy nhiên, quy định mới của Bắc Kinh có thể khiến các công ty Mỹ lớn kinh doanh tại Trung Quốc thúc giục Biden nới lỏng hạn chế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Biden chưa cho biết liệu ông có ý định tiếp tục các biện pháp trừng phạt của Trump hay không.
“Trung Quốc muốn ngăn chính quyền mới hành xử như Trump”, Gao nói.
Biden muốn huy động Vệ binh Quốc gia phân phối vaccine Covid-19
Chính quyền mới của Biden muốn huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia và quân đội phân phối vaccine, nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ.
Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã thảo luận với các thống đốc và Bộ Quốc phòng Mỹ về việc sử dụng Vệ binh Quốc gia và quân đội cho nỗ lực tiêm chủng vaccine Covid-19 của chính quyền mới, theo một quan chức nhóm chuyển giao.
Biden gần đây cũng nói rằng sau khi nhậm chức, một trong số các phương án mà đội ứng phó Covid-19 của ông sẽ lựa chọn để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 là triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ tại các điểm tiêm chủng.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ nỗ lực ứng phó Covid-19 ở bang Louisiana hồi tháng 3/2020. Ảnh: WBRZ.
Hiện phần lớn các bang ở Mỹ đều không sử dụng lực lượng vệ binh trong chiến dịch tiêm chủng. Phát ngôn viên Vệ binh Quốc gia Wayne Hall cho biết tính đến sáng 11/1, đã có 10 bang huy động lực lượng này để hỗ trợ tiêm chủng cho người dân.
Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu đương nhiệm.
Mỹ đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng từ ngày 14/12 và tính tới nay hơn 9 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng ở Mỹ, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Ít nhất gần 380.000 người đã tiêm xong liều thứ hai.
Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 23,1 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 385.000 ca tử vong. Nước này gần đây liên tục ghi nhận số người chết và nhập viện do nCoV cao kỷ lục.
16.000 vệ binh quốc gia bảo vệ lễ nhậm chức của Biden Ít nhất 16.200 lính Vệ binh Quốc gia sẽ được triển khai ở Washingon để tăng cường an ninh trước lễ nhậm chức của Biden tuần tới. Tướng Daniel Hokanson, lãnh đạo Cục Vệ binh Quốc gia (NGB), hôm 11/1 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho phép cơ quan này điều động ít nhất 10.000 binh sĩ tới Washington theo yêu...