Trung Quốc phát lệnh bắt nhà báo Australia
Nhà báo Australia Cheng Lei bị giới chức Trung Quốc bắt sau 6 tháng giam giữ vì bị nghi “cung cấp trái phép bí mật quốc gia cho nước ngoài”.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm nay cho biết Cheng Lei, 49 tuổi, người bị giam tại Trung Quốc từ ngày 13/8/2020, chính thức bị phát lệnh bắt hôm 5/2, khoảng 6 tháng sau khi cô bị giữ để điều tra từ tháng 8 năm ngoái.
“Giới chức Trung Quốc thông báo bắt Cheng do tình nghi cung cấp trái phép bí mật nhà nước cho nước ngoài”, Ngoại trưởng Payne cho hay. “Chính phủ Australia thường xuyên nêu quan ngại nghiêm trọng ở cấp cao về việc Cheng bị giam, gồm cả phúc lợi và điều kiện giam giữ cô”.
Nhà báo Cheng Lei phát biểu tại một sự kiện ở Lisbon, Bồ Đào Nha năm 2019. Ảnh: CNN .
Quan chức lãnh sự Astralia thường xuyên đến thăm Cheng từ khi cô bị giam, lần gần nhất vào 27/1. Truyền thông Australia cho biết trước khi lệnh bắt được công bố chính thức, Cheng bị giam theo hình thức “giám sát tại địa điểm được chỉ định”, cho phép điều tra viên Trung Quốc giữ và thẩm vấn một nghi phạm tối đa 6 tháng. Nghi phạm không được tiếp xúc với luật sư hay nhận hỗ trợ pháp lý trong suốt quá trình này.
Video đang HOT
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa bình luận về thông tin Cheng bị bắt. Trung Quốc hồi tháng 9/2020 công bố giới chức nước này đã thực hiện các “biện pháp bắt buộc” vì nghi ngờ Cheng “có hành vi phạm tội đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc”.
“Chúng tôi hoàn toàn tin rằng cô ấy vô tội”, một đại diện gia đình Cheng cho biết. “Dù là công dân Australia lâu năm, Lei có tình yêu lớn đối với đất nước cô sinh ra và rất được kính trọng trên toàn cầu. Chúng tôi tôn trọng quy trình xét xử của Trung Quốc và kêu gọi giới chức đưa ra kết luận nhanh chóng, nhân đạo và kịp thời, đồng thời tôn trọng quyền của cô ấy với sự cảm thông rằng cô còn hai con nhỏ rất cần mẹ”.
Cheng sinh ra ở Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Queensland, làm việc 5 năm trong một số doanh nghiệp ở Melbourne và nhập tịch Australia trước khi trở lại Bắc Kinh năm 2003. Cheng từng là phóng viên thường trú ở Trung Quốc của đài Mỹ CNBC trong 9 năm. Từ năm 2013, cô là phóng viên mảng kinh doanh cho CGTN.
Việc Cheng bị giam diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh ngày càng xấu đi nhanh chóng. Sau khi Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào thương mại, áp thuế lên các sản phẩm và chặn mua hàng từ các công ty Australia.
Ngay sau khi Cheng bị giam, hai nhà báo Australia làm việc tại Trung Quốc đã rời khỏi nước này trong bối cảnh giới chức tìm cách thẩm vấn họ vì lý do an ninh quốc gia, khiến Australia lần đầu tiên sau gần 50 năm không còn nhà báo nào làm việc tại Trung Quốc.
Australia yêu cầu quân đội Myanmar thả Aung San Suu Kyi
Australia yêu cầu quân đội Myanmar lập tức thả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo khác bị bắt trong cuộc đột kích sáng nay.
"Chính phủ Australia quan ngại sâu sắc trước thông tin quân đội Myanmar một lần nữa tìm cách giành quyền kiểm soát Myanmar và đã bắt Cố vấn Nhà nước Daw Aung San Suu Kyi cùng Tổng thống Win Myint", Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm nay tuyên bố.
Phát biểu được Ngoại trưởng Payne đưa ra sau khi phát ngôn viên cấp cao đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) xác nhận bà Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong đảng và Tổng thống Win Myint đã bị binh sĩ quân đội bắt rạng sáng nay, trong một nỗ lực được cho là cuộc đảo chính quân sự.
"Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp luật, giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do lập tức cho tất cả các lãnh đạo dân sự và những người bị bắt trái pháp luật", thông báo của bà Payne có đoạn.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Mỹ cũng đã cảnh báo Myanmar sau khi nhận được thông tin quân đội nước này bắt bà Aung San Suu Kyi. "Mỹ phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử gần đây hay cản trở quá trình chuyển giao dân chủ của Myanmar, và sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu những động thái này không được đảo ngược", bà Psaki nói. Bà cho hay Tổng thống Biden đã được thông báo về tình hình.
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tham dự phiên tòa ở Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan, hồi tháng 12/2019. Ảnh: Reuters
Myo Nyunt, phát ngôn viên của NLD, cho biết bà Suu Kyi cùng Tổng thống Win Myint đang bị "giam" tại thủ đô Naypyidaw. "Chúng tôi hay tin họ đã bị quân đội bắt", ông nói, bày tỏ lo lắng. "Trước tình hình này, chúng tôi cho rằng quân đội đang dàn dựng đảo chính".
Bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo Myanmar bị bắt sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và lực lượng quân đội Myanmar. Quân đội nước này gần đây liên tục cáo buộc có "gian lận" trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, khi đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng với 346 trên tổng số 412 ghế quốc hội.
John Sifton, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền chi nhánh châu Á, kêu gọi Mỹ và các nước khác áp đặt "lệnh trừng phạt kinh tế trực tiếp và nghiêm khắc" với các lãnh đạo quân đội và lợi ích kinh tế của Myanmar sau biến cố này.
Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng tình hình ở Myanmar có thể là một thách thức mới với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
"Chính quyền Biden đã tuyên bố họ ủng hộ dân chủ và nhân quyền. Nhưng các sĩ quan hàng đầu của quân đội Myanmar đã từng bị trừng phạt, nên hiện chưa rõ Mỹ có thể làm được điều gì một cách nhanh chóng", Hiebert nói.
Bà Suu Kyi, người giành giải Nobel Hòa bình năm 1991, được người dân Myanmar và thế giới ca ngợi như biểu tượng đấu tranh vì tự do khi đứng lên chống lại chính quyền quân sự dù bị quản thúc suốt 15 năm.
Việc đảng NLD của bà thắng cử vào năm 2015 đã mang tới hy vọng thay đổi đất nước. Bà Suu Kyi sau đó trở thành "lãnh đạo thực quyền" của Myanmar, song vẫn giữ chức Cố vấn Nhà nước. Đây được coi như chức danh nhằm né tránh hiến pháp Myanmar, trong đó quy định người có con hoặc vợ/chồng là công dân nước ngoài không được lên làm tổng thống. Chồng quá cố và con trai bà Suu Kyi đều mang quốc tịch Anh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, danh tiếng quốc tế của bà Suu Kyi đã bị ảnh hưởng do những cáo buộc xung đột sắc tộc với cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi của Myanmar. Quốc gia này phủ nhận cáo buộc và tuyên bố từ lâu chỉ nhắm vào những kẻ khủng bố.
Nhóm 'Bộ Tứ' bàn cách ứng phó Trung Quốc Ngoại trưởng Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật nhóm họp ở Tokyo để bàn sáng kiến "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở" nhằm đối phó Trung Quốc. Cuộc họp diễn ra sáng nay tại Tokyo theo hình thức trực tiếp, với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng...