Trung Quốc: Nở rộ phong trào cho trẻ học lập trình máy tính
Một học sinh 9 tuổi tên là Vita ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã thu hút được khoảng 220.000 người theo dõi trên nền tảng chia sẻ video phổ biến nhờ những video về lập trình.
Trẻ em có cơ hội phát triển tư duy thông qua lập trình.
Biết lập trình trước khi biết cầm đũa
Vita bắt đầu học lập trình từ lúc 5 tuổi khi chưa biết cầm đũa một cách dễ dàng. Năm lên 6 tuổi, thậm chí trước khi tốt nghiệp mẫu giáo, cậu đã thiết kế một ứng dụng đếm ngược với sự giúp đỡ của cha mình. Giờ đây, cậu bé có thể tự lập trình ra những game đơn giản. Vita học lập trình ở trường và thường được cha hỗ trợ thêm ở nhà về kiến thức của môn học này.
Một số trường tiểu học ở các thành phố hạng nhất và tỉnh ven biển Trung Quốc như Bắc Kinh, Giang Tô đã cung cấp các khóa học về công nghệ thông tin. Công ty Quangton Education đã đưa ra các phương tiện học AI cho hơn 1.000 trường học xung quanh tỉnh Giang Tô. Tuy nhiên, theo người quản lý của công ty là Liu Chang, nhiều phụ huynh cho rằng, số giờ học và phạm vi của chương trình học rất hạn chế. Do vậy, họ chọn mua các khóa lập trình trực tuyến cho con mình, thậm chí cho con đi học thêm hay đến các cơ sở GD sớm.
Bên cạnh đó, hàng loạt ứng dụng lập trình dành cho trẻ em cũng có sẵn trên các kho ứng dụng dành cho điện thoại thông minh. Giảng viên trực tuyến hướng dẫn các em kéo và thả các mô-đun đồ họa trên máy tính bảng để thiết kế hiệu ứng hoạt hình. Tổng Thư ký Du Zide của Liên đoàn Máy tính Trung Quốc cho biết, các mô-đun đồ họa có thể giúp trẻ em trải nghiệm trực quan chế độ hoạt động của máy tính.
Độ tuổi học lập trình máy tính của trẻ em ở Trung Quốc dao động từ 3 đến 19. Theo báo cáo của Analysis, một nhà cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu Internet, quy mô giao dịch của thị trường lập trình dành cho trẻ em đạt 24,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,83 tỷ USD) vào năm 2017 và 25,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019.
Nhiều trường học đã đưa lập trình vào chương trình giảng dạy.
Video đang HOT
AI ngày càng được quan tâm
Tổng cộng 91,7% trẻ em tiểu học và trung học Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo, theo một báo cáo GD phổ cập về AI do Hiệp hội Giảng viên Khoa học trẻ em Trung Quốc công bố năm 2018.
Năm 2017, Hội đồng Nhà nước ban hành một kế hoạch phát triển cho thế hệ AI mới, cam kết từng bước thúc đẩy GD lập trình, cung cấp các khóa học liên quan đến AI ở các trường trung học cơ sở và tiểu học, đồng thời khuyến khích phát triển và quảng bá phần mềm dạy học liên quan đến lập trình và game.
Hệ thống lập trình và máy tính đang đóng góp phần lớn vào hiện đại hóa thế giới. Nồi cơm điện, loa và thậm chí đèn giao thông đều trở nên thông minh với sự hỗ trợ của AI ở Trung Quốc hiện nay. Sự phát triển của công nghệ AI đã thay đổi nhận thức của thế hệ mới về thế giới thông minh.
Cha của Vita là Zhou Ziheng cho biết, con trai anh từng tò mò về hệ thống bãi đậu xe. “Bất kỳ khi nào tôi trả phí đậu xe bằng một chương trình nhỏ trên điện thoại, Vita đều bị hấp dẫn bởi cách hệ thống nhận dạng biển số xe và rào chắn được nâng lên”.
Thực ra, quá trình này do một mạng lưới thuật toán mạng nơron thực hiện và anh tin rằng một thế giới thông minh hơn sẽ ảnh hưởng tới quá trình học tập của con trai mình. “Nghiên cứu về lập trình có thể giúp trẻ em biết logic hoạt động của các thiết bị và hiểu rõ hơn về sự vận hành của xã hội theo một cách hoàn toàn mới”, anh nói.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang có một thế hệ học AI ngày càng phát triển. Ở Anh, lập trình máy tính là một khóa học bắt buộc đối với trẻ em trên 5 tuổi. Trong khi đó, Pháp đã coi đây là một môn tự chọn trong GD tiểu học.
“Chúng tôi kỳ vọng chương trình này sẽ cải thiện khả năng tư duy trừu tượng, phân loại thông tin, giao tiếp và tư duy không gian của trẻ em hơn là đào tạo chúng thành những lập trình viên chuyên nghiệp” – một bà mẹ 2 con có tên Zhou Cenyao ở Bắc Kinh cho biết.
HS Trung Quốc trong một cuộc thi robot ở Bắc Kinh.
Tiến hành một cách thận trọng
Một số người tin rằng, việc lập trình phổ biến ở Trung Quốc bắt nguồn từ áp lực bạn bè và sự đồng hành của phụ huynh. “Nó không thể xuất phát từ sự lo lắng của cha mẹ về sự phát triển của con cái họ”, Zhao Yu – GV công nghệ thông tin tại một trường tiểu học ở Bắc Kinh cho biết. Một số trường THCS và tiểu học đã đưa ra khả năng lập trình vào các tiêu chuẩn đánh giá trẻ em.
“Trong giai đoạn GD bắt buộc và trước tiểu học, nên giới thiệu AI hay lập trình để nuôi dưỡng sở thích của trẻ”, thầy Zhao nói. Ở trường trung học, GV nên hướng dẫn HS chú ý tới vấn đề đạo đức mà sự phát triển của AI mang lại.
AI là một chủ đề phức tạp và chứa đựng kiến thức đa ngành bao gồm toán học, vật lý, máy tính, ngôn ngữ học, khoa học hành vi, khoa học nhận thức và khoa học thông tin. Doanh nghiệp GD và công nghệ ở Trung Quốc có tên Tomorrow Advance Life gợi ý các bậc phụ huynh nên giới thiệu khóa học liên quan tới AI cho trẻ sau 7 tuổi.
Ông Zhao cho biết, nếu trẻ không có đủ kiến thức trước thì sự tự tin và hứng thú học công nghệ thông tin của chúng sẽ mất đi. “Có nhiều cách khác nhằm cải thiện tư duy logic của trẻ trước khi chúng học lớp 3 ở trường tiểu học. Trò chơi cờ bàn, trò chơi ghép hình và câu đố ghép hình có thể là những lựa chọn tốt” – ông nói.
Đối với HS tiểu học và trung học cũng như trẻ em mẫu giáo, toán học, đọc, viết và thẩm mỹ vẫn rất quan trọng – ông Du Zide nói vì cho rằng khả năng trong những lĩnh vực này là cơ bản để nhận thức thế giới và thể hiện nó.
Trẻ em Ấn Độ học lập trình trực tuyến
Trẻ em Ấn Độ học lập trình trực tuyến ngày càng nhiều hơn, các khóa học cũng có thể là sản phẩm xuất khẩu tại quốc gia này.
Shivank Patel, 9 tuổi, sống tại New Delhi học lập trình trực tuyến được một năm. Học lớp 5, Patel xây dựng được một số ứng dụng, trong đó có ứng dụng để quyên góp thức ăn cho trẻ em đường phố. Em từng sinh non với cân nặng chào đời chưa đầy 1kg. Vì vậy, Patel cũng đang xây dựng một nền tảng để giúp các bác sĩ theo dõi trẻ sinh non.
Các lớp học lập trình trực tuyến cho học sinh tiểu học phổ biến ở Ấn Độ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Phụ huynh có nhu cầu cho con học lập trình và sử dụng thành thạo máy tính vì cho rằng kiến thức về lập trình cũng cần thiết như ngôn ngữ và toán học.
Một học sinh đang tham gia lớp học lập trình tại nhà ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.
Ấn Độ hiện là trung tâm lớn nhất thế giới về học tập trực tuyến. Công ty khởi nghiệp Byju's cung cấp dịch vụ dạy kèm trực tuyến có giá trị cao nhất thế giới ở lĩnh vực kinh doanh công nghệ giáo dục (edtech). Công ty này được định giá 11 tỷ USD, gọi vốn thành công từ nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu, trong đó có quỹ Chan-Zuckerberg Initiative của Mark Zuckerberg (người đứng đầu Facebook) và vợ - Priscilla Chan.
Abhishek Gupta, chuyên gia tư vấn tại RedSeer Management Consulting nhận định: "Các khóa học lập trình có thể là sản phẩm xuất khẩu lớn của Ấn Độ".
Trước đó, Ấn Độ tự hào là quốc gia có lượng chứng chỉ khoa học máy tính và lực lượng lao động công nghệ nói tiếng Anh giá rẻ lớn nhất thế giới. Đó là nền tảng thuận lợi để Ấn Độ xuất khẩu các bài học lập trình trực tuyến.
Công ty cung cấp các lớp học trực tuyến công nghệ WhiteHat Jr. đã được Công ty Byju's mua lại với giá 300 triệu USD vào tháng 8. WhiteHat Jr. hiện có 120.000 người dùng trả phí, một nửa trong số đó sống ngoài Ấn Độ. Theo giám đốc điều hành Karan Bajaj, nhu cầu khách hàng cũng đang tăng lên ở Anh và Australia. Ông nói: "Cả thế giới đang là thị trường tốt cho sản phẩm học lập trình trực tuyến".
Có nhiều gói học tập lập trình trực tuyến cho người học lựa chọn, từ gói 8 giờ dành cho người mới bắt đầu, dạy các nguyên tắc cơ bản về lập trình, gói 48 giờ giúp xây dựng ứng dụng đến gói 144 giờ. Học phí dao động từ 25 đến 35 USD một giờ.
Jatinder Kaur, một giáo viên dạy lập trình tại WhiteHat Jr., đang dạy một lớp học trực tuyến tại nhà ở New Delhi. Ảnh: Bloomberg.
WhiteHat Jr có lực lượng giảng dạy toàn nữ gồm 12.000 giáo viên, chủ yếu đến từ Ấn Độ, một số đến từ Philippines. Ayesha Siddiqua, 27 tuổi, sống tại thành phố phía nam Hyderabad, đã từ bỏ công việc nha sĩ với mức lương 15.000 rupee (204 USD) mỗi tháng để trở thành giáo viên dạy lập trình trực tuyến tại WhiteHat Jr. Thu nhập hàng tháng của cô đạt 100.000 rupee. Từ 14h, Siddiqua dạy trẻ em ở Úc và Ấn Độ. Sau khi nghỉ ngơi, cô lên mạng cả đêm để dạy cho học sinh ở Mỹ và Canada. Cô không có ý định quay lại nghề nha sĩ.
Cô Siddiqua nhận xét: "Trong một vài năm nữa, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn đã lạc hậu nếu bạn không biết cách lập trình". Còn Patel, cậu bé 9 tuổi đang chuẩn bị đưa ứng dụng của mình lên Cửa hàng Google Play thì nói: "Học lập trình giúp bạn thấy những thách thức mới mỗi ngày. Tôi muốn tạo nhiều ứng dụng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống".
Bại não nhưng không bại chí Dịp Tết Tân Sửu, khi tin tức về dịch Covid-19 khiến nhiều khu vực các tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách đang nóng lên từng giờ, không thể trực tiếp đến Bắc Ninh, tôi xếp lại mọi chuyện và nhấc điện thoại gọi cho chị San. Đó là một phụ huynh đặc biệt có người con trai đặc biệt - Nguyễn Đức...