Trung Quốc nghĩ gì về tiềm lực quân sự Nhật Bản?
Lo ngại sức mạnh quân sự của Nhật Bản, Trung Quốc đã nhanh chóng đưa vào hoạt động lực lượng tuần duyên mới hùng hậu gồm 11 đội tàu và trên 1.600 quân. Vậy Tokyo mạnh đến cỡ nào trong con mắt của Bắc Kinh?
Đẩy mạnh xây dựng các hạm đội hải quân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản hiện nay.
Tờ Đại công báo của Hồng Kông cho biết mới đây một cơ quan nghiên cứu Trung Quốc đã công bố “Báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự năm 2012 của Mỹ, Nhật Bản”.
Theo đó, báo cáo nhận định mục đích chủ yếu của Nhật Bản khi đẩy mạnh xây dựng Lực lượng Phòng vệ mới là nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trên đảo Tây Nam (Ryukyu Arc) vốn còn tương đối mỏng, yếu và ở xa lãnh thổ; chuẩn bị sẵn sàng cho “ba nước cờ” chiếm đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và đảm bảo quân đội Mỹ có thể cấp tốc tham gia và chi viện trong trường hợp xảy ra xung đột.
Xây dựng hải quân và không quân mạnh
Báo cáo cho rằng từ nay tới trước năm 2015, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản sẽ có những điều chỉnh căn bản như: tăng số đội tàu ngầm từ 4 lên thành 6 đội, tăng số lượng tàu ngầm từ 6 lên 22 chiếc, phát triển các thế hệ tàu khu trục và tàu ngầm nhằm tăng cường khả năng phát hiện xung đột, cũng như tác chiến khi xảy ra xung đột.
Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản sẽ được điều chỉnh theo hướng hình thành 4 hạm đội và 24 đội phòng vệ; lập 2 đội bay, xây dựng 1 hệ thống chống tên lửa đạn đạo Patriot-3 và bố trí 6 hệ thống chống tên lửa đạn đạo trên khắp cả nước.
Trước đó, trong năm 2012, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã mua 1 hệ thống tên lửa dẫn đường tầm ngắn, 2 hệ thống tên lửa đạn đạo mặt đất và trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung cho một trung đội.
“Những động thái trên chủ ý nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng bố trí phòng ngự ở phía Tây Nam nước này”, báo cáo của Trung Quốc đánh giá.
Mạng People.com cũng cho rằng động thái tăng sắm binh bị và tái bố trí quân sự của Nhật Bản nhằm 3 mục đích: thứ nhất là tăng cường thu thập tin tức tình báo và khả năng tuần tra, giám sát; thứ hai là tăng cường khả năng tác chiến; và thứ ba là tăng cường khả năng cơ động, linh hoạt.
Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách quốc phòng tổng thể và củng cố thực lực quân sự, báo cáo của Trung Quốc cũng cho biết Nhật Bản đã tăng mạnh ngân sách quốc phòng.
Ngân sách xây dựng đội tàu tăng 130%
Video đang HOT
Theo báo cáo của Trung Quốc – có dẫn nguồn đăng trên Thời báo Hoàn cầu, ngân sách mua sắm trang thiết bị vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong năm 2012 là 756,5 tỷ yên, chiếm 16% ngân sách quốc phòng. Trong đó ngân sách xây dựng đội tàu là 172,8 tỷ yên, tăng 130% so với năm trước.
Sở dĩ có việc tăng mạnh ngân sách cho hoạt động xây dựng các đội tàu là vì Nhật Bản vừa muốn nâng cao năng lực phòng ngự và phản ứng nhanh ở phía Tây Nam, vừa muốn đẩy mạnh thực hiện “chiến lược 3 giai đoạn trên đảo Điếu Ngư’.
Theo đó, chính sách quân sự của Nhật Bản đối với đảo Điếu Ngư/ Senkaku được phân thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Sử dụng Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đánh trận mở màn và chiếm giữ thế trận;
- Giai đoạn 2: Điều động Lực lượng Phòng vệ ứng phó với các xung đột vũ trang cường độ thấp và vừa;
- Giai đoạn 3: Đảm bảo quân đội Mỹ có thể tham gia và chi viện trong trường hợp xung đột gia tăng.
Để thực hiện giai đoạn 3, Nhật Bản sẽ lấy liên minh quân sự Nhật – Mỹ làm cơ sở và coi đây là “hắc tinh” để răn đe, uy hiếp Trung Quốc.
Về vấn đề này, mạng People.com cho rằng các động thái quân sự của Nhật Bản đối với đảo Điếu Ngư nếu xét theo chiều dọc là kết quả của chính sách “phòng vệ Tây Nam”, còn xét theo chiều ngang thì có liên quan đến “hợp tác phòng vệ Nhật – Mỹ”, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang xuay trục trở lại châu Á-Thái Bình Dương.
Cũng theo mạng People.com và báo cáo của Trung Quốc, những động thái quân sự mới của Nhật Bản rõ ràng xuất phát từ việc Mỹ và Nhật Bản coi Trung Quốc là đối thủ quân sự.
Đối thủ quân sự của Mỹ-Nhật Bản
Báo cáo đề cập việc Mỹ và Nhật Bản coi Trung Quốc là mối “uy hiếp” chủ yếu.
Trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu, ông La Viện – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc – cho rằng báo cáo đã chỉ rõ xu hướng tăng số lần diễn tập quân sự, danh sách các nước tham gia, loại vũ khí được sử dụng cũng như mức độ tham gia của phía Mỹ.
Theo ông La Viện, việc tăng tần suất, quy mô và cường độ của các cuộc diễn tập quân sự Mỹ – Nhật trong bối cảnh cục diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện rất căng thẳng chỉ càng làm tình hình khu vực thêm sôi sục và ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.
“Mỹ và Nhật Bản cần duy trì vị trí lãnh đạo thế giới. Việc lo ngại Trung Quốc sẽ chỉ thách thức vị trí này của Mỹ và Nhật Bản”, Tướng La Viện nói thêm.
Từ góc độ muốn làm giảm vai trò và sức mạnh của Nhật Bản, ông La Viện cho rằng Mỹ nên tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, thay vì tìm cách củng cố liên minh quân sự với Nhật Bản và các đồng minh khác trong khu vực để đối phó với việc Trung Quôc tăng cường sức mạnh quân sự.
Ngược lại, Trung Quốc cũng cầu bày tỏ tin tưởng Mỹ trên nhiều phương diện và cùng nhau tìm kiếm lợi ích chung trong hợp tác để tìm được “ước số chung lớn nhất”.
Theo Dantri
Hoàn Cầu: Trung Quốc cần coi thường "Nhật lùn"
Xô xát giữa Trung Quốc và Nhật Bản lại nóng lên sau sự kiện 10 tàu đánh cá Nhật Bản bị 10 tàu hải giám Trung Quốc đuổi ở hải vực đảo Điếu Ngư/Senkaku và 168 nghị sĩ quốc hội Nhật Bản đi viếng đền Yasukuni.
Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Hôm nay 24-4, tờ Hoàn Cầu đã đăng tải bài viết "dọa Nhật Bản"
Sóng gió lại nổi
Một vụ chặn tàu có tên gọi "trò chơi nguy hiểm" đã diễn ra trên hải vực đảo Điếu Ngư/Senkaku vào ngày hôm qua. Một bên là 10 tàu đánh cá của cánh hữu Nhật Bản dưới sự bảo kê của 10 tàu tuần duyên của Cảnh sát Biển Nhật Bản Bên kia là 10 tàu hải giám của Trung Quốc. Mặc dù bị tàu tuần duyên của Nhật Bản "bao vây" nhưng cuối cùng Trung Quốc vẫn đuổi được các phần tử phái hữu của Nhật Bản và tiếp tục hoạt động tuần tra trên đảo Điếu Ngư/Senkaku".
Học giả Trung Quốc cho rằng, đây là "cột mốc đánh dấu sự thành công của Trung Quốc trong việc bảo vệ đảo Điếu Ngư", nhưng hành động này lại bị chính phủ Nhật Bản gắn mác "Trung Quốc xâm lược lãnh thổ Nhật Bản" và tuyên truyền với người dân nước này, thủ tướng Shinzo Abe còn ngang nhiên tuyên bố, nếu người Trung Quốc đặt chân lên đảo sẽ dùng biện pháp mạnh để trục xuất". Cùng ngày 23-4, để hỗ trợ cho lời tuyên bố của ông Shinzo Abe, 168 nghị sĩ Nhật Bản còn đến viếng đền Yasukuni.
Hoàn Cầu cho biết, hai ngày vừa qua, Trung Quốc và Nhật Bản liên tiếp xảy ra trục trặc, 168 nghị sĩ quốc hội Nhật Bản đi viếng đền Yasukuni, đây là lần đầu tiên trong 8 năm qua, có trên 100 nghị sĩ Nhật Bản đi "viếng quỷ" (theo cách gọi của Hoàn Cầu) tập thể. Ngày 23/4, nhiều tàu hải giám Trung Quốc đi vào phạm vi 12 hải lý của đảo Điếu Ngư/Senkaku và thành công trong việc đuổi được đoàn tàu chở 80 phần tử cánh hữu Nhật Bản đến gây sự.
Hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đều có phản ứng giống nhau xung quanh vấn đề nghị sĩ Nhật Bản đi viếng đền Yasukuni, nhưng Nhật Bản không hề tỏ ra e ngại. Vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng là vấn đề rất nóng giữa hai nước, hôm qua Nhật Bản lại một lần nữa đưa ra lời cảnh cáo đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu người Trung Quốc đặt chân lên đảo.
Cảnh sát Biển Nhật Bản phun vòi rồng chặn tàu cá Trung Quốc đi vào khu vực đảo Senkaku.
Hoàn Cầu cho rằng, Nhật Bản là đối thủ rất khó chịu, các phần tử phái hữu cực đoan không nhiều nhưng khuynh hướng đi theo phái hữu lại phổ biến trên cả nước. Sự "đa nguyên hóa" của Nhật Bản đã được thể hiện rõ nét trong sự xung đột với Trung Quốc. Những hành động khiêu khích mấy ngày vừa qua đến từ các thành viên trong nội các như phó thủ tướng Nhật Bản, hơn 100 nghị sĩ và các phần tử phái hữu đến đảo Điếu Ngư/Senkaku gây rối. Thủ tướng Shinzo Abe không đi viếng đền Yasukuni, đây là "nấc thang" đáng thương mà cả đất nước và xã hội Nhật Bản để lại cho Trung Quốc.
Trung Quốc chủ yếu dựa vào chính phủ để đối phó với Nhật Bản. Hoàn Cầu thừa nhận: "Đồng minh của chúng ta quá ít, thực tế này rất khó thay đổi trong thời gian ngắn".
"Người Trung Quốc cần coi thường "Nhật lùn"
Theo Hoàn Cầu nếu đã như vậy, Trung Quốc cần thể hiện rõ thái độ gay gắt. Chính phủ Trung Quốc trở thành lực lượng chủ chốt bảo vệ đảo Điếu Ngư/Senkaku, kể từ khi cuộc khủng hoảng trên đảo Điếu Ngư/Senkaku nổ ra vào năm 2012 cho đến nay, biện pháp cứng rắn của Trung Quốc đã đạt được những thành quả mang tính giai đoạn. Lần này tàu hải giám Trung Quốc đã đuổi được tàu phái hữu của Nhật Bản ra khỏi Điếu Ngư/Senkaku.
Tình hình mới trên hải vực đảo Điếu Ngư/Senkaku đã chứng minh sự đối đầu về sức mạnh giữa Trung Quốc và Nhật Bản và chiến lược ở khu vực Đông Á đang thay đổi, những xung đột xung quanh vấn đề đền Yasukuni càng thể hiện sự không phục của Nhật Bản đối với sự thay đổi này. Nhật Bản ngày càng tỏ thái độ gay gắn, nhưng khi đối phó với những va chạm và xung đột trên biển lại tỏ ra rụt rè hơn nhiều.
Hoàn Cầu phân tích Nhật Bản không có chiến lược Đông Á rõ nét, trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, ngoài việc thể hiện sự bất bình và lo lắng ra, Nhật Bản không thể thể hiện ra khả năng tùy cơ ứng biến của mình, không thể thực hiện được đối sách nhằm bảo vệ lợi ích cho Nhật Bản. Tokyo tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ chỉ là cách bất đắc dĩ để tiếp thêm sức mạnh cho mình, bài toán chiến lược của quốc gia này không thể vì thế mà được giải quyết.
Sự suy yếu về sức mạnh là căn nguyên khiến Nhật Bản mất đi sự tự tin, xét về lâu dài, đối đầu với Trung Quốc là con đường không có lối thoát của Nhật Bản, viếng đền Yasukuni là liều thuốc độc khiến Nhật Bản tự lừa dối mình, tự làm mình say. Cùng lắm nó chỉ khiến người Trung Quốc cảm thấy bực bội, giận dữ mà thôi, nhưng nó lại khiến Nhật Bản như những kẻ hút thuốc phiện tự hành hạ mình trong sự hưng phấn nhất thời.
Ở trạng thái đó, không cần Trung Quốc đẩy, Nhật Bản cũng sẽ từ từ ngã xuống. Chính vì vậy, Trung Quốc không cần phải gấp gáp "tấn công" Nhật Bản, mà chỉ cần thể hiện rõ sự kiên quyết và nghiêm túc trong nguyên tắc bảo vệ chủ quyền của mình, để Nhật Bản phải dè chừng hơn khi đối mặt với những thách thức mới.
Vài năm gần đây Trung Quốc đã áp dụng nguyên tắc "chống lại đối đẳng" để đối phó với sự khiêu khích của Nhật Bản, do cơ cấu xã hội của Trung Quốc và Nhật Bản không giống nhau, sự "đối đẳng" này không thể nắm bắt thật chuẩn, nhưng nó đã khiến Nhật Bản cảm nhận ra được.
Hoàn Cầu đề xuất Trung Quốc cần phải tạo ra một số đòn bẩy ngoại giao chuyên dụng để đối phó với Nhật Bản, để chúng thể hiện được rõ nét ý chí quốc gia của Trung Quốc trong vấn đề lịch sử và chủ quyền, để sự xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản được kiểm soát dưới bàn chân Trung Quốc ở giữa "hiệp đấu". Bàn thắng của đội Trung Quốc đã dẫn trước Nhật Bản, thời gian thi đấu và quyền kiểm soát trận đấu được người Trung Quốc nắm chắc trong tay.
Cuối cùng Hoàn Cầu kết luận, chống lại sự thách thức của Nhật Bản nhưng quyết không nổi giận với Nhật Bản, đây là thái độ chiến lược vốn có của người Trung Quốc đối với Nhật Bản. Cứ để người Nhật Bản nổi giận, Trung Quốc cần thể hiện thái độ coi nhẹ thậm chí coi thường chiến lược của Nhật Bản, đối với Trung Quốc, chỉ là "Nhật lùn" mà thôi.
Tờ báo cho rằng sự phát triển bền vững của Trung Quốc là điều khiến Tokyo khó chịu nhất. Trung Quốc tuyên bố với Nhật Bản rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển, và chúng tôi có đủ khả năng để vừa đối đầu với Nhật Bản, vừa phát triển rất ổn.
Theo Dantri
Hoàn Cầu vạch 5 biện pháp "đoạt" Điếu Ngư/Senkaku Hôm nay 21-3, Hoàn Cầu đã có bài xã luận của với tựa đề 5 biện pháp phi quân sự để Trung Quốc đối phó với những tranh chấp trên quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Ngày 20-3, báo chí Nhật Bản đưa tin chính phủ hai nước Nhật Bản và Mỹ sẽ đề ra kế hoạch phòng ngự chung để đối phó với...