Trung Quốc ngăn Mỹ trừng phạt Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc
Trung Quốc đã trì hoãn yêu cầu của Mỹ liệt các tàu và công ty liên quan tới Triều Tiên vào danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Lễ duyệt binh của Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết từ cách đây một tuần, Mỹ đã đệ trình kiến nghị lên Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, yêu cầu liệt 33 tàu thuyền, 27 công ty vận tải biển và một công dân Đài Loan vào danh sách trừng phạt vì bị nghi ngờ có các hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên. Washington cho rằng động thái này nhằm “cắt đứt các hoạt động buôn lậu trên biển trái phép của Triều Tiên”, vốn cho phép Bình Nhưỡng có thể “mua dầu và bán than” với nước ngoài.
Tuy nhiên nỗ lực trừng phạt của Mỹ đã vấp phải rào cản từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã trì hoãn đề xuất của Washington tại Liên Hợp Quốc, song không nêu lý do cụ thể. Thông thường các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể trì hoãn một đề xuất nếu muốn tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên, việc trì hoãn này cũng có thể dẫn tới việc đình chỉ vĩnh viễn đề xuất đó. Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an hoạt động trên cơ sở nhất trí giữa các thành viên, do vậy đề xuất của Mỹ chưa được đưa ra để bỏ phiếu thông qua nếu Trung Quốc tiếp tục trì hoãn.
Nếu đề xuất của Mỹ được thông qua, 33 tàu thuyền, trong đó 19 chiếc là tàu của Triều Tiên, sẽ bị cấm cập cảng toàn cầu, trong khi các nước khác được yêu cầu xóa hồ sơ đăng ký của 14 tàu còn lại. 27 công ty và một cá nhân nằm trong đề xuất trừng phạt của Mỹ cũng sẽ bị đóng băng tài sản.
Video đang HOT
Đề xuất trừng phạt của Mỹ tại Liên Hợp Quốc được đưa ra cùng thời điểm với các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào Triều Tiên. Đây được xem là gói trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay của Washington đối với Bình Nhưỡng, nhằm gây sức ép buộc chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải từ bỏ các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.
Từ sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nhiều nghị quyết trừng phạt nhằm cắt nguồn thu tài chính của Triều Tiên. Bình Nhưỡng bị nghi ngờ sử dụng các nguồn thu này để phát triển vũ khí.
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên không sợ lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có của Mỹ
Triều Tiên tuyên bố chiến dịch gây sức ép của Mỹ nhằm vào chương trình hạt nhân của nước này sẽ không bao giờ phát huy tác dụng sau khi Washington công bố gói trừng phạt mạnh chưa từng có nhằm vào Bình Nhưỡng hồi tuần trước.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát lễ duyệt binh tại Triều Tiên ngày 8/2 (Ảnh: Reuters)
"Mỹ nên hiểu rằng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép sẽ không bao giờ đe dọa được Triều Tiên và cũng không bao giờ phát huy tác dụng", Han Tae Song, đại sứ Triều Tiên tại Hội nghị Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ phát biểu ngày 27/2.
Bình luận trên của Đại sứ Han được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump công bố gói trừng phạt mà ông mô tả là "mạnh nhất từ trước đến nay" nhằm vào Triều Tiên hồi cuối tuần trước. Lệnh trừng phạt này tác động tới gần 60 công ty, cá nhân, tàu bị cho là có liên quan tới Bình Nhưỡng.
Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang có tín hiệu khởi sắc sau một thời gian dài căng thẳng. Bình Nhưỡng từng nhiều lần chỉ trích Washington cố tình phá hỏng bầu không khí hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên.
"Nếu Mỹ phớt lờ những nỗ lực chân thành của chúng tôi trong việc cải thiện quan hệ liên Triều... thay vào đó ưu tiên cho các hành động khiêu khích và đối đầu, Triều Tiên chắc chắn sẽ đáp trả", Đại sứ Han nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cảnh báo nếu các biện pháp trừng phạt mới nhất áp dụng với Triều Tiên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi, Mỹ "buộc phải tiếp tục tiến hành giai đoạn hai". Theo nhà lãnh đạo Mỹ, "giai đoạn hai có thể sẽ rất mạnh tay".
Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood hôm qua một lần nữa nhắc lại lập trường rằng Washington sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Chuyện đó sẽ không thể xảy ra", Đại sứ Wood đáp trả Đại sứ Han.
Báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) gần đây nhận định Triều Tiên đang phải hứng chịu một loạt hệ quả từ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Do nợ tiền từ các nhà cung cấp dịch vụ, Bình Nhưỡng dường như bị cắt khỏi các mạng lưới vệ tinh quốc tế trong 8 tháng qua. Ngoài ra, Triều Tiên cũng phải cắt giảm 2/3 số lượng bản in của báo đảng do tình trạng thiếu giấy, đồng thời đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại và nguy cơ cạn tiền trong bối cảnh bị trừng phạt.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cách tàu Trung Quốc "ngụy trang" để lách lệnh trừng phạt Triều Tiên Các tàu Trung Quốc đã nỗ lực tìm cách "qua mặt" các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm hỗ trợ Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng chịu sức ép của cộng đồng quốc tế do chương trình vũ khí gây tranh cãi. Các tàu Trung Quốc bị phát hiện giao dịch trái phép với Triều Tiên, trong đó có Kai...