Trung Quốc muốn gánh vác thế giới theo kiểu ‘há miệng chờ sung’
Sẽ còn rất lâu nữa đất nước đông dân nhất thế giới này mới đạt được một vị trí quan trọng hơn trên thế giới, khi mà họ vẫn tiếp tục duy trì chính sách hai mặt của mình.
Trung Quốc muốn gánh vác thế giới theo kiểu &’há miệng chờ sung’
Hầu như bất cứ ai quan tâm tới tình hình Trung Quốc đều biết rằng, một trong những mục tiêu hàng đầu của cường quốc mới trỗi dậy này là việc muốn nắm giữ một vị trí quan trọng hơn trên thế giới. Người dân Trung Quốc cũng mong muốn điều này. Nhưng có vẻ như, từ lãnh đạo đến người dân Trung Quốc vẫn đang chờ đợi theo kiểu “há miệng chờ sung”, thay vì lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đó một cách chủ động.
Quyền lực đi kèm với nghĩa vụ. Trung Quốc ở thời điểm hiện tại muốn quyền lực, nhưng lại không sẵn sàng gánh vác nghĩa vụ và trách nhiệm. Đó là lý do sẽ còn rất lâu nữa đất nước đông dân nhất thế giới này mới đạt được một vị trí quan trọng hơn trên thế giới, khi mà họ vẫn tiếp tục duy trì chính sách hai mặt của mình.
Nỗi khao khát về một “vị trí tương xứng” trên thế giới từ lâu đã là một nỗi ám ảnh với lãnh đạo và người dân Trung Quốc. Vị trí cao nhất mà nước này nắm giữ trên thế giới – một trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an – là do được kế thừa từ chính phủ Trung Hoa dân quốc. Bản thân chính quyền của Tưởng Giới Thạch đạt được vị trí này cũng là do đã đứng về phe Đồng minh trong thế chiến thứ hai, một cuộc chiến mà vai trò của người Trung Quốc là rất nhỏ.
Vị trí ủy viên thường trực mà Trung Quốc đang nắm giữ, vì thế không hề được xem là biểu hiện của một cường quốc thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Nỗi ám ảnh về quyền lực này tạm thời bị nén xuống khi Trung Quốc mở cửa và ý thức được sự tụt hậu của mình với thế giới. Nhưng khi đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thì nỗi ám ảnh ấy bắt đầu trỗi dậy, và các nhà lãnh đạo cũng như người dân Trung Quốc ngày càng nói nhiều hơn về một vị trí mà họ xứng đáng có được trên thế giới.
Video đang HOT
Nhưng, điều nghịch lý là, một mặt Trung Quốc đòi hỏi một vị trí xứng đáng hơn trên thế giới, mặt khác quốc gia này lại đang từ chối gánh vác những nghĩa vụ và trách nhiệm của một cường quốc cần có. Thử điểm lại vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề an ninh và hòa bình lớn trên thế giới trong những năm qua, gần như là rất nhỏ. Thậm chí Trung Quốc lại đang trở thành một trong những kẻ gây rối lớn nhất trên thế giới, khi gây ra hàng loạt vụ tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với các nước láng giềng trong khu vực, dẫn đến sự leo thang căng thẳng ở châu Á.
Và chiến lược được Bắc Kinh đặt lên hàng đầu ở thời điểm hiện tại: đó là chính sách hai mặt một cách lập lờ, trong đó miễn điều gì có lợi cho Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ làm. Có vẻ như triết lý mèo đen mèo trắng mà Đặng Tiểu Bình ví von khi mở cửa đất nước năm 1979 vẫn đang tiếp tục được áp dụng ở thời điểm hiện tại.
Chuyến công du các nước châu Á hiện nay của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là một dấu hiệu cho triết lý thực dụng ấy của người Trung Quốc. Việc lên kế hoạch lựa chọn những điểm đến cho ông Tập trong chuyến công du lần này là một câu chuyện hấp dẫn. Trong những năm qua, người ta tự hỏi rằng tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc – vốn đã đi hầu hết các khu vực trên thế giới – lại chưa hề đặt chân đến Trung Đông, dù mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này không phải là nhỏ.
Đã xảy ra những cuộc bàn cãi về việc ông Tập có nên đến Arab Saudi hay Iran hay không. Và sự lựa chọn sau cùng là “không”. Ông Tập có lẽ sẽ chỉ đến Pakistan và sau đó là Indonesia mà thôi. Người Trung Quốc lại một lần nữa trì hoãn đến thăm Trung Đông – khu vực vẫn đang là điểm nóng trên thế giới hiện nay. Câu trả lời rất đơn giản: Trung Quốc không muốn ôm rơm rặm bụng.
Quả thực, các nhà phân tích đã rất thắc mắc vì sao ông Tập lại không đến thăm Iran, khi thỏa thuận hạt nhân vừa hoàn tất đang biến nước này thành một thị trường béo bở, nhất là khi hợp tác kinh tế giữa hai nước trong những năm qua là rất lớn. Thậm chí Nga lại đang là nước đi đầu trong việc thâm nhập thị trường Iran chứ không phải một Trung Quốc thính tai thính mũi như thường lệ.
Là vì Trung Quốc không muốn dính vào rắc rối xung quanh vấn đề ở Yemen. Dù thỏa thuận hạt nhân Iran đã thông qua, nhưng vấn đề xung đột ở Yemen vẫn còn đó, cả Iran lẫn Arab Saudi đều vẫn đang hỗ trợ lực lượng thân với mình trong cuộc xung đột ở Yemen.
Và điều mà cả Iran lẫn Arab Saudi đều muốn, đó là một sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc – dù chỉ là một sự hỗ trợ tinh thần và trên danh nghĩa. Vì thế nếu đến thăm Iran và Arab Saudi, Trung Quốc sẽ tạo ấn tượng rằng nước này sẽ hỗ trợ Iran hoặc Arab Saudi trong cuộc xung đột ở Yemen. Điều này không chỉ gây ra một hậu quả xấu đến hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và các nước ở Trung Đông, mà còn đe dọa phá hỏng dự định thành lập con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc băng qua các nước ở khu vực này.
Nói cách khác, Trung Quốc không muốn dính dáng đến bất cứ vấn đề rắc rối phức tạp nào có thể ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Dĩ nhiên là các nước trên thế giới đều có quyền đặt lợi ích của mình lên hàng đầu và né tránh can dự vào những cuộc xung đột. Nhưng một nước ủy viên thường trực của hội đồng bảo an, và đang mong muốn có được một trọng trách lớn hơn trên thế giới như Trung Quốc mà lại hành xử như thế thì quả là một điều lạ lùng.
Thay vì chủ động đóng một vai trò tích cực hơn trong việc hòa giải cuộc xung đột ở Yemen, Trung Quốc lại đang đóng vai một gã con buôn đứng ngoài cuộc và tiếp tục thu lợi từ cả hai bên trong khi lờ đi xem như không có gì xảy ra. Người Trung Quốc có thể lập luận rằng, họ muốn chờ đến khi có đủ uy tín và ảnh hưởng thì sẽ bắt đầu gánh vác nghĩa vụ của mình.
Nhưng sẽ là đến khi nào, khi mà Trung Quốc đã là nền kinh tế thứ hai thế giới đã được vài năm, trong khi trách nhiệm mà họ gánh vác lại chưa tương xứng với điều đó. Lịch sử thế giới đã chỉ ra rằng, ảnh hưởng là điều không phải tự nhiên mà có theo kiểu há miệng chờ sung, mà phải đánh đổi bằng những cái giá rất đắt. Và khi mà người Trung Quốc còn chưa sẵn sàng trả giá, thì tốt nhất là không nên mơ đến một vị trí cao hơn.
Theo Một Thế Giới
Trung Quốc muốn có "chủ quyền Internet"
Khi Internet ngày càng trở nên quan trọng với các hoạt động hàng ngày của chính phủ và các công ty đa quốc gia, Trung Quốc đã kêu gọi cần có "chủ quyền internet".
Trong một bài viết dài cả một trang trên số báo ra hôm thứ Hai vừa qua, tờ báo phát ngôn chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc, People's Daily, đã thảo luận về vai trò của Trung Quốc khi giải quyết các vấn đề về Internet và cơ sở hạ tầng Internet trên toàn cầu.
Bài báo đã phỏng vấn 5 chuyên gia Trung Quốc, trong đó có Phương Tân Hưng (Fan Binxing), người được gọi là "cha đẻ" nổi tiếng của phần mềm tường lửa Great Firewall. Kết quả: họ tin rằng mỗi quốc gia nên có quyền lực tối đa trong việc định đoạt lưu lượng truy cập Internet trong và ngoài lãnh thổ của mình. Đó là khái niệm mà Trung Quốc gọi là "chủ quyền Internet", và mặc dù các chuyên gia trong bài báo có ý kiến khác nhau, song thông điệp cối lõi là mỗi nước nên có quyền cai trị Internet theo cách riêng mà họ thấy phù hợp.
Một thông điệp nữa theo Trung Quốc là từ lâu Mỹ đã gây ảnh hưởng quá nhiều trong việc quản trị Internet, và các tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cho thấy sự đạo đức giả của Mỹ khi kêu gọi mở cửa cho Internet, trong khi lại liên tục theo dõi các chính phủ, công ty nước ngoài và các cá nhân.
Gần đây, chính phủ Mỹ nói họ có kế hoạch sẽ không kiểm soát cơ quan chức năng quản lý các địa chỉ và tên miền Internet, trong một động thái xoa dịu các căng thẳng sau những rò rỉ của Snowden và cũng để khuyến khích sự hợp tác quốc tế về quản lý Internet. Tuy nhiên, một số công ty phần cứng và Internet của Mỹ vẫn tiếp tục kiếm soát phàn lớn lưu lượng internet toàn cầu.
Một số dịch vụ của Google đã bị chặn trước ngày kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn vừa qua
"Chủ quyền internet" là một ý tưởng phù hợp với các luật pháp quốc tế, báo People's Daily viết. "Từ quan điểm cụ thể, mỗi quốc gia nên có quyền thực thi các chính sách internet theo nhu cầu của họ. Các quốc gia khác không có quyền can thiệp".
Xét ở một khía cạnh khác, một số người cho rằng việc thu nhỏ vai trò của Mỹ có thể dẫn đến sự phân mảnh Internet - chẳng hạn như nó sẽ khiến internet của Trung Quốc bị chia cắt, tách biệt hơn so với phần còn lại của thế giới web.
Những giận dữ về hành vi gián điệp mạng của Mỹ vẫn tiếp tục, nhưng câu hỏi quan trọng hơn vào thời điểm này là liệu thế giới có tốt đẹp hơn với chính sách "chủ quyền Internet" mà Trung Quốc đặt ra?
Theo Wall Street Journal
NÓNG 24h: Bầu Kiên phản pháo cáo trạng; Hàng chục công nhân tiếp tục bị ngộ độc Ngày thứ hai phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm; thông tin mới nhất về giàn khoan HD981,... đáng chú ý nhất trong ngày. Tình hình biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận Bầu Kiên khẳng định không làm sai pháp luật Ngày thứ hai diễn ra phiên tòa, trả lời trong phần xét hỏi,...