Trung Quốc lên kế hoạch trở thành cường quốc chế tạo robot vào năm 2025
Trung Quốc đang nỗ lực để trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo robot vào năm 2025 theo kế hoạch 5 năm vừa được công bố trong tuần.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã công bố một loạt mục tiêu đầy tham vọng nhằm tăng cường tự động hóa trong sản xuất, khi nước này đang nỗ lực phấn đấu để dẫn đầu thế giới trong việc đưa robot vào nhà máy.
Theo kế hoạch 5 năm do một số cơ quan chính phủ công bố, bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng hằng năm tối thiểu 20% về doanh số robot, và phát triển một nhóm các nhà vô địch trong ngành để tăng gấp đôi “mật độ robot” tại nơi đông dân nhất thế giới.
Cánh tay robot trên dây chuyền sản xuất của nhà máy Great Wall Motors ở Trùng Khánh, Trung Quốc
Trong những năm qua, Trung Quốc là một trong những nước tích cực nhất trong việc sử dụng máy móc thay thế sức lao động của con người, nguyên nhân một phần là để đối phó với tình trạng lực lượng lao động ngày càng già đi và thu hẹp. Theo báo cáo từ Liên đoàn Robot Quốc tế trong tháng này, Trung Quốc đứng thứ 9 thế giới về mật độ robot vào năm ngoái, kết quả được đo bằng số lượng đơn vị robot trên 10.000 nhân viên, tăng so với thứ hạng 25 của 5 năm trước.
Tuy nhiên, với mật độ robot 246 trên 10.000 nhân viên, Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Hàn Quốc, quốc gia có mật độ hiện tại là 932 và đứng đầu thế giới kể từ năm 2010. Dù vậy, mật độ robot của Trung Quốc nhìn chung cao hơn mức trung bình toàn cầu là 126 và gần bằng Mỹ với mật độ 255.
Video đang HOT
Nằm trong kế hoạch mới nhất về sản xuất thông minh, Trung Quốc đặt mục tiêu số hóa 70% các nhà sản xuất trong nước vào năm 2025. Theo kế hoạch riêng về ngành công nghiệp robot, Trung Quốc muốn trở thành “nguồn đổi mới” toàn cầu trong lĩnh vực robot, tạo ra đột phá trong công nghệ robot cốt lõi và các sản phẩm robot cao cấp trong cùng năm. Kế hoạch cũng nêu rõ khả năng tổng thể về robot của đại lục sẽ thuộc hàng tốt nhất thế giới vào năm 2035, khi robot được dự đoán trở thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế, cuộc sống hằng ngày và quản trị xã hội của Trung Quốc.
Tham vọng trên được đưa ra khi Bắc Kinh đang cố gắng nâng cấp nền kinh tế giữa lúc cạnh tranh công nghệ với Mỹ ngày càng sâu sắc. Kế hoạch 5 năm mới nhất cho thấy môi trường toàn cầu “ngày càng phức tạp” và sự cạnh tranh “ngày càng gay gắt”. Kế hoạch xác định tình trạng mất cân đối cung – cầu và sự ổn định của chuỗi cung ứng là thách thức lớn cần vượt qua. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế tạo robot của Trung Quốc còn phải đối mặt với những vấn đề khác, bao gồm thiếu tích lũy công nghệ, nền tảng công nghiệp yếu và không đủ nguồn cung cấp cao cấp.
Đến năm 2025, Trung Quốc muốn xây dựng ít nhất 500 nhà máy theo mô hình sản xuất thông minh và nuôi dưỡng ít nhất 150 nhà cung cấp giải pháp sản xuất thông minh. Theo báo cáo được Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi công bố tháng trước, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về bằng sáng chế robot, chiếm gần 35% sản lượng toàn cầu từ năm 2005 đến 2019. Trong khi đó, Mỹ chiếm khoảng 13%.
Lập trình viên tài năng tự sát khiến giới công nghệ Trung Quốc rúng động
Một lập trình viên game tài năng đã bất ngờ tự sát ở tuổi 30, khiến giới công nghệ và cộng đồng mạng Trung Quốc phải rúng động.
Mao Tinh Vân, một lập trình viên thiên tài và được xem là một trong những niềm hy vọng lớn của ngành lập trình game Trung Quốc, đã bất ngờ qua đời ở tuổi 30. Trước khi qua đời, Mao Tinh Vân đang là lập trình viên quan trọng của Tencent Games, công ty con của "gã khổng lồ" công nghệ Tencent.
Thông tin về cái chết của Mao đã xôn xao trong cộng đồng mạng Trung Quốc trong nhiều ngày qua, nhưng mới chỉ được Tencent xác nhận gần đây.
"Chúng tôi đau buồn sâu sắc khi phải xác nhận rằng Mao Tinh Vân, một thành viên của Studio phát triển game TiMi F1, đã bất ngờ qua đời vào sáng 11/12", Tencent cho biết trong một thông cáo mới được đưa ra. "Tinh Vân từng là một phần không thể thiếu của nhóm phát triển, với chuyên môn vững vàng và sự tận tâm trong công việc. Anh ấy sẽ luôn được tưởng nhớ".
Tencent không tiết lộ nguyên do cái chết, nhưng theo tờ Yinshi Finance, Mao đã tự sát ngay tại văn phòng làm việc.
Yinshi Finance dẫn nội dung một lá thư nội bộ được gửi cho các đồng nghiệp của Mao, cho biết lập trình viên này đã từng phải nhập viện để điều trị các vấn đề về sức khỏe không được xác định trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua. Sau khi được điều trị và tình trạng trở nên ổn định hơn, Mao đã quay trở lại làm việc trước khi đột ngột qua đời.
Tencent từ chối bình luận về nội dung do tờ báo này đăng tải.
Mao Tinh Vân từng nhận giải thưởng "Chuyên gia có giá trị nhất" của Microsoft khi còn là sinh viên
Mao Tinh Vân là một trong những lập trình viên tài năng và nổi tiếng nhất của ngành công nghiệp game Trung Quốc, đại diện cho thế hệ chuyên gia công nghệ trẻ với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc về game. Cái chết của Mao đã trở thành chủ đề gây xôn xao trên Weibo, nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.
Mao trở nên nổi tiếng trong giới công nghệ Trung Quốc khi vẫn đang là sinh viên của Đại học Hàng không và Du hành Vũ trụ Nam Kinh, một trong những học viện công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Khi còn là sinh viên, Mao đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình và được Microsoft vinh danh là "Chuyên gia có giá trị nhất" (MVP - Most Valuable Professional) vào năm 2014, một giải thưởng do hãng công nghệ Mỹ trao tặng cho những chuyên gia công nghệ xuất sắc.
Nổi tiếng trên cộng đồng mạng với biệt danh Qianmo, Mao sở hữu một trang blog có nhiều người theo dõi và thường xuyên đăng tải những bài viết về kiến thức lập trình game trong hơn 10 năm qua. Mao cũng thường xuyên chia sẻ những dự án của mình trên GitHub, một cộng đồng các nhà phát triển phần mềm mã nguồn mở.
Mao cũng hoạt động tích cực trên Zhihu, một nền tảng mạng xã hội hỏi đáp của Trung Quốc, để chia sẻ những kiến thức và sự hiểu biết của mình về phát triển game cho hơn 58.900 người theo dõi trên nền tảng này.
"Tôi có giấc mơ một ngày nào đó, ngành game Trung Quốc, cũng như các ngành công nghiệp khác, có thể đứng đầu thế giới", Mao từng viết trên trang blog của mình.
Chia sẻ trên mạng xã hội Zhihu hồi tháng 10 vừa qua, Mao cho biết Tencent đã thành lập TiMi F1, một studio phát triển game xuyên biên giới, để xây dựng một trò chơi với thế giới ảo rộng mở, tương tự như thế giới ảo trong bộ phim nổi tiếng "Ready Player One" của đạo diễn Steven Spielberg.
Bài đăng cuối cùng của Mao Tinh Vân trên Zhihu là vào ngày 4/11 vừa qua, khi Mao đã từ chối những lời khen ngợi của truyền thông Trung Quốc dành cho mình, khẳng định rằng anh mới chỉ bước sau tuổi 30 và vẫn còn rất nhiều điều phải học hỏi.
Sau khi tin tức về cái chết của Mao Tinh Vân được chính thức xác nhận, nhiều cư dân mạng đã truy cập vào trang blog và trang mạng xã hội cá nhân của Mao để bày tỏ sự tiếc nuối và gửi lời chia buồn đến gia đình.
"Những đóng góp của anh ấy là vô cùng to lớn. Chỉ riêng bộ sưu tập các bài nghiên cứu về công nghệ của anh ấy đã là một tài sản vô giá. Tôi đã được hưởng rất nhiều từ những kiến thức công nghệ mà anh ấy đã chia sẻ", một cư dân mạng Trung Quốc bình luận trên trang cá nhân của Mao.
Về phần mình, Tencent cho biết sẽ có những hỗ trợ đặc biệt cho gia đình của Mao, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin vì "tôn trọng sự riêng tư của gia đình".
Baidu ra mắt sản phẩm metaverse đầu tiên của Trung Quốc Baidu nhanh chóng tham gia vào làn sóng siêu vũ trụ ảo "metaverse" với "Land of Hope", ứng dụng hội nghị trí tuệ nhân tạo (AI) của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Theo South China Mornng Post, Baidu hôm 10.12 cho biết sản phẩm metaverse đầu tiên có tên Land of Hope, gọi là Xi Rang trong tiếng Trung Quốc, sẽ...