Trung Quốc khăng khăng tuyên bố có quyền khoan thăm dò ở Hoa Đông
Trung Quốc ngày 24/7 tuyên bố có mọi quyền lợi nhằm khoan thăm dò dầu khí ở Hoa Đông gần vùng biển tranh chấp với Nhật Bản, nói rằng nước này không công nhận đường trung tuyến đơn phương của Nhật nhằm phân chia biên giới giữa hai nước trên biển.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông hiện đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Ảnh: AP)
Trong một tuyên bố phát đi hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các hoạt động khoan thăm dò tại vùng biển không tranh chấp và nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc là “hoàn toàn phù hợp và hợp pháp”.
“Trung Quốc và Nhật Bản chưa phân định biên giới trên biển ở Hoa Đông và Trung Quốc không công nhận việc phía Nhật đơn phương vạch ra cái gọi là “đường trung tuyến”, tuyên bố viết.
Tuyên bố còn nói thêm, lập trường của Trung Quốc là nước này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Trung Quốc ở Hoa Đông mở rộng tới khu vực Okinawa.
Trung Quốc cũng “tố” Nhật Bản là bên xuyên tạc sự nhất trí giữa hai nước đạt được vào năm 2008, và Nhật nên “tạo các điều kiện và bầu không khí có lợi” nhằm nối lại đàm phán, mà phía Trung Quốc xem là một cách phù hợp nhằm kiểm soát tranh chấp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Video đang HOT
Trong sách trắng quốc phòng 2015 được công bố hôm 21/7, Nhật Bản đã hối thúc Trung Quốc ngừng lắp đặt các giàn khoan thăm dò dầu mỏ và khí đốt gần vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông.
Ngày 22/7, Tokyo cho biết Trung Quốc đã lắp đặt 16 giàn khoan gần vùng biển tranh chấp với Nhật, vi phạm một thỏa thuận giữa hai nước được ký kết năm 2008. Nhật Bản cũng công bố các bức ảnh và bản đồ chụp các giàn khoa của Trung Quốc.
Nhật Bản lo ngại rằng các giàn khoan của Trung Quốc có thể phạm vào các mỏ khí đốt chồng lấn lên đường trung tuyến phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa 2 nước và cũng có thể được sử dụng làm các trạm radar hoặc các căn cứ cho máy bay không người lái và các loại máy bay khác để giảm sát các hoạt động trên biển và trên không gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Bắc Kinh nói rằng các cáo buộc của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong sách trắng quốc phòng chỉ làm “kích động sự đối đầu giữa hai nước, và không có lợi cho việc xử lý tình hình Hoa Đông và cải thiện quan hệ song phương”.
Nhật Bản và Trung Quốc hiện vẫn bất đồng về phân định biên giới trên biển ở Hoa Đông, nơi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của hai nước bị chồng lấn nhau. Tokkyo đề xuất xác lập đường trung tuyến ở vùng chồng lấn này nhưng Trung Quốc khăng khăng nói rằng đường trung tuyến cần dịch chuyển gần hơn về phía Nhật Bản.
An Bình
Theo Dantri
Nhật chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong sách trắng quốc phòng
Nhật Bản đã gia tăng chỉ trích việc cải tạo đất và công trình xa bờ của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông trong sách trắng quốc phòng 2015 sửa đổi được công bố hôm nay 21/7.
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: Bloomberg)
Sách trắng quốc phòng dài gần 500 trang, phác thảo vị thế quốc phòng và các mối đe dọa hiện hữu của Nhật Bản, đã được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phê chuẩn. Tài liệu cũng lần đầu tiên bao gồm các bức ảnh vệ tinh chụp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo báo chí Nhật, việc thông qua sách trắng quốc phòng đã bị trì hoãn hơn 1 tuần do đảng Dân chủ Tự do cầm quyền bác bỏ một tài liệu dự thảo vì nó "không nhắc gì tới các hoạt động Trung Quốc xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông". Sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã phải bổ sung vào sách trắng một yêu cầu với Trung Quốc nhằm chấm dứt xây dựng các cơ sở ở Biển Đông mà Bắc Kinh khởi động 2 năm trước.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết 3,5 triệu km2 Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có tranh chấp với Trung Quốc về một quần đảo ở Hoa Đông.
Nhật Bản lo ngại rằng các cơ sở của Trung Quốc có thể được sử dụng làm các trạm radar ở Biển Đông, trong bối cảnh Tokyo đang ngày càng đóng một vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông.
Tokyo đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi chỉ trích các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa. Nhật lo ngại rằng các căn cứ quân sự ở Biển Đông có thể tăng cường sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại một khu vực nơi có 5 nghìn tỷ USD giao dịch thương mại bằng tàu thuyền của thế giới qua đây mỗi năm, nhiều trong số đó đi và đến Nhật Bản.
Trung Quốc thì nói rằng các công trình ở Biển Đông có thể được sử dụng để phòng thủ cũng như cung cấp các dịch vụ dân sự sẽ có lợi cho các quốc gia khác.
Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á mà Tokyo hi vọng sẽ cải thiện cả năng của các nước này để đề phòng các hành động của Trung Quốc.
Nhật Bản và Philippines đã tiến hành 2 cuộc tập trận hải quân chung trong và quanh khu vực Biển Đông. Và hồi tháng 6, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho hay hai nước sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận về việc có thể cho phép Nhật sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines.
Nhật Bản còn cho biết tuyên bố có thể bắt đầu các cuộc tuần tra ở Biển Đông. Còn Trung Quốc nói nước này xem đó là một sự can thiệp.
Sách trắng quốc phòng được công bố sau khi Hạ viện Nhật Bản hồi tuần trước thông qua một dự luật an ninh mới mà có thể cho phép các binh sĩ Nhật chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.
An Bình
Tổng hợp
Theo Dantri
Căng thẳng Biển Đông "đốt nóng" Đối thoại Shangri-La Các bộ trưởng quốc phòng từ 26 quốc gia hôm nay quy tụ Singapore để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ 29-31/5. Căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông dự kiến sẽ là chủ đề được quan tâm nhất tại diễn đàn. Bộ trưởng quốc...