Trung Quốc hung hãn, Nhật Bản nắm được thóp Đông Nam Á?
Nếu không có một Trung Quốc hung hăng, một số quốc gia Đông Nam Á chưa chắc đã xích lại gần Nhật Bản như ngày nay.
Mạng tin Sankei của Nhật Bản mới đây có bài phân tích nguyên nhân giúp Nhật Bản có thể khôi phục lòng tin đối với Đông Nam Á. Đó chính là sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số quốc gia Đông Nam Á đang xích lại gần hơn với Nhật Bản, mà điển hình là Philippines.
Bài viết trên Sankei ngày 11/7 cho rằng các nước châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Hàn Quốc, đều hy vọng Tokyo sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực sau khi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe quyết định gỡ bỏ lệnh cấm thực thi quyền phòng vệ tập thể.
Video đang HOT
Chính phủ Nhật Bản đã gỡ bỏ lệnh cấm thực thi quyền phòng vệ tập thể
Tổng thống Philippines Benigno Aquino đánh giá cao quan điểm trên của Nhật Bản ngay trong cuộc hội đàm với ông Abe là vì Manila đang có vấn đề với Trung Quốc liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông. Theo Sankei, không chỉ Philippines mà các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam và Malaysia, cũng có những vấn đề với Trung Quốc và đều kỳ vọng vào việc Nhật Bản sửa đổi chính sách an ninh dựa trên “Chủ nghĩa hòa bình tích cực”. Theo đó, việc thay đổi chính sách quốc phòng của Tokyo có thể đẩy lùi phần nào sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Báo Nhật chỉ thẳng rằng động thái của Philippines suy cho cùng thì cũng vì lợi ích quốc gia của mình. Nếu Trung Quốc không hung hăng như hiện nay, chưa chắc Philippines đã ủng hộ Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể.
Một ví dụ được nêu ra là quan điểm của lãnh đạo Philippines cách đây hơn 20 năm. Tháng 6/1992, Tổng thống Philippines khi đó là Fidel Valdez Ramos từng lên tiếng lo ngại về khía cạnh quân sự của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Theo tờ Inquirer của Philippines, cũng thời gian này, tờ New York Times của Mỹ cũng cho rằng nếu Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo về quân sự sẽ gây bất an cho khu vực. Nếu có gì khiến Philippines thay đổi quan điểm sau hơn 20 năm qua thì đó chính là một Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung hôm 24/6
Tại cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Abe tại Tokyo hồi cuối tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Aquino khẳng định: “Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, không ai nghi ngờ về thảm kịch mà đất nước tôi phải gánh chịu. Tuy nhiên, từ nửa sau thế kỷ 20, quan hệ với Nhật Bản đã được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự vun đắp không ngừng nghỉ”.
Phát biểu của ông Aquino cho thấy người Philippines vẫn còn dè chừng đối với người Nhật.
Ngoài ra, một trong những yếu tố khác khiến Philippines xích lại gần Nhật Bản được Sankei chỉ ra là kinh tế. Căng thẳng trong quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh khiến đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Philippines giảm. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines vẫn lạc quan khi đưa ra dự báo kinh tế nước này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,5-7,5% trong năm 2014. Cơ sở cho sự tự tin này là dòng vốn từ Nhật Bản và Mỹ tăng mạnh để bù đắp cho dòng vốn từ Trung Quốc.
Báo Sankei nhấn mạnh việc Philippines ủng hộ chính sách quốc phòng của Nhật Bản cũng là vì cảm thấy có lợi ích cho đất nước. Báo này dẫn câu nói nổi tiếng của vị Thủ tướng Anh hồi thế kỷ 19 Lord Palmerston rằng “không có bạn vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích vĩnh viễn”.
Theo Đất Việt