Trung Quốc hoang mang khi người Nhật chỉ định thẩm phán xử vụ kiện đường 9 đoạn
Trung Quốc đã làm mình làm mẩy khi thẩm phán người Nhật Bản được chỉ định là người chọn thẩm phán cho phiên tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thường trực The Hague.
Ông Shunji Yanai
Theo tờ Japan Times, trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm nhiều cách để đánh lạc hướng dư luận, thậm chí còn “đặt câu hỏi” về quốc tịch của người chỉ định các thẩm phán xét xử phiên tòa.
Dự kiến, ngày mai 12.7, Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, Trung Quốc đã khước từ mọi sự tham gia thủ tục tố tụng của tòa và nhấn mạnh sẽ phớt lờ bản án được Tòa Trọng tài đưa ra trong ngày 12.7.
Trước khi tòa tuyên án, Trung Quốc đã liên tục thực hiện hàng loạt các tuyên truyền về “chủ quyền không thể chối cãi dựa trên chứng lý lịch sử” trên Biển Đông và cáo buộc những lo lắng của phương Tây và Nhật Bản về việc Bắc Kinh xây dựng các hòn đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông là “cường điệu”.
Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là việc Bắc Kinh cáo buộc “âm mưu của Nhật Bản” chỉ đạo Tòa án ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc.
Các cáo buộc “thiên vị” của Trung Quốc đã có từ năm 2013 khi Philippines bắt đầu nộp đơn kiện Trung Quốc. Khi đó, Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là ông Shunji Yanai đã được Tòa Trọng tài nhờ chọn ra 4 trong số 5 thẩm phán sẽ thụ lý vụ kiện “đường 9 đoạn”.
Theo lý thuyết, mỗi bên tham gia phiên tòa có quyền chọn một thẩm phán với sự đồng ý của 3 bên còn lại, nhưng Trung Quốc đã từ bỏ quyền lợi của mình khi “tẩy chay” không tham gia thủ tục tố tụng tại Tòa Trọng tài. Kết quả là, theo quy định của UNCLOS, ông Yanai – người sẽ không được làm thẩm phán trong phiên tòa này – được quyền chọn thẩm phán đại diện cho Manila và Bắc Kinh.
Theo truyền thông Trung Quốc, vai trò quá lớn của ông Yanai trong việc lựa chọn các thẩm phán của phiên tòa là một sự “thiên vị” trong quá trình tố tụng. Truyền thông Trung Quốc nói rằng việc nước này và Nhật Bản có tranh chấp tại quần đảo Senkaku sẽ khiến một công dân Nhật không thể là người thích hợp để “nắm chìa khóa” giải quyết vụ kiện.
Trong một bài phỏng vấn trên The Jakarta Post, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xie Feng tuyên bố rằng ông Yanai, người giữ cương vị Chủ tịch ITLOS 2011-2014 và là Đại sứ Nhật tại Mỹ từ năm 1999-2001, đã “tạo ra một tòa án tạm thời, hầu như không được coi là đại diện phổ quát” khi có 4 trong số 5 thẩm phán là người châu Âu.
Quan điểm này của Trung Quốc được “lặp đi lặp lại” trong các bài phỏng vấn tại Trung Quốc và các bài phỏng vấn tại nước ngoài của các viên chức ngoại giao Trung Quốc trong suốt 2 tháng vừa qua.
Video đang HOT
Hồi tháng 5, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng Tòa Trọng tài “không đại diện toàn cầu, quan điểm không đa phương và cũng không cung cấp nhiều quan tòa ở các hệ thống pháp luật khác nhau”.
Bài xã luận trên Nhân dân nhật báo được ký với bút danh “Zhong Sheng”, một từ đồng âm có nghĩa là “tiếng nói của Trung Quốc” thường được dùng để bày tỏ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhắm tới ông Yanai như là một mục tiêu nhằm chống đối phiên tòa. Theo Nhân dân nhật báo thì 4 trong 5 thẩm phán của Tòa đã “được bổ nhiệm bởi Shunji Yanai, một người Nhật Bản đầy thành kiến”.
“Đối chiếu với các tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản… Yanai nên tránh tham gia phiên tòa theo pháp luật”, Nhân dân nhật báo bình luận. “Nhưng ông ta cố tình lờ đi thực tế này và rõ ràng là vi phạm các yêu cầu công lý theo đúng thủ tục”.
Dù ra cáo buộc đanh thép với ông Yanai, nhưng tờ Nhân dân nhật báo lại không trích dẫn các “luật” hoặc “yêu cầu công lý theo thủ tục” mà họ đề cập đến trong bài xã luận của mình.
Bình luận về các tuyên bố của Trung Quốc thời gian qua, ông Yanai nay đã 79 tuổi nói với tờ Japan Times hôm 7.7 rằng “những yếu tố đó hoàn toàn không liên quan đến vụ kiện này”.
“Tình cờ tôi là người Nhật, vì các phụ lục của UNCLOS quy định rằng trong trường hợp các thẩm phán trọng tài không được chỉ định bởi các bên tham gia phiên tòa hoặc theo thỏa thuận của các bên tham gia phiên tòa thì Chủ tịch ITLOS phải làm điều đó”, ông Yanai nói. “Tôi đã làm đúng theo quy định. Là chủ tịch của ITLOS, tôi đã không hành động như một đại diện của Nhật Bản. Tôi không đại diện cho Nhật Bản tại tất cả các phiên tòa. Điều đó là khá rõ ràng”.
Theo ông Yanai, Trung Quốc đã sai khi bỏ qua không chọn thẩm phán tại tòa. “Vì vậy, trong trường hợp này tôi phải làm công việc đó”, ông nói.
Ông Yanai cũng khẳng định thêm là việc tòa có nhiều thẩm phán là người châu Âu là điều bình thường vì “đây là một tòa án. Đây không phải là một tổ chức chính trị của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, đầu tiên phải xem xét khả năng pháp lý của các trọng tài”.
“Tất cả các thành viên của tòa là người rất am hiểu luật và là con người toàn vẹn. Trong cộng đồng quốc tế, phiên tòa này đã được nhiều phía công nhận rất tốt – ngoại trừ phía Trung Quốc”, ông Yanai nói thêm.
Theo Một Thế Giới
Các kịch bản phán quyết và hệ lụy với Việt Nam
Ngày 12-7-2016, Tòa án Trọng tài Thường Trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Carlyle A. Thayer ở Học viện Quốc phòng Australia, một chuyên gia rất nổi tiếng về các vấn đề khu vực đã nêu ra các kịch bản về quyết định của PCA trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc và nhận định về hệ lụy, cũng như phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của tòa.
Các kịch bản phán quyết
Trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế trong một tài liệu được phát hành bởi hãng tư vấn cá nhân Thayer Consultancy, Giáo sư Carlyle Thayer cho biết, ngày 29-10-2015, PCA đã quyết định là có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 vấn đề tranh chấp mà Philippines đệ trình và giờ đây, tòa đang quyết định liệu có thẩm quyền hay không đối với các tranh chấp khác qua việc xem xét các nội dung.
Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu Ba Bình được Tòa trọng tài tuyên là "đá"
Ông Thayer nhấn mạnh: Khi đưa ra quyết định như vậy vào năm ngoái, PCA đã nêu rõ là cả Philippines và Trung Quốc đều đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các hình thức bắt buộc giải quyết tranh chấp là một phần của UNCLOS 1982. Cả hai nước đã chấp nhận ràng buộc này khi tham gia Công ước. Đồng thời, PCA đã khẳng định là chính định chế này - chứ không phải Trung Quốc hay một bên nào khác - mới có quyền quyết định xem Tòa trọng tài có thẩm quyền hay không đối với các tranh chấp được đệ trình lên.
Ngoài ra, PCA cũng quyết định là tất cả các bên ký kết Công ước "không được tự do nhặt chọn những phần trong Công ước mà họ muốn chấp nhận hoặc bác bỏ".
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, Tòa trọng tài có thể ra phán quyết về 4 loại vấn đề: (1) quy chế pháp lý và quyền của các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng, chiểu theo UNCLOS 1982; (2) bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn; (3) việc ngăn cản trái phép các hoạt động của ngư dân, máy bay và tàu quân sự của Philippines; (4) quy chế pháp lý của "quyền lịch sử" cũng như bản đồ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc.
Nếu ra phán quyết về quy chế pháp lý của các thực thể tại Biển Đông, Tòa trọng tài sẽ tuyên bố là những thực thể nào thuộc loại nửa chìm nửa nổi, là đá, hay là đảo. Đây sẽ là phán quyết quan trọng nhất trong vụ kiện này.
Bởi theo UNCLOS 1982, những thực thể nửa chìm nửa nổi không được hưởng bất kỳ vùng lãnh hải hay không phận nào cả. Trong khi đó, đá và đảo có lãnh hải 12 hải lý và đảo thì có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Việc xác định này sẽ giúp làm rõ các lãnh hải của từng thực thể và có thể là một bước hướng tới việc giải quyết các đòi hỏi lãnh thổ chồng lấn.
Nếu PCA ra phán quyết là Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ, trách nhiệm của họ - chiểu theo UNCLOS 1982 liên quan đến việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển xung quanh Scarborough và Đá Vành Khăn, thì điều này có thể buộc Trung Quốc phải lùi bước, đồng thời tạo lý do, hậu thuẫn vững chắc cho các nước khác chỉ trích bất kỳ hành động xây dựng nào của Trung Quốc.
PCA có thể phán quyết rằng Trung Quốc đã ngăn cản trái pháp luật các ngư dân Philippines thực hiện quyền truyền thống đánh bắt hải sản trong vùng biển của nước này, đặc biệt là ở vùng Scarborough. Tòa cũng có thể phán quyết Trung Quốc đã ngăn chặn trái pháp luật việc qua lại của tàu bè và máy bay Philippines. Phán quyết này sẽ tạo cơ sở vững chắc cho Mỹ và các nước khác trong việc ủng hộ Philippines.
Cuối cùng, PCA có thể tuyên bố rằng bản đồ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Điều này liên quan đến việc xác định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử". Liệu đòi hỏi này còn có giá trị hay không sau khi Trung Quốc tham gia UNCLOS 1982?
Quan điểm của Việt Nam về vụ kiện Philippines - Trung Quốc
Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên nêu quan điểm chính thức về vụ kiện này.
Trong phát biểu ngày 26-4-2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định: "Là quốc gia ven biển có các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng ở Biển Đông, Việt Nam quan tâm và theo dõi sát tiến trình của vụ kiện này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế quản lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp lý của Việt Nam".
Ngày 5-12-2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đệ trình lên Tòa trọng tài một bản Tuyên bố về các quyền lợi hợp pháp của mình, với các nội dụng chủ yếu như sau:
"Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình.
Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.
Việt Nam mong rằng, Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.
Việt Nam đề nghị Tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia".
Việt Nam cũng được Tòa cho phép và đã cử đoàn quan sát viên đến theo dõi các phiên điều trần.
Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng, Việt Nam cũng theo dõi xem các thủ tục tố tụng này ảnh hưởng ra sao đến ổn định tại Biển Đông. Mọi đối đầu về chính trị - ngoại giao hoặc trên một lĩnh vực nào khác, sẽ có các tác động tiêu cực đối với môi trường an ninh trực tiếp của Việt Nam.
Lợi và bất lợi đối với Việt Nam
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, các cuộc điều trần tại Tòa cho thấy tất cả các nước, dù lớn hay bé đều có các quyền, chiểu theo luật pháp quốc tế. Nếu PCA giải quyết vấn đề mà Philippines đưa ra qua việc xác định quy chế hợp pháp của các thực thể - đảo, đá, thực thể nửa chìm nửa nổi - thì Việt Nam sẽ chịu áp lực là phải làm rõ quy chế pháp lý các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát. Nếu Việt Nam làm như vậy, thì có thể sẽ có những vùng biển chồng lấn với Philippines và Trung Quốc. Điều này sẽ tạo cơ sở cho việc phân định vùng biển với Philippines nhưng nó sẽ không được Trung Quốc thừa nhận.
Việt Nam sẽ có lợi nhất nếu Tòa tuyên "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và qua đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử", bởi không hề có tranh chấp đối với các đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và phán quyết của PCA sẽ xóa bỏ những vùng lãnh thổ chồng lấn mà Trung Quốc vẫn đòi hỏi.
Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn nếu như PCA tuyên bố Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa, bị Đài Loan chiếm đóng từ năm 1957) là đá. Không có các tranh chấp đối với những đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Việt Nam có thẩm quyền không thể tranh cãi đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Nếu là đá, Ba Bình sẽ có vùng biển xung quanh hạn chế (chỉ có lãnh hải 12 hải lý chứ không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) và điều này sẽ thu nhỏ vùng tranh chấp giữa Đài Loan và các bên yêu sách chủ quyền.
Theo Năng Lượng Mới
Trước giờ Tòa Trọng tài phán quyết: Lầu Năm góc công bố 4 giải pháp cho Biển Đông Trang web Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8.7 (giờ địa phương) khẳng định Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, sau khi Tòa Trọng tài thường trực công bố phán quyết. Ngày 3.3 tại Manila, sinh viên Philippines đốt mô hình tàu Trung Quốc...